Chúng ta làm chủ công nghệ, hay công nghệ mới chính là thứ đang làm chủ chúng ta.
Có phải Facebook đang khiến cho con người cô đơn hơn hay không? Còn việc tra Google khiến chúng ta ngu ngốc hơn? Văn hóa tự sướng thì khiến con người trở nên ích kỷ? Công nghệ rõ ràng đang thay đổi cuộc sống của chúng ta, không chỉ từ bên ngoài nhìn vào, mà tới cả những cảm xúc sâu sắc trong nội tâm.
Trong cuốn sách "Buồn chán, cô đơn, tức giận, ngu ngốc: Sự biến chuyển của cảm xúc dưới thời đại công nghệ, từ Telegraph tới Twitter", tác giả Susan K. Matt, một nhà sử học văn hóa tại Đại học Weber, Hoa Kỳ đã cố gắng trả lời những câu hỏi ấy.
Susan Matt đã khảo sát lại những bức thư, hồi ký và nhật ký của người Mỹ sống trong thế kỷ 19 và 20 để hiểu về cuộc sống nội tâm của họ.
Bà phát hiện rằng trong quá khứ, con người, mà cụ thể ở đây là người Mỹ không hề buồn chán. Họ chấp nhận sự cô đơn, coi đó là một phần cuộc sống, thậm chí còn tìm kiếm được những sáng tạo từ trạng thái cô độc một mình.
Nhưng con người trong thế kỷ 21 thì ngược lại, tính siêu kết nối của công nghệ, đặc biệt là mạng xã hội đã khiến chúng ta bất ngờ và sợ hãi sự cô đơn. Công nghệ cũng tạo ra những cảm xúc rất mới mà chỉ con người ở thời đại này mới có, ví dụ như áp lực phải đánh bóng bản thân trên mạng xã hội, thể hiện ra bên ngoài một "cái tôi của thời đại mới".
Khi mọi người đăng nhập vào mạng xã hội, họ tự động nghĩ rằng mình nên đi bộ ra một quảng trường online, ở đó, họ phải cho tất cả mọi người thấy những gì tốt đẹp nhất của mình. Vậy thì rốt cuộc, con người đang làm chủ công nghệ hay công nghệ đang điều khiển ngược lại chúng ta?
Dưới đây là bài phỏng vấn rất dài của Sean Illing, một phóng viên trang Vox, với Susan Matt về cuốn sách mới của bà.
Chúng tôi tin rằng từ bài phỏng vấn này, bạn đọc có thể tìm thấy cho mình một số ý tưởng thú vị, để giải thích cho những cảm xúc mà chỉ bạn mới có trong thời đại này, những gì mà ông bà chúng ta trước thế kỷ 21 không hề có được, và cả những gì ông bà chúng ta từng có nhưng thế hệ trẻ ngày nay đã đánh mất khi cắm đầu vào điện thoại:
Cuốn sách "Buồn chán, cô đơn, tức giận, ngu ngốc: Sự biến chuyển của cảm xúc dưới thời đại công nghệ, từ Telegraph tới Twitter", tác giả Susan K. Matt và Luke Fernandez
Sean Illing
Tôi muốn bắt đầu bằng câu hỏi về những người tham gia vào nghiên cứu của bà - cả những người bà mới phỏng vấn ở thời đại bây giờ, và những người viết hồi ký và nhật ký từ thế kỷ 18 và 19.
Liệu có phải chúng ta đang có một mặt cắt rộng trên mặt bằng dân số? Những người này có trở thành đại diện cho một tập hợp dân số rộng hơn? Hay đó là một tập nhân khẩu học hẹp hơn mà bà có ý định nhìn vào?
Susan J. Matt
Chắc chắn, chúng tôi hướng đến việc cố gắng tập hợp một mẫu nghiên cứu rộng nhất có thể những cá nhân trong thế kỷ 19 và 20, cũng như các trạng thái cảm xúc của họ. Nhưng tất nhiên, những người đã viết và để lại nhật ký hoặc hồi ký có phần phụ thuộc vào tầng lớp xã hội và khả năng đọc viết của họ.
Nhưng chúng tôi đã cố gắng vượt qua điều đó, ví dụ như chúng tôi đọc hồi ký của những người nô lệ, khi họ nói về sự cô đơn bên cạnh rất nhiều vấn đề khác mà người nô lệ phải đối mặt trong xã hội nô lệ. Chúng tôi đã tiếp cận tới những người công nhân làm việc trong nhà máy khi họ cảm thấy buồn chán, cũng như cả khoảnh khắc những thợ đào vàng nhận được bức thư đầu tiên gửi cho mình.
Còn trong thế kỷ 21, nếu [bạn lo ngại] những trải nghiệm được người Mỹ kể lại có thể bị sai lệch bởi tầng lớp trung lưu da trắng, thì thực tế là khoảng 20% những người chúng tôi phỏng vấn là người Mỹ gốc Phi, người Mỹ gốc Á hoặc Latinh.
Chúng tôi cũng đã cố gắng đa dạng hóa mẫu nghiên cứu từ địa vị xã hội người phỏng vấn cho đến độ tuổi của họ trải rộng trong khoảng 18-87. Chúng tôi đã phỏng vấn những người lái xe tải, có cả những nhà thơ, những y tá và những người đã về hưu.
Chúng tôi không thể nói rằng tất cả mọi người Mỹ đều đang trải nghiệm những gì chúng tôi mô tả, nhưng đó có vẻ là một phong cách cảm xúc chủ đạo nhất, là thứ mà chúng tôi đã nghiên cứu và phát hiện ra
Sean Illing
Trở lại quá khứ, sự buồn chán và cô đơn trong thế kỷ 18 và 19 được hiểu như thế nào?
Susan J. Matt
Đó là những cảm giác rất khác nhau. Từ "buồn chán" thậm chí chưa hề xuất hiện cho đến giữa thế kỷ 19. Khi mọi người trải qua những khoảnh khắc trống rỗng, họ mô tả chúng là buồn tẻ, đơn điệu hoặc tẻ nhạt. Buồn chán là một cảm giác chưa từng được con người biết đến.
Trong quá khứ, mọi người biết mình rồi sẽ cảm thấy trống rỗng không lúc này thì lúc khác, và họ chấp nhận chúng như một phần tất yếu trong cuộc sống con người. Điều đó không có nghĩa là họ thích những khoảnh khắc buồn tẻ, nhưng họ cũng không ngạc nhiên khi mình bị rơi vào những khoảng thời gian trống rỗng như vậy.
Trên thực tế, nhiều người còn nghĩ rằng Chúa đã bày ra một thế giới với sự buồn tẻ là một phần tất yếu.
Những người Mỹ sống ở thế kỷ 19 chấp nhận sự đơn điệu là một phần không thể tránh khỏi trong cuộc đời họ, cũng giống như vậy, họ chấp nhận cả sự cô đơn.
Cũng giống như ở thế kỷ 19, người Mỹ chấp nhận sự đơn điệu là điều không thể tránh khỏi, họ cũng chấp nhận luôn cả sự cô đơn - hay như họ gọi nó là "lonesomeness" (một mình và không có ai bên cạnh).
Cô đơn được coi là một phần vận mệnh đã được sắp đặt; họ cảm thấy khó chịu khi phải cô đơn nhưng cũng không bất ngờ vì nghĩ rằng tất cả mọi người sẽ đều phải trải nghiệm sự cô đơn vào một số khoảng thời gian nào đó trong cuộc đời mình.
Những người Mỹ sống ở thế kỷ 19 chấp nhận sự đơn điệu là một phần không thể tránh khỏi trong cuộc đời họ, cũng giống như vậy, họ chấp nhận cả sự cô đơn.
Sean Illing
Nhưng làm thế nào để phân biệt sự buồn chán với sự cô đơn?
Susan J. Matt
Tôi nghĩ rằng ngày nay chúng ta thường gọi việc ở một mình là cô đơn. Nhưng trở lại thế kỷ 19, mọi người nói đó là sự cô độc (solitude). Mặc dù vậy, sự cô độc ấy thường được nhìn dưới ý nghĩa tích cực và cứu rỗi hơn.
Sự khác biệt về mặt ngôn từ đem đến cho trải nghiệm ở một mình những ý nghĩa và giá trị khác nhau. Nghiên cứu về lịch sử cảm xúc cho thấy, mặc dù chúng ta có thể sử dụng cùng một từ để miêu tả cảm xúc qua nhiều thế kỷ, nhưng ở các thời đại khác nhau, những từ này được đưa vào các nền văn hóa khác nhau cuối cùng lại mang những ý nghĩa rất khác nhau.
Kết quả là, các từ khác nhau miêu tả cảm giác khác nhau, ngay cả cùng một từ cũng có thể miêu tả các cảm giác rất khác nhau nữa. Không chỉ cảm giác của chúng ta bị ảnh hưởng bởi ngôn ngữ, mà ngôn ngữ chắc chắn cũng ảnh hưởng đến cách chúng ta nghĩ về cảm giác của chúng ta.
Sean Illing
Vậy là trong hầu hết lịch sử loài người, sự cô đơn hay buồn chán đã là những khoảng khắc được chấp nhận trong đời người. Nhưng bây giờ, chúng ta không bao giờ phải cô đơn nữa; chúng ta lúc nào cũng có thể cắm đầu vào thứ gì đó và đánh lạc hướng bản thân khỏi những gì đang xảy ra ngay trước mặt. Đó dường như là một sự thay đổi lớn trong ý thức.
Susan J. Matt
Đúng vậy. Sự nổi lên của điện thoại thông minh nghĩa là con người đã có được một người bạn đồng hành liên tục - hoặc ít nhất là một lời hứa về sự đồng hành liên tục. Không phải lúc nào chúng ta cũng tìm thấy một thứ gì đó như điện thoại di động, thứ luôn ở bên chúng ta.
Chiếc điện thoại vẫy gọi chúng ta với lời hứa cung cấp cho chúng ta sự phấn khích, những hoạt động giải trí tức thời và đa dạng. Nhưng điện thoại di động cũng không phải là công nghệ đầu tiên mà mọi người tìm đến để giải tỏa sự buồn chán và cô đơn.
Sean Illing
Bà có thể cho tôi một ví dụ được không?
Susan J. Matt
Chắc chắn rồi: đài phát thanh. Chúng tôi phát hiện ra nhiều người sống ở thập niên 1920 và 1930 cũng từng nghĩ đài phát thanh đang thay đổi cuộc sống và thời đại của họ. "Nhờ đài phát thanh, tôi không phải ngồi cô độc một mình trong nhà nữa", đó là những gì chúng tôi hay tìm thấy trong những tài liệu vào thập niên 1920, 30 và 40.
Điện thoại thông minh khuếch đại trải nghiệm đó [của những người trong thập niên cũ], bởi vì với nó, chúng ta không chỉ nghe được bất cứ thứ gì mà đài địa phương cung cấp; bây giờ, phương tiện truyền thông trực tuyến có rất nhiều sự lựa chọn, và tất nhiên, điện thoại thông minh cung cấp cả khả năng giải trí trực quan cũng như các cuộc trò chuyện hai chiều trong thời gian thực.
Vì vậy, điện thoại thông minh đại diện cho một sự thay đổi khá lớn trong kỳ vọng của chúng ta về sự đồng hành và giải trí – và cả một sự thay đổi trong cách chúng ta phản ứng với những cảm giác như buồn chán và cô đơn.
Vì có quá nhiều những lời hứa trong thời đại kỹ thuật số, khi chúng ta trải nghiệm những cảm giác đó, chúng ta đã bất ngờ và hoảng hốt hơn so với tổ tiên của chúng ta.
Sean Illing
Chúng ta sẽ đánh mất điều gì khi không còn khả năng ở một mình mà không thấy cô đơn?
Susan J. Matt
Tôi nghĩ có rất nhiều thứ mà con người đang bỏ lỡ khi họ đánh mất khả năng ở một mình. Những khoảnh khắc chưa từng được khám phá, những khoảnh khắc mà bạn không có gì để giải trí, hoặc những khoảnh khắc mà bạn không có gì không có ai bên cạnh… tất cả thực sự có thể sinh ra sự sáng tạo. Chắc chắn rất nhiều người theo chủ nghĩa lãng mạn trong thế kỷ 19 đã nghĩ vậy.
Ở một mình có thể cho phép bạn nảy ra những ý tưởng và suy nghĩ độc đáo, những ý tưởng và suy nghĩ sẽ không bao giờ có được nếu xung quanh bạn có gì đó hay ai đó khác ngoài bạn. Vì vậy, chính nỗ lực chấm dứt sự nhàm chán của chúng ta có lẽ lại đang cản trở sự sáng tạo, và từ đó khiến chúng ta thực sự trở nên nhàm chán hơn.
Trong một số tình huống, sự phụ thuộc vào điện thoại còn làm cho chúng ta kém độc lập hơn. Người Mỹ luôn tôn vinh sự tự lập như một giá trị, nhưng thực tế rõ ràng cho thấy chúng ta đang không hề tự lập chút nào - ngay cả trong một khoảnh khắc – người Mỹ cũng không muốn ở một mình hoặc tự mình làm việc gì đó quá lâu.
Tôi bắt đầu hoang mang khi nghĩ rằng chủ nghĩa tự lập đang trở thành huyền thoại. Chúng ta vẫn đang sống trong huyền thoại đó, cùng lúc, sự độc lập của chúng ta bị gạt bỏ sang bên lề.
Và người Mỹ ở thế kỷ 21 đang vẽ ra toàn bộ kỳ vọng của họ như vậy, tiến tới một đời sống xã hội hòa quyện vào nhau mọi lúc và bất tận. Điều này khiến chúng ta thực sự không thể giải quyết được những khoảnh khắc không có trong kỳ vọng như sự cô đơn (trong xã hội bây giờ, chẳng ai còn kỳ vọng mình gặp phải sự cô đơn).
Ở thời đại này, chúng ta bất ngờ hơn và hoảng hốt hơn khi bị rơi vào trạng thái cô đơn
Sean Illing
Có phải mạng xã hội khiến cho những người sử dụng nó dễ tức giận và tự ái hơn?
Susan J. Matt
Chúng tôi chắc chắn đã tìm thấy những hậu quả như vậy. Trong số những người chúng tôi phỏng vấn sống ở thời đại hôm nay, họ đã nói về việc mình ngày càng cảm thấy áp lực khi phải thể hiện, tán dương và tự đánh bóng bản thân.
Mọi người thổ lộ rằng họ đã phải cố chỉnh sửa ảnh của mình để thể hiện một bản thân hoàn hảo; họ cũng nhận ra những người khác cũng đang làm như vậy. Kết quả là khi người Mỹ online, họ chắc chắn có cảm giác mình cần đi ra ngoài một quảng trường công cộng trên mạng rồi vui vẻ thể hiện bản thân ở đó. Điều này đã khiến mọi người có cái tôi lớn hơn và coi trọng cái tôi hơn.
Chúng tôi cũng thấy những người chia sẻ suy nghĩ của họ rằng: Có một mối liên hệ giữa lòng tự ái và sự tức giận; vì mọi người cảm thấy và mong muốn được chú ý trên internet, việc thể hiện những ý kiến mạnh mẽ và đôi khi mang tính tấn công trên phương tiện truyền thông xã hội là một cách để thu hút nhiều người biến đến họ hơn, cũng như nhiều lượt truy cập vào tweet hoặc cập nhật trạng thái của họ.
Vì vậy, ý thức về cái tôi lớn hơn cộng với cả áp lực ngày càng tăng khi phải thể hiện cái tôi đó trên mạng dường như đang khiến mọi người tự tán dương mình nhiều hơn và cũng tức giận nhiều hơn.
Một người chúng tôi đã phỏng vấn, là một bảo mẫu đến từ Florida, nói với chúng tôi rằng cô ấy nghĩ có một mối liên hệ giữa hai cảm xúc ấy. Mọi người đã quá quen với việc nhận được những lời tung hô bất tận từ bạn bè và người thân trên Facebook hoặc Instagram, rồi đến khi họ không nhận được những điều đó nữa, họ đã không biết cách xử lý tình huống này thế nào, điều này khiến họ dễ tức giận.
Sean Illing
Có vẻ như chúng ta đã tự tạo ra một cái nạng tâm lý cho chính mình, và bây giờ chúng ta không thể bước đi mà không cần nó.
Susan J. Matt
Ý tôi là, thật đáng lo ngại khi tất cả chúng ta đều thèm khát sự chú ý, có đúng vậy không? Rồi sau đó chúng ta rất thất vọng nếu mình không nhận được sự chú ý. Và những kỳ vọng mới của chúng ta vào sự công nhận vô biên có thể thúc đẩy sự tức giận của chúng ta, khi chúng ta không thực sự nhận được sự công nhận đó.
Tất nhiên, đó không phải là lý do duy nhất khiến mọi người tức giận trên internet. Tôi không muốn nói giảm nói tránh một số vấn đề nhức nhối trong xã hội khiến mọi người bày tỏ chúng trên mạng, sự tức giận cũng là một công cụ rất hợp pháp để thay đổi xã hội.
Ý thức về cái tôi lớn hơn cộng với áp lực ngày càng tăng khi phải thể hiện cái tôi đó trên mạng dường như đang khiến mọi người tự tán dương mình nhiều hơn và cũng tức giận nhiều hơn.
Sean Illing
Áp lực phải thể hiện và đánh bóng bản thân đã thay đổi tính cách của chúng ta như thế nào, ngoài việc đơn giản khiến cho chúng ta dễ tự ái hơn?
Susan J. Matt
Có một điều chúng tôi thấy thú vị là cách người Mỹ trong thế kỷ 18 và 19 nhìn nhận bản thân họ. Từ thời thơ ấu, họ đã liên tục được dạy không nên tự tán dương và tự tâng bốc bản thân, rằng hãy luôn nhớ họ chỉ là những người bình thường, yếu đuối và cũng đầy thiếu sót.
Giữ trong tâm trí ý niệm về sự yếu đuối của con người góp phần giúp họ tránh khỏi những hành vi tự cao tự đại. Triết lý giáo dục thời đó được thiết kế để khiến mọi người nhận thức được giới hạn của bản thân mình.
Nhưng đến thế kỷ 19 và thế kỷ 20, những cảm giác về sự tự cao, về sự vô thường của cuộc sống đã biến mất. Và kết quả là những gì chúng ta thấy ngày nay, khi mọi người đăng gì đó lên mạng xã hội, họ chẳng có lấy một ý niệm gì về những hạn chế của bản thân họ khi là một con người.
Khi người ta tự tâng bốc bản thân mình, họ sẽ không còn khiêm tốn hay sợ hãi gì nữa cả. Vì vậy, chắc chắn các nhà đạo đức ở thế kỷ 19 sẽ bị bối rối khi chứng kiến các hành vi tự khoe khoang và tự tâng bốc bản thân của chúng ta ngày nay.
Sean Illing
Trong cuốn sách, bà nói rằng "cái tôi mới của người Mỹ" đang bị giằng xé giữa chủ nghĩa cá nhân và cộng đồng, giữa sự ích kỷ và tính xã hội. Bà có thể giải thích điều đó có ý nghĩa thế nào hay không?
Susan J. Matt
Lòng tự ái là một ví dụ tuyệt vời cho điều đó. Một mặt, đó là câu chuyện cổ về Narcissus, một chàng trai lãng phí thời gian vào việc nhìn chằm chằm và tự yêu chính bóng hình của mình dưới nước. Ngày nay, những người Mỹ bị cáo buộc đang làm điều tương tự, nhưng có một sự khác biệt quan trọng giữa chúng.
Mặc dù việc liên tục tải lên những bức ảnh tự sướng có thể được hiểu là ích kỷ, nhưng sâu bên dưới những gì mà mọi người thể hiện, đó là một mong muốn được công nhận từ cộng đồng. Bạn mong muốn điều gì khi đăng tất cả những gì bạn đã đăng trên mạng xã hội? Phải chăng đó là sự yêu mến của gia đình và bạn bè, đúng không?
Đó chính là bản năng xã hội và bản năng hòa đồng của con người.
Rất nhiều blogger tham gia phỏng vấn với chúng tôi cũng đã nói ra điều tương tự. Không chỉ là trên Facebook hay Twitter, nơi chúng ta đang tìm kiếm những lượt Thích, những ngón tay cái ủng hộ hay những trái tim. Các blogger nói với chúng tôi rằng họ muốn thể hiện bản thân, nhưng nó chỉ có ý nghĩa với họ nếu người khác cũng thích nó.
Vì vậy, sự giằng co giữa chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa xã hội từ lâu đã ăn sâu vào cuộc sống của người Mỹ. Bây giờ, nó chỉ đang diễn ra một lần nữa trên mạng xã hội: Mọi người cố gắng đưa tiếng nói cá nhân của họ lên đó, trong khi tìm kiếm sự công nhận và đồng tình của người khác.
Sean Illing
Thật thú vị khi chúng ta ngày nay đã tạo ra được một cộng đồng liên kết với nhau trên mạng, bằng các công cụ kỹ thuật số. Nhưng cũng chính động đồng mạng ấy lại là một hình thức cộng đồng trống rỗng và khó thỏa mãn nhất mà chúng ta biết đến.
Cộng đồng mạng chỉ có ở trên mạng, mỗi người ở một nơi xa xôi, liên kết và vận hành dựa trên sự tự hài lòng lẫn nhau. Con người cần nhiều hơn thế chứ, có đúng không thưa bà?
Susan J. Matt
Chắc chắn rồi. Và đó là một thực tế có thể nhìn thấy rõ ràng khi chúng tôi nghiên cứu sự tức giận. Trong cuốn sách, chúng tôi có mô tả các cuộc mít-tinh ở thế kỷ 19, chúng thường xuyên xảy ra, phổ biến ở nhiều nơi và đó là những cuộc mít-tinh mà mọi người thể hiện rất nhiều cảm xúc phẫn nộ.
Đó là những dịp mọi người tập trung tại một quảng trường của thị trấn, gặp mặt trực tiếp nhau để xây dựng ý thức cộng đồng khi có một điều gì đó bất bình hoặc trước một sự kiện nào đó xảy ra. Một nhà sử học ước tính trong thế kỷ 19, cứ 5 ngày ở Mỹ sẽ có một cuộc họp phẫn nộ như vậy.
Ngược lại, ngày nay chúng ta thấy việc thể hiện sự bất bình đã bị cô lập nhiều hơn. Hầu hết thời gian, mọi người chỉ tìm kiếm những lượt Thích về cho bản thân mình. Điều đó không xây dựng được mối liên kết chặt chẽ như các phong trào xã hội từng làm được trong quá khứ.
Đó là một thứ gì đó mà Zeynep Tufekci đã nêu ra trong cuốn sách năm 2017 của cô, "Twitter and Tear Gas": rằng sự gắn kết trong các phong trào xã hội trực tuyến này không bền vững, và điều này hạn chế sự thành công và sức mạnh bền bỉ của các phong trào đó.
Khi mọi người đăng nhập vào mạng xã hội, họ tự động nghĩ rằng mình nên đi bộ ra một quảng trường online, ở đó, họ phải cho tất cả mọi người thấy những gì tốt đẹp nhất của mình. Nhưng sự gắn kết trong quảng trường này không bền vững, khi mọi người chỉ cố gắng kiếm về cho bản thân mình những lượt Thích
Sean Illing
Làm thế nào để bà biết chắc rằng chính công nghệ là thứ thay đổi thái độ của chúng ta, chứ không phải một số khía cạnh văn hóa khác?
Susan J. Matt
Chúng tôi chắc chắn không muốn đổ tất cả những chuyển biến đó lên đầu công nghệ. Nhưng đúng là có một số thiết bị - cho dù là máy ảnh của thế kỷ 19, điện thoại, đài phát thanh hay điện thoại thông minh - đã định hình lại cuộc sống nội tâm của người Mỹ. Mặc dù vậy, một mình những thiết bị này thì không thể tạo ra những thay đổi.
Những biến chuyển trong tôn giáo cũng đang định hình sự thay đổi của xã hội bây giờ. Những thay đổi trong nền kinh tế tư bản cũng góp phần vào đó. Những thiết bị công nghệ vừa là sản phẩm được tạo ra trong một nền văn hóa như vậy, vừa là những công cụ quay trở lại đẽo gọt nền văn hóa ấy.
Vì vậy, tham gia vào những sự biến chuyển này là rất nhiều quá trình đối ứng nhau; công nghệ là một tác nhân, nhưng nó không phải là tác nhân duy nhất.
Sean Illing
Nếu điều bà nói là đúng, thì có vẻ như công nghệ đang chiếm hữu chúng ta chứ không phải chúng ta đang sở hữu công nghệ.
Susan J. Matt
Chà, đó là một trong những câu hỏi kinh điển: Chúng ta làm chủ những công cụ, hay công cụ mới chính là thứ đang làm chủ chúng ta?
Dù sao thì có một điều mà tất cả chúng ta đều có thể nhận thức rõ ràng hơn, đó là cần phải hiểu rằng cả cảm xúc và công nghệ đều là những tạo tác lịch sử do con người làm ra, chúng được định hình là do con người chúng ta. Nhận thức đó cho thấy rõ ràng rằng, chúng ta thực sự có sức mạnh để thay đổi chúng trên diện rộng (cách loài người nhận thức về công nghệ và cảm xúc có thể bị/được thay đổi).
Và như đồng tác giả Luke Fernandez của tôi thường nói, thiết kế công nghệ là một dạng ban hành luật pháp. Một số người muốn điều chỉnh công nghệ để kiểm soát các hiệu ứng văn hóa, xã hội và chính trị của công nghệ. Nhưng chúng ta cũng nên bàn về việc thiết kế lại công nghệ sẽ làm phát sinh ra những cảm xúc văn hóa mới chưa từng tồn tại.
Chúng ta làm chủ công nghệ, hay công nghệ mới chính là thứ đang làm chủ chúng ta?
Sean Illing
Bà có lo lắng rằng chúng ta đang để công nghệ phát triển quá mức - khi cuộc sống nội tâm của chúng ta chưa thể thích nghi đủ - mà bây giờ chúng ta có quá nhiều công cụ công nghệ để thể hiện bản thân mình?
Susan J. Matt
Tôi thực sự tin rằng cảm xúc thay đổi theo thời gian, không chỉ vì công nghệ mà đó là kết quả của cả một loạt các thay đổi về văn hóa và kinh tế. Đúng là bây giờ chúng ta có nhiều công cụ hơn để thể hiện bản thân, nhưng chúng ta cũng có những cảm xúc mới để thể hiện, các cảm xúc này khác nhau tùy thời gian và địa điểm chúng ta sống.
Cảm xúc không hề bất biến và cũng không hề chỉ được biểu lộ thông qua các thiết bị và công nghệ mới. Các thiết bị làm biến đổi cảm xúc - dạy chúng ta những thói quen mới, nuôi dưỡng những kỳ vọng mới và cũng mô hình hóa các hành vi mới.
Sean Illing
Bà có thể chia sẻ kết luận từ cuốn sách được không? Điều gì là thứ bà muốn độc giả ghi nhớ khi họ gấp cuốn sách lại?
Susan J. Matt
Chúng tôi muốn độc giả hiểu rằng họ cần có một cái nhìn sâu hơn vào lịch sử khi lo lắng: Facebook đang khiến chúng ta cô đơn, Google khiến chúng ta trở nên ngu ngốc hay chụp ảnh tự sướng khiến chúng ta tự ái? Các câu hỏi đó không thể được trả lời chỉ bằng cách đo đạc sự cô đơn trong những thập niên 1980 và so sánh với sự cô đơn ngày hôm nay.
Chúng tôi muốn mọi người hiểu rằng đây là những câu hỏi về tâm lý cơ bản của chúng ta, tâm lý thì thay đổi theo thời gian. Mô hình bao quát mà chúng tôi thấy được, khi theo dõi những sự thay đổi về mặt cảm xúc và công nghệ đan xen vào nhau trong một lịch sử kéo dài 2 thế kỷ qua, đó là niềm hy vọng đang trỗi dậy của người Mỹ về một cái tôi không có điểm dừng.
Trong khi những người Mỹ sống thế kỷ 19 nhận thức được về giới hạn bản thân, về số lượng người họ có thể biết, về việc họ nên tự tâng bốc mình bao nhiêu, họ chỉ nên đặt kỳ vọng ở mức nào, thì người Mỹ sống ở thế kỷ 21 đang hi vọng họ phải được công nhận tuyệt đối, được thể hiện sự tức giận vô biên, sức mạnh nhận thức vô hạn, không ngừng giải trí, và họ cần đồng hành liên tục là vì họ là con người.
Công nghệ của chúng ta đang mang đến cho chúng ta những hi vọng này, mặc dù chúng ta không phải lúc nào cũng nhận ra chính mình đang vẽ ra những hi vọng đó.
Tham khảo Vox
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI