CNN: Năm 2022 kéo Thung lũng Silicon 'chạm đất'
Lạm phát biến ngành công nghệ trở thành 'kẻ thua cuộc' nhiều tháng trồi sụt, trong bối cảnh lãi suất và lo ngại suy thoái kinh tế đè nặng lên chi tiêu người tiêu dùng và giới quảng cáo.
- 2022 - 'Mùa đông tiền số' lạnh lẽo bậc nhất lịch sử: Giá Bitcoin rơi 60%, hàng chục công ty phá sản chỉ trong vài tháng
- Đây là 9 khám phá đáng kinh ngạc nhất tại Nam Cực vào năm 2022
- Những công nghệ đã bị khai tử trong năm 2022
- 5 trong số những câu chuyện kỳ lạ nhất được công bố trong năm 2022
- Video hé lộ sân khấu Gala Car Choice Awards 2022: Hiệu ứng 360, hứa hẹn ‘bùng nổ' với show xe và âm nhạc
Vào ngày giao dịch đầu tiên của năm 2022, Apple đạt dấu mốc quan trọng mới cho toàn ngành công nghệ: công ty đầu tiên đạt vốn hóa thị trường 3 nghìn tỷ USD, theo sau bởi Microsoft và công ty mẹ Google. Ngay sau khi thông tin được tiết lộ, nhiều người bắt đầu đồn đoán rằng liệu Apple và các đối thủ sẽ mất bao lâu để cán mốc 5 nghìn tỷ USD, theo CNN.
Ngành công nghệ vốn đã được hưởng nhiều lợi ích. Sự lan rộng của biến thể Omicron cho thấy nhu cầu bất biến đối với hàng hóa và dịch vụ kỹ thuật số - thứ được cho là động lực thúc đẩy rất nhiều các công ty công nghệ. Lãi suất gần 0% đồng nghĩa với việc các startup có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn mới để thực hiện nhiều dự án mạo hiểm đầy rủi ro.
Tuy nhiên, trong năm 2022, một “cơn bão hoàn hảo” đã đổ bộ sang lĩnh vực công nghệ vốn đang tăng trưởng phi mã. Lạm phát biến đây trở thành một trong những kẻ thua cuộc lớn nhất sau nhiều tháng trồi sụt, trong bối cảnh lãi suất và lo ngại suy thoái kinh tế đè nặng lên chi tiêu người tiêu dùng và giới quảng cáo.
Kết quả, ngành công nghệ “tắm máu”. Cổ phiếu lao dốc, trong khi hàng chục nghìn nhân viên mất sinh kế trước làn sóng sa thải hàng loạt, ngay cả với những gã khổng lồ công nghệ như Amazon hay Meta. Ngành công nghiệp vốn được biết đến với xu hướng đốt tiền vào những dự án tham vọng vội đóng băng dự án, đồng thời chuyển sang chế độ thắt lưng buộc bụng.
Ngay cả danh hiệu người giàu nhất thế giới, trước đây thuộc về CEO Tesla Elon Musk, cũng lung lay trong phút giây bởi Bernard Arnault, Chủ tịch tập đoàn hàng xa xỉ khổng lồ của Pháp LVMH. Thương vụ mua lại Twitter hỗn loạn của Musk đã khiến các nhà đầu tư rót vốn vào công ty xe hơi Tesla cảm thấy khó chịu.
Trong nhiều năm, Thung lũng Silicon vẫn coi CEO là người có tầm nhìn xa trông rộng. Giờ đây, ngay cả những nhà sáng lập nổi tiếng nhất cũng phải thừa nhận một sự thật phũ phàng, rằng họ đã không thể lường trước những gì sẽ xảy ra trong 2 năm. Trước đó, CEO Facebook Mark Zuckerberg cũng viết trong một bức thư gửi nhân viên kèm lời bộc bạch: “Thật không may, điều này đã không diễn ra theo cách tôi mong đợi.”
Đáng buồn, Mark Zuckerberg không phải là người duy nhất trong ngành mất cảnh giác.
Khi đại dịch bắt đầu bùng phát và tác động lên toàn bộ nền kinh tế đầu năm 2020, các công ty công nghệ nhanh chóng được hưởng lợi nhờ nhu cầu trực tuyến. Facebook tăng gần gấp đôi số lượng nhân viên, đồng thời đặt cược hàng tỷ USD vào phiên bản tương lai của Internet. Trong khi đó, Amazon thúc đẩy 50% số lượng các trung tâm xử lý đơn vận để đáp ứng nhu cầu mua sắm online.
“Khi bắt đầu đại dịch, thế giới chuyển sang hình thức trực tuyến. Sự bùng nổ của thương mại điện tử đã giúp doanh thu tăng trưởng vượt bậc,” Zuckerberg viết trong bản ghi nhớ gửi nhân viên vào tháng trước. “Nhiều người dự đoán đây sẽ là thời kỳ tăng trưởng vĩnh viễn, ngay cả sau khi đại dịch kết thúc. Tôi cũng nghĩ vậy, do đó, đã đẩy mạnh đáng kể các khoản đầu tư”.
“Mọi người không giỏi dự đoán tương lai. Thực tế đại dịch là một sự kiện thiên nga đen và không ai trong chúng tôi biết điều gì sẽ xảy ra trong tương lai”, Angela Lee, giáo sư trường Kinh doanh Columbia, nhận định.
Sau khi thị trường chuyển mình, các nhà lãnh đạo công nghệ, sau nhiều năm cố gắng làm dày danh mục tuyển dụng, bắt đầu có xu hướng chia sẻ thông điệp đáng buồn: Xin lỗi, chúng tôi đã phát triển quá nhanh.
Mark Zuckerberg là một trong những người sớm gia nhập nhóm các “CEO hối cải” sau khi Meta thông báo cắt giảm 11.000 người, tương đương 13% tổng số nhân sự. “Tôi muốn chịu trách nhiệm cho những quyết định này và cho tình huống mà chúng ta đang gặp phải. Tôi biết đây là việc khó khăn với tất cả mọi người và tôi đặc biệt xin lỗi về những ảnh hưởng đó”, Mark viết trong bức tâm thư gửi 87.000 nhân viên.
Cách đó ít lâu, Jack Dorsey, đồng sáng lập Twitter cũng có vài tâm sự sau khi chủ sở hữu mới của nền tảng truyền thông xã hội, Elon Musk, cắt giảm 50% nhân viên. “Tôi đã phát triển quy mô công ty quá nhanh. Tôi xin lỗi vì điều đó”, ông Dorsey nói.
Sam Bankman-Fried, người sáng lập công ty giao dịch tiền điện tử Alameda Research và sàn giao dịch tiền điện tử FTX, cũng ngậm ngùi nói câu xin lỗi sau tất cả những gì đã xảy ra.
“Tôi xin lỗi vì đã không thể làm tốt hơn. Tôi sẽ cố gắng làm tất cả những gì có thể để bảo vệ tài sản và khoản đầu tư của khách hàng”, Bankman-Fried viết trong một bức thư gửi các nhà đầu tư. “Tôi ước mình có thể cho các bạn thêm thông tin chi tiết ngay bây giờ”.
Câu cửa miệng “xin lỗi” cứ vậy lặp đi lặp lại trong các công ty công nghệ, trong bối cảnh khủng hoảng cắt giảm nhân sự vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
“Chúng tôi đã quá lạc quan về sự tăng trưởng ngắn hạn của nền kinh tế Internet, đồng thời đánh giá thấp tác động của đà suy thoái rộng lớn”, Patrick Collison, Giám đốc điều hành của Stripe, đã viết trong một lưu ý gửi nhân viên vào tháng trước.
Theo các chuyên gia, lĩnh vực công nghệ đặc biệt chịu tác động từ quyết định tăng lãi suất của FED, tức nhạy cảm hơn hẳn so với các lĩnh vực khác. Nguyên nhân là bởi nhiều công ty công nghệ chủ yếu dựa vào khả năng tiếp cận nguồn vốn để theo đuổi các dự án đầy tham vọng trước cả khi thu về lợi nhuận.
Như một động thái nhằm hạn chế đà tăng lạm phát, FED trong năm qua đã thông qua 7 đợt tăng lãi suất liên tiếp. Kể từ đầu năm, chỉ số Nasdaq nặng về công nghệ đã giảm hơn 30% tính đến ngày 21/12 trong khi hồi năm ngoái ghi nhận mức tăng trưởng hơn 40%. Chỉ số S&P 500 cũng mất hơn 28% giá trị, theo CNN.
Giá trị vốn hóa thị trường Apple hiện dao động trên 2 nghìn tỷ USD. Cổ phiếu Amazon sụt giảm khoảng 50% từ đầu năm đến nay, trong khi Meta “bốc hơi” gần 2/3 giá trị. Từng là tập đoàn trị giá nghìn tỷ USD vào năm ngoái, giờ đây, “con cưng” của Mark Zuckerberg chỉ còn được xếp ngang các công ty có quy mô như Home Depot.
“Tôi coi những gì xảy ra ở giai đoạn cuối năm là một “sự thức tỉnh” của ngành công nghệ sau những gì đã trải qua trong suốt năm 2022”, Giáo sư Lee, nhà sáng lập mạng lưới đầu tư 37 Angels, nói.
Theo: CNN, WSJ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?