Cuộc cách mạng dự trữ lương thực ở Israel: Quân nhân xuất ngũ trở thành tiến sĩ nông nghiệp, đào hào giảm thiểu thất thoát, sáng chế "kén ngũ cốc" bán khắp thế giới

    Ứng Minh, Theo Nhịp Sống Kinh Tế 

    Hiện nay, trên toàn thế giới có hơn 800 triệu người thiếu đói. Rất nhiều nông dân ở các nước đang phát triển vẫn cất giữ lương thực trong những chiếc bao làm từ vải bố. Nhiều loài côn trùng và gặm nhấm có thể dễ dàng xuyên qua lớp bảo vệ này và phá hoại nông sản. GrainPro, một công ty của giáo sư người Do Thái Shlomon Navarro, đã nghĩ ra sáng kiến giúp bảo vệ lương thực và không sử dụng đến hóa chất bảo vệ thực vật.

    Sáng kiến của người thương binh giải ngũ

    Navarro di cư đến Haifa, Israel vào năm ông 23 tuổi với tấm bằng kỹ sư nông nghiệp. Ông làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật Israel (IPPS) và tham gia nghĩa vụ quân sự ở Israel. Trong cuộc chiến tranh năm 1967 với các nước Ả Rập, ông bị thương nặng ở chân và giải ngũ trở về Viện.

    Tại đây ông tập trung nghiên cứu cách kiểm soát các loài vật gây hại và nhận bằng Tiến sĩ về côn trùng học nông nghiệp ở Đại học Hebrew Jerusalem năm 1974, với những giải pháp nhằm giảm thiểu thất thoát ngũ cốc khi bảo quản một lượng lớn trong thời gian dài.

    Cuộc cách mạng dự trữ lương thực ở Israel: Quân nhân xuất ngũ trở thành tiến sĩ nông nghiệp, đào hào giảm thiểu thất thoát, sáng chế kén ngũ cốc bán khắp thế giới - Ảnh 1.

    Các kén ngũ cốc trên cánh đồng ở Israel

    Lúc bấy giờ, Israel cũng như nhiều quốc gia khác phải dự trữ lương thực nhằm chống chọi với những biến động của thị trường, thiên tai và chiến tranh. Các kho dự trữ của cá nhân, doanh nghiệp hay nhà nước đều sử dụng rất nhiều hóa chất để chống côn trùng và loài gặm nhấm. Chúng luôn tiềm ẩn nguy cơ gây độc cho con người và rất tốn kém.

    Từ những kho chứa si-lo (cụm kho chứa hình trụ bằng bê tông hoặc kim loại) có dung tích hàng nghìn tấn ngũ cốc, Shlomon Navarro nảy ra sáng kiến đào những con hào để tích trữ các loại lương thực dưới lòng đất.

    Các nghiên cứu của ông cho thấy, nếu dùng polyvinyl chloride (PVC) để bọc lấy ngũ cốc và ngăn chặn sự trao đổi không khí giữa bên trong và bên ngoài con hào, tất cả các loài côn trùng, gặm nhấm sẽ không có điều kiện sinh sôi và phá hoại lương thực dự trữ.

    Biện pháp này mang hiệu quả kinh tế rõ rệt so với việc đầu tư hàng trăm nghìn USD cho một cụm kho chứa. Đề án của ông được thông qua năm 1979 và Navarro trực tiếp điều hành dự án bảo quản mùa màng của Israel trong năm đó, với mục tiêu giảm một nửa số thất thoát nông sản.

    Khoảng 1 triệu USD kinh phí được rót vào dự án của Navarro. Ông tiến hành đào một con hào ở công xã Magen thuộc miền nam Israel. Hào dài 110 mét, rộng 50 mét và sâu 9 mét. Người ta lót phủ toàn bộ bề mặt hào bằng một lớp màng PVC, sau đó đổ ngũ cốc vào rồi lại dùng một lớp PVC khác phủ kín lên trên. Sau cùng, thợ hàn dùng nhiệt để dán kín khí toàn bộ hào ngũ cốc.

    Đây là dự án lớn đầu tiên dùng PVC bế khí ngũ cốc trên thế giới. Navarro kể rằng trong suốt 15 tháng sau đó, rất nhiều đêm ông đã thức trắng. Cứ mỗi khi trời mưa bão to, ông lại tỉnh dậy và lái xe suốt hai giờ đồng hồ đến công xã Megan để kiểm tra.

    Sau khi cuộc thử nghiệm kết thúc, Navarro và các cộng sự nhận thấy chỗ ngũ cốc vẫn tươi nguyên như ngày được đổ xuống hào. Tỷ lệ thất thoát cũng giảm thiểu vượt xa mong đợi.

    Cuộc cách mạng dự trữ lương thực ở Israel: Quân nhân xuất ngũ trở thành tiến sĩ nông nghiệp, đào hào giảm thiểu thất thoát, sáng chế kén ngũ cốc bán khắp thế giới - Ảnh 2.

    Chân dung Shlomon Navarro

    Những khối óc khoa học cùng chung ý tưởng

    Vào giữa năm 1985, sau khi đọc nhiều bài báo của Navarro về phát minh trên, tiến sĩ Laurence Simon – chuyên gia phát triển quốc tế đồng thời là người đứng đầu tổ chức phi lợi nhuận American Jewish World Sevice có trụ sở ở New York, đã đến gặp Navarro để bàn việc hợp tác.

    Sau vài lần bàn bạc, hai vị Tiến sĩ quyết định sẽ tạo ra một sản phẩm mới dựa trên phương pháp dùng PVC bế khí của Navarro và nông dân không cần phải đào hào.

    Navarro phát triển một loại túi PVC cho phép khóa kín toàn bộ lượng nông sản bên trong, ngăn chặn trao đổi khí giữa ngũ cốc trong túi và thế giới bên ngoài. Điều đó đảm bảo vô hiệu hóa toàn bộ trứng, ấu trùng hay côn trùng, động vật ẩn náu trong khối ngũ cốc.

    Họ đặt tên cho sản phẩm mới là Grain Cocoon, thường được báo chí nước ta gọi bằng cái tên Kén Ngũ cốc hoặc Kén tồn trữ lương thực.

    Vài tháng sau, họ mang một số túi PVC đến thử nghiệm ở quốc đảo Sri Lanka. Tiến sĩ Simon giới thiệu phát minh mới của Navarro với tổ chức phi chính phủ lớn nhất Sri Lanka bấy giờ là Sarvodaya.

    Sau đó, Sarvodaya đồng ý hợp tác nhưng với điều kiện là phía Navarro phải bồi thường toàn bộ thiệt hại nông sản và kinh phí hỗ trợ nếu thí nghiệm thất bại.

    Hai vị tiến sĩ chấp nhận thương vụ đầy rủi ro này và bắt đầu tập huấn cho nông dân cách sử dụng túi PVC. Đến giữa năm 1986, khi quay trở lại Sri Lanka, họ thấy rằng toàn bộ lượng nông sản đều được bảo vệ với chất lượng tốt nhất.

    Kể từ đó, Simon và Navarro tiếp tục quảng bá sản phẩm trên khắp thế giới. Thậm chí, họ còn cố gắng thuyết phục Liên Hiệp Quốc hỗ trợ phổ biến sản phẩm của họ tới khu vực châu Phi.

    Đến năm 1992, nhận thấy ngày càng nhiều khách hàng sử dụng sản phẩm của mình, Navarro cùng Simon và một số đồng nghiệp quyết định thành lập công ty GrainPro.

    Công ty GrainPro phát triển dòng sản phẩm Kén Ngũ cốc với những loại túi chứa dung tích từ 7,2 đến 29,7 mét khối, đạt tuổi thọ lên đến 5 năm dành cho quy mô hộ gia đình. Còn những chiếc kén lớn nhất dành cho doanh nghiệp có thể bảo quản hơn 300 mét khối ngũ cốc.


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày