Quan trọng như thế tại sao không gọi là "ổ A" mà cứ phải là "ổ C"?
Từ cái thuở bình minh của loài máy tính, trên nền MS-DOS đen ngòm cho đến những màu mè đầu tiên của Windows, ta vẫn biết rằng ổ C vẫn cứ được gọi là … ổ C. Nhưng tại sao chứ?
Ý tưởng này đến từ việc đặt tên cho bộ nhớ với những chữ cái đơn giản, như một sự tưởng nhớ tới hệ điều hành máy ảo được IBM phát triển hồi năm 1960, khi đó họ bắt đầu với các hệ thống CP-40 và CP/CMS, sau này là hệ điều hành nổi danh CP/M của công ty Digital Research.
Trong những hệ thống đầu tiên (như CP/CMS), những chữ cái được sử dụng để chỉ định ổ đĩa logic và các hệ thống sau (như CP/M) sử dụng những chữ cái ấy để chỉ định những thiết bị lưu trữ vật lý, những ổ đĩa vật lý.
Quay lại hồi năm 1980, IBM đã có ý định sử dụng hệ điều hành CP/M trên máy tính cá nhân IBM của mình. Nhưng vì lý do không thống nhất hợp đồng, hai bên đã không thể đi đến cùng một sự nhất quán trong thỏa thuận.
Đến giờ vụ việc này vẫn chưa rõ ràng và thực chất ta cũng không cần thiết phải quan tâm làm gì. Ta biết rằng sau vụ việc đó thì IBM đã bỏ qua CP/M, quay sang bắt tay với Microsoft. Tập đoàn này đã tiến hành mua một hệ thống bản sao giống như CP/M có tên 86-DOS. Họ đưa bản 86-DOS đó lên PC mới của IBM, sửa đổi một số chỗ và chính thức đặt tên nó là MS-DOS (dù vậy IBM vẫn gọi nó với cái tên PC DOS).
Bởi lẽ hệ thống này dựa trên bản sao của CP/M, MS-DOS cũng “mượn” luôn phong cách đặt tên ổ bằng chữ cái của CP/M, mà trước đó CP/M cũng đã “mượn” từ các hệ thống khác của IBM.
Lúc ấy vẫn chưa có tên gọi cụ thể cho từng ổ, “ổ C” vẫn chưa được gọi là “Ổ C”.
Những chiếc PC đời đầu thường không đi kèm một bộ lưu trữ thứ cấp bên trong vì chi phí khá cao. Thay vào đó, họ thường tích hợp một loại đầu đọc đĩa mềm, được đánh kí hiệu bằng một chữ “A” trong MS-DOS và một số hệ điều hành khác. Một số hệ thống có hai đầu đọc đĩa mềm và nghiễm nhiên, tiếp sau “A” thì phải là “B”. Khi mà các máy tính sau này đều được trang bị 2 đầu đọc đĩa mềm như vậy, thì hai chữ cái “A” và “B” để chỉ ổ đĩa bắt đầu được sử dụng rộng rãi.
Ổ đĩa mềm ...
... cùng các đĩa mềm được sử dụng nhiều năm về trước.
Khi mà đĩa cứng trở nên thịnh hành, trở thành một đĩa chuẩn vào những năm 1980, hiển nhiên tên của nó phải tiếp tục sử dụng chữ cái tiếp theo trong bảng là chữ “C”. Sinh sau đẻ muộn nên dù nó có tầm quan trọng của một nơi chứa hệ điều hành và nhiều tập tin quan trọng, nó cũng vẫn phải “bằng lòng” với chữ cái C.
Dù ở thời đại này, đĩa mềm chỉ còn là chút tàn dư của quá khứ, không còn mấy hệ thống có cho mình một ổ đọc đĩa mềm nữa, nhưng hai chữ cái “A” và “B” vẫn được coi là hai tên ổ đĩa mặc định, ổ cứng đầu tiên của máy vẫn phải mang cái tên “C”. Mặc dù vậy, ta hoàn toàn có thể đổi tên ổ nhưng hãy giữ lại chút gì đó tôn trọng cho quá khứ huy hoàng chứ, phải không?
Thêm một vài sự thật thú vị về ổ C
Một vài hệ thống khác dựa trên UNIX (và một số hệ thống tương tự dựa trên Linux) không sử dụng chữ cái để đặt tên ổ, mà chỉ sử dụng một cài đặt thứ bậc duy nhất. Nguồn của thứ bậc đó chỉ đơn giản là “/” chứ không phải là “C:”.
Không phải MS-DOS luôn sử dụng chữ C để chỉ ổ cứng mặc định trên mọi thể thống. Ví dụ như Apricot PC hồi năm 1983 đã đi ngược với thời đại, khi nó sử dụng hai chứ “A” và “B” cho ổ cứng, “C” và “D” cho ổ đĩa mềm.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?