Công ty con của Sony và Panasonic chính thức ra mắt màn OLED đầu tiên sản xuất bằng công nghệ in phun mực
Đây là bước đột phá lớn trong lĩnh vực sản xuất màn hình hiện nay và cũng là bước đi để Nhật Bản "soán ngôi" Hàn Quốc trên thị trường này.
Cuối cùng thì JOLED, nhà sản xuất màn hình Nhật Bản, cũng đã chính thức cho ra mắt những tấm màn OLED đầu tiên được sản xuất bằng công nghệ máy in phun mực và dự kiến sẽ sử dụng trong các thiết bị y tế của Sony.
Với JOLED, Nhật Bản cũng đã quyết định tấn công thị trường màn hình hiện nay.
JOLED được thành lập vào năm 2014 và là thành quả hợp tác giữa Panasonic và Sony. Công ty Nhật Bản này đang tìm kiếm cho mình một vị trí trong thị trường OLED, vốn đã bị Hàn Quốc thống trị trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, vì là một “ma mới” với quy mô còn khiêm tốn, JOLED đang lâm vào tình trạng thiếu vốn đầu tư để có thể mở rộng sản xuất của mình.
Kế hoạch ấp ủ 10 năm
Các sản phẩm OLED của JOLED được sản xuất bằng công nghệ máy in phun mực, một bước đột phá giúp giảm đáng kể chi phi sản xuất trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, để có được thành công bước đầu như ngày hôm nay, ít ai biết được Panasonic đã phải âm thầm nghiên cứu và phát triển dự án JOLED từ 10 năm trước.
So với kỹ thuật bốc hơi nhiệt trong môi trường chân không mà các nhà sản xuất Hàn Quốc ưa chuộng hiện nay, máy in phun mực khá phức tạp nhưng lại có chi phí thấp hơn rất nhiều nếu thực hiện thành công.
Trong một cuộc họp báo ở Tokyo vào thứ Ba (5/12) vừa qua, Yoneharu Takubo, giám đốc công nghệ của JOLED cho biết: “Chúng tôi đã có những bước khởi đầu thuận lợi trong quá trình sản xuất màn hình OLED bằng công nghệ mới với mục tiêu thương mại. Điểm mạnh của chúng tôi là tính độc đáo bởi chúng tôi là công ty duy nhất sở hữu tất cả các công nghệ cần thiết để in màn hình”.
Ông Tokubo khẳng định hiện tại, chỉ có JOLED mới có thể sử dụng công nghệ in phun mực để sản xuất màn OLED.
Nhìn chung, các sản phẩm của JOLED tương đối nhẹ và có khả năng tái tạo màu sắc tuyệt vời. Điều này sẽ giúp chúng phù hợp cho nhiều loại thiết bị khác nhau, bao gồm cả các thiết bị phát sóng, xe lửa và máy bay. Ngoài ra, ông Takubo cũng tiết lộ JOLED đang lên kế hoạch cung cấp màn OLED cho cả các nhà sản xuất TV trên thế giới.
Thiếu hụt vốn đầu tư
Tuy nhiên, rất có thể những tham vọng của JOLED sẽ bị dập tắt bởi thiếu hụt ngân sách đầu tư. Ban đầu, công ty này dự định sản xuất thương mại màn OLED với sự hỗ trợ đến từ Japan Display (JDI) - một nhà sản xuất màn hình LCD có tiếng tại Nhật Bản đồng thời cũng là cổ đông của JOLED. Tuy nhiên, vì những khủng hoảng tài chính của JDI mà kế hoạch này đã đổ bể.
Hiện tại, JOLED đang cố gắng tự huy động nguồn vốn trị giá 100 tỷ yên (892 triệu USD) từ các nhà đầu tư Nhật Bản. Bên cạnh đó, ông Takubo hé lộ JOLED cũng muốn sớm giải quyết những vấn đề liên quan đến tài chính vào cuối tháng 3 năm 2018 thay vì tháng 10 năm 2017 như dự kiến ban đầu.
Ngoài sản xuất màn hình OLED ra, JOLED còn dự định sẽ cung cấp cả công nghệ, vật liệu sản xuất cũng như những thiết bị máy móc của mình cho các nhà sản xuất trên thế giới. Ông Takubo cho biết: “Chúng tôi đã nhận được một số lời đề nghị từ Trung Quốc cùng nhiều đối tác khác”.
JOLED đang gặp nhiều khó khăn về tài chính để mở rộng quy mô sản xuất của mình.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa kế hoạch trên thì JOLED cần phải tự thiết lập công nghệ sản xuất hàng loạt cho chính mình. Không quá khi nói rằng JOLED đang sở hữu những đặc điểm khác giống với JDI trước đây. Cả hay công ty này đều được thành lập và hoạt động trong mảng sản xuất màn hình - một chi nhánh con cho các hãng điện tử lớn khác cũng như nhận được hỗ trợ tài chính từ Quỹ đầu tư quốc doanh Nhật Bản INCJ.
JOLED, như đã nêu trên, là sự hợp tác giữa Sony và Panasoni trong khi JDI lại là sản phẩm của Hitachi, Toshiba và Sony. Mặc dù JOLED được hưởng một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nhưng cả hai công ty này đều vẫn phải phụ thuộc vào nguồn tài chính từ bên ngoài.
Ngành công nghiệp màn hình tại Nhật đang trải qua những thay đổi lớn khi chuyển từ màn LCD sang OLED. Vì thế, Nobuhiro Higashiiriki - CEO của JOLED đồng thời cũng là Chủ tịch của cả JOLED lẫn JDI, đã nhận trọng trách chỉ đạo và dẫn dắt cho hai công ty này trong cuộc chiến trên thị trường OLED đầy rẫy những cạnh tranh khốc liệt.
Theo Asia.Nikkei
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android