Công nghệ AI ảo diệu của Facebook sẽ khiến bạn phải... "mở to mắt" ra mà chiêm ngưỡng
Facebook đã phát triển được những công nghệ AI đột phá, đặc biệt là trong lĩnh vực chỉnh sửa ảnh.
Với sự phát triển của các công cụ chỉnh sửa ảnh ngày càng tinh vi, bạn có thể biến hoá ảnh chụp của mình để làm bản thân mình đẹp rạng ngời hơn trên mạng xã hội, như loại bỏ mắt đỏ trong ảnh, hay loại bỏ vệt sáng của ống kính, bóp mặt và làm to mắt, v.v... Tuy nhiên, các công nghệ chỉnh sửa ảnh vẫn thường xuyên phải đối đầu với một đối thủ ngoan cường: những bức ảnh chụp mà chủ thể vô tình chớp mắt.
Song, thời thế đã thay đổi, khi mà con AI mới của Facebook có thể "hô biến" ảnh mắt nhắm thành ảnh mắt mở rạng ngời mà không hề để lại dấu vết.
Thay thế ảnh mắt nhắm thành mắt mở là một trong những ví dụ của công nghệ "vẽ tranh" thông minh. AI sẽ phân tích khoảng trống trên bức ảnh để tìm ra những thứ phù hợp cho nó, và rồi sẽ lấp đầy khoảng trống đó. Adobe đã tận dụng được công nghệ này với tính năng "context-aware fill" trong Photoshop, cho phép người dùng cho thể thay thế những thành phần không mong muốn trong bức ảnh, lấy ví dụ như một cành cây nhô ra quá mức, một đám mây hình thù kì dị, hay có thể xoá luôn người yêu cũ ra khỏi ảnh. Tính năng này đoán được cái cần phải lấp đầy ảnh, khi mà cành cây, đám mây hay bạn trai cũ không còn ở đó nữa.
Tuy nhiên, có nhiều trường hợp vượt quá khả năng của công cụ này, chẳng hạn như khi phần mềm phải xử lý mắt. Đôi mắt của con người có nhiều chi tiết và có nhiều biểu lộ khác nhau, khiến cho việc thay đổi hoặc tạo ra một đôi mắt mới, trông giống thực là rất khó.
Hơn ai hết, Facebook có lẽ đang sở hữu một kho tàng ảnh chân dung mắt nhắm nhiều hơn bất cứ thực thể nào khác trong lịch sử loài người. Và với lượng dữ liệu khổng lồ này, họ đã quyết định sẽ bắt tay vào giải quyết vấn đề.
Facebook làm được điều này thông qua một mạng Generative Adversarial Network (GAN). Mạng GAN là một hệ thống máy học mà tự đánh lừa bản thân rằng những sản phẩm mà nó tạo ra là thật. Trong một mạng GAN, một phần của hệ thống sẽ học cách nhận diện vật thể (như khuôn mặt), và một phần khác của hệ thống sẽ liên tiếp tạo ra các hình ảnh dựa trên phản hồi từ phần nhận diện, khiến cho sản phẩm ngày càng trông giống đồ thật hơn.
Trong trường hợp này, mạng GAN sẽ được huấn luyện để vừa nhận diện và vừa tạo ra những cặp mắt trông giống thật. Tuy nhiên, mặc dù bạn hoàn toàn có thể làm điều này theo cách thủ công với Photoshop, kết quả không phải lúc nào cũng như mong đợi. Trong nhiều trường hợp, đôi mắt người trông như được dán vào một cách cẩu thả mà không thực sự nhất quán với phần còn lại của khuôn mặt.
Từ trái qua phải: Ảnh mà Facebook dùng làm ảnh mẫu, ảnh mà chủ thể đang nhắm mắt, ảnh được chỉnh sửa bằng Photoshop, và ảnh mà mạng GAN đã tạo ra dựa trên ảnh mẫu
Các nhà nghiên cứu của Facebook đã sử dụng một dữ liệu "mẫu" để cho con AI thấy được ảnh của chủ thể khi họ mở mắt. Từ đó, mạng GAN sẽ biết được đôi mắt mà nó cần phải dùng để gắn vào ảnh, và học được cả những chi tiết về đôi mắt của chủ thể, từ hình dạng, màu sắc, v.v..
Khi thử nghiệm, trong hơn một nửa trường hợp, người được hỏi không nhận ra được bức ảnh mắt mở mà họ nhìn thấy là giả. Tuy nhiên, nếu bạn chăm chú nhìn kĩ, bạn vẫn có thể nhìn thấy một số chi tiết rất đáng ngờ, ví dụ như bức ảnh Gandhi dưới đây:
Ngoài ra, công nghệ này vẫn không thành công cho lắm khi đôi mắt bị che bởi các cọng tóc, hay đôi khi nó không thể tạo ra được màu mắt chính xác. Tuy nhiên, những vấn đề này hoàn toàn có thể khắc phục được.
Tham khảo TechCrunch
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"