Có thể bạn chưa nhận ra: Thị phần áp đảo của Android rất có lợi cho... Apple
Vượt mặt tất cả các ông lớn như Google hay Amazon, Spotify đã đâm đơn kiện độc quyền lên tòa án Châu Âu với lời phàn nàn rằng mức chia sẻ 30% doanh thu khi người dùng thực hiện thanh toán qua iOS App Store là không công bằng và gây thiệt hại cho người dùng.
Vụ kiện độc nhất
Thực tế, điểm đáng chú ý nhất về vụ kiện này nằm ở chỗ: đến giờ mới chỉ có Spotify kiện Apple mà thôi. App Store đến nay đã ra mắt được 11 năm, và chính sách 30% đã được áp dụng trong cả 11 năm đó (năm 2016, Apple có điều khoản bổ sung cho phép ứng dụng trên 1 năm tuổi chỉ phải trả 15% doanh thu). Google Play cũng áp dụng chính sách tương tự, và chỉ có các chợ ứng dụng chẳng mấy ai sử dụng mới chịu tỷ lệ thấp hơn.
Tất cả những nhà phát triển đình đám đều chấp nhận sống chung với chính sách 30% của Apple. Ví dụ, dù tìm cách để "lách" qua Google Play bằng ROM tải riêng, Fortnite vẫn đặt chân lên iOS App Store một cách êm đềm, thậm chí là trước Android hẳn vài tháng. Các dịch vụ có trả phí của Google như YouTube Music cũng vẫn có mặt trên iOS, vẫn cho phép người dùng trả tiền ngay bên trong ứng dụng. Các dịch vụ HBO Go, Hulu, Netflix hay Pandora cũng có mặt trên iOS, và không ai trong số này đâm đơn kiện Apple cả.
Dù mất đến hàng triệu USD doanh thu, Epic vẫn sẵn sàng đóng "thuế" 30% cho Apple.
Ngay đến cả Amazon, công ty duy nhất từng đứng cùng Apple ở đỉnh cao nghìn tỷ, cũng phải "ngậm bồ hòn làm ngọt" trước chính sách 30% của nhà Táo. Các dịch vụ của Amazon như Audible hay Amazon Music đều yêu cầu người dùng phải đăng ký và trả tiền qua giao diện web (ngoài ứng dụng) rồi mới bắt đầu sử dụng trên iOS.
Chìa khóa là Android
Tại sao với tiềm lực tài chính hùng mạnh không kém, Amazon và Google lại chịu trận trước chính sách 30% của App Store? Có lẽ lý do đơn giản hơn bạn nghĩ: sẽ rất khó để quy kết Apple đã thực sự "độc quyền".
Độc quyền không phải là vấn đề mới mẻ của làng công nghệ. 20 năm trước, Microsoft đã từng dùng vị thế thống trị của Windows để giết chết Netscape và đưa Internet Explorer lên ngôi vương thị trường trình duyệt. Google hiện cũng đang phải đối mặt với vô số rắc rối vì ưu tiên các kết quả từ trang bán hàng Express lên vị trí dễ thấy trên giao diện tìm kiếm.
Apple không độc quyền: Bất cứ lúc nào, Spotify cũng có thể chuyển sang một nền tảng có thị phần cao hơn 5 lần iOS.
Nhưng Spotify sẽ gặp phải vô số khó khăn nếu muốn chứng minh rằng Apple cũng tham lam và xấu xí như Microsoft và Google. Lý do rất đơn giản: Android hiện chiếm đến 84% thị phần di động trên toàn cầu. Quý 4 vừa qua, Apple chỉ chiếm 15,8% tổng số smartphone bán ra.
Con số nhỏ bé này có nghĩa rằng Apple chỉ đang đại diện cho một phần quá nhỏ trên thị trường. Trong quá khứ, Microsoft và Google chỉ có thể thực hiện các chiêu trò độc quyền với Windows và tìm kiếm bởi sản phẩm của các hãng này chiếm phần quá lớn. Muốn cạnh tranh trình duyệt (hay ứng dụng) trong thập niên 90, bạn bắt buộc phải đặt chân lên nền tảng của Microsoft. Muốn quảng bá sản phẩm, bạn phải có mặt trên bộ máy tìm kiếm của Google. Nhưng muốn kinh doanh dịch vụ stream nhạc: bạn đâu bắt buộc phải đặt chân lên iOS: thị phần của Apple chỉ bằng 1/5 của Google mà thôi.
Đó chính là "kim bài" giúp cho Apple tránh được mọi vụ lùm xùm tương tự trước khi Spotify lên tiếng. Và rất có thể công ty Thụy Điển này sẽ thất bại: Bất cứ lúc nào Spotify cũng có thể dừng dịch vụ trên iOS và chỉ kinh doanh trên Android mà thôi. Apple đâu có vị thế độc quyền để mà lạm dụng.
Vị thế của Android có lợi cho Apple
Với khung giá như thế này, Apple chấp nhận để Android áp đảo.
Thực tế, việc doanh số iPhone luôn luôn thấp kém khi sánh cùng smartphone Android là điều Apple đã luôn luôn dự tính. Chiếc iPhone đầu tiên có giá 400 USD đi kèm hợp đồng 2 năm, tức tổng giá trị vào khoảng hơn nghìn đô. Trong suốt 12 năm qua, mức giá rẻ nhất mà Apple từng áp dụng cho iPhone là 350 USD cho iPhone SE, khi model 4 inch này đã... 2 năm tuổi đời. Apple không hề kinh doanh smartphone giá rẻ hay tầm trung, và bởi thế sẽ việc Android (mở, miễn phí) vươn lên áp đảo về doanh số là điều dễ hiểu.
Ấy thế nhưng vì chỉ có... giá đắt nên iPhone lại trở thành một mảnh đất vô cùng màu mỡ cho các nhà phát triển. Theo thống kê của nhiều công ty nghiên cứu thị trường như App Annie hoặc Sensor Tower, doanh số từ App Store thường ở mức cao gần gấp đôi doanh thu từ Google Play. Đủ dư dả để mua smartphone cao cấp hơn, người dùng iOS cũng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho ứng dụng.
Với doanh thu cao gấp đôi, App Store là điểm đến bắt buộc cho các nhà phát triển.
Tình cảnh này buộc các nhà phát triển phải đặt chân lên nền tảng của Apple nếu tiếp cận với nguồn thu tiềm năng nhất trên di động. Đó là còn chưa kể chi phí và công sức để đầu tư vào ứng dụng iOS cũng thấp hơn: do iPhone có độ đồng đều cao về thông số cấu hình và do iOS không bị phân mảnh vụn vỡ như Android, các nhà phát triển sẽ tốn ít công sức/tiền bạc để kiểm thử hơn.
Mà cách duy nhất để đặt chân lên iOS lại là tuần theo luật lệ của Apple và trả cho Apple khoản "thuế" 30%. Spotify có thể làm nên lịch sử nếu chứng minh được Apple đã độc quyền, nhưng sự thật là hoàn toàn ngược lại: Spotify không buộc phải đi qua App Store mới có thể thu tiền từ người dùng, và nếu không thích Apple, Spotify lúc nào cũng có một lựa chọn nền tảng phổ biến hơn rất nhiều.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?