Con người dần vắng bóng tại các dây chuyền sản xuất Trung Quốc

    Du Lam, Theo ICTNews 

    Do thiếu hụt lao động, các nhà máy Trung Quốc bắt đầu dùng tới máy móc nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu.

    Cánh tay robot màu cam hàn, lắp ráp với độ chính xác cực cao. Máy ảnh kỹ thuật số với hỗ trợ của công nghệ thị giác máy tính theo dõi linh kiện khi chúng được chuyển qua các dây chuyền lắp ráp. Robot tự động vận chuyển vật liệu vào, thành phẩm ra một cách âm thầm, không cần con người giám sát.

    Con người đã bị loại bỏ khỏi dây chuyền lắp ráp này, thay bằng robot, kỹ thuật viên và kỹ sư vận hành từ xa. Họ theo dõi sự kiện theo thời gian thực thông qua bảng điều khiển kỹ thuật số, có thể truy cập được từ bất kỳ đâu trong nhà máy thông qua một thiết bị cầm tay.

    Đây chính là cách nhà máy sản xuất lò vi sóng của Midea tại thành phố Phật Sơn hoạt động. Theo Giám đốc nhà máy Xu Nian’en, công việc trước đây cần 16 người nay chỉ cần 4. Trong 6 năm qua, công ty đã đầu tư 4 tỷ NDT (622 triệu USD) để chuyển đổi, tăng hiệu quả thêm 62% và giảm khoảng 50.000 lao động.

    Con người dần vắng bóng tại các dây chuyền sản xuất Trung Quốc - Ảnh 1.

    Cánh tay robot tại một nhà máy Midea. (Ảnh: Handout)

    Trong công cuộc chuyển đổi số diễn ra chóng mặt tại Trung Quốc, nhà máy Midea đại diện cho một phần bức tranh tương lai, nơi mà quy trình sản xuất và nhân viên cần thích ứng để tăng cường tự động hóa. Thách thức ngày một gay gắt hơn khi Trung Quốc đang tìm cách nâng cao chuỗi giá trị và đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học sắp xảy ra, đe dọa thay đổi lực lượng lao động hàng thế hệ.

    Theo báo cáo phát hành ngày 11/5 của Cục Thống kê quốc gia (NBS), dân số Trung Quốc tăng chậm nhất kể từ những năm 1950. Dân số trong độ tuổi lao động – từ 15 tới 59 tuổi – chiếm 63,35% dân số Trung Quốc năm 2020, giảm 6,79% so với thập kỷ trước. Giáo sư Kinh tế học Wang Xiaosong đến từ Đại học Renmin nhận định tỉ lệ này ngày càng thấp hơn. Còn theo Giáo sư Dân số Lu Jiehua của Đại học Peking, con số năm 2020 chỉ bằng 3/4 năm 2011 và sẽ chỉ còn hơn nửa vào năm 2050.

    Cùng lúc đó, lao động trẻ ngày càng kém quan tâm đến việc làm tại các nhà máy. Song cũng phải nhắc đến thực tế tỉ lệ tốt nghiệp cao đẳng tăng từ 8,93% năm 2010 lên 15,5% năm 2020, đi trước nhiều nước đang phát triển.

    Con người dần vắng bóng tại các dây chuyền sản xuất Trung Quốc - Ảnh 2.

    Nhà máy Midea trang bị camera, cảm biến 5G, hỗ trợ bằng AI, theo dõi chuyển động của nhân viên, xe đạp, xe tải. (Ảnh: Handout)

    Đây chính là lúc trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ phát huy tác dụng: nhiều công việc chân tay mang tính lặp lại sẽ được thay thế bằng công việc kỹ năng cao hơn trong tương lai. Hiện tại, các nhà máy khó tìm được lao động trẻ muốn đứng ở các dây chuyền sản xuất. Yuan Jing, Phó Giám đốc nhà máy sản xuất thiết bị trường học, cho biết thế hệ trẻ yêu thích công việc dịch vụ hơn, chẳng hạn livestream hay làm văn phòng.


    Hàng ngàn nhà máy trên toàn quốc đã bắt đầu thay thế lao động chân tay bằng tự động hóa, robot hóa và chuyển đổi hóa. Công ty của ông Yuan tập trung phát triển công nghệ cho nhà máy mới đang xây dựng khi đầu tư khoảng 60 triệu NDT (9,4 triệu USD) vào tự động hóa, giảm số lượng công nhân cần cho một vài quy trình xuống một nửa. Theo ông Zhou, Midea dự kiến thay thế thêm 30% công nhân trong 3 năm với sự hỗ trợ của tự động hóa và chuyển đổi số.

    10 năm qua, Trung Quốc dần chuyển từ “công xưởng” lao động giá rẻ, kỹ năng thấp sang trung tâm sản xuất thông minh hơn. Các nhà máy ứng dụng AI để thu thập lượng lớn dữ liệu, tự động hóa nhiều quy trình, trong khi chính phủ đưa ra chính sách để quản lý, dùng dữ liệu có sẵn thúc đẩy Internet công nghiệp trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14. Các công ty xây dựng trung tâm dữ liệu để cung cấp dịch vụ đám mây, hỗ trợ nhiều ngành lên mạng, còn mạng 5G đáp ứng nhu cầu của nhà máy thông minh và tự động hóa.

    Bước chuyển đổi này đều có định hướng của nhà nước, từ các sáng kiến cấp quốc gia như kế hoạch Made in China 2025 đến nỗ lực của từng địa phương. Chính phủ tài trợ cho các doanh nghiệp tự động hóa, nhà sản xuất robot bằng nhiều cách, nhiều cấp độ, từ cho vay lãi suất thấp, giảm thuế đến ưu đãi thuê đất.

    Trung Quốc là thị trường robot công nghiệp lớn nhất thế giới kể từ năm 2013 với các công ty dẫn đầu như Media. Năm 2017, Media mua lại nhà sản xuất robot market công nghiệp Kuka của Đức với giá 4,5 tỷ EUR. Tháng 3 năm nay, Midea là công ty Trung Quốc thứ hai, sau Haier, được Diễn đàn Kinh tế thế giới công nhận sở hữu hai “nhà máy hải đăng” (dùng công nghệ tối tân).

    Theo Zhu Min, cựu Phó Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế, Giám đốc Viện nghiên cứu Tài chính quốc gia Đại học Tsinghua, quá trình chuyển đổi số đồng nghĩa với thay đổi lợi thế cạnh tranh cốt lõi của một quốc gia ở cấp độ nền tảng. Chi phí nhân công trên mỗi máy điều hòa Midea chỉ vào khoảng 10 NDT, điều không thể đạt được trong quá khứ.

    Con người dần vắng bóng tại các dây chuyền sản xuất Trung Quốc - Ảnh 3.

    Một người lao động nhập cư chờ được ai đó thuê mướn trên đường phố Bắc Kinh. (Ảnh: EPA-EFE)

    Theo Xu Shaoyuan, nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu phát triển Hội đồng nhà nước Trung Quốc, sự suy giảm và già hóa của dân số trong độ tuổi lao động không tác động đáng kể đến các ngành công nghiệp trong nước do tiến bộ công nghệ có thể nhanh hơn so với biến động nhân khẩu học. Nhờ thể chất được cải thiện, nhiều người sẵn sàng và đủ khả năng lao động ngay cả khi quá tuổi nghỉ hưu (60). Với sự tiến bộ của công nghệ, yêu cầu về thể lực nhìn chung cũng giảm.


    Trong khi đó, dù chi phí lao động tăng đều 10 năm qua, nhiều nhà máy chuyển từ các khu vực bờ biển đắt đỏ sang khu vực rẻ hơn ở phía tây. Theo NBS, mức lương thường niên trung bình của nhân viên tại các công ty tư nhân khu vực đô thị trong năm 2020, đạt 57.727 NDT, tăng gần gấp ba so với mức 20.759 NDT năm 2010. Với lĩnh vực sản xuất, lương trung bình là 74.641 NDT năm 2020, cao hơn mức 58.049 NDT của năm 2017.

    Dù vậy, lực lượng robot của Trung Quốc vẫn thấp so với con người với tỉ lệ 187 robot/10.000 nhân viên. Để so sánh, Singapore có mật độ robot cao nhất, 918 robot/10.000 nhân viên, tiếp đó là Hàn Quốc với 868 robot/10.000 nhân viên, theo dữ liệu từ Hiệp hội robot quốc tế. Kế hoạch sản xuất thêm nhiều robot công nghiệp của Trung Quốc cũng chưa hoàn thành, thị trường phần lớn do Nhật Bản, châu Âu và Hàn Quốc thống trị.

    Ngoài ra, tác động tiêu cực sẽ đến với các lao động không sẵn sàng hay không thể thích ứng đủ nhanh với công nghệ làm việc hiện đại. Trung Quốc hay bất kỳ nước nào cũng phải nâng cấp giáo dục và việc làm. Khi công việc chân tay dần lỗi thời, nhiều công nhân nhà máy phải nâng cao trình độ hoặc thay đổi chuyên môn.

    Theo Giám đốc nhà máy Midea, họ cần có khả năng xử lý phân tích dữ liệu hay những công nghệ khác. Nhân viên hiện tại của ông phải thay đổi, nếu không họ sẽ bị thay thế.

    Theo SCMP


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ