Có thể bạn không tin nhưng bộ phim hành động kinh phí 200 USD này lại dám thách thức cả bom tấn Hollywood

    PnM,  

    Nhiều người chia sẻ vì thấy buồn cười, số khác thì thương hại, nhưng nếu mọi người biết được câu chuyện về ước mơ và nỗ lực của những con người đứng đằng sau bộ phim thì chắc chắn sẽ phải nể phục.

    Cộng hòa Uganda là một quốc gia không giáp biển, nằm hoàn toàn trong lục địa châu Phi. Sau khi giành độc lập từ Anh vào ngày 9 tháng 10 năm 1962, Uganda rơi vào các cuộc nội chiến huynh đệ thương tàn, gần đây nhất là cuộc nội chiến kéo dài giữa chính phủ và Quân kháng chiến của Chúa, đã gây ra hàng chục ngàn thương vong và khiến hơn một triệu người phải di dời.

    Là một quốc gia có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú: đất đai màu mỡ, lượng mưa tương đối đều, có nhiều mỏ đồng, coban lớn, nhưng Uganda vẫn thuộc nhóm các nước kém phát triển do chiến tranh du kích kéo dài 20 năm (1965-1985) và do cơ chế quản lý yếu kém. Với tình hình kinh tế chính trị như vậy, đời sống của người dân Uganda gặp rất nhiều khó khăn. Thiếu thốn về điện, nước, nhiều gia đình không có cả TV để xem. Thế nhưng có một người đàn ông luôn nuôi ước mơ mang nền điện ảnh của nước này, dù còn rất non trẻ và thô sơ - vươn ra thế giới.

    Súng đất, đạn gỗ, bệ phóng tên lửa từ chảo rán và ống nhựa

    Trailer phim RETURN OF UNCLE BENON được sản xuất từ năm 2011 tràn ngập những cảnh hành động

    Isaac Nabwana năm nay 42 tuổi là nhà văn, đạo diễn, biên tập kiêm nhà sản xuất phim. Trước năm 1984, gia đình Nabwana cũng như hàng ngàn người dân Uganda khác không có TV để xem. Anh được biết về các bộ phim qua lời kể lại của các anh trai sau đôi lần họ được xem phim ở trung tâm chiếu phim địa phương.

     Isaac Nabwana chỉ đạo diễn xuất và trực tiếp quay một bộ phim hành động ở Wakaliwood.

    Isaac Nabwana chỉ đạo diễn xuất và trực tiếp quay một bộ phim hành động ở Wakaliwood.

    Học hết trung học, Nabwana đóng gạch để kiếm sống với giấc mơ điện ảnh vẫn luôn nung nấu trong tâm tưởng. Vào năm 2006, ở tuổi 32, số tiền mà Nabwana tiết kiệm được chỉ đủ để chi trả cho 1 tháng đầu tiên của khóa học bảo trì máy tính 6 tháng. “Với tôi ngần đó là đủ để biết: làm thế nào để lắp ráp được một chiếc máy tính” - anh nói.

    Đằng sau những thước phim là tinh thần làm việc hăng say, lòng nhiệt huyết chảy bỏng của những con người nghèo khó

    Sau đó Nabwana đã tự học các phần mềm biên tập như Premiere Pro, After Effects, và mượn một chiếc máy quay từ một người hàng xóm. “Khi mới bắt đầu tôi thậm chí còn không biết làm thế nào để viết được một kịch bản. Nhưng sau đó tôi nghĩ đến những bộ phim của các diễn viên thần tượng của mình như Chuck Norris, Rambo và The Expendables và tự hỏi: họ đã làm như thế nào? Và rồi tôi tự lần mò, chắp bút để sáng tác các tình huống.”.

     Dụng cụ quay phim được làm từ phế liệu

    Dụng cụ quay phim được làm từ phế liệu

    Anh chia sẻ một cách đầy tự hào về hoạt động sản xuất điện ảnh chính thống của Uganda: “Chúng tôi có thể lớn mạnh như Nollywood, Bollywood hay thậm chí Hollywood – không lý nào lại không thể. Những người ở Hollywood sớm muộn gì rồi cũng sẽ tìm đến đây”.

    Sau đó, Nabwana đã gây dựng hãng phim hành động đầu tiên của Uganda là Ramon Film Productions và dùng nó để theo đuổi ước mơ. Nhưng đến hôm nay, mơ ước ấy vẫn trong quá trình xây dựng.

     Khẩu súng gỗ này đã từng góp mặt trong rất nhiều bộ phim của Nabwana

    Khẩu súng gỗ này đã từng góp mặt trong rất nhiều bộ phim của Nabwana

    Hoạt động làm phim của Nabwana đã giúp anh thu hút được các cộng sự có kinh nghiệm. Được truyền cảm hứng cảm hứng sau khi xem một số phim của Nabwana, Alan Hofmanis (45 tuổi), người từng làm phim ở New York, đã từ bỏ thành phố này đến Uganda để trở thành trở thành một nhà quảng bá cho điện ảnh Uganda ở Kampala vào năm 2011.

     Isaac Nabwana và fan cuồng Alan Ssali Hofmanis

    Isaac Nabwana và fan cuồng Alan "Ssali" Hofmanis

    Hofmanis hiện đóng vai trò làm cầu nối Wakaliwood với phương Tây. Anh đang thực hiện chiến dịch gây quỹ cộng đồng qua mạng để quyên tiền mua thiết bị làm phim và hy vọng có thể mở một trường quay. Chiến dịch đang thu hút sự chú ý từ Đức, Hàn Quốc và Mỹ. Thậm chí một gia đình ở Indonesia đã gửi tặng những cuốn băng quay phim.

     Bản thiết kế một khẩu súng máy sẽ được sử dụng trong phim.

    Bản thiết kế một khẩu súng máy sẽ được sử dụng trong phim.

    “Vì thiếu thốn đạo cụ nên chúng tôi phải tự làm mọi thứ” – Nabwana nói. “Súng đạn, các bệ phóng tên lửa trong phim thực tế được làm từ gỗ, chảo rán và ống nhựa”.

     Đây là súng máy và băng đạn hủy diệt

    Đây là súng máy và băng đạn "hủy diệt"

    Ban đầu, đoàn làm phim sử dụng các bao cao su (được phát miễn phí tại các phòng khám y tế địa phương) chứa đầy máu bò để tạo ra những vết thương do đạn bắn. Kết quả thu được khá mĩ mãn khi “máu” bắn tung tóe y như thật. Thế nhưng khi một trong các diễn viên bị nhiễm bệnh brucella do lây từ bò thì họ chuyển sang sử dụng màu thực phẩm.

     Máu giả được đựng trong những chiếc bao cao su và quấn quanh người diễn viên như thế này

    Máu giả được đựng trong những chiếc bao cao su và quấn quanh người diễn viên như thế này

    Nhu cầu máu giả là rất lớn vì phần nhiều những bộ phim hành động do anh làm đạo diễn đều có yếu tố bạo lực - nhưng theo một cách rất “hoạt hình” và hoàn toàn khác so với những gì mà Nabwana đã từng chứng kiến ngay từ khi còn bé trong suốt cuộc nội chiến của Uganda kéo dài từ 1981 đến 1986. “Tôi không muốn đưa những gì mình đã nhìn thấy trong quá khứ vào phim. Tôi muốn các tác phẩm của mình có yếu tố hài hước, vì hài hước là thứ không tồn tại trong các cuộc chiến đẫm máu mà tôi phải chứng kiến từ bé.”

    “Chúng tôi cần máy quay tốt, phần mềm hiện đại” – Nabwana nói - “nhưng thách thức lớn nhất vẫn là tiền”.

     Poster cực kỳ hoành tráng với những cảnh cháy nổ vô cùng bắt mắt

    Poster cực kỳ hoành tráng với những cảnh cháy nổ vô cùng bắt mắt

    Bất chấp trở ngại, Nabwana đã sản xuất khoảng 46 phim truyện dài. Thành công nhất là Who Killed Captain Alex (Ai giết đội trưởng Alex), được quay xong chỉ trong một tháng vào năm 2010, với kinh phí... 200 USD (4,3 triệu đồng). Bối cảnh là một bãi phế liệu ở khu ổ chuột Wakaliga có dân số dưới 2.000 người thuộc thủ đô Kampala của Uganda. Chính tên địa danh này là nguồn gốc của cái tên Wakaliwood, khi người ta ghép nó với từ Hollywood.

     Súng shotgun thực chất chỉ là những ống nước

    Súng shotgun thực chất chỉ là những ống nước

    Giống như Operation Kakongoliro, phim này cũng xoay quanh tổ chức mafia Tiger với những nhân vật phản diện quen thuộc trong phim của Nabwana. Đội trưởng cảnh sát Alex được cử điều tra, nhưng đã bị giết hại một cách bí ẩn. Đoạn giới thiệu phim được đăng lên YouTube chưa lâu đã có gần 3 triệu lượt xem và chia sẻ rộng rãi trên các mạng xã hội.

    Bộ phim đình đám WHO KILLED CAPTAIN ALEX

    Nhiều người chia sẻ vì thấy buồn cười, số khác thì thương hại, nhưng nếu mọi người biết được câu chuyện về ước mơ và nỗ lực của những con người đứng đằng sau bộ phim thì chắc chắn sẽ phải nể phục.

     Nhân vật Henry - gã Đồ Tể và Alan Hofmanis đang xem lại những cảnh phim mới quay tại căn phòng vốn trước kia từng là chuồng lợn. Bên cạnh có một diễn viên đang say sưa nghiên cứu khẩu súng máy và băng đạn gỗ.

    Nhân vật Henry - gã Đồ Tể và Alan Hofmanis đang xem lại những cảnh phim mới quay tại căn phòng vốn trước kia từng là chuồng lợn. Bên cạnh có một diễn viên đang say sưa nghiên cứu khẩu súng máy và băng đạn gỗ.

    Đĩa lậu tràn lan, đến diễn viên cũng phải đi bán phim

    Tuy thế nhưng thiếu thốn về cơ sở vật chất và kỹ thuật vẫn chưa phải là yếu tố chính. Trở ngại lớn nhất của ngành công nghiệp điện ảnh của Uganda là “phim lậu tràn lan”.

     Các diễn viên mặc trang phục giống trong phim với hi vọng như thế sẽ bán được nhiều đĩa hơn

    Các diễn viên mặc trang phục giống trong phim với hi vọng như thế sẽ bán được nhiều đĩa hơn

    Tại Uganda, Nabwana không thể tìm thấy một nhà phát hành nào để đứng ra phân phối phim của anh. Cái khó ló cái khôn, Nabwana đã đưa ra một giải pháp mà có lẽ chưa một nhà làm phim Hollywood nào từng nghĩ tới: các diễn viên và thành viên của đoàn làm phim sẽ đem đĩa phim đi bán, và với mỗi DVD bán ra họ được giữ lại một nửa số tiền đó.

     Một nhóm trẻ em làm những động tác kung-fu trước poster quảng cáo phim của Isaac Nabwana

    Một nhóm trẻ em làm những động tác kung-fu trước poster quảng cáo phim của Isaac Nabwana

    “Khi đóng phim, các nhân viên sản xuất và diễn viên đều phải tự hóa trang và chuẩn bị quần áo của mình. Còn khi phim đã quay xong thì họ phải đi khắp Uganda rao bán phim. Chúng tôi chấp nhận đưa phim đến từng nhà, giao tận tay từng người trên cả nước để có thể bán được. Đôi khi chúng tôi còn phải mặc trang phục kỳ lạ nhằm thu hút khách hàng và để bán được nhiều đĩa nhất có thể.”

     Một diễn viên đang ăn trưa với bộ mặt hóa trang khá đáng sợ

    Một diễn viên đang ăn trưa với bộ mặt hóa trang khá đáng sợ

    Mỗi đĩa có thể bán được với giá khoảng 3.000 shilling, tương đương 1 đô la Mỹ hay 22000 VND. Và họ cũng chỉ có khoảng một tuần để kiếm lợi nhuận hoặc thu hồi vốn trước khi đĩa lậu được tung ra thị trường với giá cực kỳ bèo bọt - chỉ 500 shilling (hơn 3.500 đồng).

     Không chỉ dừng lại ở đam mê làm phim, Isaac Nabwana còn mở những lớp dạy kung-fu cho trẻ em, giúp chúng tránh xa đường phố đầy rẫy tội phạm với hy vọng lớn lên các em sẽ trở thành các ngôi sao phim hành động

    Không chỉ dừng lại ở đam mê làm phim, Isaac Nabwana còn mở những lớp dạy kung-fu cho trẻ em, giúp chúng tránh xa đường phố đầy rẫy tội phạm với hy vọng lớn lên các em sẽ trở thành các ngôi sao phim hành động

    Trong lúc này, giấc mơ sánh vai với Hollywood vẫn được nhắc đến ở Uganda như một giấc mơ Mỹ thời hiện đại. “Tôi sẽ trở thành sao giống như Arnold Schwarzenegger, Bruce Willis” – Dauda Bisaso, một ngôi sao hành động của Wakaliwood thổ lộ.

    Nhà sản xuất Nabwana cũng ước mong ngày nào đó phim của anh sẽ nổi tiếng ở Hollywood. “Tôi muốn mang những câu chuyện của Uganda đến với thế giới” – anh nói.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ