Cùng ngắm loạt công nghệ “cực độc” của Viettel tại triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024
Hàng loạt công nghệ quân sự, dân dụng như UAV, siêu máy tính của Viettel lần đầu được “tiết lộ” tại triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam.
Gian hàng công nghiệp quốc phòng của Viettel nằm tại vị trí trung tâm sảnh A của triển lãm với hàng loạt công nghệ tối tân: máy bay không người lái (UAV), radar 3D, các trang bị AI, v.v…
Các sản phẩm quân sự và mô hình trận địa tại gian hàng Viettel thu hút khách thăm quan. Tại mỗi khu vực, có kỹ thuật viên hướng dẫn chi tiết về sản phẩm để mọi người có thể tìm hiểu về các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao.
Dàn máy bay không người lái (UAV) là "vedette" của gian hàng và cũng là điểm mới nhất của gian hàng Viettel năm nay. Sản phẩm ứng dụng công nghệ học máy, thị giác máy tính để tạo ra độ chính xác cực cao khi thực hiện các nhiệm vụ trinh sát, tấn công.
UAV là sản phẩm được Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các Bộ, ngành đặc biệt quan tâm ghé thăm đầu tiên tại triển lãm. Đây được đánh giá là sản phẩm có vai trò quan trọng trong chiến tranh hiện đại, góp phần hiện đại hoá Quân đội và bảo vệ Tổ quốc. Tại triển lãm, Viettel trình diễn 11 sản phẩm UAV thuộc 3 loại - UAV trinh sát, UAV cảm tử và UAV đa năng.
Viettel cũng giới thiệu hệ thống radar phát hiện và chế áp UAV. UAV hiện được sử dụng thường xuyên trong các nhiệm vụ trinh sát, tấn công; thiết bị nhỏ, di chuyển nhanh, khó bị phát hiện và chế áp bằng các radar và vũ khí thông thường. Do đó, radar và thiết bị chống UAV trở thành vũ khí quan trọng để bảo vệ các mục tiêu trọng yếu trong chiến đấu.
Cận cảnh hệ thống radar kết hợp quang điện tử chống UAV. Viettel đã làm chủ công nghệ và sản xuất radar và hệ thống chống UAV. Hiện công nghệ này chưa được thương mại trên thế giới. Viettel đã phát triển 3 dòng phiên bản bao gồm cố định, đặt trên xe chuyên dụng và cầm tay. Các phiên bản kích thước lớn có khả năng phát hiện và chế áp UAV kích thước nhỏ ở khoảng cách xa; các thiết bị cầm tay có phạm vi chế áp vào khoảng 2-3 km.
Cùng với đó, Viettel giới thiệu các radar 3D cảnh giới vùng biển, phòng không, radar chiến thuật bảo vệ các mục tiêu trọng yếu. Các thiết bị ứng dụng công nghệ quét búp sóng điện tử chủ động (beam-forming) tương tự như 5G để tạo ra tín hiệu thời gian thực và chính xác. Loạt thiết bị do Viettel làm chủ hoàn toàn về công nghệ, đảm bảo an toàn bảo mật và đã trang bị cho nhiều đơn vị trong Quân đội.
Hệ thống mô phỏng bắn súng trong không gian 3D của Viettel là một trong những vị trí hút khách nhất tại triển lãm. Người dân có cơ hội trải nghiệm sản phẩm công nghệ đạt chuẩn quốc tế được sử dụng trong huấn luyện. Nhiều khách hàng cho biết sẵn sàng chờ hơn 60 phút để được trải nghiệm.
Song song với vai trò đội quân chiến đấu, Viettel trình diễn loạt công nghệ dân dụng tại gian hàng kinh tế quốc phòng, thể hiện vai trò đội quân sản xuất và tiên phong công nghệ. Gian hàng có trung tâm là công nghệ 5G, từ đó lan toả ra các lĩnh vực hạ tầng số, tự động hoá logistics, đô thị và nhà máy thông minh, ứng dụng số.
Ứng dụng 5G và AI, Viettel phát triển các ứng dụng nhà máy thông minh và đô thị thông minh có thể tự động nhận diện khuôn mặt, theo dõi an ninh, soát lỗi trong quá trình sản xuất, v.v… Đây là các ứng dụng được Thủ tướng và lãnh đạo các Bộ, ngành đặc biệt quan tâm.
Siêu máy tính với năng lực tính toán 4 triệu tỷ phép tính/ giây của Viettel, sử dụng các GPU mạnh nhất thế giới. Đây là thiết bị chuyên dụng được tích hợp trong hạ tầng dữ liệu của Viettel để phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo, học máy, xử lý dữ liệu lớn. Thiết bị thu hút sự chú ý của nhiều khách thăm quan tại triển lãm do sử dụng GPU "hiếm có" ở thời điểm hiện tại, là công cụ cần thiết để phát triển các ứng dụng học máy.
5G và hạ tầng xử lý dữ liệu cho phép Viettel tạo ra loạt giải pháp tự động hoá cho nhà máy thông minh, hướng tới các "dark factory" trong tương lai khi toàn bộ các khâu từ vận chuyển, lắp ráp, tra soát lỗi, v.v… được tự động hoá bằng robot.
Khu vực trải nghiệm thực tế ảo (AR/VR) và chụp ảnh Hologram (hình ảnh 3 chiều thay vì 2 chiều như thông thường) của Viettel kín khách trong suốt thời gian triển lãm, trở thành vị trí để nhiều gia đình lưu giữ kỷ niệm tại triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024.
Khách hàng thích thú trải nghiệm 5G tại gian hàng. Ngoài các ứng dụng AR, VR thường thấy, Viettel đã thiết kế trò chơi "gắp gấu" nhưng sử dụng kết nối 5G qua thiết bị di động. Khách hàng được trực tiếp trải nghiệm tính năng "không độ trễ" của kết nối 5G, điều khiển cánh tay robot dễ hơn và chính xác hơn các trò chơi thông thường.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Hiệu ứng giãn nở thời gian: Khi nào thì 1 giây kéo dài thành cả phút, 1 phút trôi qua như 1 giờ, còn chúng ta như bước vào một dòng thời gian hoàn toàn khác biệt?
Khi chúng ta bước vào trạng thái "siêu tiếp nhận", chúng ta đồng thời cũng nhảy vào một dòng thời gian khác trong tâm trí. Và dòng thời gian này trôi chậm hơn rất nhiều so với dòng thời gian thực.
Cận cảnh “Rồng Bắc Âu” MSI Titan 18 HX Dragon Edition: Siêu laptop mạnh mẽ với Intel Core Ultra 9 285HX, Nvidia RTX 5090 và thiết kế “ngầu vô đối”