Confetti kiếm tiền như thế nào? Thực hư đằng sau trò chơi “phát 6.000 USD miễn phí” trên Facebook
Vào 9 giờ tối thứ 5 đến thứ 2 hàng tuần, hàng trăm nghìn người dùng Facebook lại tranh nhau “săn” giải thưởng hàng trăm triệu đồng. Ứng dụng miễn phí, tham gia miễn phí, rút tiền cũng miễn phí, vậy Confetti lấy đâu ra tiền để “phát miễn phí” như thế?
Facebook Live – vũ khí mới của gã khổng lồ
Vào tháng 6 năm 2018, trang mạng xã hội lớn nhất thế giới công bố tính năng "mới mẻ và sáng tạo" Facebook Live, cho phép "đối tác nội dung" biên tập và trình chiếu trò chơi tương tác đến mọi người dùng Facebook.
Vào những ngày đầu, Facebook Live chỉ được cung cấp vỏn vẹn cho 3 đối tác là BuzzFeed, Fresno, và Insider (một công ty "cùng nhà" với Business Insider).
Ngay khi công bố, không ít người dùng và chuyên gia lập tức nhận ra "Facebook Live" đang cố gắng sao chép thành công của "HQ Trivia", một ứng dụng đang thu hút hàng triệu người dùng trong mỗi số phát sóng.
Nhưng khi được hỏi về sự liên quan giữa 2 nền tảng, Phó giám đốc sản phẩm của Facebook - Fidji Simo liên tục trả lời vòng vo và từ chối đề cập đến tên "HQ Trivia". Fidji cho hay: "Tôi nghĩ Facebook Live là một công cụ phục vụ cho xu hướng nội dung tương tác hiện nay. Chúng ta đã thấy xu hướng này trên nhiều ứng dụng và nền tảng khác nhau."
Dù có "chối bay chối biến" đến cách mấy, Facebook vẫn bị nhiều chuyên gia cho rằng lại đang áp dụng "chiêu bài cũ". Mạng xã hội lớn nhất thế giới này chưa bao giờ ngần ngại sao chép những tính năng mới lạ của đối thủ, hoặc tạo ra một bản sao (và gọi là "tính năng mới") từ các ứng dụng đang thành công.
Nếu cảm thấy quá khó, đôi lúc Facebook còn "mua đứt" đối thủ để tiêu diệt và hấp thụ công nghệ (chẳng hạn như trường hợp Snapchat).
Điểm khác biệt duy nhất ở Facebook Live là vị thế "một công cụ", các đối tác nội dung có thể sử dụng công cụ này để làm các gameshow khác nhau.
Trong đó, Insider là bên ứng dụng Facebook Live thành công nhất với phiên bản gameshow "Confetti" một chương trình đố vui trúng thưởng "giống y đúc" HQ Trivia.
Với giải thưởng 12.500 USD mỗi tối từ Thứ 2 đến Thứ 5, và giải đặc biệt 50.000 USD vào thứ 6, "Confetti by Insider" đã mạnh tay chi hơn 500.000 USD tiền thưởng kể từ khi ra mắt.
Tới 20/12/2018, Confetti chính thức đổ bộ vào Việt Nam và tạo nên một cơn sốt chưa từng thấy. Vào 21h từ Thứ 5 đến Thứ 2 hàng tuần, hàng trăm nghìn người dùng lại tham gia "săn" 3.000 USD đến 6.000 USD tiền thưởng.
Nhưng bạn có bao giờ bạn thắc mắc, tại sao Confetti lại "phát" tiền miễn phí cho người dùng? Và mục đích thật sự của Confetti là gì?
Để biết được câu trả lời, chúng ta hãy nhìn qua mô hình "sư phụ" của Confetti - HQ Trivia.
HQ Trivia – Cơn sốt truyền thông
Yusupov và Colin Kroll, hai nhà sáng lập của ứng dụng gây sốt một thời - Vine, thành lập HQ Trivia vào tháng 8 năm 2017 sau khi bán Vine cho Twitter với giá 30 triệu USD.
Đến đầu năm 2018, khi Oscars – sự kiện truyền thông lớn nhất nhì thế giới đang diễn ra, thật bất ngờ khi hơn 2 triệu người dùng lại dán mắt vào điện thoại để… chơi HQ Trivia.
Vào 9 giờ tối mỗi ngày, mỗi người chơi sẽ có cơ hội thử thách kiến thức của mình với 12 câu hỏi, giải thưởng có thể lên tới 18.000 USD cho mỗi lần chơi, nhưng với số lượng người tham gia cực kỳ cao, mỗi người thắng cuộc thông thường chỉ nhận được 10 USD đến 12 USD.
Ứng dụng miễn phí, lượt chơi miễn phí, nhận thưởng cũng miễn phí. Vậy, HQ Trivia lấy gì để "sống"?
Trước khi gọi được số vốn 15 triệu USD, HQ Trivia được chống lưng bởi một quỹ đầu tư mạo hiểm cho hàng chục tập đầu tiên. Xác định sẽ không tập trung vào "lời lãi" trong thời gian đầu, các nhà đầu tư thung lũng Silicon chấp nhận bỏ ra một số tiền không nhỏ để "nuôi" HQ Trivia đủ lớn để thu hút người dùng và những nhà đầu tư khác.
Và canh bạc kia nhanh chóng đem lại thành công. Sau một thời gian không ngừng lớn mạnh, HQ Trivia đã ký được hai hợp đồng quảng cáo "bom tấn" với Warner Bros và Nike.
Hãng phim Warner Bros. với chiến dịch quảng cáo bộ phim ‘Ready Player One,’ đã đẩy giải độc đắc lên 250.000 USD, tất cả những gì mà HQ Trivia cần làm là đề cập đến nhà tài trợ, tên bộ phim và đưa nội dung phim vào một vài câu hỏi.
Tương tự như chiến dịch trên, Nike cũng đẩy giải thưởng lên 100.000 USD để quảng bá cho dòng Air Max mới. Thậm chí bộ phim Rampage còn "chơi lớn" hơn khi cho diễn viên hạng A - Dwayne Johnson tham dự dẫn chương trình với mức thưởng lên đến 300.000 USD.
Dù con đường trở thành một "doanh nghiệp có lãi" vẫn còn xa, nhưng HQ Trivia liên tục ký được những hợp đồng quảng cáo lớn giúp startup này gọi thêm được hơn 8 triệu USD tiền vốn và được định giá đến 100 triệu USD.
Với giải thưởng "Ứng dụng của năm" từ tạp chí Time vào 2017 và "Trò chơi điện thoại tốt nhất" tại Lễ trao giải trò chơi New York vào năm 2018, tương lai của HQ Trivia nói riêng và Confetti nói chung vẫn còn rất nhiều tiềm năng.
Nếu người dùng vẫn còn kéo nhau "tranh giành" giải thưởng miễn phí, HQ Trivia và Confetti vẫn dễ dàng đem sự quan tâm của những thượng đế "bán" cho những thương hiệu mong muốn quảng cáo. Xét cho cùng, một lần nữa, người dùng lại trở thành một "món hàng" đầy hấp dẫn cho các công ty truyền thông.
Và mô hình Confetti một lần nữa chứng minh định lý: "Sản phẩm miễn phí thì người dùng chính là sản phẩm".
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming