Chất thải plastic là một vấn đề lớn đối với hành tinh. Các đại dương đang tràn ngập rác thải nhựa. Trong khi đó số lượng khu xử lý rác thải lại có hạn. Hiện nay, chỉ có 9% rác thải plastic được tái chế. Xử lý bằng cách đốt lại làm tăng phác thải khí nhà kính. Vì vậy, việc sử dụng các dạng vật liệu mới và cải thiện việc tái chế chất thải là những giải pháp tiềm năng để giảm thiểu ô nhiễm.
"Sewage suffer" - giải Nhất giải thưởng Wildlife Photojournalist Award 2017, hạng mục ảnh đơn
Bức ảnh "Sewage surfer" của của nhiếp ảnh gia Justin Hofman đã đặt ra nhiều thảo luận cả trong lĩnh vực nhiếp ảnh và môi trường trong năm 2017. Tác phẩm này đã reo lên hồi chuông cảnh báo về thực trạng ô nhiễm chất thải nói chung và chất thải plastic nói riêng.
Những vấn đề do ô nhiễm chất thải plastic
Nền kinh tế hiện đại phụ thuộc vào nhựa, với tính bền và khả năng linh hoạt có thể sử dụng cho nhiều mục đích. Đối với nhiều sản phẩm plastic hiện tại, chưa có các lựa chọn thay thế khác thân thiện với môi trường mà chi phí phù hợp.
Ví dụ như ống hút một lần, nhà sản xuất Primaplast cho biết những lựa chọn "xanh" có chi phí gấp hàng trăm lần. Cốc đựng cà phê là một ví dụ khác. Riêng ở Vương quốc Anh, mỗi năm có khoảng 2,5 tỷ cốc bị bỏ đi. Nhiều người nghĩ rằng chúng có thể tái chế, nhưng thực tế là không do có lớp polyethylene làm cho ly không thấm nước.
Một lượng lớn plastic đang trôi nổi trên các đại dương, ước tính có thể mất đến 1.000 năm để chúng phân giải hoàn toàn. Vấn đề khác đặt ra là khi plastic phân rã theo thời gian, những mảnh plastic nhỏ sẽ đi vào cơ thể sinh vật biển. Các nhà khoa học đặc biệt lo lắng về mối đe dọa đối với các động vật biển lớn như cá mập, cá voi... Chất độc trong các mảnh plastic có thể gây nguy hiểm cho sức khoẻ động vật. Nghiêm trọng hơn, khi những mảnh plastic đi vào chuỗi thức ăn như vậy, tác động có thể xảy ra đối với nhiều loài động vật, có thể bao gồm cả con người.
Các giải pháp công nghệ giúp giảm thiểu ô nhiễm plastic
Với cố gắng thay đổi thực trạng này, công ty Biome Bioplastics đã phát triển loại cốc có thể phân hủy và tái chế được làm từ vật liệu tự nhiên như tinh bột khoai tây, tinh bột ngô và cellulose (thành phần chính của thành tế bào thực vật). Paul Mines, giám đốc điều hành của công ty, nói: "Nhiều người tiêu dùng mua cốc với ý nghĩ rằng chúng có thể được tái chế. Nhưng hầu hết sản phẩm đều có cả thành phần giấy và nhựa, khiến chúng khó tái chế. Phần nắp thường được làm bằng polystyrene, hiện nay không được tái chế ở Anh."
Biome Bioplastics đã tạo ra một loại nhựa sinh học (bioplastic). Vật liệu này có thể được phân huỷ hoàn toàn. Ông Mines cho biết đây là lần đầu tiên một loại nhựa sinh học được tạo ra để sản xuất cốc (cùng với nắp đậy) dùng một lần có thể đựng nước nóng nhưng vẫn phân hủy và tái chế được hoàn toàn. Hiện sản phẩm này chưa có mặt trên thị trường, nhưng ông Mines đang đàm phán với các nhà bán lẻ.
Nhiều công ty và các viện nghiên cứu khác, chẳng hạn như Full Cycle Bioplastics, Elk Packaging và Trung tâm nghiên cứu kỹ thuật VTT của Phần Lan cũng đang nghiên cứu các giải pháp dùng chất dẻo sinh học, thân thiện hơn với môi trường nhưng vẫn có chức năng như plastic thông thường. Công ty MacBebur của Toby McCartney đã phát triển các viên nhựa tái chế để làm nhựa đường. McCartney chia sẻ: "Những gì chúng tôi đang làm là giải quyết hai vấn đề trên thế giới bằng một giải pháp đơn giản - vấn đề về chất thải nhựa và những con đường bị hư hỏng.”
Ở San Jose, California, Jeanny Yao và Miranda Wang đang tập trung vào việc xử lý các túi nhựa và bao bì sản phẩm vốn không dễ để tái chế. "Các loại nhựa như vậy không thể tái chế ngay cả bằng những hệ thống hiện đại nhất", Wang giải thích. Start-up của họ, BioCellection phân hủy chất dẻo không thể tái chế thành các hóa chất có thể được dùng làm nguyên liệu cho nhiều loại sản phẩm, từ áo khoác trượt tuyết đến bộ phận xe hơi.
Cô cho biết: "Chúng tôi đã xác định được một chất xúc tác làm cắt và làm mở chuỗi polymer để kích hoạt một phản ứng dây chuyền thông minh. Một khi chuỗi polymer (vốn gồm rất nhiều nguyên tử carbon) được chia thành các mảnh có ít hơn 10 nguyên tử carbon, oxy từ không khí sẽ bổ sung vào chuỗi và hình thành các axit hữu cơ, chúng được thu lại, tinh chế và sử dụng để tạo ra những sản phẩm khác."
Các chính phủ và doanh nghiệp đã bắt đầu hành động bằng những chính sách cụ thể
Vương quốc Anh đã cam kết loại bỏ tất cả các chất thải nhựa vào năm 2042, trong khi Pháp đã ban hành lệnh cấm sử dụng túi nhựa một lần. Na Uy đã triển khai mô hình thu thập rác thải để tái chế trong nhiều thập niên. Ở Na Uy, người tiêu dùng mua một chai nước sẽ phải chịu thêm một khoản tiền nhỏ, nhưng nếu họ quay lại cửa hàng và đưa vỏ chai vào máy thu thập vỏ thì phần tiền này sẽ được hoàn lại. Điều đó khuyến khích người dùng đem vỏ chai đi tái chế thay vì vứt chúng vào thùng rác lẫn với các loại rác thải khác hoặc vứt lung tung.
Na Uy đạt được tỉ lệ tái chế plastic lên tới 97% vào năm 2016. Con số này ở Đài Loan là xấp xỉ 50%.
Các siêu thị đang cố gắng giảm lượng bao bì họ sử dụng. Tesco đặt mục tiêu sẽ sử dụng toàn bộ bao bì có thể tái chế hoặc phân hủy được vào năm 2025.
Helen Bird từ Chương trình Hành động Xử lý Chất thải của (Wrap - Waste Recycling Action Programme) cho rằng cần khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng chất dẻo ít màu hơn, vì nó khó tái chế hơn. Chính phủ các nước cần khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng bao bì có thể tái chế và dán nhãn rõ ràng cho khách hàng.
Mặc dù nhận thức về vấn đề rác thải plastic đang nâng lên một cách rõ rệt, nhưng không hề có câu trả lời dễ dàng cho vấn đề này. Nâng cao nhận thức cộng đồng, cùng với những chính sách hợp lý cho việc tái chế và giải pháp công nghệ mới sẽ giúp chúng ta giảm thiểu mức độ ô nhiễm chất thải plastic.
Tổng hợp
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cùng nhận tiền của NASA để sản xuất tàu vũ trụ, SpaceX thành công lớn còn Boeing lỗ nặng
Boeing đứng trước những sóng gió lớn nếu không hoàn thành dự án Starliner của mình.
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương