'Cuộc chiến AI' ở Trung Quốc

    Phương Anh, VTC 

    Cơn sốt từ các mô hình trí tuệ nhân tạo tại Trung Quốc đã tạo nên một làn sóng sản phẩm mới từ các công ty khởi nghiệp.

    Nhưng các nhà đầu tư đang đưa ra những cảnh báo về áp lực chi phí và lợi nhuận.

    'Cuộc chiến AI' ở Trung Quốc - Ảnh 1.

    Cơn sốt từ các mô hình trí tuệ nhân tạo tại Trung Quốc đã tạo nên một làn sóng sản phẩm mới từ các công ty khởi nghiệp. (Ảnh minh họa: Reuters)

    Cơn sốt lần đầu được khơi dậy sau sự thành công của ChatGPT từ OpenAI. Kể từ đó, một làn sóng mà  giám đốc điều hành cấp cao của Tencent mô tả là “cuộc chiến của trăm mô hình AI”, đã diễn ra, khi hàng loạt "ông lớn" công nghệ trong ngành đưa ra các sản phẩm tương tự, bao gồm từ Baidu đến Alibaba, Huawei.

    Theo công ty môi giới CLSA, Trung Quốc hiện có ít nhất 130 mô hình ngôn ngữ lớn LLM (giống như ChatGPT), chiếm 40% tổng số mô hình trên toàn cầu, chỉ đứng sau Mỹ với 50%. Ngoài ra, các công ty Trung Quốc cũng đã công bố hàng chục "LLM dành riêng cho ngành".

    Tuy nhiên, các nhà đầu tư và nhà phân tích nói rằng hầu hết các công ty vẫn chưa tìm được mô hình kinh doanh khả thi. Bên cạnh đó sản phẩm của họ quá giống nhau và họ đều đang phải vật lộn với chi phí tăng cao.

    Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington cũng đè nặng lên lĩnh vực này, khi các quỹ USD đầu tư ít hơn vào các dự án giai đoạn đầu. VIệc khó có được chip AI do những công ty như Nvidia sản xuất cũng bắt đầu ảnh hưởng đến ngành.

    Esme Pau, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tài sản kỹ thuật số và internet Trung Quốc tại Macquarie Group, cho biết: “Chỉ những công ty có năng lực mạnh nhất mới tồn tại được”.

    Cô nói thêm rằng một số công ty hàng đầu đã phát tín hiệu rằng họ sẽ cạnh tranh về giá để giành thị phần, giống như các dịch vụ đám mây của Alibaba và Tencent.

    Pau cho biết: “Trong 6-12 tháng tới, các mô hình LLM có hiệu quả thấp hơn sẽ dần bị loại bỏ do hạn chế về chip, chi phí cao và cạnh tranh gay gắt”.

    Tuy nhiên, ý kiến về việc công ty nào sẽ tồn tại cũng rất khác nhau.

    Yuan Hongwei, chủ tịch của quỹ đầu tư mạo hiểm Z&Y Capital có trụ sở tại Thâm Quyến, cho biết bà tin rằng chỉ có hai đến ba mô hình LLM đa năng có thể thống trị thị trường.

    Đó là lý do tại sao công ty của bà tìm kiếm những người sáng lập có kinh nghiệm khi quyết định đầu tư vào bất kỳ công ty khởi nghiệp nào.

    Z&Y từng đầu tư vào nhà sản xuất máy bay không người lái DJI và công ty khởi nghiệp lái xe tự động Pony.ai. Giờ họ cuối cùng đã quyết định ủng hộ Baichuan Intelligence, một công ty mới thành lập được 5 tháng đang tìm cách xây dựng một mô hình AI nguồn mở để cạnh tranh với Llama 2 của Meta Platform.

    Baichuan được Wang Xiaochuan, người sáng lập công cụ tìm kiếm internet số 2 Trung Quốc Sogou, thành lập. Công ty này đã trở thành một trong 5 công ty đầu tiên nhận được sự chấp thuận của Bắc Kinh để phát hành chatbot công khai vào cuối tháng 8. Wang cho biết công ty đang trên đà hoàn tất vòng gọi vốn thứ hai trị giá 1 tỷ USD.

    Một số doanh nhân và giám đốc điều hành công nghệ tên tuổi khác đứng đằng sau các công ty khởi nghiệp AI mới của Trung Quốc, chẳng hạn như cựu giám đốc Google Trung Quốc Kai-Fu Lee và Yan Juejie, cựu phó chủ tịch của SenseTime.

    Những người khác cho rằng các công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc như Alibaba, Tencent và Baidu có khởi đầu thuận lợi và nguồn vốn dồi dào để thành công nhờ cơ sở người dùng lớn và nhiều dịch vụ đa dạng.

    Tung nói thêm rằng một số nhà đầu tư hối tiếc khi đầu tư sớm vào các công ty LLM đang ở đỉnh cao đầu năm nay, vì nhiều công ty khởi nghiệp như vậy đang gặp khó khăn trong việc thúc đẩy công việc kinh doanh và đang phải tìm cách hợp tác với những gã khổng lồ công nghệ để tìm kiếm người dùng.

    Nguồn: Reuters
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ