Cô gái này được mệnh danh là Einstein mới

    Neo,  

    Nghiên cứu của cô có thể thay đổi những nguyên tắc cơ bản mà chúng ta đã biết.

    Một trong những điều mà những bộ óc thiên tài tại Viện công nghệ Massachusetts (MIT) phải làm, bên cạnh nghiên cứu bản chất của vũ trụ và chế tạo những thiết bị độc đáo, là cấp chứng nhận đủ điều kiện bay cho các may bay được phát triển tại Mỹ. Do vậy, rất bình thường khi Sabrina Pasterski bước vào văn phòng của viện vào một buổi sáng lạnh lẽo để xin chứng nhận cho chiếc máy bay một động cơ do chính cô phát triển. Tuy vậy, tất cả mọi người đều ngạc nhiên khi Pasterski chỉ mới 14 tuổi, đôi mắt mở to, đầu tóc bù xù và đã bay thử một mình. "Tôi không thể tin được", Peggy Udden, thư ký điều hành tại MIT, nhớ lại. "Cô ấy là con gái và lại còn quá trẻ".

    Ở thời điểm năm 2016, MIT không hiếm những tài năng nữ, gần một nửa sinh viên nghiên cứu tại MIT là phụ nữ. Nhưng có một cái gì đó ở Pasterski khiến Udden không chỉ giúp chiếc máy bay của cô được phê duyệt mà còn giúp cô nhận được sự chú ý của các giáo sư hàng đầu của MIT.

    Hiện giờ, sau tám năm, Pasterski đã 22 tuổi, cao lêu nghêu và đang là nghiên cứu sinh Tiến Sỹ tại Harvard và MIT. Cô chuẩn bị khiến cả giới vật lý học phải xôn xao. Pasterski đang khám phá một số trong vô vàn những vấn đề khó khăn và phức tạp nhất của vật lý học giống như cách mà Stephen Hawking và Albert Einstein đã bắt đầu sự nghiệp của họ. Cô nghiên cứu sâu về hố đen, bản chất của lực hấp dẫn và không-thời gian. Cô ưu tiên đặc biệt cho những nghiên cứu nhằm hiểu rõ hơn về "lực hấp dẫn lượng tử" nhằm giải thích hiện tượng trọng lực trong cơ học lượng tử. Những khám phá trong lĩnh vực đó có thể thay đổi những hiểu biết của chúng ta về sự vận hành của vũ trụ.

    Pasterski được NASA săn đón rất nồng nhiệt. Thậm chí, Jeff Bezos, sáng lập hãng Amazon và công ty phát triển thiết bị hàng không Blue Origin, đã hứa cho cô một vị trí bất cứ khi nào cô sẵn sàng.

    Tuy nhiên, nếu bạn không đam mê vật lý và ít theo dõi các tạp chí khoa học thì bạn sẽ không biết tới Pasterski. Cô thuộc thế hệ người Mỹ gốc Cuba đầu tiên. Cô sinh ra và lớn lên tại Chicago, không sở hữu smartphone, không sử dụng Facebook, instagram hay LinkedIn. Tuy nhiên, hiện tại cô thường xuyên cập nhật thông tin trên trang web PhysicsGirl.com do chính cô tạo ra. Trên trang web chẳng mấy kiểu cách này, cô đăng tải những thành tựu cũng như kỹ năng của mình. Trong số đó có một kỹ năng được cô miêu tả là "phát hiện điều sang trọng trong sự hỗn loạn".

    Pasterski nổi bật trong số sinh viên vật lý mới tốt nghiệp ngày càng gia tăng tại Mỹ. Trong năm 2013, số sinh viên vật lý mới tốt nghiệp tại Mỹ là 7.329 người, gấp đôi so với mức 3.178 người vào năm 1999. Cô cũng nhận được hàng trăm ngàn đô la học bổng từ Hertz Foundation, Smith Foundation và National Science Foundation.

    Mặc dù có bản lý lịch ấn tượng nhưng Pasterski vẫn bị các giáo sư ở MIT đưa vào danh sách chờ trong lần đầu nộp đơn xin vào học. Nhờ Udden, Giáo sư Allen Haggerty và Earll Murman đã được xem video màn trình diễn của chiếc máy bay do Pasterski chế tạo. "Chúng tôi đã há hốc mồm khi xem video", Haggerty nói. "Tiềm năng của cô ấy vượt ra ngoài các bảng xếp hạng". Sau đó, hai giáo sư đã nhận cô vào trường. Không phụ lòng các giáo sư, Pasterski đã tốt nghiệp với điểm trung bình là 5,00, mức điểm tối đa tại MIT.

     Pasterski bên động cơ của chiếc máy bay do cô chế tạo

    Pasterski bên động cơ của chiếc máy bay do cô chế tạo

    Pasterski là con duy nhất trong gia đình và cô có rất ít bạn thân cũng như chưa có bạn trai. Cô chia sẻ rằng chưa từng uống đồ uống có cồn hay hút thuốc lá. "Tôi muốn giữ tỉnh táo và kiểm soát được những gì nên làm và không nên làm", Pasterski chia sẻ qua email.

    Các nhà cố vấn tin rằng Pasterski sẽ trở thành một nhà vật lý nổi tiếng nhờ có nền tảng tốt. "Có một lý thuyết cho rằng người ta sẽ phát hiện ra một điều gì đó trong một thời điểm đặc biệt chứ không phải trong một khoảng thời gian dài tìm kiếm", cô nói.

    Mặc dù Bezos đã đưa ra hứa hẹn công việc với Pasterski nhưng bức tranh chung về tình trạng công việc của các sinh viên khoa học Mỹ vẫn rất ảm đạm. Theo khảo sát gần đây của Cục điều tra dân số Hoa Kỳ, chỉ 26% sinh viên khoa học Mỹ tìm thấy công việc trong các lĩnh vực mà họ đã chọn trong khi gần 30% sinh viên vật lý và hóa học đã tốt nghiệp đang trong tình trạng thất nghiệp.

    "Ngành vật lý rất thú vị", Pasterski chia sẻ. "Nó không giống một công việc văn phòng bình thường. Khi bạn mệt bạn đi ngủ nhưng khi bạn không ngủ là bạn đâm đầu vào nghiên cứu vật lý".

    Tham khảo Ozy

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ