Công ty Việt dùng 3.000 máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu cho đồng lúa, vườn sầu riêng: Chỉ 8.000-10.000 đồng/lít, tăng trưởng 100%/năm
Mỗi máy bay không người lái dù rơi đến vài lần mỗi tháng, chi phí sửa chữa 5-7 triệu đồng/lần nhưng vẫn mang về lợi nhuận cho công ty khoảng 400 triệu lần trong 6 tháng.
Máy bay chở khách hay chở hàng đã không còn xa lạ nhưng máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu vẫn còn là một khái niệm khá mới mẻ tại Việt Nam. Tuy nhiên, có một công ty Việt Nam đã hoạt động trong lĩnh vực này 8 năm với tốc độ tăng trưởng 100% mỗi năm. Đó là AgriDrone - công ty về máy bay không người lái được thành lập với mục đích nghiên cứu, ứng dụng công nghệ máy bay không người lái vào đời sống, sản xuất nông nghiệp, được điều hành bởi ông Mai Anh Tuấn.
Ông Mai Anh Tuấn là một doanh nhân khá có tiếng trong giới công nghệ, có nhiều kinh nghiệm làm lãnh đạo, quản lý cấp cao trong các tập đoàn, doanh nghiệp lớn như Quản lý dự án Cấp cao tại Vertu, Trưởng phòng an ninh tại Tập đoàn Tài chính-Bảo hiểm Bảo Việt,...
Dù rất thích máy bay từ nhỏ nhưng cái duyên với những chiếc máy bay không đến sớm bởi ông Tuấn mắc bệnh parkinson thể nhẹ, tay thường run những khi tập trung. Trong khi đó, việc điều khiển các máy bay mô hình rất khó, yêu cầu thăng bằng từ đầu đến tay.
“Năm 2016, trong chuyến đi Mỹ, tôi được biết về chiếc drone mới nhất, hoàn thiện như một máy tính, có lắp hệ thống GPS, có thể tự thăng bằng và có thể lập trình tuyến bay theo đúng lộ trình mà mình muốn. Lúc đó tôi mới giật mình rằng cuộc cách mạng đã thật sự đến. Đó không còn là máy bay mà là một máy tính biết bay và hoàn toàn lập trình được. Tôi là dân công nghệ thông tin nên thấy lập trình được là thích rồi”, ông Tuấn chia sẻ với nhà sáng lập VnTrip - Lê Đắc Lâm trong một talkshow mới đây.
Thuở sơ khai của AgriDrone là một phòng nghiên cứu, phát triển và sản xuất drone, được thành lập vào năm 2012. Một năm sau, đội ngũ này thử nghiệm thành công những mẫu máy bay không người lái đầu tiên Made in Việt Nam. Mô tả một cách dễ hiểu, drone (máy bay không người lái) là một robot biết bay và có thể ứng dụng trong những công việc khác như khám bệnh cho cây trồng, bón tưới, chụp ảnh khám bệnh. Drone có thể thực hiện được các công việc như người nhưng điểm khác biệt là biết bay và có thể tăng tốc gấp 60 lần.
Người nông dân sẽ thuê đội bay để phun thuốc trừ sâu cho các cánh đồng của mình. Thậm chí có thể áp dụng cho tôm, cá ăn tại các trang trại nhưng hiện tại nhu cầu này vẫn thấp. Công ty đang tập trung vào cây sầu riêng, cây mía, cây chuối, lúa - những cây có tốc độ phát triển nhanh. Theo ông Tuấn, hiện AgriDrone tính tiền công 8.000 - 10.000 đồng/lít. Ví dụ phun một vườn chuối cần 150 lít thì chi phí khoảng 1,5 triệu đồng/ha. Trong đó, phi công thường được nhận 30% doanh thu.
"Phi công đóng tối thiểu 20 triệu đồng là có thể tham gia. Một drone có thể có 1-2 phi công dùng chung, sẽ được xếp lịch. Nếu phi công đóng 20 triệu đồng thì hàng tháng thu nhập từ 15-20 triệu đồng. Còn lại là cổ phần với máy bay. Thông thường, máy bay có giá 500 triệu đồng thì họ có thể đóng 300 triệu. Họ sẽ được ăn chia theo cổ phần bởi đây là những người ăn ở với drone, chăm sóc và gắn liền trách nhiệm của mình" .
Công ty AgriDrone hiện có 300 người nhân sự, nếu tính cả phi công là hơn 6.000 người, quản lý hơn 3.000 máy bay không người lái. Từ năm 2020, công ty mở thêm học viện đào tạo drone, đào tạo trung bình 400 phi công mới mỗi tháng. Ông Tuấn cho biết, tốc độ tăng trưởng của công ty là 100%/năm, hiện phục vụ khoảng 1 triệu ha/năm.
Lợi thế nhờ rủi ro máy bay rơi
Dù drone là một thiết bị máy bay không người lái rất hiện đại và được cung cấp bởi các nhà sản xuất hàng đầu trên thế giới nhưng lại có rủi ro, tần suất rơi hỏng cao. Vòng đời của drone chỉ kéo dài khoảng 6 tháng hoặc 1,5 năm, với công suất phun 6.000ha. Tuy nhiên, với ông Tuấn, rủi ro này là lợi thế đối với AgriDrone.
“Nếu cái gì cũng dễ làm quá thì người khác lại dễ bắt chước. Chúng tôi có trung tâm dịch vụ sửa chữa nhanh. Ở miền Tây, cứ 70km chúng tôi lại có một trạm sửa chữa bảo hành và đang hướng tới mục tiêu là 30km có một trạm. Drone khác với ô tô, khi rơi xuống thì xác suất hỏng rất cao. Máy drone rơi 4 lần /tháng là chuyện bình thường, chi phí sửa chữa mất 5-7 triệu/lần. Chúng tôi cũng có tuyến xe bus chạy đến tất cả các trạm. Ví dụ một drone có doanh thu 10-20 triệu/ngày thì người ta vẫn chấp nhận rằng drone này hỏng thì có cái khác đến thay thế ngay, chống gián đoạn kinh doanh. Nếu 1 ngày bay được 15-20 triệu thì một vài lần rơi trong tháng cũng chấp nhận được.
Trên thực tế, drone là “chết", dịch vụ hỗ trợ, sửa chữa thì mới là cái bền bỉ. Bạn có thể mua một drone nhưng một tháng hỏng khoảng 4 lần, sửa mất 1 tháng thì trong thời gian đó đội phun của chúng tôi đã đến phun thay thế rồi. Với cá nhân, drone hỏng 1 lần, chờ 1 tháng, thì làm sao chờ mà thu hồi được vốn. Lợi thế cạnh tranh của tôi là dịch vụ vì bản chất kinh nghiệm của tôi là quản trị công nghệ thông tin trên 10.000 máy tính và vài nghìn thiết bị mạng”, ông Tuấn chia sẻ.
Trong hệ thống của AgriDrone, với chi phí mỗi drone khoảng 500 triệu thì lợi nhuận thu về từ mỗi drone khoảng 400 triệu, trong vòng 6 tháng.
Hiện tại, thị trường của AgriDrone tập trung tại miền Nam và miền Tây. Trong khi đó, việc mở rộng tại phía Bắc với công ty vẫn còn khó khăn. Một trong những lý do đến từ sự khác biệt giữa khách hàng tại miền Bắc và miền Nam, miền Tây.
“Kinh doanh ở miền Bắc dễ hơn ở miền Nam nhưng cái khó nhất là người miền Bắc khi thấy chúng tôi đi phun hiệu quả cao quá thì họ muốn tự làm, vì thế chúng tôi khó phát triển. Người dân miền Nam có quan điểm rất win-win, cùng làm và cùng có lợi. Người miền Nam cần mình làm đúng cam kết, còn người miền Bắc thì sợ mình có lợi quá. Dẫu vậy, ở miền Bắc, mọi người vẫn cứ quanh quẩn mãi, manh mún, không tự phát triển được”.
Bên cạnh đó, quan điểm của “ông trùm" drone cho rằng khi làm tốt thì có quyền chọn khách hàng. Công ty dồn hết tinh thần, tập trung phục vụ tốt những khách hàng đang tin tưởng mình, khách hàng càng tin tưởng thì càng phải có trách nhiệm.
“Ngày xưa bán xe ô tô, tôi từng cố gắng xâm nhập thị trường miền Nam nhưng sau khi về miền Nam kinh doanh mới nhận ra là văn hóa của người miền Nam rất trung thành với nhà cung cấp, tìm mọi cách để đã mua của ai thì tiếp tục mua của người đó, không muốn đổi. Còn người miền Bắc thấy chỗ nào rẻ thì chọn mua. Do đó ở miền Nam, dù có chào giá rẻ cũng khó bán. Hay như người ở miền Tây, khi đã tin mình thì họ coi mình như gia đình, có bất cứ vấn đề gì họ không thấy hài lòng thì sẽ chia sẻ ngay, mong muốn mình tốt hơn để hai bên gắn bó với nhau. Khi đó thì hai bên phát triển rất nhanh” , ông Tuấn phân tích thêm.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"