Cuộc đua màn hình dẻo đã bắt đầu nhưng thật sự thì bạn có cần nó không?

    Lê Hoàng,  

    Smartphone màn dẻo cũng giống như smartphone chống nước. Ai cũng nghĩ rằng họ cần một chiếc smartphone như vậy, nhưng sự thật là không.

    Tại sự kiện ra mắt 2 mẫu đầu bảng mới Moto Z và Moto Z Force vào ngày hôm qua, Lenovo cũng đã vén màn 2 thiết bị vô cùng thú vị: một chiếc smartphone màn dẻo cuốn quanh cổ tay và một chiếc tablet có thể gập đôi để biến thành smartphone 2 màn hình.

    Có vẻ như Lenovo đã vượt mặt cả 2 công ty đi đầu về công nghệ màn hình dẻo là Samsung và LG để ra mắt một sản phẩm có thể hoạt động được sau khi bẻ cong màn hình theo hình dạng mong muốn.

    Vấn đề là để làm gì?

    Mang IMAX lên giường ngủ?

     LG G Flex 2.

    LG G Flex 2.

    Công nghệ màn hình dẻo có 2 ý nghĩa rất lớn. Đầu tiên, chúng góp phần tạo ra trải nghiệm hiển thị hoành tráng trên các mẫu TV màn hình cong cỡ lớn trị giá hàng chục nghìn đô của Samsung và LG (hoặc trên các mẫu monitor máy tính đắt tiền của Dell và ASUS). Trên các sản phẩm dạng này, màn hình tuy vẫn là loại dẻo (flexible) nhưng lại được cố định theo thân máy.

    Những chiếc smartphone màn hình dẻo của Samsung đang sử dụng một công nghệ tương tự. Màn hình trên các mẫu Galaxy Round, Galaxy Note Edge cũng như Galaxy S6 edge đều sử dụng một lớp tráng dẻo nhưng lại được cố định một chỗ khi sản xuất.

    Giải pháp màn cong của LG có vẻ hữu dụng hơn. 2 mẫu Galaxy G Flex và G Flex 2 không cong theo chiều dọc mà cong theo chiều dài thân máy, giúp tạo ra trải nghiệm màn hình “bắt chước” TV cong và IMAX khi đặt nằm ngang.

    Nhưng thực tế là màn hình dẻo trên điện thoại không thể giúp tạo ra trải nghiệm mãn nhãn như TV và IMAX. Nếu đã từng thử nghiệm màn hình cong 29 inch, bạn sẽ thấy mức độ choáng ngợp của chúng thua kém hẳn so với màn cong 34 inch. Trên TV cũng vậy, kích cỡ 40 inch sẽ không thể tạo ra trải nghiệm ngang ngửa như IMAX khi bạn ngồi ở khoảng cách hợp lý. Lý do là bởi để màn hình cong thực sự nhấn chìm được người dùng vào không gian của chúng, kích cỡ màn hình cần phải đạt tới một mức độ nào đó.

    Để biến G Flex thành IMAX, bạn sẽ cần phải nhờ tới các công nghệ... dí sát màn hình vào mắt như Gear VR hoặc Google Cardboard. Nhưng cả LG, Samsung lẫn Lenovo đều chưa theo đuổi tầm nhìn này cho màn hình cong chiều ngang. Riêng Samsung chỉ thêm vào các thiết bị sử dụng màn dẻo của mình một số tính năng phụ trợ đặc biệt, ví dụ như hiển thị thông báo trên màn hình cạnh của S6 edge hoặc “hiệu ứng lăn” trên Galaxy Round. Chất lượng hiển thị khi xem video gần như không có gì khác biệt so với màn hình thường.

    Không còn nỗi lo cong vỡ?

    Khi ra mắt Galaxy S6 edge, Samsung cho biết công nghệ màn hình cong của hãng sẽ phải tiến lên các bước tiếp theo: tạo ra thiết bị có màn hình “có thể gập được” và tiếp đó là tạo ra màn hình “có thể uốn cong được” trong quá trình sử dụng. LG và Lenovo đã vượt mặt hãng smartphone số 1 thế giới trên cả 2 cuộc đua này.

    Tuy vậy, chiếc G Flex mới chỉ tập trung giải quyết vấn đề độ bền: khi bạn ấn gập màn hình cong thành đường thẳng trên bề mặt, G Flex vẫn sẽ trở lại trạng thái bình thường mà không cần phải lo ngại hư vỡ. Những người đã từng bẻ cong iPhone 6 Plus hoặc Huawei Nexus 6P chắc chắn đã ưa thích tính năng này của G Flex.

    Vấn đề là khi nhìn từ góc độ thực tế bạn sẽ thấy độ bền và khả năng chống nước thuộc top cuối những yếu tố cân nhắc khi mua điện thoại.

    Bất kỳ một người dùng nào cũng muốn sở hữu những chiếc smartphone bền nhất có thể, nhưng chúng ta vẫn sẽ luôn xếp yếu tố độ bền ở dưới các yếu tố thiết kế, tính năng và trải nghiệm sử dụng. Ví dụ, Nexus 6P và iPhone 6 Plus dễ cong là vậy nhưng vẫn thu hút được vô số tín đồ tặc lưỡi “Thôi dùng ốp” theo tâm lý của bền tại người.

    Tiếp đến là bài học kinh điển của Xperia Z. Chống nước là điểm nổi bật duy nhất của dòng smartphone này, nhưng Sony lại “phản bội” người mua khi không chịu bảo hành cho smartphone bị nước vào (?!). Kết quả là tiếng tăm của dòng Z không thể giúp Sony thoát lỗ trong vòng nhiều năm, và đến khi thay thế bằng dòng X thì công ty Nhật Bản cũng chẳng dám đề cập đến tính năng chống nước nữa (dù rằng X Performance vẫn có tính năng này). Các nhà sản xuất khác sau đó có “học theo” Xperia Z nhưng cũng chẳng mấy khi nói nhiều về smartphone chống nước như Sony.

     Galaxy S6 edge.

    Galaxy S6 edge.

    Ngay cả chiếc smartphone màn hình dẻo thành công nhất thế giới cũng là minh chứng cho sự thật tưởng như nghịch lý này: sau khi ra mắt, Galaxy S6 edge cũng mắc phải scandal dễ bẻ cong giống như iPhone 6 Plus. Thế nhưng, thiết kế đẹp, trải nghiệm thú vị, cấu hình mạnh mẽ (và không bị quá nhiệt) cùng vị trí cao cấp nhất trong danh mục Galaxy S của S6 edge vào năm 2015 đã giúp cho chiếc smartphone này trở thành một thành công bất ngờ của Samsung.

    Nghĩ thật kỹ khi đón đầu tương lai

    Như bạn có thể thấy, những chiếc smartphone màn dẻo ra mắt trước mẫu “màn hình đeo tay” của Lenovo đang không thực sự giải quyết bất cứ một vấn đề nào cho người dùng của. Đây lại là một trường hợp đau lòng giống như smartphone module hay smartwatch: ý tưởng nghe hoàn hảo trên giấy tờ và đúng là cũng có cải thiện cho thực tế, nhưng trong quá trình sử dụng thì lại chẳng tạo ra mấy thay đổi có nghĩa.

    Ví dụ, Galaxy S6 trở thành dòng smartphone màn hình dẻo duy nhất đạt được thành công rộng khắp không phải là vì cố công tạo ra một trải nghiệm khác hẳn so với smartphone trước đây như những gì Galaxy Note Edge và G Flex đã từng làm. Dòng Galaxy S Edge của Samsung chỉ thay đổi đi một chút ở hai cạnh màn hình, tạo ra một vài tính năng nhỏ lẻ để tạo cảm giác thú vị từ phía người dùng mà không khiến họ phải khó chịu vì trải nghiệm quen thuộc bị thay đổi quá nhiều như Galaxy Round hay LG G Flex.

    Tôi đang mặc cái váy rất xinh, nhưng nó không có túi quần, vậy tôi nên để điện thoại của mình ở đâu không hẳn là một khẩu hiệu marketing quá thông minh.
    "Tôi đang mặc cái váy rất xinh, nhưng nó không có túi quần, vậy tôi nên để điện thoại của mình ở đâu" không hẳn là một khẩu hiệu marketing quá thông minh.

    Trở lại với Lenovo. Một chiếc smartphone gập quanh cổ tay chắc chắn sẽ đem lại trải nghiệm mới, nhưng ai sẽ ưa thích trải nghiệm đó? Đến ngay cả những chiếc smartwatch màn hình nhỏ bằng đồng hồ thường cũng vẫn chưa trở nên phổ biến thì đến bao giờ những “thiết bị cổ tay thông minh” mới được người dùng chấp nhận? Chưa kể, thất bại của smartwatch đã từng chứng minh rằng người dùng không cần và không muốn gọi điện bằng cách nói chuyện với cổ tay của mình. Các thao tác điện toán ở một thiết bị trên cổ tay cũng chỉ có thể được thực hiện bằng các ngón tay ở bên còn lại, vậy thì tại sao không dùng smartphone luôn cho rồi?

    Theo như tầm nhìn hiện tại của Lenovo, với người tiêu dùng phổ thông, một chiếc smartphone sẽ có tác dụng tốt nhất là cho phép người dùng “cất” điện thoại lên cổ tay khi không dùng tới.

    Không lẽ vài năm nữa chúng ta sẽ nhìn lại và tự hỏi “Tôi đã sống như thế này khi buộc phải cất điện thoại vào túi quần”???

    Tất cả những phân tích ở phía trên không có nghĩa rằng công nghệ màn hình dẻo là vô nghĩa. “Smartphone đeo cổ tay” của Lenovo sẽ rất có ý nghĩa trong trường hợp, ví dụ, một kỹ sư nào đó phải đeo găng tay bảo hộ và cần phải theo dõi thông tin một cách nhanh chóng, dễ dàng khi không thể sử dụng các ngón tay. Hoặc, trong thời đại IoT, màn hình dẻo cho phép ngay cả những vật thể có hình tròn/trụ như bình nước, chậu cây hoặc... trụ nhà cũng có thể hiển thị thông tin và hình ảnh.

    Nhưng đó đều là những trường hợp sử dụng rất cụ thể, nơi màn hình dẻo có thể mang lại thay đổi có ý nghĩa rõ ràng. Với riêng chiếc smartphone dành cho số đông, những mục đích và ý nghĩa này chưa hề tồn tại. Chỉ có duy nhất công nghệ màn gập biến tablet trở thành smartphone được Lenovo ra mắt vào sự kiện 9/6 vừa qua là có vẻ có ý nghĩa nhất, nhưng kéo theo công nghệ này chắc chắn sẽ là nhiều vấn đề về công nghệ (chất lượng hiển thị đến mức nào) và giá thành (có nằm ngoài mức chuẩn 650 USD như hiện nay?). Cả 2 yếu tố đó đều đã làm hại tới ý tưởng smartphone module: chiếc smartphone “xếp hình” đầu tiên của LG có giá bán quá cao khi tính cả phụ kiện gắn liền, còn Ara của Google thì gây thất vọng từ khi chưa ra mắt vì đã bị cắt giảm quá nhiều tính năng so với hình dung ban đầu của người tiêu dùng.

    Ác mộng smartphone module có thể lặp lại. Khi xuất hiện, công nghệ đó đã từng khiến chúng ta bàn tán xôn xao. Đến khi phát hành, hoặc thậm chí là khi sản phẩm vừa mới thành hình, smartphone module đã ngay lập tức gây thất vọng vì không mang lại được thay đổi có ý nghĩa với người dùng. Đứng ở vị trí hiện tại, có lẽ công nghệ màn hình dẻo sẽ sớm thay thế smartphone module đóng vai trò đó.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ