Chuyện về "đại gia lừa đảo" xuyên lục địa: Tài sản cả trăm triệu đô, siêu xe chuyên cơ có đủ, cuối cùng bị FBI tóm gáy chỉ vì tật... khoe của
Ramon Abbas thể hiện mình là một doanh nhân thành đạt với cuộc sống xa hoa. Nhưng đằng sau vẻ hào nhoáng ấy lại là cả một đường dây lừa đảo chuyên nghiệp, chỉ bị triệt phá vì thói khoe mẽ của y trên các trang mạng xã hội.
Trên Instagram, Ramon Abbas thể hiện mình là một đại gia giàu có kinh khủng, với lối sống xa hoa bậc nhất. Từ chuyên cơ riêng, quần áo hàng hiệu cho đến những chiếc siêu xe, Abbas đều có đủ. Tài khoản có tên Ray Hushpuppi của y với 2,5 triệu người theo dõi thường xuyên đăng tải những hình ảnh thể hiện sự giàu sang.
Y tự nhận mình là một doanh nhân bất động sản thành đạt, sống trên một núi tiền, có trực thăng và nhà riêng ở Dubai. Tuy nhiên, cuộc sống hào nhoáng ấy thực chất lại đến từ những hành vi lừa đảo. FBI xác nhận, y đã trộm được hàng triệu dollar từ rất nhiều công ty lớn ở cả Hoa Kỳ lẫn châu Âu. Và rốt cục, thói quen "sống ảo" của y đã phản chủ, khiến FBI lần vết thành công và tóm được gã tại UAE (Các tiểu vương quốc Arab thống nhất).
Cuối tháng 6/2020, các điều tra viên của UAE ập vào căn hộ xa hoa của Abbas ở Dubai, tóm cổ y và giao cho nhân viên của FBI. Sắp tới đây, y sẽ được chuyển tới Los Angeles và nhiều khả năng phải đối mặt với cáo buộc âm mưu rửa tiền với con số lên tới hàng trăm triệu đô, thông qua các hoạt động lừa đảo công nghệ.
Ramon Abbas - đại gia lừa đảo xuyên lục địa
Thu giữ 41 triệu đô cùng hàng chục siêu xe
Theo bản báo cáo của FBI, gã đàn ông có quốc tịch Nigeria này sống trong một căn hộ sang trọng ở Dubai, và là trùm của một mạng lưới lừa đảo qua internet có quy mô toàn cầu. Hệ thống sử dụng rất nhiều mánh khóe, từ việc xâm nhập máy tính, giả mạo email kinh doanh và rửa tiền, qua đó trộm được hàng trăm triệu đô từ nhiều công ty lớn trên thế giới.
Abbas bị bắt cùng 11 đồng phạm khác. Các điều tra viên thu giữ 41 triệu USD (hơn 943 tỉ đồng tiền Việt), 13 chiếc xe hạng sang trị giá 6,8 triệu đô (khoảng 156 tỉ đồng), điện thoại kèm các bằng chứng trong máy tính. Quá trình điều tra cho thấy xuất hiện địa chỉ email của 2 triệu nạn nhân tiềm năng.
"Vụ án này nhắm vào một mắt xích quan trọng trong đường dây lừa đảo xuyên quốc gia. Nghi phạm có thể có cuộc sống thoải mái ở một đất nước khác, nơi cho y cảm giác an toàn để tiến hành trộm tiền khắp thế giới," - Nick Hanna, công tố viên tại Mỹ cho biết.
Luật sư của Abbas - Gal Pissetzky từ chối tiết lộ chi tiết việc làm thế nào thân chủ của mình kiếm được tiền. Tuy nhiên ông cho biết, công việc của Abbas "sẽ là điểm tranh cãi chính trong vụ việc."
Sa lưới vì thói sống ảo
Abbas chẳng ngại ngần cho cả thiên hạ thấy mình giàu có đến mức nào. Trên ứng dụng Snapchat, y thậm chí còn tự nhận mình là "Tỷ phú bậc thầy về Gucci." Đối với y, việc một ngày ăn sáng ở Monaco, chiều đi massage mặt ở Paris, rồi tối thưởng thức một chai champagne từ Gucci là chuyện quá bình thường.
Trên Instagram cá nhân, có rất nhiều ảnh chụp Abbas với các mẫu xe xịn, từ Bentley, Ferrari, Mercedes cho đến Rolls Royce... Mà nói "sống ảo" thì hơi quá, bởi tất cả đều là của y thật. Ngoài ra còn một số hình ảnh khác cho thấy y quen biết với sao thể thao quốc tế, và rất nhiều người nổi tiếng nữa.
Trong bản báo cáo điều tra, FBI cho biết chính những tấm hình trên mạng ảo đã cho họ cả một kho báu thông tin để xác nhận được danh tính của y. Chẳng hạn như địa chỉ email và số điện thoại y dùng để bảo mật chẳng hạn. FBI có được thông tin đó, rồi lần ra được những phiên giao dịch tiền với những người họ cho là đồng phạm của y.
"Địa chỉ ấy có liên hệ với nhiều email khác, cùng những lần chuyển khoản với số tiền rất lớn," - trích trong biên bản điều tra.
Các bản lưu trên Snapchat và tài khoản Apple của y cũng mang đến những thông tin giúp điều tra viên xác nhận danh tính, địa chỉ, cùng các nghi phạm khác. Thậm chí những tấm hình y chụp vào tiệc sinh nhật cũng cho thấy nhiều thông tin có giá trị. Chẳng hạn như tấm ảnh chụp chiếc bánh có logo Fendi (một thương hiệu nổi tiếng) giúp họ xác nhận sinh nhật y trên đơn đăng ký thị thực trước đó.
Lừa đảo xuyên lục địa
Những hành vi lừa đảo qua mạng của Abbas có thể khiến nhiều người không tin nổi vì quy mô của nó. Ví dụ một vụ án trong biên bản điều tra, Abbas đã lừa một công ty luật chuyển 923.000 USD vào tài khoản của y và đồng phạm, với mục đích được nêu ra là "tái cấp vốn".
Những phi vụ lừa đảo trên mạng của Abbas liên quan đến số tiền lớn không tưởng. Theo tài liệu điều tra, Abbas đã lừa trợ lý luật sư tại một hãng luật ở New York chuyển 923.000 USD vào tài khoản ngân hàng do anh ta và đồng phạm nắm giữ. Nạn nhân có nhận được một email chuyển tiền từ ngân hàng, nhưng sau đó được xác nhận là địa chỉ giả mạo.
Abbas đã gửi cho đồng phạm giấu mặt những bản xác nhận chuyển tiền. Cả hai đã tiến hành rửa tiền khoảng 14,7 triệu đô từ một tổ chức tài chính nước ngoài vào năm 2019.
Bản báo cáo điều tra tiết lộ, mỗi phi vụ Abbas và đồng phạm sẽ sử dụng tài khoản khác nhau. Khi là ngân hàng tại Romania, lúc thì tài khoản ở Dubai để lấy tiền của các nạn nhân tại Mỹ. Có thông tin cho rằng y còn tìm cách lừa khoảng 124 triệu đô của một câu lạc bộ bóng đá ở giải Ngoại hạng Anh, nhưng chưa rõ phi vụ có thành công hay không.
Theo Hanna, mánh khóe lừa đảo bằng email doanh nghiệp trên thực tế là các vụ rất khó xác định, bởi nó thường liên quan đến những tên rất chuyên nghiệp, nằm rải rác khắp thế giới với kinh nghiệm và hiểu biết rộng về các hệ thống bảo mật máy tính quốc tế. Riêng trong năm 2019, FBI ghi nhận ít nhất 1,7 tỉ USD đã bị mất cắp, trong đó nạn nhân là cả cá nhân lẫn các công ty lớn.
Quay lại trường hợp của Abbas, nếu bị buộc tội rửa tiền, y sẽ phải đối mặt với bản án lên tới 20 năm tù giam.
Nguồn: CNN
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"