Công ty xe điện Trung Quốc dự kiến bàn giao ô tô bay trong năm 2026

    Hà Linh,  

    Xpeng AeroHT, một công ty liên kết của nhà sản xuất xe điện Trung Quốc Xpeng, đặt mục tiêu cung cấp ô tô bay cho khách hàng vào năm 2026.

    Công ty xe điện Trung Quốc dự kiến bàn giao ô tô bay trong năm 2026- Ảnh 1.

    Thiết kế chiếc Land Aircraft Carrier của Xpeng. Ảnh: CNBC

    Ông Brian Gu, đồng chủ tịch của Xpeng đã chia sẻ thông tin này với kênh CNBC (Mỹ) vào hôm 17/5.

    Năm 2023, Xpeng AeroHT đã giới thiệu Land Aircraft Carrier - một chiếc xe điện lớn với thiết bị bay không người lái gồm hai chỗ ngồi bên trong. Thiết bị bay có thể tách ra khỏi xe điện và sau đó mọi người có thể vào trong nó và cất cánh.

    Ông Brian Gu lưu ý: “Lý do chúng tôi tự tin là bởi chúng tôi thiết kế sản phẩm này không nhằm mục đích sử dụng ở các trung tâm đô thị mà cho vùng ngoại ô, trong khu thắng cảnh, nơi chúng tôi sẽ làm việc với chính quyền các thành phố để tạo ra công viên bay và vùng bay cho mọi người tận hưởng chuyến bay mà không gặp rắc rối từ phê duyệt phức tạp”.

    Xpeng trong năm nay thông báo ô tô bay hiện đang trải qua quá trình chứng nhận với cơ quan quản lý hàng không Trung Quốc. Mốc thời gian năm 2026 muộn hơn so với mục tiêu giao hàng vào quý 4 năm 2025 mà Xpeng đã đưa ra trước đó.

    Xpeng đang tìm cách mở rộng sang các lĩnh vực di chuyển bằng điện khác. CEO He Xiaopeng của Xpeng trước đây đã nói với CNBC rằng robot và ô tô bay là một phần trong các mục tiêu dài hạn của công ty.

    Các công ty ở Mỹ, châu Âu và châu Á đang đua nhau phát triển ô tô bay (taxi hàng không). Theo JPMorgan, thị trường ô tô bay có thể đạt giá trị 1 nghìn tỷ USD vào năm 2040. Do đó, một số công ty đang cố gắng dẫn đầu “làn sóng mới”.

    Ô tô bay có thể cất cánh và hạ cánh thẳng đứng. Và nó được cung cấp năng lượng bằng điện chứ không phải nhiên liệu truyền thống.

    Các cơ quan quản lý hàng không trên toàn thế giới chịu trách nhiệm đưa ra quy tắc liên quan đến ô tô bay, gồm Cơ quan an toàn hàng không của Liên minh châu Âu (EASA), Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) và Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc.

    Tất cả các cơ quan quản lý này đã đưa ra nhiều quy tắc và chứng nhận khác nhau mà các nhà sản xuất và khai thác ô tô bay cần tuân thủ, đáp ứng trước khi có thể đưa những phương tiện này vào hoạt động thương mại. Các chứng chỉ thường xoay quanh khía cạnh như an toàn máy bay và giấy phép phi công.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ