Còn hơn cả một smartphone, Mate 60 Pro là câu trả lời của Huawei cho các biện pháp trừng phạt từ Mỹ
Đây là smartphone đầu tiên của Huawei trang bị bộ xử lý 7nm sản xuất tại Trung Quốc, thay vì phụ thuộc vào các đối tác cung cấp từ nước ngoài.
- Qualcomm sẽ 'thua trắng' khi Huawei lộ chip 7nm nội địa: Doanh thu chục tỷ USD tan biến, đối diện nguy cơ mất hết khách
- Liệu Huawei có lấy lại được ánh hào quang xưa nhờ sản phẩm smartphone mới?
- Huawei ra mắt Mate60 Pro: Màn hình 3 "nốt ruồi", hỗ trợ 5G, giá 23 triệu đồng
- Huawei "bạo chi" theo con đường giúp 2 ông lớn chip TSMC và Samsung ngang cơ Intel, đến Mỹ cũng e dè
Sau một thời gian dài im hơi lặng tiếng, Huawei đang cho thấy sự trở lại của mình bằng việc ra mắt một smartphone flagship mới, Mate 60 Pro. Nhưng điều đáng chú ý nhất của chiếc flagship này không chỉ là các công nghệ hiện đại được trang bị trên nó mà còn là nguồn gốc của các công nghệ đó.
Các báo cáo mổ xẻ chi tiết smartphone này cho biết, Mate 60 Pro không chỉ được trang bị kết nối 5G mà còn sử dụng chip công nghệ mới 7nm được sản xuất bởi một công ty đúc chip Trung Quốc, hãng SMIC (Semiconductor Manufacturing International Corp). Quan trọng hơn, con chip này được sản xuất ra ngay cả khi các công ty Trung Quốc đang bị áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu từ chính phủ Mỹ khiến họ không thể tiếp cận được các công cụ sản xuất chip cao cấp.
Điều đó khiến Huawei Mate 60 Pro và con chip mới bên trong không đơn thuần chỉ là một smartphone thông thường mà đã trở thành biểu tượng cho khả năng chống đỡ bền bỉ của Trung Quốc trước các đòn tấn công của Mỹ trên đấu trường bán dẫn.
Câu chuyện thành công trong con chip Trung Quốc
Theo phân tích của trang TechInsights, bộ xử lý Kirin 9000s bên trong Huawei Mate 60 Pro được sản xuất dựa trên tiến trình 7nm thế hệ thứ 2 của hãng SMIC (hay còn gọi là N+2). Có giá bán khoảng 955 USD, khoảng 800.000 smartphone flagship này đã được Huawei bán hết ngay trong 5 ngày đầu mở bán, cho thấy nhu cầu từ người dùng lớn đến như thế nào. Bên cạnh đó, các con số ước tính cho thấy, nếu không gặp vấn đề về chuỗi cung ứng, Huawei có thể bán được đến 20 triệu smartphone dòng Mate 60.
Điều đáng chú ý là dòng chip Kirin 9000s được SMIC sản xuất ra trong khi hãng đúc chip Trung Quốc này không được tiếp cận với các cỗ máy quang khắc EUV của hãng ASML – dòng máy quang khắc chip hiện đại nhất hiện nay và đang được sử dụng để sản xuất các dòng chip cao cấp nhất hiện nay.
Phó chủ tịch TechInsights, ông Dan Hutcheson cho biết: "Sự khó khăn của thành tựu trên cho thấy khả năng bền bỉ trong năng lực công nghệ chip của quốc gia này. Đồng thời đây cũng là một thách thức địa chính trị lớn đối với những quốc gia đang tìm cách hạn chế họ tiếp cận được các công nghệ sản xuất chip quan trọng. Điều này có thể gây ra các áp đặt còn lớn hơn nhiều so với hiện tại."
Tuy vậy, việc SMIC làm thế nào sản xuất được các chip 7nm này trong khi vẫn chịu nhiều biện pháp áp đặt của chính phủ Mỹ vẫn là điều bí ẩn.
Tuyên bố của Trung Quốc đối với áp lực từ Mỹ
Việc Huawei ra mắt được chiếc smartphone flagship này cũng là một lời thách thức cho chiến lược của Mỹ nhằm kìm hãm đà tăng trưởng cho ngành công nghệ cao của Trung Quốc. Các chip cao cấp, đặc biệt dòng chip dùng công nghệ sản xuất dưới 14nm, được xem như chìa khóa quyết định cho vị thế trên lĩnh vực công nghệ cũng như địa chính trị.
Từ tháng 8 năm 2022, nước Mỹ đã thông qua đạo luật CHIPS (Creating Helpful Incentives to Produce Semiconductors – các ưu đãi sáng tạo cho sản xuất bán dẫn) và đạo luật Khoa học, nhằm cung cấp gói hỗ trợ 52 tỷ USD cho các công ty chip với điều kiện nguồn ngân quỹ này sẽ không được sử dụng để đầu tư vào Trung Quốc.
Tháng 10 năm 2022, Mỹ tiếp tục áp đặt hàng loạt hạn chế mới đối với các công ty bán dẫn, ngăn họ không cung cấp các chip logic dưới 16nm, các chip DRAM dưới 18nm và các chip NAND từ 28 lớp trở lên cho Trung Quốc nếu không có giấy phép đặc biệt từ chính phủ. Nước Mỹ còn thuyết phục Hà Lan dừng bán các máy quang khắc cao cấp của ASML cho Trung Quốc – đặc biệt các máy quang khắc EUV vốn là công cụ không thể thiếu để sản xuất các chip từ 5nm trở xuống.
Với các hạn chế này, nhiều người cho rằng ngành bán dẫn của Trung Quốc sẽ rất khó hồi phục khi các công ty không được tiếp cận với khả năng sản xuất chip dưới 14nm – công nghệ chip đi sau đến 8 năm so với công nghệ sản xuất chip 3nm hiện nay. Tuy nhiên, với bước đột phá trong khả năng sản xuất chip 7nm của Huawei Mate 60 Pro, Trung Quốc đang cho thấy khả năng vượt qua các thách thức liên quan đến việc sản xuất chip với công nghệ đột phá. Mặc dù vậy, công nghệ chip 7nm này vẫn đang đi sau đến 5 năm so với các chip 3nm hiện tại.
Trong khi các hãng đúc chip hàng đầu thế giới hiện nay như Samsung và TSMC đang chạy đua để sản xuất các chip có tiến trình nhỏ hơn nữa, đến 2nm, điều này dường như lại nằm ngoài tầm với của các công ty Trung Quốc khi thiếu thốn quá nhiều trang thiết bị cao cấp. Tuy vậy khả năng sản xuất chip 7nm của SMIC cũng đánh dấu một bước tiến dài về công nghệ của Trung Quốc.
Cuộc đối đầu về công nghệ bán dẫn giữa 2 cường quốc này dường như sẽ còn lâu nữa mới kết thúc khi Trung Quốc cho thấy họ đang tìm kiếm các cách thức sáng tạo để vượt qua các thách thức về thiếu thốn phương tiện hiện đại. Trong khi đó, nhiều khả năng sự xuất hiện của Huawei Mate 60 Pro cùng Kirin 9000s sẽ khiến chính phủ Mỹ tìm kiếm các biện pháp hạn chế mối đối với các công ty công nghệ Trung Quốc.
Tham khảo ThePrint
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?