Có thể chi tiết nhỏ này sẽ giúp bạn suy đoán liệu Apple có thực sự bị cài chip nghe lén của Trung Quốc hay không
Khi mọi chiếc xe đều phải ra vào một cánh cổng duy nhất, bạn chi cần đặt trạm kiểm soát ở cánh cổng đó mà thôi...
Không phải Samsung, Huawei hay Google, chắc chắn cái tên bị Apple căm ghét nhất vào lúc này phải là Bloomberg. Trong một bài báo khiến cả thế giới giật mình, tờ báo nổi danh trong giới kinh doanh (và công nghệ) đã đưa ra một cáo buộc đáng kinh ngạc: Apple, Amazon cùng 30 công ty khác tại Mỹ có thể đã là nạn nhân của các mẫu máy chủ gắn chip nghe lén từ Trung Quốc.
Nếu đúng sự thật, kịch bản này sẽ trở thành thảm họa cho cả Apple lẫn Amazon. Để đối phó với Android "mở", để chinh phục giới người dùng cao cấp, Apple đã luôn chọn bảo mật và quyền riêng tư làm tôn chỉ hoạt động. Còn Amazon thực chất chỉ có thể sinh lời từ hạ tầng đám mây đem "bán" cho khách hàng: nếu các trung tâm dữ liệu thực sự bị nghe lén, Amazon sẽ mất luôn 2/3 lợi nhuận.
Không có gì đáng ngạc nhiên, Apple và Amazon đang dành những từ ngữ mạnh mẽ nhất cho Bloomberg. "Đơn giản là không đúng sự thật", Apple nói. Còn Amazon thì mỉa mai: "Số chi tiết không chính xác nhiều tới mức không đếm được".
Nếu Bloomberg nói đúng, Amazon sẽ sập tiệm!
2 bên nói trái ngược nhau, chỉ có thể có 1 bên đúng, và đúng hay sai chỉ có thể do các chuyên gia bảo mật đi sâu vào nghiên cứu và kết luận. Song, trong một bức thư khá đanh thép gửi đến Thượng Viện Hoa Kỳ, Apple đã nêu lên một luận điểm có thể giúp bạn chọn "phe" cho mình:
"Trong tình huống Bloomberg mô tả, các server bị cho là đã bị xâm nhập đã liên tục kết nối ra ngoài. Các công cụ bảo mật riêng của Apple luôn liên tục theo dõi tìm đúng loại dữ liệu gửi ra ngoài này, bởi đó sẽ là dấu hiệu cho thấy có mã độc hay các hành vi độc hại khác. Không có thứ gì được phát hiện cả".
Đi ra bằng cách nào?
Không cần phải là chuyên gia bảo mật bạn mới có thể hiểu được lý lẽ của Táo. Đơn giản là nếu nghe lén, hacker sẽ phải bằng cách nào đó gửi được dữ liệu từ máy chủ của Apple ra ngoài. Có 2 cách dữ liệu này có thể được gửi đi, hoặc là qua một con chip di động (sóng không dây), hoặc là qua chính băng thông của Apple.
Hãy thử nghĩ mà xem, dữ liệu bị nghe lén sẽ đi ra khỏi data center theo cách nào?
Gửi bằng chip di động là gần như không thể, bởi con chip mà Bloomberg nhắc tới có kích cỡ chỉ bằng hạt gạo. Chưa kể, nếu muốn gửi thì con chip này phải nằm trong phạm vi bắt sóng của một trạm thu sóng nào đó. Đặt trạm thu sóng gần các data center của Apple hay bất kỳ một công ty nào khác là gần như không thể - mỗi data center chẳng khác gì một nhà máy lớn được bảo vệ nghiêm ngặt. Chưa kể, Trung Quốc làm sao có thể xây cột thu sóng trên đất Mỹ, gần các công ty công nghệ lớn của Mỹ?
Cách duy nhất còn lại là gửi qua băng thông của Apple. Trong tình huống này, khối dữ liệu bị hack chẳng khác gì một chiếc xe buộc phải đi qua cánh cổng ngăn cách giữa data center của Apple với Internet bên ngoài. Đúng như lời Apple nói, bằng cách theo dõi toàn bộ băng thông từ data center ra ngoài, Apple (hay Amazon hoặc bất kỳ ai khác) đều có thể phát hiện mọi tình huống rò rỉ như vậy. Nếu đúng là có chip hack, Apple đã phát hiện và ngăn ngừa một cách dễ dàng chứ không dại gì rước hàng trăm máy chủ độc hại vào "nhà".
Có rất nhiều dữ kiện khác bạn có thể tự đưa ra kết luận, nhưng có lẽ quan trọng nhất là việc cả chính quyền Anh và chính quyền Mỹ đều đã chọn cách đứng về Apple. Chính chuyên gia bảo mật được dẫn tên trong bài báo của Bloomberg đã lên tiếng phản đối, cho rằng báo cáo này chỉ là sao chép ý tưởng của ông và "không có tính thực tiễn". Về phía mình, Bloomberg thực chất không có căn cứ nào ngoại trừ một vài nguồn tin giấu tên.
Một lần nữa, đúng và sai sẽ là chuyện còn lâu mới ngã ngũ. Nhưng nếu Bloomberg nói đúng, Apple và Amazon có lẽ đã núp dưới lớp vỏ "Không bình luận" thay vì tung ra đủ loại công kích như bây giờ.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming