“Con đường dẫn đến sự hỗn loạn” ở Amazon – Nơi nạn đào vàng trái phép tạo ra thảm kịch nhân đạo khủng khiếp

    Minh Minh, Theo Nhịp sống thị trường 

    Chiếc máy bay giám sát rời khỏi đường băng và hướng về phía tây. Nó muốn tới nơi đang diễn ra một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo và môi trường nghiêm trọng nhất ở Brazil.

    Mục tiêu của chiếc máy bay là một con đường bí mật dài 120km mà các mafia khai thác trái phép. Con đường ấy đã bị “khoét” ra khỏi các khu rừng thuộc lãnh thổ bản địa lớn nhất của Brazil trong những tháng gần đây với mục đích buôn lậu những chiếc máy xúc đến các vùng đất đang được bảo vệ.

    Tìm đến cái gọi là “vùng đất không có người dành cho người không có đất”

    “Con đường dẫn đến sự hỗn loạn” ở Amazon – Nơi nạn đào vàng trái phép tạo ra thảm kịch nhân đạo khủng khiếp - Ảnh 1.


    Nhà bảo vệ môi trường của Tổ chức Hòa bình xanh dẫn đầu nhiệm vụ trinh sát trên khu bảo tồn rộng lớn của người bản địa gần biên giới Brazil với Venezuela là Danicley de Aguiar cho biết: “Tôi gọi đó là Con đường dẫn đến sự hỗn loạn.”

    Aguiar cho biết máy móc hạng nặng như vậy chưa từng được phát hiện trước đây trong lãnh thổ Yanomami. Đây là một khu vực bao gồm núi, sông và rừng có kích thước bằng Bồ Đào Nha ở phía bắc Amazon của Brazil.

    “Chúng tôi tin rằng có ít nhất bốn máy xúc ở đó. Điều này sẽ đưa hoạt động khai thác trên lãnh thổ Yanomami lên một tầm cao mới, đạt đến mức độ hủy diệt khổng lồ,” nhà bảo vệ môi trường cho biết. Anh đang chuẩn bị bay lên bầu trời để xác nhận sự tồn tại của con đường.

    Khoang máy bay tràn ngập tiếng trò chuyện hào hứng sau một giờ bay cho đến khi có người thoáng thấy con đường bí mật mà mọi người đang tìm kiếm.

    “Con đường dẫn đến sự hỗn loạn” ở Amazon – Nơi nạn đào vàng trái phép tạo ra thảm kịch nhân đạo khủng khiếp - Ảnh 2.

    “Chúng ta tìm thấy nó rồi! Con đường dẫn đến sự hỗn loạn kìa!, Aguiar thốt lên. Anh nói và chỉ vào một khoảng đất trong khu rừng nhiệt đới nơi ba máy xúc màu vàng đã đào được một mỏ vàng ra khỏi bờ sông Catrimani màu cà phê.

    Tại một bãi đất trống gần đó, người ta có thể nhìn thấy chiếc máy đào thứ tư đang phá hủy một lãnh thổ là nơi sinh sống của khoảng 27.000 thành viên của các dân tộc Yanomami và Ye'kwana. Họ là những cộng đồng sống mà không liên hệ gì với thế giới bên ngoài. Aguiar cho biết điều đáng lo ngại là một trong những ngôi làng biệt lập đó chỉ cách con đường bất hợp pháp 16km.

    Một nhà lãnh đạo bản địa nổi tiếng tên Sônia Guajajara cũng có mặt trên máy bay. Ông nghi ngờ bọn tội phạm đưa thiết bị của chúng vào sâu trong vùng đất của người Yanomami.

    Các nhà báo của tờ Guardian và đài truyền hình Brazil TV Globo là những bên đầu tiên chứng kiến sự xuất hiện của các máy xúc. Những chiếc máy ấy nằm trong cuộc tấn công kéo dài nửa thế kỷ của các băng nhóm khai thác hùng mạnh và có quan hệ chính trị.

    “Con đường dẫn đến sự hỗn loạn” ở Amazon – Nơi nạn đào vàng trái phép tạo ra thảm kịch nhân đạo khủng khiếp - Ảnh 3.

    Những người khai thác mỏ hoang được gọi là garimpeiro. Họ bắt đầu đổ xô đến vùng đất Yanomami để tìm kiếm quặng thiếc và vàng vào những năm 1970 và 1980, sau khi chế độ độc tài quân sự thúc giục người dân nghèo Brazil chiếm giữ một khu vực mà họ gọi là “vùng đất không có người dành cho người không có đất”.

    Đối với người Yanomami, điều đó là một thảm hoạ. Cuộc sống và truyền thống của họ bị đảo lộn. Các ngôi làng bị tàn phá bởi dịch cúm và sởi. Khoảng 20% bộ lạc đã tử vong chỉ trong vòng 7 năm, theo tổ chức nhân quyền Survival International.

    Nghèo đói cũng là một phần nguyên nhân

    Một làn sóng phản đối toàn cầu diễn ra. Chiến dịch an ninh có tên Selva Livre (Giải phóng rừng rậm) đã trục xuất hàng chục nghìn thợ mỏ ra khỏi vùng đất vào đầu những năm 1990. Dưới áp lực quốc tế, tổng thống Brazil khi đó là Fernando Collor de Mello đã tạo ra một khu bảo tồn rộng 9,6 triệu ha. “Chúng ta phải đảm bảo cho người Yanomami một không gian để họ không đánh mất bản sắc văn hóa cũng như môi trường sống của mình,” ông Mello nói.

    Ban đầu, những nỗ lực đó đã thành công nhưng đến thập kỷ tiếp theo, garimpeiro liền quay trở lại do giá vàng tăng vọt. Việc thực thi pháp luật lỏng lẻo và tình trạng nghèo đói đeo bám đã đẩy người lao động vào cuộc sống vô cùng khó khăn. Các ông chủ muốn đi khai thác vàng có thể bóc lột họ liên tục.

    Các cuộc tàn phá thiên nhiên gia tăng sau khi ông Jair Bolsonaro - một người theo chủ nghĩa dân túy cực hữu muốn các vùng đất của người bản địa được mở rộng để phát triển thương mại - được bầu làm tổng thống vào năm 2018. Số lượng các thợ mỏ làm việc bất hợp pháp trên vùng đất Yanomami ước tính lên tới 25.000 người.

    “Thật đáng kinh ngạc. Rõ ràng là bạn đang ở trong lòng khu rừng vĩ đại này nhưng cứ như thể đang ở trong một bộ phim cũ về Ai Cập cổ đại vậy. Tất cả những cỗ máy quái dị đó đang phá hủy trái đất để kiếm tiền,” nhiếp ảnh gia người Anh João Laet cho biết.

    Ba năm sau, tình hình ngày càng xấu đi với sự xuất hiện của máy xúc thủy lực và con đường bất hợp pháp.

    “Con đường dẫn đến sự hỗn loạn” ở Amazon – Nơi nạn đào vàng trái phép tạo ra thảm kịch nhân đạo khủng khiếp - Ảnh 4.

    Alisson Marugal là một công tố viên liên bang được giao nhiệm vụ bảo vệ các vùng đất của người Yanomami. Ông cho biết việc đưa vào sử dụng những cỗ máy như vậy là một bước phát triển đáng lo ngại đối với các cộng đồng vốn đang phải đối mặt với một “thảm kịch nhân đạo” nghiêm trọng.

    Một số người khai thác đang bị nghi ngờ có quan hệ với các phe phái buôn bán chất cấm. Họ đã gây ra bạo lực tình dục, làm bùng phát bệnh sốt rét và buộc các trạm y tế phải đóng cửa, khiến trẻ em phải đối mặt với mức độ bệnh tật và suy dinh dưỡng “khủng khiếp.” Các con sông đang bị đầu độc bằng thủy ngân bởi một đội tàu khai thác bất hợp pháp gồm khoảng 150 chiếc.

    Ông Luiz Inácio Lula da Silva - tổng thống sắp tới của Brazil - đã cam kết sẽ chống lại garimpeiro cắt giảm nạn phá rừng vốn đã tăng vọt dưới thời Bolsonaro. “Cả Brazil và hành tinh này đều cần Amazon tồn tại,” ông Lula nói trong bài phát biểu đầu tiên sau khi suýt đánh bại đối thủ của mình trong cuộc bầu cử vào tháng 10.

    Marugal tin rằng việc ngừng khai thác trái phép trên vùng đất Yanomami là hoàn toàn có thể thực hiện được nếu có ý chí chính trị. Tuy nhiên, dưới thời ông Bolsonaro, điều này đã không thực hiện được. Aguiar cho rằng việc giải cứu Amazon “sẽ không chỉ giải quyết bằng súng trường. Vượt qua nghèo đói mới là một phần thiết yếu để vượt qua nền kinh tế hủy diệt này.”

    Cái giá của việc không hành động sẽ là sự hủy diệt đối với những người đã sinh sống trong rừng nhiệt đới hàng nghìn năm. “Nếu không làm gì, chúng ta sẽ mất mảnh đất này. Đối với người Yanomami, viễn cảnh ấy thật sự quá nghiệt ngã.”

    Tham khảo The Guardian

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ