Smartphone module: hoàn hảo trên giấy tờ, vô dụng trong thực tiễn

    Lê Hoàng,  

    Smartphone module là một khái niệm hoàn hảo trên giấy tờ nhưng lại không có giá trị thực tiễn. Kể cả nếu người tiêu dùng thực sự quan tâm tới smartphone module, điều mà các hãng sản xuất đang làm hiện tại vẫn là "moi" tiền người dùng một cách không đẹp đẽ cho lắm.

    Sự kiện ra mắt mẫu đầu bảng Moto Z ngày hôm nay có lẽ sẽ là sự kiện quan trọng nhất của Motorola và Lenovo kể từ ngày 2 nhà sản xuất này về chung một mối. 2 lần xuất hiện trên mặt báo gần đây nhất của Lenovo là khi CEO Rick Osterloh của Motorola từ nhiệm và khi thời đại “Lenovo Moto” mở màn một cách... đầy thất vọng với 3 mẫu Moto G nhàm chán.

    Là dòng sản phẩm mới đầu tiên ra đời dưới quyền kiểm soát của Motorola, Moto Z có thể sẽ thay thế Moto X để trở thành sản phẩm đầu bảng đưa Lenovo Moto đi xâm chiếm thế giới. Điểm nhấn của 2 mẫu Moto Z và Moto Z Force không phải là màn hình AMOLED 2K hay pin 3500 mAh mà là “MotoMods”, cơ chế mở rộng tính năng qua module ốp lưng smartphone.

    Năm trưởng thành...

    Như vậy, Motorola (của Lenovo) đã tiếp tục xu hướng smartphone module do chính công ty này cùng Phonebloks khai phá vào thời điểm 3 năm trước. 3 mẫu MotoMod ban đầu bao gồm loa, máy chiếu mini và dĩ nhiên là cả một viên pin dung lượng lớn.

    Có thể nói rằng smartphone module là xu hướng đại diện cho làng smartphone 2016. Tại MWC 2016, sự kiện quan trọng nhất của thế giới di động, LG thu hút những tiếng bàn tán xôn xao khi vén màn chiếc G5 có thiết kế kim loại, camera kép và phần lưng có thể tháo rời để gia tăng tính năng. 2 module rời đầu tiên được LG ra mắt cho G5 là tay cầm chụp ảnh (có nút vật lý và pin) Cam Plus cùng dac chất lượng cao của Bang & Olufsen.

    Đến tháng 5, dự án smartphone module đình đám nhất - Project Ara - đã được Google vén màn và ấn định ngày ra mắt dự kiến vào năm sau. Theo tầm nhìn mới của Google, chiếc Ara phát hành vào năm sau sẽ chỉ có 6 khe gắn phụ kiện (một số phụ kiện cỡ lớn có thể nắm tới 4 khe) để người dùng nâng cấp camera, loa và màn hình e-link. Khác với tầm nhìn ban đầu của Ara dưới thời Motorola (khi Motorola vẫn thuộc về Google), Ara 2017 sẽ phải là một "bộ khung" cho phép thay thế toàn bộ linh kiện.

    Năm 2016, cả 3 ông lớn LG, Google và Lenovo đều có một tầm nhìn chung cho smartphone: mức độ module-hóa sẽ chỉ dừng ở các linh/phụ kiện nhỏ lẻ phụ trách âm thanh, thu phát hình ảnh và pin. Vấn đề là ở chỗ ngoại trừ yếu tố pin, tất cả các phụ kiện được LG, Google và Motorola tập trung theo đuổi đều không mang lại ý nghĩa thực sự thiết thực cho người dùng.

    ... hay năm khai tử cho smartphone module?

    Cả 2 lĩnh vực âm thanh và chụp ảnh đều mang một nguyên tắc bất di bất dịch: kích cỡ vật lý quyết định rất nhiều đến chất lượng. Các đối tác phần cứng của Google có thể tạo ra những module chiếm toàn bộ 6 khe kết nối trên lưng Ara, nhưng chỉ có những sản phẩm cỡ lớn như Sony QX10 mới có thể đem lại chất lượng ảnh chụp không thua kém mirrorless hoặc DSLR quá nhiều. Nếu ngay cả những ống kính này cũng không thỏa mãn nhu cầu của người dùng, họ có lý do gì để không mua thêm một chiếc máy ảnh Nikon, Denon hay Sony cao cấp, vốn càng ngày dễ kết nối với smartphone?

    Loa và DAC thì sao? Loa Bluetooth giờ đã đầy đủ chủng loại và kích cỡ và có giá khởi điểm chỉ dưới 20 USD, cho phép tạo ra chất lượng áp đảo loa tích hợp mà không cần tới mô hình Ara hay Moto Z. Dĩ nhiên, những chiếc loa Bluetooth sẽ cồng kềnh hơn loa gắn trực tiếp trên lưng của Moto Z hay Ara, song nguyên tắc ở đây vẫn chỉ gói gọn trong 2 chữ “vật lý”. Ở kích cỡ chỉ lớn hơn đôi chút, loa Bluetooth vẫn có đầy đủ cơ sở để đánh bại loa (module) tích hợp về lượng bass nói riêng hay chất âm nói chung.

    DAC cũng vậy. Giá càng tăng, chất lượng càng tăng thì kích cỡ DAC càng "khủng" và do đó không thể gói gọn trong module smartphone. Thị trường cũng đã có sẵn nhiều mẫu amp DAC chất lượng tốt, hỗ trợ tất cả các loại smartphone Android nhưng giá thành lại không chênh lệch nhiều hoặc thấp hơn đáng kể so với mẫu Hi-fi Plus được LG ra mắt cho G5. Chất lượng của Hi-fi Plus cũng không thể bằng amp/DAC di động tầm trung của iFi, Chord hay JDS. Vậy thì tại sao người dùng lại phải bỏ ra khoản tiền khoảng 150 Bảng Anh (4,8 triệu đồng) để mua một chiếc DAC có chất lượng không nổi bật và chỉ có thể kết nối với G5?

    Những điểm lố bịch của thiết kế module hiện thời không dừng ở đây. Trước khi ra mắt G5 chỉ vài tháng, LG cũng ra mắt chiếc V10 độc đáo với màn hình phụ và DAC chất lượng cao. Phần âm thanh trên V10 đã nhận được sự tán thưởng đồng loạt từ cả báo giới lẫn người hâm mộ. Đến khi G5 ra đời, Hi-fi Plus hiển nhiên là được khen nhưng phần DAC tích hợp với G5 lại bị chê tơi tả.

    Sự thật ở đây khá rõ ràng: LG đã làm thụt lùi chất lượng sản phẩm của mình để bán thêm phụ kiện giá đắt đỏ. Trong khi không phải bất cứ một chiếc smartphone module nào cũng sẽ đi theo hướng đáng chê trách như vậy, chắc chắn smartphone module sẽ luôn đến tay người tiêu dùng ở mức chất lượng làng nhàng. Chúng ta sẽ phải bỏ thêm tiền mua phụ kiện đắt đỏ để biến chiếc smartphone đó trở nên cao cấp. Khi cộng tổng chi phí lại, người mua sẽ thiệt thòi so với mô hình smartphone hoàn thiện như hiện nay.

    Chúng ta có thực sự cuồng loa hay camera trên smartphone?

    Smartphone module không chỉ gây hại kinh tế cho người dùng mà còn đang theo đuổi những tính năng vô nghĩa.

    Các yếu tố để đưa ra một quyết định mua sắm luôn được chia làm 2 nhóm: yếu tố nào buộc phải có và yếu tố nào có thì tốt, không có cũng chẳng sao. Hãy nhìn thật kỹ và bạn sẽ thấy âm thanh hay chất lượng ảnh chụp chưa bao giờ thuộc vào nhóm “buộc phải có”, ít nhất là trong vài năm gần đây. Không nhiều người biết cụm từ “DAC” có nghĩa là gì, màn hình e-ink còn ít người quan tâm hơn nữa. Nhiều người vẫn chịu đựng được ngay cả khi smartphone của họ phải được sạc 2 lần mỗi ngày. Nhiều mẫu smartphone Lenovo và Motorola đã từng nổi danh với thời lượng pin "khủng", pin iPhone thì thuộc dạng gần... chót bảng, ấy vậy mà thành công vẫn tỷ lệ nghịch với thời lượng pin.

    Tiếp đến, nâng cao chất lượng ảnh chụp thực chất chỉ thiết thực khi bạn in ảnh treo khung. Từ tận 3, 4 năm trước, smartphone của chúng ta đã là quá đủ cho nhu cầu lớn nhất của người dùng thời đại Facebook: mạng xã hội. Khi "up lên face", ai quan tâm ảnh chụp bằng máy mấy "chấm", cảm biến kích cỡ một phần mấy inch?

    Camera grip ư? Cũng thú vị, nhưng không phải là ở mức giá 69 USD (1,5 triệu đồng)!

    Vấn đề duy nhất của “nhiếp ảnh” smartphone là chụp ảnh thiếu sáng chắc chắn không thể giải quyết được trong kích cỡ hạn hẹp của cảm biến gắn trên điện thoại. Tại sao ai đó lại nên đợi 2 năm, bỏ ra 200 USD để mua module camera có khả năng chụp ảnh thiếu sáng tốt, trong khi ngay từ bây giờ những chiếc Pentax Q, Nikon 1, Olympus PEN-E đều có giá chỉ vào khoảng 250 USD?

    Mãi là giấc mơ

    Vậy thì đâu là những yếu tố smartphone “buộc phải có” để chinh phục người dùng? Với iPhone, đó là thiết kế, trải nghiệm trau chuốt và thương hiệu. Với Galaxy Note, đó là tính năng đột phá mới lạ (màn lớn, bút stylus). Với Galaxy S7, đó là sự cân bằng giữa thiết kế và tính năng của tương lai (VR). Với Xiaomi, đó là giá bán và hiệu năng. Nhưng với bất kỳ một mẫu smartphone Android nào, chìa khóa thành công luôn buộc phải bao gồm những bộ phận mà cả G5, Moto Z lẫn Ara đều không cho phép nâng cấp: CPU, RAM, bộ nhớ trong và màn hình.

    Các linh kiện này quyết định đến bao giờ thì smartphone của bạn trở thành “đồng nát”. Ý tưởng Phonebloks (tiền thân của Ara) cũng như chính Ara thời kỳ đầu là module hóa toàn bộ chiếc smartphone để khi điện thoại quá chậm chạp và thiếu ổn định, người dùng không cần phải vứt đi toàn bộ chiếc smartphone cũ và mua mới. Họ chỉ cần mua và thay duy nhất những linh kiện đã cũ hỏng. Nhờ vậy mà lượng rác thải công nghệ sẽ được giảm thiểu và người dùng cũng giảm bớt được chi phí dành cho smartphone.

    Nhưng Google thì khẳng định rằng chẳng có ai quan tâm đến những yếu tố này. Ai cũng hiểu rằng module hóa chiếc smartphone sẽ là một hành trình đầy khó khăn, và khi giới hạn khả năng tùy biến ở 6 khe cắm dành cho camera, pin hay màn hình mực điện tử, Google đã đầu hàng.

    Lịch sử cho thấy khi không quyết liệt theo đuổi tầm nhìn một cách tuyệt đối, thất bại sẽ gần như là chắc chắn. Chiếc G5 ra mắt đình đám, tốn giấy mực của báo chí là vậy nhưng khi đến tay các cây viết công nghệ lại vẫn bị đánh giá kém. Lý do là bởi trải nghiệm không có phụ kiện của G5 (cũng là trải nghiệm phổ biến nhất của những người mua mẫu LG đầu bảng) thua kém quá nhiều so với những mẫu smartphone không-module-hóa như Galaxy S7 và HTC 10.

    Một chiếc smartphone chỉ tùy biến được camera, pin, loa, DAC và những thứ “lặt vặt” khác không mang cùng một bản chất với một chiếc smartphone có thể thay thế chip và RAM. Khi đầu hàng trước một tầm nhìn chắc chắn sẽ có lợi cho người tiêu dùng, các nhà sản xuất đang tạo ra những chiếc smartphone module vừa không có tiềm năng doanh thu, vừa mang tính chất lợi dụng người dùng.

    Ai muốn mua một chiếc smartphone làng nhàng rồi bỏ thêm một đống tiền gắn các phụ kiện có giá tương đương với máy ảnh, máy nghe nhạc và loa di động loại tốt? Hãy hỏi LG, Lenovo và Google.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ