Công ty Trung Quốc có doanh thu nhiều hơn cả Apple, Boeing cộng lại, khách hàng gần 1 tỷ người
Trung Quốc đang tích cực thâu tóm các công ty điện lực ở nhiều nước trên thế giới nhằm mở rộng đế chế của mình.
Công ty này có doanh thu nhiều hơn cả Apple và Boeing cộng lại. Cứ bảy người sống trên trái đất thì có một người sử dụng dịch vụ của công ty này. Đó là Tập đoàn điện lực quốc gia Trung Quốc (SGCC), con “ngáo ộp” đang tung tiền mua các công ty điện lực trên toàn thế giới.
Mặc dù SGCC không phải là một cái tên được nhiều người biết đến, công ty này đang bành trướng ra nhiều khu vực, từ Nam Mỹ cho đến Australia, nơi SGCC đang tìm cách mua cổ phần của công ty điện lực Ausgrid có trụ sở ở Sydney. Với khát khao vươn ra thế giới, công ty đã lên kế hoạch phát triển một mạng lưới năng lượng toàn cầu trị giá 50 nghìn tỷ USD, có thể truyền phát điện xuyên các lục địa.
“Nếu đường sắt, đường bộ và Internet có thể kết nối cả thế giới, tại sao một mạng lưới điện như vậy lại không xây dựng được”, chủ tịch SGCC Lưu Chấn Á nói. “Vấn đề là mọi người cần theo đuổi những ý tưởng mới và không để tư duy cũ kỹ cản đường sự đổi mới”.
Ông Lưu tự tin rằng SGCC có đủ tiềm lực để theo đuổi tham vọng của mình. Ông khẳng định công ty quốc doanh có trụ sở ở Bắc Kinh này sẽ giúp nâng cấp lưới điện và hạ tầng năng lượng ở những nước mà SGCC đặt chân đến.
Một đế chế đang hình thành
Mối quan tâm của SGCC đối với Ausgrid chỉ là một phần trong làn sóng đầu tư của Trung Quốc ở Australia, từ chăn nuôi cho đến khí thiên nhiên. Theo Bloomberg, Trung Quốc đã mua lại các công ty Australia với tổng số tiền lên đến 6,5 tỷ USD trong năm ngoái, mức cao nhất trong 12 năm qua. Làn sóng đầu tư trên có ý nghĩa quan trọng với Australia khi nước này muốn tìm kiếm động lực tăng trưởng mới sau khi cơn sốt khai khoáng kéo dài một thập kỷ kết thúc.
Tuy nhiên, hoạt động đầu tư của Trung Quốc đang gây ra những quan ngại về an ninh và ảnh hưởng đến đời sống địa phương ở Australia, đặc biệt là các dự án mua đất nông nghiệp và bất động sản. SGCC hiện đang sở hữu cổ phần ở các công ty điện lực Jemena, AusNet Services và ElectraNet của Australia. 50,4% cổ phần của Ausgrid mà SGCC định mua có giá hơn 7,64 tỷ USD.
SGCC, hiện có 1,9 triệu nhân viên và 1,1 tỷ khách hàng, đạt được doanh thu hơn 50 tỷ USD trong năm tài khóa 2015. Doanh số hàng năm hơn 330 tỷ USD biến SGCC trở thành công ty điện lực lớn nhất thế giới, có giá trị vượt qua cả các gã khổng lồ như Toyota và Exxon Mobil.
“SGCC đang phát triển không ngừng nghỉ và đang thực hiện những phi vụ đầu tư tham vọng”, Joseph Jacobelli, chuyên gia phân tích của Bloomberg nói.
Các quốc gia mà SGCC đã đầu tư gồm có Brazil, Australia, Philippines và Italy. “Thế giới đang chào đón một tay chơi mới và một nguồn đầu tư khổng lồ, điều mà 5 hoặc 10 năm trước không có”, Jacobelli nói.
Bên cạnh những nước trên, SGCC đang tìm kiếm những cơ hội mới ở Nam Mỹ, Châu Phi và các nước láng giềng của Trung Quốc.
Ba năm trước, công ty này đã đặt mục tiêu thâu tóm các công ty ở nước ngoài với tổng trị giá lên đến 50 tỷ USD vào cuối thập kỷ này. Chiến lược trên không chỉ giúp công ty giảm thiểu rủi ro bằng cách dàn trải đầu tư ra nhiều khu vực mà còn giúp công ty nắm bắt công nghệ truyền tải siêu cao áp nhờ hợp tác với các cường quốc điện của thế giới.
Theo nghiên cứu của công ty, việc truyền tải điện từ tỉnh Tân Cương sản xuất nhiều phong điện tới Đức thông qua một mạng lưới dài 6.000 km và bán điện với giá cạnh tranh là điều khả thi.
Mối quan ngại về an ninh
Với sự hậu thuẫn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, SGCC là một thế lực đáng sợ trên bàn đàm phán. Năm ngoái, SGCC đã tham gia cuộc đua thâu tóm TransGrid, một công ty điện lực ở bang New South Wales của Australia. Tuy nhiên, SGCC đã để thua trước một liên minh các nhà đầu tư đến từ Canada và Trung Đông sau khi liên minh này đồng ý trả hơn 764 triệu USD so với giá trị thực của công ty.
Các nhà lập pháp của Australia đang tỏ ra lo ngại rằng việc nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm các cơ sở hạ tầng chiến lược có thể đe dọa đến an ninh quốc gia của nước này.
“Chắc chắn là bất cứ lời đề nghị đầu tư nào từ SGCC cũng sẽ được dò xét kỹ lưỡng”, James Laurenceson, phó giám đốc Viện quan hệ Australia-Trung Quốc thuộc Đại học công nghệ Sydney nói. “Các công ty Trung Quốc như SGCC đang tìm cách mua các công ty hạ tầng năng lượng ở nước ngoài và đó có thể là vấn đề đau đầu cho nhiều nước”.
Sức ép trong nước
Điện lực là một trong những ngành nằm trong kế hoạch cải cách khối doanh nghiệp quốc doanh và cho phép thị trường đóng vai trò lớn hơn của chủ tịch Tập Cận Bình. Chính phủ Trung Quốc cho biết nước này sẽ chấm dứt sự độc quyền của các nhà phân phối điện trên thị trường bằng cách để người tiêu dùng thương lượng trực tiếp với nhà sản xuất. Theo kế hoạch này, các công ty như SGCC sẽ phải để thị trường quyết định giá điện thay vì tự tung tự tác như trước.
Những cải cách trên sẽ gây ra sức ép cạnh tranh cho SGCC và buộc công ty này phải chuyển hướng sang đầu tư nước ngoài, Philip Andrews-Speed, chuyên gia về ngành năng lượng Trung Quốc ở Đại học quốc gia Singapore cho biết.
“Giống như các công ty năng lượng quốc doanh khác của Trung Quốc, SGCC sẽ phải tìm đường đầu tư ở nước ngoài để duy trì triển vọng tăng trưởng và khả năng sinh lời trong dài hạn”, Andrews-Speed nói. “Hoạt động này sẽ còn tiếp diễn chừng nào nguồn vốn của họ còn dồi dào”.
Triển vọng tươi sáng
“SGCC đang phát triển với tốc độ chóng mặt và đầu tư mạnh tay cho nghiên cứu và phát triển (R&D)”, Edwin Lam, chuyên gia của Fitch cho biết. “Họ có trình độ ngang bằng với các công ty điện lực ở các nước phát triển. Vì thế, không ngạc nhiên khi họ sở hữu các tiến bộ công nghệ như truyền tải điện siêu cao áp”.
Dù có nền tảng tài chính vững chắc và nguồn vốn dồi dào, tốc độ mở rộng của SGCC sẽ phụ thuộc vào các độ cởi mở của các đối tác.
Laurenceson cho rằng trong những năm tới, người Australia sẽ quen hơn với cái tên SGCC. “Đầu tư của Trung Quốc có thể gây ra những cảm giác khó chịu vì mối liên hệ với chính phủ nước này”, ông nói. “Nhưng tôi tin rằng, sau 10,15 năm nữa, người dân các nước sẽ cởi mở hơn với những gã khổng lồ đến từ Trung Quốc”.
Tham khảo: Bloomberg
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming