Cú lừa sau việc giá tivi ngày càng rẻ: Cố tình hạ giá để len lỏi vào từng hộ gia đình, theo dõi, thu thập dữ liệu, thói quen người dùng
Theo CNN, người dùng tưởng rằng họ đang xem tivi, nhưng thực tế thì chính các hãng dịch vụ và sản xuất lại đang theo dõi, thu thập thông tin, thói quen của khách hàng qua màn hình.
- Tim Cook lên kế hoạch thoát khỏi cái bóng của Steve Jobs trong năm 2024: Không coi iPhone là 'sản phẩm vua' nữa, chuyển hướng sang những thứ mới mẻ
- Thoát 600 nhóm chat làm việc sau khi nghỉ, người phụ nữ gây bão trên mạng xã hội vì "giành lại tự do"
- Apple chuyển nguồn lực kỹ thuật quan trọng tới Việt Nam
- Lốc xoáy "tử thần" thổi bay ngôi nhà trong phút chốc, bé trai 4 tháng tuổi sống sót kỳ diệu, được tìm thấy ở vị trí không thể tin nổi
Hãng tin CNN cho hay vào năm 1973, một chiếc tivi RCA Corporation 15 inch tại New Yorks có giá khoảng 379,95 USD, tương đương 2.694,32 USD tính theo lạm phát hiện nay. Thế nhưng dù lạm phát đang cao và mọi thứ đều lên giá thì những chiếc tivi lại đang ngày càng rẻ.
Hiện người Mỹ có thể mua một chiếc tivi 32 inch RCA chỉ với giá chưa đến 100 USD.
Vậy phải chăng chi phí sản xuất tivi đi xuống hay do các doanh nghiệp có lòng hảo tâm? Câu trả lời phức tạp hơn thế nhiều.
Theo CNN, rất nhiều yếu tố hiện nay khiến giá tivi đi xuống, từ việc có ngày càng nhiều đối thủ cạnh tranh đến chi phí sản xuất giảm nhờ công nghệ và năng suất tăng cao. Thậm chí ở nhiều siêu thị như Best Buy hay Target, một chiếc tivi 55 inch còn được bán với giá chưa đến 250 USD vì chiến lược marketing quảng cáo của chuỗi.
Tuy nhiên hãng tin CNN nhận định lý do lớn nhất khiến nhà sản xuất chấp nhận hạ giá tivi là vì họ có thể kiếm lại gấp nhiều lần nhờ thu thập thông tin, thói quen người dùng. Ngày nay, phần lớn tivi đều tích hợp các dịch vụ cần thông tin của khách hàng.
Ví dụ như những chương trình độc quyền trên Internet, Apple TV+, Netflix...đều cần người dùng đăng ký tài khoản và thông tin, khiến những chiếc tivi trở thành nơi thu thập dữ liệu khổng lồ. Đó là chưa kể đến thói quen xem các chương trình gì của khách hàng cũng trở thành miếng bánh kinh doanh béo bở.
Ai xem ai?
Trong 10 năm qua, ngành tivi đã chứng kiến sự dịch chuyển rõ rệt của người dùng Mỹ khi không còn phụ thuộc vào các đài truyền hình cáp thông thường. Thay vào đó, những kênh giải trí trên Internet, các chương trình dịch vụ Streaming như Netflix, Disney+, Max mới là lựa chọn ưu tiên.
Số liệu của hãng Nielsen cho thấy trong năm 2022, người Mỹ theo dõi kênh giải trí Internet qua tivi với tổng thời lượng lên đến hơn 19 triệu năm, một con số biết nói cho sự thay đổi về thị hiếu người tiêu dùng.
Chính vì lẽ đó mà ngày nay, các tivi khó lòng bán được nếu thiếu khả năng kết nối streaming với Internet, hay còn được gọi là những chiếc tivi thông minh (Smart Tivi).
Tuy nhiên ít ai biết được rằng chính điều này lại đang thay đổi cách kiếm tiền của ngành tivi khi nhà sản xuất và cung ứng dịch vụ không chỉ đơn thuần bán sản phẩm mà còn thu thập thông tin của khách hàng để kiếm lời.
"Khi chúng ta xem tivi thì chiếc tivi đó cũng đang theo dõi lại người dùng. Những chiếc tivi thông minh luôn thu thập vô số những thông tin từ người dùng, bao gồm tài khoản đăng ký cho đến thói quen theo dõi các kênh giải trí", chuyên gia tư vấn Sara Geoghegan của Electronic Privacy Information Center cho biết.
Theo chuyên gia Geoghegan, lượng dữ liệu mà nhà sản xuất tivi thu thập thường không rõ ràng. Tuy nhiên điều chắc chắn là khi người dùng thiết lập tài khoản với tivi thông minh, vị trí sử dụng, thói quen xem chương trình và nhiều dữ liệu cá nhân sẽ bị thu thập, chia sẻ. Điều này chỉ bị hạn chế khi khách hàng điều chỉnh cài đặt bảo mật của thiết bị.
Nhờ tệp thông tin khổng lồ này mà rất nhiều hãng sản xuất tivi có thể kiếm tiền nhờ bán dữ liệu cho bên thứ 3 như Roku hay Amazon Fire TV. Với việc bán càng nhiều thiết bị thì các hãng sản xuất càng thu thập được nhiều thông tin cũng như mạng lưới khách hàng để bán cho các doanh nghiệp quảng cáo.
Chính vì mục tiêu phủ sóng rộng và chuyển hướng nguồn thu như trên mà các hãng sản xuất tivi chấp nhận hạ giá sản phẩm. Trong khi đó chẳng mấy người dùng biết được rằng thiết bị gắn trên tường nhà họ thực ra lại là một kênh thu thập thông tin khổng lồ.
Công nghệ phát triển
Tất nhiên ngoài vấn đề thay đổi cách khai thác nguồn thu, việc giá tivi rẻ cũng đến từ sự phát triển công nghệ khiến năng suất sản xuất tăng lên.
Kỹ thuật sản xuất tivi đã không còn mới và chi phí làm ra chúng đang ngày một giảm xuống. Thậm chí CNN cho hay nhiều nhà sản xuất ngày nay đang làm những chiếc tivi màn hình phẳng từ một bộ kính lớn thay vì sản xuất từng chiếc như trước.
Cách làm này khiến tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp trong khi người dùng mua được sản phẩm tivi giá rẻ dù màn hình cỡ lớn.
"Cách làm phổ biến hiện nay để cắt giảm chi phí là làm các tivi màn hình phẳng từ một tấm màn hình lớn. Đó là lý do tại sao các tivi ngày càng có màn hình lớn nhưng giá lại không tăng đáng kể", chuyên gia Paul Gagnon của hãng công nghệ Circana khẳng định.
Thậm chí việc các tivi hiện đại ngày nay ngày càng mỏng nhẹ và cỡ lớn đã kéo theo hệ lụy là rất dễ đổ vỡ do không có trọng tâm rộng được như những sản phẩm to thời trước.
Nhiều đối thủ
Theo CNN, một nguyên nhân nữa khiến giá tivi rẻ đi là do ngày càng nhiều đối thủ cạnh tranh. Trong vài năm trở lại đây, rất nhiều doanh nghiệp sản xuất tivi giá rẻ đổ xô vào thị trường Mỹ. Một số cái tên nổi bật đến từ Trung Quốc như TCL bắt đầu bán tivi tại Mỹ từ năm 2014, hay Hisense từ năm 2015 hiện đều đang gia tăng thị phần cực kỳ mạnh.
Chuyên gia Gagnon của Circana nhận định cách đây 20 năm, ngành sản xuất tivi tại Mỹ chưa đông như hiện nay và hầu hết các hãng đều có nhà máy cũng như kỹ thuật độc quyền cho riêng mình.
Thế nhưng sự thay đổi về cách thức kinh doanh đã khiến xu thế thuê ngoài (outsourcing) sang các nước thứ 3 trở nên phổ biến. Công nghệ sản xuất tivi cũng không còn gì mới mẻ hay bí mật nên các nhà sản xuất đua nhau mọc lên, đặt hàng từ nước thứ 3 với giá rẻ để chào bán tại Mỹ.
"Hệ quả của việc có quá nhiều nhà cung ứng là giá thị trường đi xuống", ông Gagnon kết luận.
*Nguồn: CNN
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming