[Infographic] Công nghệ Bluetooth đang được sử dụng để xác định nguy cơ lây nhiễm COVID-19 của bạn như thế nào?
Khác với theo dấu tiếp xúc bằng GPS, Bluetooth có thể đảm bảo cả độ chính xác, tính ẩn danh và phi tập trung của dữ liệu.
Theo dấu tiếp xúc, hay việc tìm ra tất cả những người đã tiếp xúc với bệnh nhân dương tính COVID-19, đang là một công cụ kiểm soát dịch bệnh hết sức hiệu quả.
Từng được quân đội Mỹ phát triển cách đây 100 năm, để quản lý bệnh truyền nhiễm lây qua đường tình dục trong binh lính, theo dấu tiếp xúc sau đó cũng đã giúp con người chiến thắng rất nhiều dịch bệnh, bao gồm viêm màng não, bại liệt, HIV và Ebola.
Bây giờ, một công nghệ di động "lão thành" khác, đã có tuổi đời trên 30 năm được hi vọng có thể giúp chúng ta theo dấu tiếp xúc hiệu quả hơn trước nguy cơ phải chung sống lâu dài với đại dịch COVID-19.
Đó chính là Bluetooth, tiêu chuẩn không dây đang giúp bạn phát nhạc từ điện thoại sang loa xe hơi, hoặc kết nối điện thoại thông minh của mình với tai nghe không dây. Bluetooth hiện đang được thử nghiệm với hi vọng sẽ trở thành tương lai của theo dấu tiếp xúc trong thời đại số.
Theo dấu tiếp xúc trong thời đại số đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, bởi hầu hết mọi người bây giờ đều mang theo các thiết bị có thể định vị vị trí. Kể từ khi virus corona tấn công Trung Quốc, hơn một tỷ người nước này đã tải xuống một ứng dụng di động thông minh được tạo ra bởi gã khổng lồ công nghệ Alibaba và Tencent để theo dõi sự lây nhiễm virus.
Ứng dụng chia sẻ vị trí GPS và dữ liệu cá nhân của người dùng di động với cảnh sát, để giúp họ xác định nguy cơ lây nhiễm COVID-19 của mọi người, dựa trên những nơi mà họ tới và những người mà họ gặp.
Sau đó, mỗi người sẽ được gắn các mã màu, màu đỏ là có nguy cơ cao, màu xanh là có nguy cơ thấp. Mỗi khi tới các địa điểm công cộng như cửa hàng tạp hóa, họ phải chìa điện thoại ra cho người thu ngân thấy mã màu của mình.
Một chiến lược tương tự đang được sử dụng bởi các công ty viễn thông của Israel. Cơ quan an ninh quốc gia của họ cũng muốn thu thập vị trí của người dân dựa trên dữ liệu GPS để theo dấu tiếp xúc các ca nhiễm COVID-19 trong đại dịch.
Nhưng ở phương Tây, những lo ngại về quyền riêng tư và sự lạm dụng dữ liệu của chính phủ đã chuyển các nhà công nghệ sang một công nghệ cũ hơn: Bluetooth. Không giống như những nỗ lực thu thập dữ liệu GPS của chính phủ như Trung Quốc cũng như Hàn Quốc, Bluetooth đảm bảo được tính ẩn danh và phi tập trung.
Điện thoại thông minh của tất cả mọi người đều có thể tạo tín hiệu Bluetooth trong phạm vi ngắn, được chuyển thành một chuỗi số ngẫu nhiên. Những con số này, chứ không phải tên hoặc địa chỉ hay địa điểm của một người đang đứng, có thể được sử dụng để xác định nguy cơ lây nhiễm.
Cho nên nếu bạn vẫn đang bật Bluetooth trên điện thoại của mình tại một nước phương Tây, rất có thể vào một ngày nào đó trong tháng 5, bạn sẽ nhận được một tin nhắn cảnh báo từ cơ quan y tế địa phương, nói rằng bạn đã tiếp xúc với người đã dương tính với COVID-19.
Singapore đã trở thành quốc gia đầu tiên sử dụng Bluetooth để theo dấu tiếp xúc trong đại dịch COVID-19, với ứng dụng có tên là Trace Together. Nhiều tổ chức học thuật và cơ quan y tế trên toàn cầu cũng đang nỗ lực hoàn thiện các công nghệ và ứng dụng theo dấu tiếp xúc kỹ thuật số dựa trên Bluetooth.
Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford và Đại học Waterloo đang làm việc trên một ứng dụng có tên là Covid Watch. Tại MIT, các nhà nghiên cứu đã tạo ra nền tảng Safe Path, sử dụng kết hợp giữa công nghệ GPS và Bluetooth.
Tại Châu Âu, một nỗ lực do Đức dẫn đầu được gọi là nền tảng công nghệ theo dõi bảo mật quyền riêng tư Pan-European, hay PEPP-PT, đang muốn tạo ra một giao diện lập trình ứng dụng (API) cho tất cả 27 quốc gia thành viên EU. Tại Anh, NHSX, đơn vị kỹ thuật số của cơ quan y tế quốc gia, cũng đang thử nghiệm ứng dụng theo dấu tiếp xúc của riêng mình.
Hầu hết các ứng dụng theo dấu kỹ thuật số sẽ hoạt động như thế này:
Điện thoại của bạn sẽ tạo một dãy số tiếp xúc tạm thời, được gọi là TCN. Nếu hai người dùng có số theo dõi tiếp xúc được tải xuống gần nhau (trong phạm vi 2 mét), và kéo dài nó trong một khoảng thời gian nhất định, hai chiếc điện thoại của họ sẽ liên tục chia sẻ các mã TCN của mình với nhau.
Nếu một trong những người dùng có xét nghiệm dương tính với COVID-19, họ sẽ nhập một mã đặc biệt do các quan chức y tế đưa vào ứng dụng. Sau đó, ứng dụng sẽ tải lên toàn bộ kho lịch sử mã TCN của người dương tính, để thông báo cho mọi người dùng khác đã từng trao đổi các mã TCN trước đây với họ, trong một khoảng thời gian xác định, có thể là 14 ngày.
Những người ủng hộ công nghệ theo dấu tiếp xúc sử dụng Bluetooth cho rằng nó vừa bảo mật lại vừa chính xác hơn so với sử dụng tọa độ GPS.
Về mặt lý thuyết, Bluetooth có thể xác định được một người mà bạn đã từng ngồi cạnh trong 1 tiếng đồng hồ, trên một chuyến tàu vào thứ Hai tuần trước, nếu người này sau đó xét nghiệm dương tính với COVID-19.
Trong khi đó, tín hiệu GPS có thể sẽ đánh đồng tất cả những người trên chuyến tàu đó là đã tiếp xúc với bệnh nhân dương tính, và tính toán nguy cơ của họ là như nhau.
"Với Bluetooth, độ gần có thể được xấp xỉ bằng cường độ tín hiệu bị giảm xuống bởi các vật cản như tường; do đó, nó phản ánh chính xác hơn sự tiếp xúc gần gũi trong những môi trường có nguy cơ cao như: bên trong các tòa nhà, phương tiện đi lại như máy bay và tàu điện ngầm", nhóm nghiên cứu tại Covid Watch viết.
Họ sẽ hợp tác với Google và Apple, những công ty đứng sau hai nền tảng di động lớn nhất thế giới, để lên kế hoạch phát hành API vào tháng tới, cho phép các ứng dụng dựa trên Bluetooth này có mặt trên cả nền tảng iOS và Android. Điều này cũng sẽ đảm bảo 2 người sử dụng các ứng dụng theo dấu tiếp xúc khác nhau vẫn có thể đồng bộ dữ liệu với nhau.
Mục tiêu cuối cùng, thứ mà cả hai gã khổng lồ công nghệ gọi là "Phase II", sẽ loại bỏ nhu cầu cần đến một ứng dụng. Thay vào đó, những người chọn tham gia sẽ có thể nhận thông báo tự động trên điện thoại của mình, với phần mềm được tích hợp vào ngay trong hệ điều hành.
Đây là một động thái có thể giúp triển khai theo dấu tiếp xúc một cách triệt để thông qua công nghệ Bluetooth có trên khoảng 3 tỷ thiết bị điện thoại di động hiện nay.
Mặc dù vậy, một số nhà nhà phê bình cho rằng Bluetooth là một công nghệ tương đối cũ và có nhiều thiếu sót. Nó cũng có thể mang lại kết quả dương tính giả hoặc dễ bị hack. Một rào cản khác đến từ quá trình triển khai. Ứng dụng này sẽ hữu ích tới đâu, nếu chỉ có một phần dân số cài đặt nó?
Theo nhà phát hành của Trace Together tại Singapore, hiện mới chỉ có 20% dân số nước này tải xuống và sử dụng Trace Together. Trong khi đó, tỷ lệ cần thiết để nó tạo ra được hiệu quả là 60%.
"Ngay cả một ứng dụng theo dấu kỹ thuật số tinh vi nhất cũng sẽ không giúp được gì nhiều nếu người dùng điện thoại thông minh không tải nó xuống. Nếu không được cài đặt rộng rãi, các ứng dụng không thể thu thập đủ dữ liệu, cho phép việc theo dấu tiếp xúc diễn ra hiệu quả", Giám đốc NIH, Tiến sĩ Francis Collins lưu ý trong một bài đăng trên blog.
Đó là lý do tại sao không có gì ngạc nhiên khi các nhà phát triển công nghệ đằng sau Safe Paths, Covid Watch và nền tảng PEPP-PT đều hoan nghênh sự tham gia của Google và Apple với kế hoạch sử dụng API của họ. Điều này có nghĩa là, hầu hết tất cả các thiết bị điện thoại thông minh trong tương lai sẽ được tự động được thiết lập chức năng theo dấu người dùng.
NHS cho biết họ có kế hoạch tích hợp API Google và Apple trong ứng dụng theo dấu tiếp xúc của mình ở Anh. Chris Boos từ dự án PEPP-PT nói với Reuters rằng điều này sẽ cho phép rút ngắn con đường phải đi cho đến cái đích cuối cùng. Trong khi đó, Giám đốc điều hành của Covid Watch, Tina White gọi sự tham gia của Google và Apple có ý nghĩa làm thay đổi cuộc chơi.
Sự cam kết của Google và Apple sẽ tạo nền tảng hợp pháp hóa hoạt động quản lý theo dấu tiếp xúc. Cả hai gã khổng lồ công nghệ đã đồng ý chỉ phát hành API của họ cho các cơ quan chính phủ và cơ quan y tế công cộng.
Chính quyền tiểu bang và địa phương sẽ làm việc với các nền tảng như Safe Paths, Covid Watch và Seattle, CoEpi để phát hành phiên bản ứng dụng trong khu vực của mình. Bằng cách đó, thị trường sẽ không thể bị bão hòa bởi các ứng dụng theo dấu tiếp xúc đến từ bên thứ ba.
Ramesh Raskar, phó giáo sư tại MIT Media Lab, người lãnh đạo nhóm phát triển Safe Path, hoan nghênh sự tham gia của Google và Apple. Nhưng ông cũng cảnh báo rằng việc theo dấu tiếp xúc chỉ là một phần nhỏ trong một tập hợp lớn hơn các giải pháp kỹ thuật số mà quan chức y tế công cộng cần xây dựng.
"Quan trọng là chúng ta cũng đừng kỳ vọng quá cao vào nó", Raskar viết trong một email gửi tới Quartz.
Ngoài việc theo dấu tiếp xúc, các nhà phát triển ứng dụng di động đang đi sâu vào nhiều mảng khác, ví dụ như xây dựng các ứng dụng xác minh được trạng thái khỏe mạnh của một người, và tạo chứng chỉ miễn dịch dành cho họ.
"Theo dấu tiếp xúc chỉ là một phần nhỏ trong các giải pháp y tế công cộng mà chúng ta cần xây dựng [để đối phó với đại dịch COVID-19 hiện nay và trong tương lai]", Raskar viết.
Tham khảo Qz
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4