Cửa hàng ứng dụng hợp nhất của các nhà sản xuất Trung Quốc có đủ sức “thách thức” được Google và Play Store?

    Thiên Long,  

    Mới đây 4 ông lớn công nghệ Trung Quốc là Huawei, Xiaomi, Oppo và Vivo đã hợp tác xây dựng chung một nền tảng mới dành cho các nhà phát triển ứng dung quốc tế. Vậy động thái xây dựng chung một cửa hàng ứng dụng có thể đe dọa Google Play Store hay không?

    Truyền thông mới đây đưa tin về việc Huawei, Xiaomi, Oppo và Vivo bắt tay nhau hợp tác xây dựng một nền tảng ứng dụng chung và có khả năng thách thức sự thống trị của Google.

    Cửa hàng ứng dụng hợp nhất của các nhà sản xuất Trung Quốc có đủ sức “thách thức” được Google và Play Store? - Ảnh 1.

    Theo Liên minh dịch vụ nhà phát triển toàn cầu (GDSA), Oppo, Vivo và Xiaomi đang bắt tay nhau xây dựng một công cụ cho phép các nhà phát triển tải lên một ứng dụng và nó có thể phân phối tới tất cả các cửa hàng ứng dụng trong liên minh.

    Trang GDSA cho biết, dịch vụ này sẽ có mặt ở 9 quốc gia và khu vực bao gồm Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam, Nga và Malaysia. Mặc dù vậy theo Reuters, khá ngạc nhiên là danh sách của GDSA không đề cập đến Huawei. Hiện tại phía Huawei từ chối bình luận về thông tin trên.

    Oppo và Vivo đã khẳng định đây không phải là một vụ sáp nhập các cửa hàng ứng dụng và mỗi hãng vẫn sẽ có cửa hàng ứng dụng của riêng mình. Tuy nhiên liên minh hợp tác giữa các hãng smartphone Trung Quốc sẽ cho phép một ứng dụng xuất hiện trên tất cả cửa hàng ứng dụng.

    Vẫn còn đó nhiều thách thức

    Linda Sui, giám đốc chiến lược tại hãng nghiên cứu Strategy Analytics cho rằng, thách thức nằm một phần trong việc thúc đẩy các nhà phát triển bên ngoài Trung Quốc tham gia vào liên minh này. Cụ thể những liên minh tương tự trong quá khứ đã không thể thách thức sự thống trị của Google. Và ngay cả khi các gã khổng lồ Trung Quốc hợp tác với nhau, chưa rõ các bên sẽ phân bổ công việc như thế nào.

    Cửa hàng ứng dụng hợp nhất của các nhà sản xuất Trung Quốc có đủ sức “thách thức” được Google và Play Store? - Ảnh 2.

    Huawei, Xiaomi, Oppo, Vivo hiện đang chiếm hơn 40% thị phần smartphone toàn cầu. Do đó lần hợp tác lần này được kỳ vọng sẽ tạo sự đột biến đủ lớn để thách thức sự thống trị của nền tảng Android và Google.

    Trong số các thành viên, việc tham gia liên minh ứng dụng sẽ đem tới lợi ích lớn nhất cho Huawei, bởi hãng công nghệ Trung Quốc đang bị Mỹ đưa vào danh sách đen và hạn chế quyền tiếp cận với Android. Để giải quyết vấn đề này, Huawei đã tự nghiên cứu và phát triển hệ điều hành của riêng mình mang tên HarmonyOS.

    Huawei cũng tung ra cũng tung ra Ark Compiler, một công cụ cho phép các nhà phát triển nhanh chóng chuyển các ứng dụng Android sang HarmonyOS dễ dàng. Tuy nhiên hành trình tự lực và thoát khỏi sự thống trị của Google chắc chắn còn dài và vô cùng khó khăn với Huawei. Khi Huawei lần đầu ra mắt framework Ark Compiler hồi năm ngoái, một số lập trình viên đã phàn nàn rằng Huawei vẫn chưa hoàn thiện nó.

    Cửa hàng ứng dụng hợp nhất của các nhà sản xuất Trung Quốc có đủ sức “thách thức” được Google và Play Store? - Ảnh 3.

    Tính tới cuối năm 2019 vừa qua, số lượng ứng dụng trên App Gallery của Huawei mới chỉ có hơn 45 ngàn ứng dụng, thua xa con số khoảng 3 triệu ứng dụng của Play Store. Đó là chưa kể, Huawei đang phải tích cực bơm số tiền khủng lên tới 1 tỷ USD để lôi kéo các nhà lập trình tham gia phát triển ứng dụng cho hệ sinh thái HMS (Huawei Mobile Service).

    Gần đây một số model smartphone của Huawei ví dụ như Mate 30 Pro cũng không được cài đặt sẵn các ứng dụng dịch vụ của Google ví dụ như Google Play Store, YouTube hay Google Maps.

    Dự kiến kế hoạch xây dựng nền tảng ứng dụng chung của 4 hãng công nghệ Trung Quốc sẽ khởi động vào tháng 3 tới.

    Tham khảo Abacusnews

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày