Cuộc chiến định vị toàn cầu nhằm thay thế GPS đã bắt đầu

    Nguyễn Hải,  

    Nhằm loại bỏ vị thế độc quyền của hệ thống GPS, hàng loạt quốc gia và khu vực trên thế giới đang chạy đua xây dựng hệ thống định vị toàn cầu cho riêng mình.

    Bạn đang ở đâu? Đó không chỉ là một câu hỏi ẩn dụ, mà còn là một thách thức địa chính trị đang đặt những người khổng lồ công nghệ như Apple hay Alphabet vào một vị thế khó khăn.

    Các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Anh cùng Liên minh Châu Âu đang khám phá, thử nghiệm và triển khai các vệ tinh để tự xây dựng hệ thống định vị của riêng mình.

    Đây là một thay đổi khổng lồ so với Mỹ, quốc gia gần nhiều thập kỷ nay luôn độc quyền trong việc định vị các vật thể thông qua hệ thống GPS (Global Positioning System), một hệ thống quân sự thuộc Không Quân được xây dựng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh nhưng hiện đã được sử dụng vì mục đích thương mại từ giữa những năm 2000 cho đến nay.

    Cuộc chiến định vị toàn cầu nhằm thay thế GPS đã bắt đầu - Ảnh 1.

    Có rất nhiều ưu thế khi sở hữu một hệ thống như GPS, nhưng điều quan trọng nhất là việc người dùng thương mại và quân sự toàn cầu sẽ phải phụ thuộc vào hệ thống này – vốn của chính phủ Mỹ - đặt việc theo dõi các vị trí dưới sự cho phép của Bộ Quốc phòng Mỹ. Việc phát triển công nghệ và triển khai các vệ tinh định vị cũng mang đến lợi thế cho ngành công nghiệp vũ trụ.

    Các hệ thống có thể thay thế cho GPS

    Hiện nay, hệ thống duy nhất có thể thay thế cho GPS là GLONASS của Nga, vốn đã đạt đến tầm phủ sóng toàn cầu vài năm trước. Cho dù hệ thống này đã được triển khai từ năm 1982, nhưng với việc Liên Xô tan rã, nó đã bắt đầu xuống cấp và chỉ được xây dựng lại nhờ các chương trình tích cực của tổng thống Nga Vladimir Putin.

    Nhưng không chỉ có Nga, một số quốc gia khác đang muốn giảm sự phụ thuộc vào Mỹ và thu được các lợi ích kinh tế từ những hệ thống của riêng mình. Có lẽ không nơi nào thể hiện điều này rõ hơn Trung Quốc, khi quốc gia này đặt việc xây dựng một hệ thống thay thế GPS trên toàn cầu làm mục tiêu quốc gia. Hệ thống điều hướng Bắc Đẩu (Beidou) đã dần dần được xây dựng từ năm 2000, phần lớn tập trung vào việc cung cấp dịch vụ ở châu Á.

    Cuộc chiến định vị toàn cầu nhằm thay thế GPS đã bắt đầu - Ảnh 2.

    Cho dù vậy, Bắc Kinh hy vọng tăng tốc việc phóng vệ tinh và mở rộng dịch vụ định vị này ra toàn cầu. Vài tuần trước, báo cáo từ Financial Times cho thấy, chỉ riêng năm nay, Trung Quốc đã phóng 11 vệ tinh trong chương trình Beidou – gần một nửa toàn mạng lưới và họ hy vọng sẽ phóng thêm hàng chục vệ tinh khác từ nay đến 2020. Điều này sẽ biến Bắc Đẩu thành hệ thống lớn nhất thế giới khi được triển khai hoàn chỉnh.

    Không chỉ phóng vệ tinh lên quỹ đạo Trái Đất, Trung Quốc còn đang yêu cầu các nhà sản xuất smartphone trong nước đưa vào các chip định vị Beidou cho thiết bị của họ. Hiện tại, các thiết bị từ những nhà sản xuất lớn, bao gồm cả Xiaomi và Huawei, đều sử dụng hệ thống này bên cạnh GPS và GLONASS.

    Điều này lại đang đặt các nhà sản xuất smartphone hàng đầu nước Mỹ như Alphabet và Apple vào một tình thế khó xử. Đối với Apple, hãng vẫn luôn tự hào về việc cung cấp một chiếc iPhone thống nhất trên toàn thế giới, việc vị thế độc quyền của hệ thống định vị GPS đặt ra cho họ một câu hỏi:

    Liệu họ có sản xuất riêng một phiên bản iPhone dành cho thị trường Trung Quốc với chip định vị Beidou, hay họ sẽ bổ sung chip Beidou này cho điện thoại của mình trên toàn cầu và có nguy cơ gặp phải rắc rối với các cơ quan an ninh quốc gia Mỹ?

    Các hệ thống định vị nhỏ hơn

    Cuộc chiến định vị toàn cầu nhằm thay thế GPS đã bắt đầu - Ảnh 3.

    Các quốc gia và khu vực tham gia vào cuộc đua thay thế hệ thống GPS của Mỹ

    Sự phức tạp không dừng lại ở đây. Trong khi Trung Quốc không chỉ tích cực nhắm đến việc thay thế hệ thống GPS trong nước mà còn mở rộng cho toàn thế giới, họ không phải quốc gia duy nhất làm vậy.

    Nhật Bản cũng xem chương trình không gian là ưu tiên quốc gia để cạnh tranh với Trung Quốc và hồi sinh nền kinh tế của mình. Một trong những yếu tố quan trọng của chương trình này là xây dựng một hệ thống định vị. Được thiết kế để tăng cường độ chính xác của GPS tại Nhật Bản, cho đến nay, hệ thống vệ tinh Quasi-Zenith đã tiêu tốn đến 120 tỷ Yên (1,08 tỷ USD) nhưng ước tính sẽ mang lại 2,4 nghìn tỷ Yên (21,58 tỷ USD) lợi ích kinh tế.

    Cũng như Nhật Bản, Ấn Độ cũng có hệ thống tăng cường cho GPS tương tự, có tên IRNSS và họ đã phóng 7 vệ tinh để gia tăng độ phủ cho lục địa này. Trong khi đó, nước Anh, vốn nhiều khả năng sẽ không được truy cập vào hệ thống định vị Galileo của châu Âu khi rời Liên minh Châu Âu trong thời gian tới, cũng đang dự kiến phóng vệ tinh của riêng mình. Bản thân hệ thống Galileo dự kiến sẽ được triển khai đầy đủ vào 2019.

    Cuộc chiến định vị toàn cầu nhằm thay thế GPS đã bắt đầu - Ảnh 4.

    Tên lửa Long March-3B mang theo vệ tinh định hướng số 24 và 25 của hệ thống định vị Bắc Đẩu.

    Tóm lại, thế giới đang chuyển từ một hệ thống GPS duy nhất sang 7 hệ thống khác nhau. Trong khi quy mô thị trường Trung Quốc đủ lớn để các nhà sản xuất Trung Quốc tích hợp cả 3 hệ thống GPS, GLONASS và Beidou vào trong một chip, còn Anh và Nhật Bản, với thị trường smartphone bão hòa và quy mô dân số nhỏ hơn Trung Quốc, điều này sẽ khó khăn hơn.

    Về lý thuyết, một chip định vị có thể được thiết kế để sử dụng cho các hệ thống khác nhau, nhưng điều đó có thể vấp phải các luật về an ninh quốc gia Mỹ, đặc biệt là với GLONASS và Beidou.

    Cũng giống như việc internet đang phân mảnh thành các cực khác nhau, điều tương tự cũng sắp xảy ra với các chip định vị trên smartphone khi chúng sẽ phân mảnh để phục vụ cho các thị trường địa phương. Điều đó sẽ làm người tiêu dùng phải trả mức giá cao hơn và các nhà sản xuất sẽ khó thiết lập chuỗi cung ứng hơn.

    Tham khảo TechCrunch

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ