Có đến 2 tỷ điện thoại trên toàn cầu không thể sử dụng công nghệ ngăn ngừa phát tán corona của Apple và Google

    Nguyễn Hải,  

    Hệ thống mà Apple và Google xây dựng được dựa trên những công nghệ không có mặt trên các điện thoại cũ hoặc điện thoại cơ bản.

    Cho dù Apple và Google, hai công ty nắm giữ 2 nền tảng smartphone lớn nhất thế giới hiện nay, đã hợp sức tạo nên một hệ thống theo dấu tiếp xúc, nhằm phát hiện ra người dùng đã từng tiếp xúc người dương tính với virus corona hay không, hàng tỷ người trên thế giới này có thể không được sử dụng công nghệ đó.

    Theo các nhà nghiên cứu của báo cáo, con số này bao gồm những người nghèo và người già – lại là những người có nguy cơ nhiễm virus corona cao nhất. Điều này cho thấy "sự chia rẽ kỹ thuật số" trong một hệ thống được thiết kế để tiếp cận tới nhiều người nhất có thể, đồng thời vẫn đảm bảo quyền riêng tư của mỗi người.

    Có đến 2 tỷ điện thoại trên toàn cầu không thể sử dụng công nghệ ngăn ngừa phát tán corona của Apple và Google - Ảnh 1.

    Số lượng các smartphone cũ hoặc điện thoại cơ bản đang được sử dụng trên thế giới không hề nhỏ.

    Hiện tại các iPhone của Apple và các thiết bị Android của Google hiện đang được khoảng 3,5 tỷ người sử dụng trên thế giới hàng ngày. Điều này mang lại một mạng lưới khổng lồ nhằm theo dấu tiếp xúc với những người bệnh.

    Tuy nhiên, giải pháp của họ dựa vào các chip không dây và phần mềm đặc biệt, vốn không xuất hiện trên hàng trăm triệu smartphone ra mắt từ 5 năm trước và hiện giờ vẫn đang được sử dụng mỗi ngày.

    "Hạn chế của công nghệ nền tảng bên dưới là do một thực tế rằng vẫn có nhiều điện thoại đang sử dụng không có công nghệ Bluetooth cần thiết hay hệ điều hành mới nhất." Ben Wood, nhà phân tích tại CCS Insight cho biết. "Nếu bạn ở trong khu vực bất lợi và chỉ có chiếc điện thoại cũ hoặc điện thoại cơ bản, bạn sẽ không được hưởng các lợi thế mà ứng dụng này có thể mang lại."

    Các cơ quan y tế công cộng đang được yêu cầu tích hợp với công nghệ của các công ty tại Thung lũng Silicon này vào ứng dụng riêng của họ, nhằm thông báo cho mọi người nếu họ đã tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh đồng thời nhắc họ tự cách ly ở nhà. Càng nhiều người sử dụng ứng dụng này, hệ thống sẽ càng thành công hơn.

    Có đến 2 tỷ điện thoại trên toàn cầu không thể sử dụng công nghệ ngăn ngừa phát tán corona của Apple và Google - Ảnh 2.

    Công nghệ này sử dụng các chip Bluetooth năng lượng thấp để nhận ra mức độ lân cận của các thiết bị xung quanh mà không làm tiêu tốn quá nhiều dung lượng pin. Tuy nhiên, theo hãng Counterpoint Research, loại chip này không có mặt trong khoảng ¼ số smartphone đang được sử dụng mỗi ngày trên toàn cầu. Khoảng 1,5 tỷ người khác vẫn đang sử dụng các điện thoại cơ bản, hoàn toàn không chạy iOS hay Android nào.

    "Tổng cộng có khoảng 2 tỷ người (người dùng di động) sẽ không được hưởng lợi từ sáng kiến toàn cầu này." Neil Shah, nhà phân tích Counterpoint cho biết. "Và phần lớn người dùng này với các thiết bị không tương thích lại đến từ khu vực thu nhập thấp hoặc từ những người cao tuổi, những người dễ bị virus tấn công nhất."

    Trong khi smartphone đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới, nhưng các yếu tố tương thích về phần mềm và phần cứng có thể khiến sự hiệu quả trong giải pháp công nghệ theo dấu tiếp xúc này rất khác nhau đối với mỗi khu vực, mỗi quốc gia.

    Ước tính của Counterpoint Research cho thấy, tại các thị trường phát triển như Mỹ, Anh và Nhật Bản, khoảng 88% thiết bị tương thích với công nghệ của Apple và Google, trong khi đó chỉ có khoảng ½ số người dùng Ấn Độ có được thiết bị cần thiết.

    Tham khảo ArsTechnica


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày