Con chuột hằng đêm giúp ông lão dọn đồ: Chẳng có chuyện cổ tích gì đâu, khoa học cả đấy

    zknight,  

    Đó không phải điều quá bất thường trong thế giới động vật.

    Tuần vừa rồi, một đoạn video quay lại bằng camera giấu kín - ghi lại cảnh một chú chuột bước ra từ phim Disney, giúp chủ ngôi nhà dọn dẹp đồ đạc bày bừa – nhanh chóng được lan truyền trên mạng internet.

    Chú chuột sống trong nhà kho của một thợ sửa chữa già người Anh có tên là Stephen Mckears. Nó dường như đã giúp ông lão nghỉ hưu dọn dẹp bàn làm việc mỗi ngày. 

    Mckears kể rằng mình có thói quen để đồ đạc bừa bộn vào cuối buổi làm việc. Nhưng sáng nào sau khi thức dậy, ông cũng thấy bàn làm việc của mình được dọn sạch sẽ tinh tươm.

    Chắc chắn không có một người nào giúp mình dọn đồ, ông ấy đã đặt camera giấu kín và ghi lại được đoạn video này. Trong đó, một con chuột như bước ra từ truyện cổ tích, nó giúp ông lão Mckears nhặt nhạnh ốc vít, đồ cắt móng tay và những chuỗi kim loại bày bừa bỏ vào hộp.

    "Món đồ nặng nhất [mà con chuột dọn cho tôi] là tay cầm vòi nước và dây xích của máy khoan", ông lão Mckears cho biết. "Suốt 70 năm cuộc đời, tôi đã thấy nhiều con chuột làm ổ nhưng sao lại có chú chuột dọn dẹp như thế này? Trên bàn cũng chẳng có đồ ăn gì sất".

    Chú chuột nhà ông lão Stephen Mckears

    Nhiều người có thể thấy bất ngờ về chuyện này, nhưng các nhà khoa học thì không. Dưới góc nhìn sinh học, chẳng có câu chuyện cổ tích nào xảy ra trong nhà kho của ông lão Mckears cả.

    Con chuột chỉ đang dọn dẹp khu vực sinh sống của nó, có thể vì điều đó đảm bảo an toàn cho nó. Đây không phải điều gì quá bất thường trong thế giới động vật. Chúng ta biết những con ong thường xuyên dọn xác đồng loại khỏi tổ, những con cá đực dùng vây quạt nước để làm sạch trứng của chúng.

    Những con chim trước khi nhảy nhót để thu hút bạn tình, chúng cũng thường dọn sạch những mảnh vụn xung quanh sàn nhảy của mình. Nếu bạn thấy không có một lý do nào trên đây giải thích được cho hành vi dọn dẹp của con chuột nhà Mckears, chúng ta hãy thử xem xét lại hành vi bẩm sinh của loài gặm nhấm.

    Những con Packrat, hay còn gọi là chuột gỗ ở Bắc Mỹ có thói quen thu thập các vật thể sáng bóng, đá và gỗ để bảo vệ tổ của chúng. Chuyện những con chuột tích trữ thức ăn hay sưu tầm đồ vật đã được các nhà sinh vật học quan sát thấy từ lâu.

    Nhiều loài gặm nhấm chôn vùi những vật thể mới lạ mà chúng tìm thấy trong lãnh địa của mình, và điều này được cho là một phản ứng tự nhiên. Lý do vì loài gặm nhấm có bản năng đào hầm, nên khi nó đào để chôn một thứ gì đó, chỉ là sự mở rộng phản ứng tự nhiên mà loài vật này có mà thôi.

    Ngoài ra, chuột cũng có hành vi tha càm đồ về làm tổ. Cho nên, trong đoạn video ngắn mà ông lão Mckears ghi lại được, có thể hành vi của con chuột bắt nguồn từ những bản năng tự nhiên đó của nó bao gồm tích trữ, chôn vùi và nói chung là thao túng môi trường xung quanh.

    Tất cả những vật thể mà ông lão Mckears bày bừa ra lãnh thổ của con chuột có thể đã khiến nó bị nhầm lẫn gì đó trong quá khứ. Con chuột tha chúng trở lại hộp đơn giản là để đảm bảo an toàn cho chính bản thân nó, trong lãnh địa của nó mà thôi.

    Con chuột hằng đêm giúp ông lão dọn đồ: Chẳng có chuyện cổ tích gì đâu, khoa học cả đấy - Ảnh 2.

    Con chuột dọn đồ đơn giản là để đảm bảo an toàn cho chính bản thân nó mà thôi.

    Vậy là, loài chuột thực ra cũng gọn gàng hơn bạn nghĩ, và không chỉ có lũ chuột. Sạch sẽ là đức tính vốn có của một loạt các loài sinh vật khác:

    1. Rắn chuông

    Rắn chuông không có chân có tay nhưng chúng vẫn có thể dọn dẹp khu vực săn mồi của mình. Những con rắn được quan sát thấy khi chúng dùng cái đầu hình tam giác, cổ cơ bắp để dọn cỏ.

    Điều này cho phép con rắn quan sát được con mồi tiềm năng. Phát động tấn công dễ dàng hơn và theo dấu con mồi nếu nó không bị giết ngay từ vết cắn đầu tiên.

    2. Chim sẻ hót

    Những con Oscines hay còn gọi là sẻ hót được bắt gặp dọn phân chim non ra khỏi tổ. Bluebird, những con chim xanh cũng hay treo túi phân của chúng trên dây điện, cột hàng rào và cột điện thay vì để trong tổ.

    Với bản năng của mình, các loài chim vệ sinh tổ của chúng rất nghiêm ngặt. Không chỉ có phân, thức ăn thừa và những con chim non bị chết cũng được chim mẹ dọn sạch. Điều này giúp chúng tránh bị mắc bệnh và đảm bảo tổ chim khó bị kẻ thù phát hiện.

    3. Kiến

    Con chuột hằng đêm giúp ông lão dọn đồ: Chẳng có chuyện cổ tích gì đâu, khoa học cả đấy - Ảnh 3.

    Nói về bệnh tật, đó là một nỗi ám ảnh với các loài động vật sống theo đàn như kiến. Các loài côn trùng như kiến và ong thường phát triển một dân số rất lớn, bên trong một không gian hạn chế. Điều này tạo điều kiện cho bệnh tật dễ lan truyền.

    Chính vì lý do này mà sau khi một con kiến chết, đồng loại của chúng ngay lập tức sẽ mang xác con kiến này rời khỏi tổ, chứ không để nó lại bên trong đường hầm.

    Một nghiên cứu cho thấy rằng nếu kiến không thể loại bỏ xác chết đó, chúng nhiều khả năng cũng sẽ chết. 

    Tuy nhiên, kiến nhảy Ấn Độ có một phương pháp hơi khác - tổ của chúng được xây với một buồng riêng chứa đầy những con kiến chết. Buồng rác này cũng chứa cả thức ăn thừa và phân của chúng.

    Những con kiến nuôi giòi ở đây, để phân hủy những xác chết và khiến cho hầm mộ của chúng không bị tắc do quá đầy.

    4. Chuột dũi trụi lông

    Chuột dũi trụi lông cũng là một loài sống dưới lòng đất, và có một hệ thống đường hầm tương tự như kiến. Chúng xây dựng các khu vực vệ sinh riêng trong hang, chỉ chứa rác thải. Khi căn hầm này đầy, chúng sẽ dũi đất lấp miệng nó lại, và đào một căn hầm chứa chất thải mới.

    Chuột dũi dọn dẹp nhà cửa của chúng khá tỉ mỉ - quét sạch mọi rễ cây, đá cuội và rác thải xuất hiện trên lối đi. Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học đã cắm dây cáp và nhiệt kế vào hang chuột dũi để theo dõi chúng.

    Nhưng có vẻ những con chuột không thích bị xâm phạm đời sống riêng tư, chúng đã dọn sạch đống thiết bị của các nhà khoa học.

    5. Cá thia biển

    Con chuột hằng đêm giúp ông lão dọn đồ: Chẳng có chuyện cổ tích gì đâu, khoa học cả đấy - Ảnh 4.

    Nếu đã xem bộ phim tài liệu "Blue Planet II" của BBC, bạn có thể nhớ cảnh quay một con cá thìa biển cần mẫn dọn dẹp những con cầu gai khỏi khu vực tổ của chúng, chỉ để thấy ngày hôm sau,  cầu gai sẽ ngập tràn trở lại.

    Với cá thìa biển, phần lớn công việc nuôi dạy con cái được giao cho con đực. Chúng chọn những hốc đá ngầm tiềm năng để làm tổ, sau đó kiến thiết ngôi nhà bằng cách dọn sạch lũ cầu gai, sao biển đi lang thang, các mảnh vụn cũng như một số loài thực vật, tảo biển.

    Tóm lại, khoa học có thể đưa ra những lời giải thích hoàn toàn thấu đáo cho mọi câu chuyện mà nhiều người nghĩ là cổ tích. 

    Từ câu chuyện chú chuột dọn nhà, chúng ta giờ đã biết nhiều hành vi sạch sẽ của các loài động vật. Các hành vi này không chỉ định hình từ môi trường sống, mà còn có một phần từ di truyền. 

    Không khó để giải thích tại sao những loài động vật sạch sẽ, biết dọn dẹp tổ của chúng - để ngăn ngừa bệnh tật và tránh bị động vật săn mồi phát hiện – lại được chọn lọc tự nhiên ưu ái, sống sót và di truyền nòi giống cho đến ngày hôm nay.

    Tham khảo Theconversation

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày