"Công nghệ "tinh hoa 75 năm" Nga tự tin mang sang Việt Nam: Vì sao lốc xoáy, động đất không phá nổi?"

    Thùy Anh ,  

    Lần hợp tác này không chỉ dừng lại ở việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, mà còn mở ra hướng phát triển cho một ngành công nghiệp hoàn toàn mới.

    Vào chiều ngày 13/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc tiếp xúc với ông Alexey Likhachev, Tổng Giám đốc Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Liên bang Nga (Rosatom). Hai phía Việt – Nga đã ký kết bản ghi nhớ tăng cường hợp tác giữa Tập đoàn Rosatom (Nga) và Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân.

    Trong cuộc gặp này, đại diện Rosatom đưa ra đề nghị xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân VVER-1200 tại Việt Nam như một phần của thỏa thuận hợp tác về năng lượng hạt nhân giữa hai quốc gia. 

    Vậy, lò phản ứng hạt nhân VVER-1200 có gì đặc biệt? Tiềm năng của nó ra sao?

    Đảm bảo an toàn, ngay cả khi có thiên tai

    Lò phản ứng năng lượng nước-nước (VVER) là sản phẩm chính của Rosatom. Lò phản ứng chủ lực của công ty là VVER-1200 - phiên bản cải tiến của lò phản ứng VVER-1000 được xây dựng tại Ấn Độ (Kudankulam) và Trung Quốc (Tianwan) vào những năm 1990 và 2000. 

    Năm 2020, phát biểu tại sự kiện trực tuyến về các tính năng an toàn tiên tiến của lò phản ứng VVER-1200 thế hệ 3+, Giáo sư Dmitry Samokhin, Trưởng khoa Vật lý và Kỹ thuật hạt nhân tại Đại học Nghiên cứu Hạt nhân Quốc gia Moscow (МЕРhI) cho biết các nguyên tắc an toàn cơ bản là kết quả của kinh nghiệm tích lũy trong hơn 75 năm của ngành công nghiệp hạt nhân Nga.

    "Công nghệ "tinh hoa 75 năm" Nga tự tin mang sang Việt Nam: Vì sao lốc xoáy, động đất không phá nổi?"- Ảnh 1.

    Hình minh họa. Ảnh: World Nuclear News

    Thiết kế mới chứng minh hiệu suất được cải thiện trên mọi thông số và một loạt các hệ thống an toàn bổ sung giúp ngăn chặn các chất phóng xạ thoát ra khỏi lớp vỏ lò phản ứng chống rò rỉ trong trường hợp khẩn cấp. 

    Một trong những điểm nổi bật nhất của công nghệ này là tính năng an toàn thụ động. Điều này cho phép lò phản ứng tự động thu hồi và làm mát lõi lò mà không cần nguồn điện bên ngoài. Phát triển dựa trên bài học từ sự cố hạt nhân Fukushima năm 2011, tính năng này đánh dấu sự khác biệt lớn so với các thế hệ công nghệ điện hạt nhân trước đó và tăng cường an toàn cho nhà máy.

    Giáo sư Dmitry Samokhin nhấn mạnh, tính năng chính của VVER-1200 là sự kết hợp độc đáo giữa các hệ thống an toàn chủ động và thụ động, mang lại khả năng bảo vệ tối đa trước các tác động bên ngoài và bên trong, bao gồm lốc xoáy, bão, động đất và tai nạn máy bay.

    Những con số ấn tượng

    Bên cạnh đó, hiệu suất phát điện của VVER-1200 ấn tượng với con số đạt tới 90%. Điều này không chỉ nâng cao khả năng sản xuất điện năng mà còn góp phần vào hiệu quả kinh tế khi sử dụng công nghệ này. Kế đến, chu kỳ thay nhiên liệu của công nghệ này kéo dài tới 18 tháng, giúp giảm thiểu thời gian ngừng hoạt động cho việc bảo dưỡng và thay nhiên liệu, từ đó tối ưu hóa thời gian vận hành của nhà máy.

    "Công nghệ "tinh hoa 75 năm" Nga tự tin mang sang Việt Nam: Vì sao lốc xoáy, động đất không phá nổi?"- Ảnh 2.

    Hình minh họa. Ảnh: Atommedia

    Thêm vào đó, vòng đời hoạt động của lò phản ứng VVER-1200 lên đến 60 năm, gấp đôi so với các lò phản ứng của thế hệ trước. Điều này không chỉ giảm chi phí vận hành mà còn đảm bảo tính ổn định và lâu dài cho hệ thống điện. Cuối cùng, một đề xuất đáng chú ý từ phía Nga là việc cung cấp nhiên liệu và thu hồi nhiên liệu đã qua sử dụng để xử lý tại nước họ.

    Sự hợp tác này nhằm giảm thiểu rủi ro cho môi trường và đồng thời giảm bớt lo ngại về việc phổ biến vũ khí hạt nhân. Những ưu điểm này của công nghệ VVER-1200 làm nó trở thành một lựa chọn hàng đầu trong lĩnh vực phát triển năng lượng hạt nhân trên thế giới.

    Trong thời gian tới, Việt Nam đặt mục tiêu tăng tốc để đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Trong đó, chủ trương khởi động lại dự án điện hạt nhân là một trong những việc làm quan trọng nhằm bảo đảm an ninh năng lượng, phục vụ phát triển đất nước và thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

    Lần hợp tác này không chỉ dừng lại ở việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, mà còn mở ra hướng phát triển cho một ngành công nghiệp hoàn toàn mới. Điều này bao gồm việc đào tạo nhân lực kỹ thuật, các chuyên gia và cán bộ khoa học để làm việc tại nhà máy, cũng như các cơ hội kinh doanh đa dạng khác liên quan đến ngành năng lượng hạt nhân.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày