Cùng nhìn lại cuộc cách mạng dòng phim siêu anh hùng của đế chế Marvel

    SPLENDID RIVER, Theo Trí Thức Trẻ 

    Hãy cùng đi tìm bí quyết xây dựng nên Vũ trụ Điện ảnh Marvel.

    Sau gần một thập kỷ thành công ngoài sức tưởng tượng, Marvel Studios đang ở một giai đoạn then chốt: Lời chia tay cận kề của một số các siêu anh hùng tiên phong, và sự trỗi dậy của một thế hệ anh hùng mới. Kevin Feige, đầu tàu sáng tạo đằng sau thương hiệu bom tấn 13 tỉ đô và một dàn siêu sao Marvel, đối thoại về thời kỳ đầu nhiều bấp bênh, những cú ngã, và một đế chế vẫn đang không ngừng lớn mạnh.

    Cùng nhìn lại cuộc cách mạng dòng phim siêu anh hùng của đế chế Marvel - Ảnh 1.

    Tám mươi ba gương mặt đã từng biến các nhân vật truyện tranh Marvel thành hiện thực trong suốt một thập kỷ vừa qua đã họp mặt và giao lưu ở Atlanta - Mark Ruffalo (Hulk), làm quen với Vin Diesel (Groot). Angela Bassett, mẹ của nhân vật Black Panther (Chadwick Boseman) góp mặt bên cạnh những Robert Downey Jr., Scarlett Johansson, Gwyneth Paltrow, Brie Larson, Paul Rudd, Jeremy Renner, Laurence Fishburne, và Stan Lee, tác giả truyện tranh lừng lẫy và đồng sáng tạo ra Iron Man, Spider-man, Doctor Strange, Fantastic Four, và cả X-men.

    Cùng nhìn lại cuộc cách mạng dòng phim siêu anh hùng của đế chế Marvel - Ảnh 2.

    Họ ở đây để chụp ảnh kỷ niệm 10 năm của Marvel Studios, khởi động với Iron Man từ 2008, hiện đã ra mắt 17 phim và tổng cộng thu về hơn 13 tỷ đô từ khắp thế giới; 5 bộ phim khác đang lấy đà trong vòng 2 năm tới. Thương hiệu dài hơi này đã hồi sinh sự nghiệp của người này (Downey), biến người kia thành ngôi sao (Tom Hiddleston), liên tiếp thu hút một dàn các tên tuổi hạng A, các cổ thụ của Hollywood (Anthony Hopkins và Robert Redford), và cả 3 người đàn ông đẹp trai tên Chris (Hemsworth, Evans, và Pratt).

    Tất cả là nhờ có Kevin Feige, người đã đưa Marvel Studios từ khởi đầu khiêm tốn trở thành đế chế điện ảnh ngày nay mà các studio khác phải ghen tị. Phong cách làm phim theo kiểu truyện tranh của Feige – để cho anh hùng này tham gia vào phim của anh hùng kia – đã thay đổi không chỉ phương pháp làm phim nói riêng mà còn cả văn hóa đại chúng nói chung. Các studio khác, đáng chú ý nhất là Warner Bros., với Justice League cũng đã cố gắng để xây dựng mạng lưới các nhân vật kết nối của riêng họ.

    Trước khi có Feige, Marvel Studios thậm chí còn không tự làm nổi phim cho riêng mình. Được thành lập vào năm 1993 với cái tên Marvel Films, công ty này đơn giản chỉ đem bản quyền nhân vật của mình bán cho các studio khác, và kiếm tiền chủ yếu từ việc bán các sản phẩm ăn theo. Feige là một trong số những người đã đấu tranh để hãng giữ lại quyền sở hữu kho tàng những nhân vật đáng giá của họ.

    Cùng nhìn lại cuộc cách mạng dòng phim siêu anh hùng của đế chế Marvel - Ảnh 3.

    Sau khi Avengers 4 được đặt ngày ra mắt vào năm 2019, sẽ có một số thành viên gạo cội của đội siêu anh hùng trị giá tỉ đô này phải rửa tay gác kiếm. Một phần lý do là vì hợp đồng với Marvel của các diễn viên này – Evans (Captain America), Ruffalo (Hulk), Downey (Iron Man), Johansson (Black Widow), Hemsworth (Thor), và Renner (Hawkeye) – đang đến hồi kết thúc.

    Hãng Disney cam đoan rằng Marvel có đủ nhân vật cho ít nhất 20 năm nữa và những thế giới khác nhau để khám phá – khởi đầu bằng việc hãng đã có những bộ phim với nhân vật chính là phụ nữ và người da màu. Khán giả yêu phim ảnh tới thời điểm này, không có cách nào khác ngoài việc tin tưởng vào Feige. May mắn cho họ, nhà lãnh đạo studio 44 tuổi này cũng chính là một trong số họ, một fanboy.

    Fanboy

    Cùng nhìn lại cuộc cách mạng dòng phim siêu anh hùng của đế chế Marvel - Ảnh 4.

    Trong ngày công chiếu Thor: Ragnarok - Kevin Feige ngồi trong văn phòng của mình trên tầng 2 tòa nhà Frank G. Wells, trong khu đất của Walt Disney. Bên cạnh là một giá để đồ với những chiếc mũ lưỡi trai yêu thích của ông, trên tường và trên bàn đầy những ghi chú và ghi nhớ về nhân vật, câu chuyện, và huyền thoại thời hiện đại mà ông đã đưa lên màn ảnh rộng.

    Feige kể qua về tiểu sử của mình: Tuổi thơ ở Westfield, New Jersey, cuối thập kỷ 70 và 80, đắm chìm trong những phim bom tấn (Superman, Star Wars, Star Trek, Indiana Jones, Back to the Future), đi học toàn điểm kém, đi xem phim mỗi thứ Sáu ở rạp chiếu phim gần nhà. Truyện tranh thì không nói, nhưng ông đặc biệt thích điện ảnh. Sau này, ông vào được Đại học Nam California, để rồi bị từ chối nhập học vào trường điện ảnh 5-6 lần trước khi được nhận. Tất cả những gì ông muốn, suốt cả cuộc đời mình, là làm phim.

    Mong muốn đó đã bắt đầu trở thành sự thật khi Feige làm thực tập sinh cho đạo diễn Richard Donner và vợ của ông, nhà sản xuất Lauren Shuler Donner. Sau đó, Feige đã quyết định đi theo làm việc cho người vợ Shuler và xác định trở thành một nhà sản xuất.

    Shuler là nhà sản xuất của X-men, bộ phim của hãng Fox với nhân vật của Marvel ra mắt năm 2000. Bà và Avi Arad, những lãnh đạo thời đó của Marvel Studios, đã chứng kiến việc Feige đòi xịt keo cho tóc của Hugh Jackman cao hơn nữa để giống với kiểu tóc của nhân vật Wolverine trong truyện tranh. Nhiệt huyết của Feige và sự chú trọng vào chi tiết đó đã thuyết phục được Arad. Ông thuê Feige về Marvel Studios để bảo vệ những tài sản trí tuệ của công ty, và trở thành "đại sứ" của Marvel.

    Cùng nhìn lại cuộc cách mạng dòng phim siêu anh hùng của đế chế Marvel - Ảnh 5.

    Thời điểm mà Arad quyết định đầu tư tự sản xuất phim cho Marvel, Hollywood đã quay lưng với dòng phim siêu anh hùng. Nhưng Marvel Studios vẫn đặt cược tất cả mọi thứ của mình vào ngay nước đi đầu tiên. Bằng cách vay mượn khắp nơi, Feige và Arad cuối cùng cũng thuê được 3 đạo diễn để làm phim cho Marvel Studios: Favreau cho Iron Man, Louis Leterrier cho The Incredible Hulk, và Edgar Wright cho Ant-man.

    Canh bạc này thắng lớn khi Iron Man thu về những thành công không tưởng cả về kinh tế lẫn phê bình. Nhưng ngay khi vị thế của Marvel bắt đầu lên cao trong thị trường, Avi Arad từ chức và chỉ định người kế nhiệm mình. Khi mới chỉ 33 tuổi, Feige đã chính thức nắm quyền điều hành một studio điện ảnh độc lập đáng chú ý nhất kể từ khi DreamWorks thành lập.

    Sự ra đời của cả một Vũ trụ

    Cùng nhìn lại cuộc cách mạng dòng phim siêu anh hùng của đế chế Marvel - Ảnh 6.

    Tập đoàn Walt Disney đã mua lại Marvel vào năm 2009 với giá 4 tỉ đô

    Feige nói rằng ông vẫn luôn có niềm tin vào việc kết nối các siêu anh hùng của Marvel với nhau, và đưa Vũ trụ Marvel vào hiện thực. Sự xuất hiện ngắn ngủi của Samuel L. Jackson trong Iron Man với vai Nick Fury, giám đốc của tổ chức SHIELD, lúc đầu chỉ là một Trứng phục sinh dành cho những fan cuồng. "Chúng tôi để đoạn này ở cuối phim để nó không làm mất tập trung," Feige nói về đoạn phim sau credit đã làm bệ phóng cho một trào lưu kéo dài cả thập kỷ. Nhưng sau khi chứng kiến phản ứng của khán giả, Feige đã biết ý tưởng của mình hoàn toàn khả thi.

    Làm theo cách của Marvel hoặc là thôi

    Cùng nhìn lại cuộc cách mạng dòng phim siêu anh hùng của đế chế Marvel - Ảnh 7.

    Thập kỷ đầu tiên làm phim của Marvel không phải là không có những lần vấp ngã và thất vọng. Cả Iron Man 2 năm 2010, và Thor: The Dark World năm 2013 đều không nhận được đánh giá cao. Hai đạo diễn danh tiếng - Edgar Wright và Joss Whedon - công khai chia tay với Marvel sau những bất đồng với studio về quan điểm sáng tạo. Trong những cuộc phỏng vấn, cả hai người đều đã nói rằng họ đã phải hi sinh quan điểm cá nhân của mình để phục vụ cho yêu cầu của Marvel.

    Feige không hề bác bỏ việc các đạo diễn phải chấp hành một số điều luật nhất định khi họ tham gia vào Marvel, đặc biệt là khi khái niệm một Vũ trụ Điện ảnh nhất quán không còn là thứ có thể tranh cãi nữa.

    Nhưng tới thời điểm này, studio có vẻ ngày càng sẵn sàng để cho các đạo diễn tự do thể nghiệm và sáng tạo theo những cách khác nhau. "Guardians có lẽ là ví dụ điển hình nhất của việc khán giả chấp nhận ngay cả những ý tưởng điên rồ nhất của chúng tôi," Feige nói. Sự "bắng nhắng" không thể chối cãi của 2 phần phim Guardians of the Galaxy và phong cách kỳ quái của Taika Waititi trong Thor: Ragnarok cho thấy một sự thay đổi lớn.

    Bộ phim Black Panther sắp ra mắt của đạo diễn Ryan Coogler cũng đánh dấu một sự chuyển mình quan trọng cho Marvel: Bộ phim đầu tiên với diễn viên chính da màu, Chadwick Boseman. Captain Marvel, với nữ chính Brie Larson trong vai một nữ đại úy không quân với sức mạnh phi thường, cũng sẽ công chiếu vào năm 2019.

    Sống chung với Ike

    Cùng nhìn lại cuộc cách mạng dòng phim siêu anh hùng của đế chế Marvel - Ảnh 8.

    Động thái tiến bộ này của Marvel trùng với một cuộc thay đổi hệ thống quản lý vào năm 2015 của Disney, giúp Feige có toàn quyền kiểm soát studio và nhẹ nhàng đặt chủ tịch và cựu giám đốc nhiều tai tiếng Isaac "Ike" Perlmutter sang một bên. Nhà tài phiệt 75 tuổi này đã cứu Marvel Entertainment Group khỏi phá sản vào năm 1998, nhưng đến ngày nay, ông ta có quá nhiều quan điểm lỗi thời về nền công nghiệp điện ảnh, đi ngược thị hiếu của văn hóa đại chúng. Ví dụ như việc Perlmutter từng cắt giảm sản phẩm đồ chơi liên quan tới Black Widow hồi 2015 vì ông cho rằng các sản phẩm dành cho phái nữ sẽ không bán được hàng.

    Đạo diễn James Gunn chia sẻ rằng những xích mích của anh khi làm Guardians of the Galaxy đều với Perlmutter và "hội đồng sáng tạo" của Marvel. Gunn nói, "Họ là một nhóm những người làm truyện tranh và đồ chơi" và đã góp ý cho anh toàn những điều "bừa bãi". Chính hội đồng này đã yêu cầu Guardians loại bỏ phần âm nhạc của những năm 70 mà nhân vật chính trong phim yêu thích. Một nguồn tin nội bộ cho rằng, "Ike Perlmutter không kỳ thị ai, và cũng không quan tâm đến đa dạng văn hóa, ông ta chỉ quan tâm đến những thứ mà ông ta nghĩ là sẽ làm ra tiền thôi."

    Cùng nhìn lại cuộc cách mạng dòng phim siêu anh hùng của đế chế Marvel - Ảnh 9.

    Tháng 8 năm 2015, Disney xác nhận họ đã thay đổi hoàn toàn hệ thống của Marvel: Feige sẽ trực tiếp làm việc dưới quyền Alan Horn, chủ tịch của Walt Disney Studios, trong một động thái sát nhập Marvel vào đại gia đình khổng lồ các bộ phim của Disney. Perlmutter vẫn là chủ tịch Marvel Entertainment.

    Thật ra Feige đã công bố dự án Captain Marvel và Black Panther từ năm 2014 – dưới thời kỳ của Perlmutter. Nhưng dù thế nào, Marvel cũng đã bỏ lỡ mất cơ hội làm bộ phim nữ anh hùng đầu tiên của thời hiện đại. Khi được hỏi là ông có hối tiếc vì đã không kịp đi trước Wonder Woman hay không. "Có chứ," ông trả lời một cách cẩn trọng. "Tôi nghĩ là đi đầu trong chuyện gì thì cũng vui cả." "Mọi thứ rồi cũng sẽ ổn thôi," ông nói một cách vui vẻ. "Captain Marvel là một bộ phim hoàn toàn khác biệt."

    The Avengers, và những điều sau đó

    Cùng nhìn lại cuộc cách mạng dòng phim siêu anh hùng của đế chế Marvel - Ảnh 10.

    Một tuần trước buổi chụp hình kỷ niệm 10 năm, trên phim trường Avengers 4, Chris Hemsworth có nói rằng: "Có ai đó chụp hộ một tấm ảnh ở đây được không? Đây sẽ là lần cuối chúng ta được họp mặt đông đủ thế này rồi".

    Đúng theo truyền thống Marvel, thành viên của đội Avengers đầu tiên sẽ đặt nền móng cho những đội quân mới. Bộ phim Captain America gần đây nhất đã giới thiệu Black Panther trong khi Tony Stark kèm cặp Spider-man trong Spider-man: Homecoming. Spider-man trở về với Marvel là một màn ảo thuật ngoạn mục mà Feige đã làm được qua thỏa thuận có một không hai này với Sony.

    Theo lời giám đốc Disney Bob Iger, studio này có bản quyền tới hơn 7000 nhân vật khác nhau, và có thể đi bất cứ đâu mà các nhà sáng tạo có thể nghĩ ra được. "Chúng tôi đang tìm kiếm những thế giới hoàn toàn biệt lập – cả về địa lý và thời gian – so với những thế giới mà chúng tôi đã từng đến," Iger nói.

    Cả Iger và Feige đều hé lộ về việc thương hiệu này sẽ mở rộng ra các biên giới khác nhau, với sự hợp tác chặt chẽ của James Gunn để làm thêm phim spin-off cho một số nhân vật ngoài Trái Đất. Marvel đã "có gần 22 bộ phim, và chúng tôi còn có 20 phim nữa đang được ấp ủ, hoàn toàn khác biệt với những gì đã được thấy trước kia," Feige nói.

    Cùng nhìn lại cuộc cách mạng dòng phim siêu anh hùng của đế chế Marvel - Ảnh 11.

    Mặc dù Feige từ chối tiết lộ thêm các chi tiết về những bộ phim chưa công bố, ông hứa hẹn sẽ có một kết thúc rõ ràng cho Avengers - thương hiệu đã làm nên Marvel. Ông nói "Avengers 4 sẽ mang tới những điều bạn chưa từng thấy trong một phim siêu anh hùng: Một kết thúc".

    Điều này rất có thể sẽ là cái chết của rất nhiều các thành viên Avengers dưới tay phản diện Thanos, kẻ đã xuất hiện khắp nơi kể từ phim Avengers đầu tiên vào năm 2012. Nhưng Vũ trụ Điện ảnh Marvel thì sẽ vẫn tiếp tục sống mãi. "Sẽ có hai giai đoạn hoàn toàn khác biệt. Tất cả mọi thứ trước Avengers 4 và tất cả mọi thứ sau đó. Tôi dám chắc nó sẽ không như mọi người tưởng tượng đâu," Feige nói.

    "Tất cả mọi thứ sau đó," mà vắng bóng những tên tuổi gạo cội như hiện nay, sẽ là một thử thách rất lớn. Studio sẽ liên tục phải tuyển những diễn viên mới, phát triển những câu chuyện mới lạ hơn, và liều một chút với vẻ ngoài ngớ ngẩn – như cách mà Feige đã làm với tóc của Wolverine – tất cả đều dưới sự soi xét của hàng triệu khán giả đang theo dõi từng bước của studio này.

    Dù vậy, Feige vẫn không hề lo lắng về sự trường tồn của Marvel: "Vào ngày mở cửa, khi mọi người hỏi ngài Walt Disney là Disneyland đã được hoàn thiện chưa, ông ấy đã nói, chừng nào trí tưởng tượng của mọi người khắp thế giới còn bay cao, chừng đó Disney còn chưa được hoàn thiện". Và chừng nào người ta còn sẵn sàng bỏ tiền ra xem phim siêu anh hùng, Marvel – và Kevin Feige – sẽ còn chưa kết thúc.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ