Cùng là ứng dụng gọi xe như Uber, Grab, nhưng startup Việt này vẫn sống khỏe nhờ hướng đi khác

    PV,  

    Được định vị là công ty công nghệ gọi xe như Uber và Grab nhưng startup Việt này chọn tập trung vào thị trường ngách mà 2 đại gia công nghệ gọi xe đã bỏ qua ở Việt Nam.

    Nếu hiện tại việc đi lại trong nội thành đã có sự tham gia của rất nhiều đơn vị, từ taxi như Mai Linh, Vinasun cho tới ứng dụng công nghệ như Uber, Grab,... thì việc di chuyển ra các địa điểm xa khỏi trung tâm thành phố vẫn đang bị bỏ ngỏ.

    Đó chính là thị trường mà VietGo, một ứng dụng gọi xe tương tự Uber, Grab nhắm tới. Hà Huy Vũ, CEO kiêm đồng sáng lập của startup Việt này cho biết, đây là một thị trường rất tiềm năng.

    "Chỉ tính riêng các chuyến xe đi - về từ sân bay Nội Bài và Hà Nội mỗi ngày đã thu hút tới 50.000 lượt đi, chưa kể các chuyến đi liên tỉnh còn có số lượng lớn hơn nhiều lần. Có thể thấy, đây là một thị trường có tiềm năng rất lớn", Huy Vũ đánh giá.

    Có tiềm năng, nhưng hiện tại, vẫn chưa có nhiều ứng dụng công nghệ tham gia vào thị trường này. Thay vào đó, các hãng taxi, vận tải truyền thống vẫn đang là "bá chủ" tại đây. Còn Uber hay Grab - những ứng dụng quốc tế thì vẫn đang rất "bận bịu" trong cuộc chiến phân chia thị phần bên trong nội thành Hà Nội hay Tp.HCM.

    "Đây sẽ là cơ hội cho những startup như VietGo", Vũ chia sẻ. "Về cơ bản, chúng tôi cũng áp dụng một nền tảng công nghệ về bản đồ tương tự như Uber và Grab. Thông qua Vietgo, khách hàng có nhu cầu và tài xế sẽ được kết nối với nhau tiện lợi nhất, qua đó nâng cao tỉ lệ lấp đầy các xe di chuyển đường dài, tránh lãng phí nhiên liệu và tiết kiệm chi phí".

    Anh Đức, CMO của VietGo chia sẻ, một khác biệt giữa startup Việt này và các ứng dụng công nghệ còn lại, nằm ở việc lái xe nhận quốc đi thông qua hình thức đấu giá. Tài xế nào đặt mức cước giá rẻ nhất, trước giờ đón khách 1 tiếng 45 phút sẽ nhận được chuyến đi. Như vậy sẽ đảm bảo, khách hàng luôn sẵn sàng cho chuyến đi và nhận được giá tốt nhất, còn VietGo cũng giữ được mức giá cạnh tranh hơn so với các mô hình truyền thống.

    "Ngoài ra, để phù hợp với môi trường Việt Nam, bên cạnh ứng dụng, chúng tôi cũng hỗ trợ khách hàng thông qua hệ thống tổng đài và đặt chỗ trên website", Đức cho hay.

    Hiện tại, VietGo vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, và mô hình này mới được áp dụng chủ yếu trên tuyến đường khá "an toàn", đó là tuyến từ Hà Nội lên sân bay Nội Bài. Với khoảng 200 - 250 chuyến mỗi ngày và hơn 300 tài xế có mặt trong hệ thống, VietGo tỏ ra khá tự tin vào sự thành công của mình.

    Mức giá được VietGo đưa ra khá cạnh tranh. Từ 160.000 cho chiều lên và từ 250.000 đồng cho chiều về. Các cuốc đi tỉnh sẽ phụ thuộc vào độ dài quãng đường.

    Cũng tương tự như Uber và Grab, mỗi cuốc đi thành công, tài xế sẽ phải chia sẻ 20% số tiền thu về cho VietGo.

    Sau khởi đầu khá trơn tru tại Nội Bài, VietGo cho biết trong thời gian tới, mô hình này sẽ tiếp tục được triển khai ở sân bay Tân Sơn Nhất, và lan tới các điểm sân bay khác như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Vũng Tàu… Ngoài ra, các chuyến đi tỉnh – thị trường ngách mà Uber, Grab bỏ qua sẽ được VietGo tối ưu hóa.

    Thông qua ứng dụng này, các cuốc đi đều có lịch trình từ trước nên tránh được rủi ro hoãn chuyến như xe hỏng hay bom tài xế . "Để đảm bảo khách hàng không bị lỡ chuyến, bên cạnh đội ngũ tài xế liên kết, VietGo cũng có một đội ngũ nhỏ xe của mình để hỗ trợ khi cần kíp. Tuy nhiên, trường hợp trên rất hãn hữu", Huy Vũ cho hay.

    Dù đưa ra một mô hình khá hay, nhưng vấn đề của VietGo cũng khá giống các startup khác. Đó là khả năng có thể bị sao chép bởi đối thủ. Tuy nhiên, Huy Vũ cho rằng, thị trường vẫn đủ rộng để mọi người cùng tham gia phát triên. Còn với Uber và Grab, anh không quá lo lắng.

    "Uber và Grab rất khó có thể sao chép hình thức hoạt động của VietGo bởi sẽ xa rời định hướng mà 2 đại gia công nghệ gọi xe này đặt ra ban đầu", Vũ nhận định.

    Theo Trí Thức Trẻ/CafeBiz

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày