Công ty Trung Quốc thua lỗ 10 triệu tệ vì bị nghe lén bí mật kinh doanh bằng thiết bị không ngờ tới
Đôi khi những âm mưu gián điệp mà chúng ta thấy trong phim cũng có khả năng xảy ra ngay xung quanh mình.
Mới đây, một công ty chuyên về dịch vụ an ninh ở Bắc Kinh đã bị đối thủ nghe trộm bí mật kinh doanh, khiến nó thất bại trong việc đấu thầu và thua lỗ hơn 10 triệu nhân dân tệ (khoảng 33 tỷ đồng). Sau khi tìm hiểu, hóa ra vấn đề xuất phát từ một thiết bị định vị GPS vô cùng thông thường.
Cụ thể, trong cuộc họp để thảo luận về kế hoạch kinh doanh vô cùng bí mật, không một ai trong công ty này nhận ra rằng có một chiếc hộp đen nhỏ đã được giấu dưới một chiếc ghế văn phòng.
Thiết bị này đã khiến công ty an ninh thua lỗ hơn 10 triệu tệ.
Chiếc hộp đen này được gọi là máy định vị GPS. Nó được sử dụng rộng rãi trong việc chống trộm ô tô và quản lý các phương tiện vận tải của doanh nghiệp. Chỉ bé bằng bao diêm, người sử dụng có thể cài đặt ứng dụng trên điện thoại theo hướng dẫn sử dụng, sau đó mở ứng dụng và quan sát được hành trình di chuyển của xe gắn thiết bị theo thời gian thực.
Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, trong giao diện ứng dụng còn có một nút nhỏ có tác dụng "ghi âm từ xa". Khi nhấn nút này, thiết bị bắt đầu lưu nội dung cuộc trò chuyện mà nó thu được vào điện thoại. Bí mật kinh doanh của công ty nói trên đã bị nghe lén từ đây.
Thông qua ứng dụng, các nội dung mà thiết bị GPS thu được có thể ghi lại.
Theo Yuan Kaiguo, một chuyên gia trong ngành an ninh mạng tại Đại học Bưu chính Viễn thông Bắc Kinh thì đây thực chất là một phiên bản đơn giản hóa của điện thoại di động với màn hình và các nút đã bị hủy bỏ. Nó có chứa một con chip với chức năng giao tiếp GPS và thẻ SIM, có thể hỗ trợ giao tiếp với người khác. Nói cách khác, miễn là thiết bị định vị GPS được đặt bên cạnh người bị nghe trộm, điều đó tương đương với việc đã đặt một điện thoại di động ở chế độ chờ. Tất cả âm thanh sẽ được truyền đến điện thoại di động của người nghe trộm và thậm chí có thể được ghi lại.
Sự việc nói trên sau khi được công khai đã ngay lập tức gióng một hồi chuông cảnh báo về bảo mật thông tin cá nhân và cách quản lý, sử dụng các thiết bị điện tử. Bởi từ lâu, người dùng chỉ nghĩ rằng các thiết bị định vị GPS chỉ có tác dụng chính là chống trộm xe ô tô tư nhân và quản lý xe của doanh nghiệp vận tải. Tuy nhiên, với thiết kế nhỏ và dễ dàng che giấu, cùng với khả năng nghe gọi từ xa đã khiến sản phẩm trở nên đặc biệt nguy hiểm.
Thiết bị định vị GPS chống trộm như một chiếc điện thoại bị giản lược mọi tính năng.
Theo giáo sư Yuan Kaiguo, các mô-đun GPS này đã được sử dụng phổ biến trong các dịch vụ chia sẻ xe đạp. Và giờ đây, một số người đã tìm ra cách sử dụng nó với các mục đích khác nhau.
Hiện tại, các sản phẩm như thiết bị theo dõi GPS vẫn chưa được đưa vào danh mục chứng nhận là sản phẩm cần kiểm tra bắt buộc. Và với việc bổ sung micro cùng các chức năng khác, trên cơ sở không có quy định quản lý liên quan, nó đã tạo thành một "điểm mù" về giám sát an ninh.
Các sản phẩm nghe lén trá hình đang được bày bán công khai trên các trang thương mại điện tử ở Trung Quốc.
Các nhà sản xuất và thương nhân bán hàng cũng đang tận dụng các điểm mù trong quy định này để ít nhiều quảng cáo các chức năng tiềm ẩn trong những quảng cáo bán hàng của mình. Trên trang thương mại điện tử, một người bán hàng đã gợi ý rằng các kỹ sư đã cấy chip cùng pin dự phòng để người dùng có thể sử dụng ngay lập tức.
Chia sẻ về vấn đề này, các chuyên gia công nghệ cũng chỉ ra rằng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, cần sớm có các luật mới để đồng thời điều chỉnh các loại hành vi vi phạm pháp luật được thực hiện bằng cách sử dụng các phương tiện công nghệ mới.
Tham khảo Sina
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"