Ảnh hưởng của vụ kiện này sẽ không dừng ở khoản tiền 10 tỷ USD mà Google có thể mất vào tay Oracle.
Trong ngày thứ hai vừa qua, cả Google và Oracle đều đã trình bày những luận điểm cuối cùng của mình trong vụ kiện về vấn đề liệu Google có vi phạm quyền trí tuệ của các API trên Android hay không. Bất kể phần thắng nghiêng về bên nào, ngay từ bây giờ vụ kiện này cũng đã gây ảnh hưởng tới cách các nhà phát triển xây dựng phần mềm của họ.
Đây là một vụ kiện có thể thay đổi cả thế giới phần mềm – và theo đó là cả thế giới của con người. Nếu bạn quan tâm đến tương lai của công nghệ, quan tâm tới tương lai của loài người, bạn không thể không biết tới vụ kiện giữa Google và Oracle.
Hãy điểm lại những chi tiết chính. Đầu năm 2010, Oracle hoàn tất thương vụ mua lại Sun Microsystems, tập đoàn đã sáng tạo ra ngôn ngữ lập trình Java cũng như các công nghệ đi kèm. Đến tháng 8 năm đó, Oracle khởi kiện Google với cáo buộc rằng hành vi copy API Java của Google trên Android đã vi phạm bản quyền và bằng sáng chế của Oracle. Năm 2012, một tòa án quận tại Washington DC tuyên phần thắng cho Google với phán quyết rằng API không phải là các sản phẩm được đăng ký bảo hộ bản quyền. Đáng tiếc, một tòa án phúc thẩm đã hủy bỏ phán quyết này. Tòa án Tối cao Hoa Kỳ sau đó cũng đã từ chối xét xử cho hai bên.
Giờ Oracle và Google sẽ phải tái đấu trên tòa án quận về vấn đề liệu cách Google sử dụng các API Java có thể được coi là “sử dụng công bằng” (khái niệm của luật pháp Hoa Kỳ cho phép các công ty sử dụng sản phẩm có bằng sáng chế mà không cần xin phép chủ sở hữu) hay không. Câu trả lời sẽ gây ra những làn sóng ngầm thay đổi toàn bộ cục diện ngành sản xuất phần mềm nói riêng và ngành công nghệ cao nói chung.
Một thị trường hỗn loạn
Nếu Google có thua cuộc thì Android cũng sẽ không chết. Google đã quyết định chuyển sang sử dụng phiên bản mã nguồn mở của Java cho các phiên bản Android kế tiếp. Nhưng do tòa phúc thẩm tại Mỹ đã đưa ra phán quyết rằng các công ty được quyền đăng ký bảo hộ API, các tập đoàn lớn giờ hoàn toàn có thể khởi kiện các startup và các dự án mã nguồn mở - vốn thường copy lại API từ các sản phẩm thương mại quy mô lớn để đảm bảo tính tương thích cho sản phẩm của chính họ.
Ví dụ, nhiều công ty phát hành các dịch vụ phần mềm cung cấp qua các API copy lại từ các nhà cung cấp lớn để giúp khách hàng có thể chuyển từ dịch vụ đối thủ sang dịch vụ của họ. Ví dụ, Basho và SwiftStack đều cung cấp các dịch vụ lưu trữ có API giống với API của dịch vụ S3 do Amazon cung cấp. Do tòa án Mỹ đã đưa ra phán quyết rằng các công ty được phép đăng ký bản quyền cho API, Amazon có quyền khởi kiện Basho và SwiftStack.
Trong thời đại mọi thứ đều lên mây, thế giới phần mềm có thể quay ra kiện nhau tơi bời.
Hoặc, nhiều hệ điều hành mã nguồn mở như FreeBSD hoặc các bản Linux đều sử dụng một bộ API tiêu chuẩn có tên POSIX, vốn là cơ sở xây dựng hệ điều hành Unix của AT&T (một nhà mạng lớn tại Mỹ). Với phán quyết mới, AT&T có quyền khởi kiện bất cứ nhà phát triển hệ điều hành nào sử dụng POSIX, bao gồm cả các bản Linux được sử dụng rộng rãi như Ubuntu hoặc Red Hat.
Nói cách khác, ngay từ bây giờ vụ kiện của Oracle và Google cũng đã khiến ngành công nghiệp phần mềm phải gánh chịu một cú đánh quá đau đớn. Những vụ kiện về vấn đề bản quyền có thể kéo dài vài tháng hoặc vài năm, đủ để đánh gục các công ty nhỏ - bất kể phán quyết cuối cùng là họ có thực sự vi phạm bản quyền của các công ty khác hay không. Chính mối đe dọa này có thể ngăn cản các nhà phát triển phần mềm không xây dựng các giải pháp ưu việt hơn nhưng vẫn tương thích với các giải pháp cũ thông qua các API giống nhau.
Nếu Google dành phần thắng, các bên bị đơn sẽ có thêm chút hy vọng trong cuộc chiến chống lại các con troll bản quyền. Nhưng nếu Google thua, toàn bộ thế giới phần mềm sẽ nằm trong tay các công ty nắm giữ bản quyền API.
Rút cuộc thì API là cái gì?
Vấn đề lớn nhất của Google là các thẩm phán và thành viên bồi thẩm đoàn không hiểu biết sâu về công nghệ không thể hiểu được API là gì. Thẩm phán William Alsup, người sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng tại tòa án quận và cũng là người trao phần thắng cho Google trong năm 2012, thậm chí đã phải học lập trình để hiểu rõ về khái niệm API.
Nếu bạn nghĩ ra cách sắp xếp tủ sách ngăn nắp, khoa học và dễ tìm kiếm, bạn có nên được quyền đăng ký quyền sở hữu hay không?
Trong phán quyết cho vụ kiện 2012, thẩm phán Alsup mô tả API giống như một thư viện sách: “Mỗi package là một tủ sách trong thư viện. Mỗi class là một cuốn sách trên tủ. Mỗi phương thức là mục Hướng dẫn Sử dụng bên trong cuốn sách. Hãy tìm tới tủ sách, tìm quyển sách, và tìm tới chương nói về thứ bạn đang cần”.
Sở dĩ Google sử dụng lại một bộ API giống hệt như API do Oracle nắm bản quyền là để giúp cộng đồng phát triển có sẵn của Java có thể dễ dàng đặt chân lên Android. Vấn đề là trong khi cả Sun trước đây và Oracle bây giờ đều cung cấp một phiên bản Java mã nguồn mở (cho phép bất kỳ ai có thể thay đổi, chỉnh sửa và chia sẻ các đoạn mã nguồn cốt lõi), điều khoản nhượng quyền của ngôn ngữ này cấm các công ty không được tự xây dựng một phiên bản Java riêng mà không có sự chấp thuận của Oracle/Sun. Thẩm phán Alsup đưa ra phán quyết rằng nền tảng Android của Google không phải là một phiên bản thực thi của Java, bởi Google chỉ copy lại các API, thành phần quyết định cấu trúc tổ chức của nền tảng Java thuộc Sun/Oracle thay vì copy lại toàn bộ ngôn ngữ Java.
Tòa phúc thẩm sau đó đã bác bỏ quan điểm của thẩm phán Alsup rằng bạn không thể đăng ký bản quyền cho phương thức sắp xếp sách bên trong thư viện. Nhưng kể cả như vậy thì cách ví của Alsup vẫn có nhiều phần chính xác, ít nhất là với cộng đồng luật pháp không thể hiểu sâu về vai trò và cách hoạt động của API chỉ trong một ngày.
Đáng tiếc rằng Google lại không thích sử dụng hình ảnh thư viện, thay vào đó ví API với các tủ hồ sơ. Năm 2012, luật sư của Google thậm chí còn mang ra trước tòa một tủ hồ sơ thật để lý giải rằng các hồ sơ bên trong mới là những thứ có thể đăng ký bản quyền, còn API chỉ là các mẩu giấy chú thích dán ngoài các ngăn kéo và không thể được đăng ký quyền sở hữu. Google tạm thắng vụ kiện đó, nhưng những người ngồi trong tòa án thì lắc đầu ngán ngẩm trước cách giải thích của Google.
Không hiểu vì lý do gì, Google lại chọn một ví dụ siêu dở để cắt nghĩa về API.
Không thể hiểu được tại sao các luật sư của Google lại tiếp tục lôi tủ hồ sơ ra cãi trước tòa, thay vì vận dụng cách lý giải khá dễ hiểu và chính xác của Thẩm phán Alsup. Một lần nữa, nhiều người lại lên tiếng phàn nàn về phép ví API với các mẩu giấy chú thích dán ngoài ngăn kéo.
Đó cũng không phải là tín hiệu xấu duy nhất dành cho Google. Các luật sư của Oracle đã trình ra trước tòa các email cho thấy cha đẻ của Android, Andy Rubin đã thừa nhận rằng thư viện java.lang.apis đã được đăng ký bản quyền. Kkhi lên tiếng bảo vệ Google và Android, cựu CEO của Sun, Jonathan Schwartz đã nhanh chóng bị các luật sư của Oracle chỉ trích về cách điều hành Sun trước khi bị Oracle thâu tóm. Quyết định không khởi kiện Google của Schwartz bị luật sư của Oracle mô tả là một sai lầm trầm trọng đến từ một vị CEO từng nằm trong top “CEO tệ nhất thế giới” do Glassdoor bầu chọn.
Tương lai chưa khép lại
Thật may mắn, kể cả trong trường hợp Oracle chiến thắng vụ kiện tỷ đô này, tương lai của ngành phần mềm vẫn chưa khép lại. Rất nhiều nền tảng phát triển mới, bao gồm cả các ngôn ngữ Google Go và Apple Swift, đều được cung cấp với các thỏa thuận sử dụng ít chặt chẽ hơn Java trước đây, cho phép cả các doanh nghiệp hoạt động vì lợi nhuận được quyền chỉnh sửa và sử dụng.
Microsoft cũng tham gia vào trào lưu này khi đưa ngôn ngữ .NET thành mã nguồn mở. Các công ty công nghệ lớn như Cisco, Intel và IBM đều đang cùng các startup nhỏ thiết kế ra các tiêu chuẩn mã nguồn mở mới để tránh lặp lại các vụ kiện như Oracle và Google.
Ngay cả các vụ kiện “học theo” Oracle cũng chỉ dừng ở mức độ lý thuyết. Amazon sẽ không khởi kiện các công ty copy lại API của hãng: lịch trình phát triển của tất cả các dịch vụ lưu trữ đám mây sử dụng lại API của S3 đều có phần kiểm soát của Amazon, trong đó bao gồm cả IBM, Google và EMC. Quá rõ ràng, thiết lập API của riêng trở thành chuẩn mực chung sẽ giúp các hãng công nghệ đạt được vị thế đáng ghen tị trên thị trường cạnh tranh.
Và chắc chắn nếu Google thua, nhiều công nghệ bị khống chế bản quyền cũng sẽ phải nhường lại vị trí cho các công nghệ mở hơn, an toàn hơn từ khía cạnh pháp lý. Những công ty tiên phong nắm giữ các nền tảng mở của tương lai cũng sẽ nắm quyền làm chủ tương lai, bất kể vụ kiện 10 tỷ đô giữa Oracle và Google sẽ kết thúc với phần thắng thuộc về ai đi chăng nữa.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín