Công nghệ VAR đang góp phần giết chết thứ bóng đá cảm xúc

    Hieu.D,  

    Trước giờ khai mạc World Cup, fan hâm mộ toàn thế giới còn đang hồi hộp được chiêm ngưỡng công nghệ trợ lý trọng tài VAR. Thế nhưng chỉ 1 tuần sau, người ta lại đang hoài nghi về sự hữu ích của công nghệ này!

    Hơn 1 tuần trước, những người yêu bóng đá và yêu công nghệ đều tỏ ra khá mừng rỡ và hồi hộp khi biết năm nay, World Cup 2018 đã chính thức áp dụng công nghệ VAR (Video Assistant Referee).

    Đây là một công nghệ video hỗ trợ trọng tài đóng vai trò như một “người phán xử” bên ngoài sân cỏ, sử dụng hệ thống camera giám sát từng chuyển động của trái bóng từ đó giúp các trọng tài đưa các quyết định cuối cùng.

    Công nghệ VAR đang góp phần giết chết thứ bóng đá cảm xúc - Ảnh 1.

    Phòng VAR phục vụ World Cup

    Thế nhưng lợi chẳng thấy đâu, mà giờ đây người ta lại đang bàn nhiều hơn về mặt trái của VAR, hay vĩ mô hơn là mặt tối của công nghệ đang tác động lên cả bóng đá - Môn thể thao vua đầy cảm xúc của con người.

    Từ pha ăn mừng hụt của Iran cho đến sự ấm ức của người Hàn Quốc

    Nếu để ý kỹ, ai cũng có thể thấy vòng bảng kỳ World Cup năm nay chỉ toàn là… penalty. Chỉ tính riêng lượt trận đầu tiên đã có đến 10 quả penalty chỉ trong 17 trận. Tất nhiên, chúng đều “gây ra” bởi VAR.

    Mặt tích cực của VAR là không thể bàn cãi, giúp các trận đấu trở nên công bằng hơn. Tuy nhiên chính điều này đã chống lại bản chất vốn có của bóng đá: Sự ngẫu hứng, niềm hân hoan và đầy cảm xúc. Có thể lấy 2 ví dụ điển hình là 2 trận giữa Iran - Tây Ban Nha và Hàn Quốc - Thụy Điển.

    Công nghệ VAR đang góp phần giết chết thứ bóng đá cảm xúc - Ảnh 2.

    Iran thua tức tưởi trước Tây Ban Nha

    Với các cầu thủ Iran luôn được coi là “chiếu dưới”, không phải lúc nào họ cũng có thể sút tung lưới thủ thành De Gea. Thế nhưng điều kỳ diệu này đã xảy ra, và tuyển thủ Saeid Ezzatollahi đã chạy như bay cùng các đồng đội mình để ăn mừng bàn thắng, cảm xúc của họ như vỡ òa ở đường biên ngang.

    Thế nhưng vài phút sau, công nghệ VAR đã từ chối phũ phàng bàn thắng của Iran vì cho rằng đây là một tình huống việt vị. Kết quả? Iran hụt hẫng, chán nản, khán giả được pha “ngẩn ngơ”. Chào mừng đến thế giới của VAR!

    Công nghệ VAR đang góp phần giết chết thứ bóng đá cảm xúc - Ảnh 3.

    Hàn Quốc đang phản công thì bị VAR và trọng tài chặn đứng

    Phút 62 trong trận giữa Hàn Quốc với Thụy Điển đã có một pha phạm lỗi trong vòng cấm địa. Thế nhưng trọng tài không hề có quyết định thổi phạt ngay tức khắc mà lại đợi đến cả phút sau, khi Hàn Quốc đang phản công nhanh thì ông mới thổi còi dừng trận đấu để chỉ vào chấm phạt đền.

    Việc dừng một pha bóng nguy hiểm trên phần sân Thụy Điển, làm gián đoạn trận đấu để giúp họ có một được quả penalty với Hàn Quốc hoàn toàn không phải là thứ bóng đá chúng ta từng biết.

    Cả cầu thủ và trọng tài bỗng trở nên quá lệ thuộc vào công nghệ

    Chúng ta vẫn thường truyền tai nhau rằng đừng quá ỷ lại công nghệ, đừng biến mình thành nô lệ cho sự hiện đại. Thế nhưng kỳ World Cup năm nay lại đang thể hiện một thông điệp trái ngược.

    Công nghệ VAR đang góp phần giết chết thứ bóng đá cảm xúc - Ảnh 4.

    VAR có đang khiến các trọng tài lúng túng?

    Các trọng tài trong một số tình huống quyết đoán đã trở nên lúng túng, gây ra những quyết định sai lầm không đáng có. Điển hình như trận giữa Anh và Tunisia, khi tiền đạo Harry Kane liên tục bị đối thủ phạm lỗi trong vòng cấm địa, thế nhưng cả trọng tài và VAR đều im lặng.

    Còn các cầu thủ, họ cũng không còn là chính mình. Có lẽ do quá sợ hãi khi được cảnh báo rằng công nghệ VAR đang dõi theo từng cử chỉ mà các chân sút dường đang như dè dặt hơn với từng pha bóng.

    Theo thống kê của tờ Telegraph, dù tỷ lệ penalty nhảy vọt so với các năm trước thì tính tới thời điểm hiện tại, World Cup 2018 đang có số lượng thẻ phạt và việt vị giảm đi trông thấy. Số thẻ đỏ chỉ là 0,06/trận (ít nhất từ năm 1986), 2,86 pha việt vị (thấp nhất từ năm 1966 với 3,13).

    Công nghệ VAR đang góp phần giết chết thứ bóng đá cảm xúc - Ảnh 5.

    Dù chỉ ngã nhẹ nhưng Ronaldo vẫn muốn trọng tài xem lại tình huống qua VAR

    Điều này cho thấy cầu thủ đang dè dặt hơn, thận trọng hơn, không còn lăn xả và đem về những pha tranh cướp bóng quyết liệt mà khán giả vẫn hằng mong ước nữa. Nhịp độ trận đấu ít nhiều sẽ bị chậm lại và trở nên buồn ngủ, khán giả không còn cảm xúc xem bóng nữa.

    Ngoài ra, các chân sút cũng dần dần không còn quyết đoán, hễ cứ té ngã hay động chạm là lại nhìn về phía trọng tài và trông chờ vào VAR để bắt lỗi. Đến ngay cả Ronaldo cũng đã lợi dụng VAR, tinh quái té ngã trong trận với Ma Rốc rồi sau đó ra hiệu đòi trọng tài xem lại tình huống.

    Bóng đá không cảm xúc là thứ bóng đá tẻ nhạt

    Trước kia khán giả thường phàn nàn về kết quả trận đấu sau khi nó kết thúc, thì nay chúng ta lại phàn nàn ngay khi bóng đang lăn trên sân. Giới chuyên môn cũng đang bàn cãi rất nhiều về VAR, ngay cả FIFA cũng đã phải vào cuộc điều tra về công nghệ này.

    Công nghệ VAR đang góp phần giết chết thứ bóng đá cảm xúc - Ảnh 6.

    Bóng đá không cảm xúc là thứ bóng đá tẻ nhạt

    Nếu nhìn vào lịch sử, có vô số các pha phạm lỗi oan ức, vô số những bàn thắng vô lý, điển hình là trường hợp “bàn tay vàng” của Maradona. Thế nhưng đó mới là bóng đá, là cảm xúc sân cỏ, và ngay cả khi không có công nghệ, chúng ta vẫn yêu môn thể thao vua này đấy thôi!

    Sẽ ra sao nếu trận bóng nào cũng được phân xử một cách sòng phẳng bởi VAR? Không còn tranh cãi, không còn hấp dẫn người xem bởi những pha đấu đá ngoài sân cỏ, không còn những ấm ức tức đến trào nước mắt của các cầu thủ khi tiếng còi mãn cuộc vang lên?

    Nghe có vẻ công bằng, nhưng chắc chắn đó không phải là thứ bóng đá cảm xúc chúng ta từng biết!

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ