Chuyên viên Samsung nghi ngờ "dao cạo râu laser không cần rửa" là trò lừa đảo

    PnM,  

    Theo lời chuyên gia, trong thực tế, nếu chúng ta dùng dao cạo râu bằng laser trên bất kỳ phần nào của da mặt thì sau đó trên mặt bạn sẽ vẫn còn lông, hơn nữa lại còn bị bỏng.

    Dao cạo râu laser Skarp – thoạt nghe thì rất thú vị, nhưng đồng thời cũng gây ra nhiều tranh cãi và nghi vấn. Tại thời điểm 01 tháng 10 năm 2015, tức là còn 17 ngày nữa thì chiến dịch gây quỹ sẽ kết thúc, dự án đã thu hút được11400 người góp vốn với số tiền hơn 2,2 triệu USD, vượt quá xa so với con số 160.000 USD dự kiến ban đầu. Vậy ý kiến của các nhà chuyên môn về dự án này như thế nào?

     Oleg Artamonov trong một buổi phỏng vấn với iXBT tháng 7 năm 2014

    Oleg Artamonov trong một buổi phỏng vấn với iXBT tháng 7 năm 2014

    Oleg Artamonov, chuyên gia kỹ thuật kỳ cựu của Samsung, đồng thời là một chuyên gia về các chiến dịch gây quỹ. Ông nói: "Tôi nghi ngờ rằng dự án dao cạo laser chỉ là một trò lừa đảo.".

    Nguyên tắc hoạt động của chiếc dao cạo là điều đáng ngờ nhất. Nếu so với các công nghệ tẩy lông bằng laser hiện nay thì Skarp có gì đó không đúng. Các thiết bị tẩy lông dựa vào thực tế rằng: sắc tố melanin có trong lông, tóc (có tác dụng tạo màu) hấp thụ ánh sáng với bước sóng 700-800 nm (gần dải hồng ngoại) tốt hơn nhiều so với da. Do đó, chúng được đặt mức công suất phù hợp sao cho đốt nóng được các nang lông và phá hủy chúng, đồng thời không làm da xung quanh bị quá nóng.

    Việc tẩy lông bằng laser cũng đi kèm chống chỉ định, cả khách hàng lẫn người thực hiện tẩy lông cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn. Tuy nhiên các tác giả của Skarp lại không hề đề cập tới những quy định này, và cũng chẳng nói gì tới chống chỉ định của chùm tia laser họ sử dụng trong dao cạo. Theo Artamonov, tác động mạnh như vậy sẽ gây ra bỏng da và những hậu quả khó lường khác, bao gồm cả mất thị lực. Chuyên gia đặc biệt lưu ý: "Tẩy lông bằng laser không phải là cắt bỏ mà là ngăn chặn sự tăng trưởng của chúng. Để có thể đốt cháy lông, các tia laser cần phải có công suất vài trăm miliwatt, khoảng gấp đôi so với con trỏ laser vẫn được dùng trong trình chiếu và giảng dạy."

     Clip mô tả nguyên tắc hoạt động của dao cạo laser Skarp

    Clip mô tả nguyên tắc hoạt động của dao cạo laser Skarp

    Ngoài ra, dao cạo thông thường chỉ có thể phát huy hiệu quả dưới một góc cạo nhất định. Còn dao cạo sử dụng chùm tia laser sẽ không tạo ra được góc cạo như thế. Artamonov cho biết: "Tia laser sẽ cắt bất cứ thứ gì mà nó quét qua. Vì vậy, trong thực tế, nếu chúng ta cạo râu bằng laser trên bất kỳ phần nào của da mặt thì sau đó trên mặt bạn sẽ vẫn còn lông, hơn nữa lại còn bị bỏng."

    Chuyên gia cũng muốn mọi người chú ý rằng, chùm ánh sáng dùng để phá hủy các sắc tố melanin có bước sóng nằm ở đầu dãy hồng ngoại. Tuy nhiên, trong đoạn video thì ánh sáng phát ra dường như giống với ánh sáng của một con trỏ laser.

    Artamonov kết luận: "Có thể nói với một sự tự tin rất cao rằng, dao cạo bằng laser về mặt kỹ thuật là không thể."

    Thế nhưng các chuyên gia vẫn cho Skarp một cơ hội khi giả định: trong các bức ảnh và video là một nguyên mẫu đẹp đẽ, còn thiết bị thực tế sẽ được các kỹ sư hoàn thiện sau khi gây được đủ số vốn cần thiết.

     

    Đoạn clip quay hoạt động thực tế của dao cạo laser

    Mới đây lại xuất hiện đoạn video được cho là quay mẫu thử nghiệm dao cạo bằng laser có chất lượng thấp, không cho phép xem xét các chi tiết, và hiệu quả cạo thì vô cùng thấp - trong hai phút chỉ cắt được có năm sợi lông. Theo lời giải thích của tác giả thì sợi dây mỏng ở phần cuối của dao cạo là một dạng sợi quang học có tác dụng dẫn truyền chùm tia laser. Tuy nhiên như chúng ta đã biết, ánh sáng truyền trong sợi quang học đi vào từ 1 đầu và chỉ đi ra từ đầu còn lại (truyền dọc) chứ không truyền theo phương ngang.

     Tia sáng chỉ truyền từ đầu này tới đầu kia của sợi quang học chứ không truyền ra xung quanh

    Tia sáng chỉ truyền từ đầu này tới đầu kia của sợi quang học chứ không truyền ra xung quanh

    Các chuyên gia nghi ngờ: Rất có thể ở cuối dao cạo là một dây chrome thông thường, bị đốt nóng đỏ. Vì vậy nên người trong clip luôn cố gắng không để lưỡi dao chạm vào da mình. Và clip được quay thông qua một kính lọc màu xanh lá cây – kính lọc này sẽ hấp thụ ánh sáng màu đỏ, khiến chúng ta không thấy dây chrome bên trong. Trên các bức hình ta thấy ánh sáng màu đỏ rất đẹp, nhưng có lẽ đó chỉ là sản phẩm đồ họa 3D, hoặc một nguyên mẫu với bóng đèn LED màu đỏ bên trong.

     Hình ảnh đẹp đến từng cen-ti-met này rất có thể chỉ là ảnh dựng

    Hình ảnh đẹp đến từng cen-ti-met này rất có thể chỉ là ảnh dựng

    Artamonov nhắc nhở những người đang có ý định đầu tư rằng: về mặt lý thuyết có thể chứng minh chiến dịch gây quỹ là lừa đảo để lấy lại tiền. Tuy nhiên, trên thực tế lại cực kỳ khó khăn, mặc dù đã từng có tiền lệ. Mới đây tòa án tiểu bang Washington đã kết tội gian lận đối với tác giả bộ trò chơi thẻ bài Asylum Playing. Sau khi nhận được tiền, tác giả của chiến dịch lại không phát hành sản phẩm như đã hứa, và từ giữa năm 2013 thì hoàn toàn ngừng trả lời thư từ các nhà đầu tư.

    Tòa tuyên án bị cáo phải trả lại cho những người đã góp quỹ số tiền hơn 50.000 USD, trong khi số tiền dự án lừa đảo được chưa tới 25.000 USD.

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày