Cuộc chiến đám mây giữa Microsoft và Amazon đang diễn ra ngày một khốc liệt hơn

    Lê Hoàng,  

    Amazon vẫn đang là công ty hùng mạnh nhất của thị trường đám mây, nhưng Microsoft cũng đang bám đuổi rất quyết liệt.

    Cuộc đua song mã

    Chỉ 2 tuần sau khi Amazon công bố mảng kinh doanh đám mây (AWS) của mình đã gần đạt trị giá 10 tỷ USD, Microsoft cũng đưa ra một con số tương tự: doanh thu dự phóng của đám mây Microsoft đã đạt tới 10 tỷ USD. Con số này cho phép gã khổng lồ phần mềm tự tin khẳng định sẽ đạt được mục tiêu doanh thu dự phóng 20 tỷ USD vào năm 2018.

    Dĩ nhiên, doanh thu dự phóng không phải là một con số đáng tin cậy như doanh thu thực tế hay giá trị vốn hóa. Con số này được tính bằng cách đem doanh thu của một giai đoạn (ví dụ, một quý) nhân lên để ra doanh thu của một giai đoạn lớn hơn (ví dụ, một năm). Trong thế giới đám mây, con số này lại càng kém ổn định hơn, bởi doanh thu của các hãng sẽ liên tục thay đổi phụ thuộc theo mức độ sử dụng thực tế của khách hàng.

    Microsoft cũng chưa chính thức công bố mức doanh thu cụ thể cho các mảng dịch vụ đám mây của mình, dù các con số nhỏ hơn đều vẽ ra một kịch bản đáng khích lệ: trong quý 1/2016, doanh thu Azure tăng tới 110%. Điều này cho phép các nhà phân tích thị trường đánh giá Microsoft là công ty đứng thứ 2 về doanh thu đám mây, chỉ sau Amazon Web Services. Số liệu của Synergy Research cho biết Microsoft hiện đang nắm giữ 10% thị phần điện toán đám mây toàn cầu.

    Trong khi đây sẽ không phải là một cuộc đua "được ăn cả ngã về không" – bởi các doanh nghiệp rất có thể sẽ sử dụng cùng lúc đám mây của nhiều nhà cung cấp khác nhau, xu hướng chung hiện thời vẫn là từ bỏ đám mây riêng (private cloud) để di chuyển lên các đám mây lớn do Amazon, Google hay Microsoft cung cấp. Tỷ lệ trung thành của khách hàng AWS đang đạt mức cao tuyệt đối khi một khảo sát của InfoWorld cho thấy những người đã đặt chân lên AWS rồi từ bỏ dịch vụ này đạt mức… 0%.

    Vũ khí của Microsoft

    Tại sự kiện công bố kết quả kinh doanh quý 1/2016 vừa qua, CEO Satya Nadella của Microsoft đã được hỏi làm cách nào để cạnh tranh và chiến thắng Microsoft.

    Câu trả lời của ông không khiến nhiều người bất ngờ: phần mềm.

    Amazon không hề bán ra các giải pháp phần mềm quản lý hệ cơ sở dữ liệu, phần mềm email hay phần mềm Windows Server mà các doanh nghiệp có thể cài đặt lên máy chủ tại trung tâm dữ liệu của riêng họ. Amazon chỉ mang tới một đám mây thuần túy, nơi các doanh nghiệp thuê các giải pháp được đặt trên máy chủ của Amazon và truy cập vào các giải pháp này trên Internet.

    Nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục mua phần mềm truyền thống và sử dụng cùng lúc cả cơ sở dữ liệu của riêng mình lẫn các đám mây lớn. Đây là khái niệm "hybrid cloud computing" – "điện toán đám mây lai".

    Theo Satya Nadella, mô hình này là chìa khóa thành công của Microsoft: "Đây là nơi chúng ta tạo khác biệt: Đầu tiên là đám mây hybrid. Tất cả các sản phẩm của chúng ta đều có khả năng kết hợp đám mây, bất kể đó là Windows Server hay SQL Server". Điều này có nghĩa rằng nếu bạn mua phần mềm của Microsoft, bạn không cần phải trả tiền một lần nữa để được quyền sử dụng trên đám mây của Microsoft. Điều này giúp tiết kiệm chi phí.

    Thế mạnh thứ 2 đi theo chiều ngược lại: đám mây Azure của Microsoft hoạt động tốt với tất cả các phần mềm được Microsoft phát triển cho máy chủ doanh nghiệp.

    Đám mây "lai" của Microsoft đang mang lại những hiệu quả tích cực. Microsoft đã thuyết phục được Sony Pictures chuyển từ Office lên Office 365, đồng thời mở rộng quy mô hoạt động trên đám mây. Nhưng Amazon không vắng mặt trong cuộc đua này. Theo dự kiến, Sony sẽ mở rộng hợp quy mô sử dụng cả Azure và AWS trong tương lai.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày