Cơn sốt khiến giá đất tăng 500% thu hút các nhà đầu tư đổ hàng triệu đô, nhưng tất cả đều… không có thật

    Thiên Di , Nhịp Sống Kinh tế 

    Bất động sản trong thế giới ảo, hay còn được gọi là vũ trụ ảo metaverse, đôi khi có giá lên tới hàng triệu đô.


    Cơn sốt đất "vô thực"

    Không có gì bí ẩn khi thị trường bất động sản tăng vọt, nhưng đại dịch Covid-19 lại tạo ra một cơn sốt đất khác ít người biết đến. Thật vậy, một số nhà đầu tư đang trả hàng triệu đô cho các lô đất không phải ở New York, cũng chẳng phải ở Beverly Hills. Các lô đất này thực tế không tồn tại ngoài đời.

    Thay vào đó, những khu đất này nằm trên mạng, trong một tập hợp các thế giới ảo mà người trong ngành công nghệ gọi là metaverse. Giá của các mảnh đất đã tăng tới 500% trong vài tháng qua, kể từ khi Facebook tuyên bố sẽ phát triển toàn diện trên lĩnh vực thực tế ảo. Thậm chí công ty của Mark Zuckerberg còn đổi tên thành Meta Platforms.

    Cơn sốt khiến giá đất tăng 500% thu hút các nhà đầu tư đổ hàng triệu đô, nhưng tất cả đều… không có thật - Ảnh 1.

    Andrew Kiguel, CEO của Tokens.com có trụ sở tại Toronto, công ty chuyên đầu tư vào bất động sản metaverse và các tài sản kỹ thuật số liên quan đến NFT, cho biết: "Metaverse là sự lặp lại nối tiếp của mạng xã hội. Bạn có thể tham gia lễ hội, đi xem hoà nhạc hoặc tham quan bảo tàng".

    Trong thế giới ảo này, người thật tương tác với nhau như những nhân vật hoạt hình được gọi là hình đại diện, tương tự như một trò chơi điện tử có nhiều người chơi cùng lúc trong thời gian thực. Hiện tại, mọi người có thể truy cập vào thế giới ảo thông qua máy tính bình thường. Nhưng Meta và các công ty khác có tầm nhìn dài hạn về thế giới nhập vai và mọi người sẽ truy cập thông qua kính thực tế ảo.

    Một báo cáo gần đây mà nhà quản lý tài sản tiền điện tử Grayscale ước tính, thế giới ảo có thể phát triển thành một ngành kinh doanh trị giá 1.000 tỷ USD trong tương lai gần.

    Tại đây, các nghệ sĩ lớn, bao gồm Justin Bieber, Ariana Grande và DJ Marshmello, biểu diễn thông qua hình đại diện của họ. Thậm chí, DJ Paris Hilton còn tổ chức tiệc Đêm Giao thừa trên hòn đảo ảo của riêng cô ấy.

    Công ty của Kiguel gần đây đã đầu tư gần 2,5 triệu USD vào một mảnh đất ở Decentraland, một trong những vũ trụ ảo metaverse phổ biến. Kiguel cho biết giá đất ảo đã tăng 400-500% trong vài tháng qua.

    Một vũ trụ ảo metaverse khác cũng trong cơn sốt đất là Sandbox, nơi công ty phát triển bất động sản ảo của Janine Yorio chi số tiền kỷ lục là 4,3 triệu USD cho một lô đất ảo.

    Trao đổi với CNBC, Yorio cho biết công ty của bà đã bán 100 hòn đảo tư nhân ảo trong năm 2021 với giá 15.000 USD cho mỗi đảo. "Hiện tại, công ty đang bán mỗi hòn đảo với giá khoảng 300.000 USD, ngang với giá nhà trung bình ở Mỹ", Yorio nói.

    Cơn sốt khiến giá đất tăng 500% thu hút các nhà đầu tư đổ hàng triệu đô, nhưng tất cả đều… không có thật - Ảnh 2.

    Có người đã trả 45.000 USD để trở thành hàng xóm của Snopp Dogg trong metaverse.

    Sự đầu tư liều lĩnh

    Nhà môi giới bất động sản có trụ sở tại Miami, Oren Alexander, nói với CNBC: "Đối với một số người, thế giới ảo cũng quan trọng như thế giới thực. Đây không phải là điều bạn tin hay không, mà là những gì sẽ xảy ra trong tương lai".

    Kiguel nói rằng cũng giống như bất động sản ngoài đời thực, ba điều quan trọng trong metaverse chính là: vị trí, vị trí và vị trí. "Có những khu vực khi bạn tham gia vào metaverse có mọi người tụ tập ở đó, những khu vực này chắc chắn sẽ có giá trị hơn nhiều so với những khu vực không có bất kỳ sự kiện nào diễn ra". Theo Kiguel, các khu vực mọi người tụ tập thường có giá trị cho các nhà quảng cáo và nhà bán lẻ tiếp cận nhân khẩu học.

    Ví dụ, rapper nổi tiếng Snoop Dogg đang xây dựng một biệt thự ảo trên một khu đất trong Sandbox. Và gần đây, một người dùng đã trả 450.000 USD để trở thành hàng xóm của nam rapper này.

    Việc mua đất ảo khá đơn giản, kể cả mua trực tiếp hoặc thông qua nhà phát triển. Các nhà đầu tư xây dựng trên đất của họ và làm cho nó có tương tác sống động.

    Janine Yorio, giám đốc điều hành Republic Realm, cảnh báo rằng đầu tư đất ảo cực kỳ rủi ro. Đất ảo dựa trên blockchain và mang tính đầu cơ cao. Các nhà đầu tư chỉ nên chi số tiền mà họ sẵn sàng đánh mất vì nó.

    Mark Stapp, giáo sư và trưởng khoa lý thuyết và thực hành bất động sản tại Đại học bang Arizona, đồng tình: "Tôi sẽ không bỏ tiền vào đất ảo mà không nghĩ đến chuyện mất tiền. Chắc chắn là không. Nếu cơn sốt đất tiếp diễn như hiện tại, rất có thể nó sẽ trở thành bong bóng. Bạn đang mua một thứ không gắn liền với thực tế".

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ