Smartphone và tablet liệu có thể một lần nữa giết chết PC trong cuộc chiến kiến tạo thế giới tương lai?

    Lê Hoàng,  

    Xu hướng công nghệ quan trọng nhất của 3 năm gần đây sẽ là một chiến trường dành cho các thiết bị điện tử phổ biến nhất trong lịch sử loài người: từ TV và PC cho đến smartphone, tablet và cả... loa không dây.

    Xu hướng thay đổi có ý nghĩa quan trọng nhất của thế giới công nghệ ngày hôm nay chắc chắn phải là Internet of Things. Trong thế giới IoT, “vạn vật” sẽ được kết nối vào mạng Internet, bất kể đó là thứ phụ kiện thời trang theo bạn đi khắp nơi, những chiếc xe hơi chạy bon bon trên đường phố hay những chiếc tủ lạnh, máy nướng bánh yên vị trong bếp cho đến khi trở thành... đồng nát.

    Cuộc sống của tất cả mọi người chắc chắn sẽ thay đổi khi IoT trở nên phổ biến. Bạn nghĩ gì về một chiếc tủ lạnh có thể “kêu cứu” nếu bị quên đóng cửa, điều hòa tự tắt khi không có người trong phòng sau 5 phút? Bạn có cảm thấy quãng đường chạy bộ của mình trở nên thú vị hơn nhờ những chiếc đồng hồ có thể đếm bước và đo calo? Cách chúng ta sống và các vật dụng quen thuộc với chúng ta đều sẽ bị thay đổi.

    Nhưng thời đại IoT cũng sẽ khởi động một cuộc chiến mới giữa những thế lực xưa cũ: PC (và TV), tablet và smartphone. Thậm chí, ngay cả loa thông minh cũng sẽ góp mặt trong cuộc chiến này.

    Thời đại mới hồi sinh cho thiết bị cũ

    Tại sao lại nói những thiết bị “cổ lỗ sĩ” như PC và TV vẫn sẽ có phần trong thời đại IoT? Nếu để ý, bạn sẽ nhận thấy các thiết bị IoT không thể hoạt động độc lập. Ngay cả những chiếc smartwatch có màn hình lớn như Apple Watch cũng không dễ thao tác bằng cảm ứng (lý giải vì sao Apple phải cung cấp vòng xoay Digital Crown và Siri) trong khi Mi Band, Fitbit Flex thậm chí còn không có màn hình.

    Bài toán tương tác số với đồ gia dụng còn khó hơn. Tích hợp màn hình vào chậu cây thông minh (tự tưới nước) hay vào bình đun nước sẽ là hoàn toàn bất hợp lý.

    Rõ ràng là người dùng nên được cung cấp một cổng thông tin nằm ngoài các thiết bị IoT để theo dõi hoạt động của các thiết bị này. Giả sử chậu cây của bạn có tương thích với màn hình LED thì bạn cũng sẽ mất rất nhiều thao tác để xem, ví dụ, thống kê lượng nước đã tưới trong vòng 1 tháng trên màn hình đó. Không chỉ bạn cần xem mà cả thiết bị thông minh cũng cần xử lý phân tích các thông tin đó. Ví dụ, thống kê lượng ánh nắng theo giờ và chiều cao của cây sẽ giúp chậu cây thông minh tìm ra mức tưới tối ưu nhất.

    Và hiển nhiên bạn cũng sẽ không chỉ cần xem thông tin từ 1 chậu cây thông minh, 1 chiếc xe, 1 bình nước nóng thông minh duy nhất. Để tầm nhìn smarthome và IoT có thể thành công, các nhà cung cấp buộc phải tạo ra được trải nghiệm hợp nhất giữa nhiều loại thiết bị. Hãy tưởng tượng, khi chiếc xe của bạn đang cách nhà 1km, các chậu cây sẽ tự động xả một ít nước để ban công trở nên tươi mát chờ bạn trở về thư giãn. Hoặc, nếu bạn đặt mục tiêu đi bộ 10.000 bước chân mỗi ngày, thiết bị đeo có thể gửi tín hiệu bật bình nước nóng ở nhà khi bạn đã đạt khoảng 7.000 bước. Chúng ta sẽ đặt ra các quy luật này trên màn hình của xe hơi, của chậu cây, của thiết bị đeo hay của bình nước nóng?

    Rõ ràng là cuộc cách mạng IoT dân dụng đòi hỏi con người phải có một thiết bị độc lập đóng vai trò thu thập, tổng hợp các dữ liệu thu về từ các thiết bị IoT. Bạn cần phải tạo ra “linh hồn số” cho toàn bộ căn nhà để giúp các thiết bị phối hợp cùng thực hiện mệnh lệnh của bạn, phục vụ cho nhu cầu của bạn một cách tốt nhất.

    Nhiều hãng smarthome đang cung cấp các bộ điều khiển trung tâm (Hub) cho căn nhà. Nhưng tại sao chúng ta lại không mang các tính năng hiển thị, phân tích dữ liệu và điều khiển căn nhà lên những thiết bị có chip lõi tứ mạnh mẽ và giao diện trực quan đã được Thung lũng Silicon trau chuốt trong hàng thập kỷ?

    Tại sao không một lần nữa phó mặc tương lai cho PC, tablet, smartphone và TV? Bất kể là qua TV hay trên smartphone, người dùng đều có thể đọc báo cáo về tình trạng sức khỏe của tuần gần đây nhất hoặc sắp đặt những chu trình tự động hóa tiện lợi cho căn nhà của mình.

    Các ông lớn đang đặt cược vào PC và TV

    Hãy cùng điểm qua điểm mạnh và điểm yếu của PC, tablet, smartphone và TV trong thời đại mới. Nếu tính riêng về sức mạnh tính toán, những chiếc PC của thời đại này có thừa đủ năng lực để tổng hợp và phân tích dữ liệu từ hàng chục thiết bị trong một căn nhà thông minh cùng lúc. Chạy trợ lý ảo "luôn luôn lắng nghe" chỉ là chuyện cỏn con so với sức mạnh của PC.

    Song, PC lại có một điểm yếu trầm trọng: khi loại bỏ khía cạnh công việc thì những chiếc laptop và desktop đang không có nhiều ý nghĩa tại căn nhà của người dùng phổ thông. Bù lại, PC đang gắn liền với một loại hình phương tiện số chắc chắn sẽ gây sốt: VR (thực tại ảo) và AR (thực tại hỗ trợ). Ông trùm của lĩnh vực AR kết hợp không gian thực với các vật thể ảo cũng chính là ông trùm của PC và đám mây: Microsoft. Thúc đẩy PC trở thành đòn bẩy cho công nghệ IoT tương lai, vốn chắc chắn sẽ đi kèm những khối lượng dữ liệu khổng lồ, cũng sẽ là một cách để Microsoft gia tăng nguồn thu cho các trung tâm dữ liệu của mình.

    Một loại thiết bị khác cũng sẽ không bị giới hạn sức mạnh xử lý là những chiếc TV. Cách đây 5 năm, không ai nghĩ TV có thể trở thành trung tâm của trải nghiệm số, nhưng trong những năm gần đây trào lưu Smart TV đã thay đổi hẳn cục diện của trận đấu. TV của ngày hôm nay mới chỉ sử dụng 1 chip ARM, nhưng kích cỡ hàng chục inch vẫn cho phép các nhà sản xuất của tương lai có thể tích hợp chip Core i5 hoặc nhiều chip ARM để gia tăng trí thông minh. Điều đó có nghĩa rằng về sức mạnh tính toán, TV không có khoảng cách só với PC.

    Chưa kể, một căn hộ tương lai (và thậm chí là hiện tại) có thể vắng bóng PC nhưng lại không thể nào vắng bóng TV. Đây có thể là một phần lý do vì sao 2 hãng sản xuất TV hàng đầu thế giới là Samsung và LG lại sở hữu hệ điều hành Smart TV riêng thay vì sử dụng Android TV của Google. Cả Samsung và LG đều hiểu rằng chiếc TV có thể trở thành cánh cổng giữa người dùng với căn nhà tương lai nói riêng và Internet of Things nói chung. 2 ông lớn này chẳng có lý do gì để phải chia phần cho Google.

    Chưa kể, TV lại có thể hiệp lực cùng PC hoặc các thiết bị đầu phát để điều khiển căn nhà tương lai. Đây chính là lý do vì sao Tim Cook bỗng dưng nâng tầm Apple TV lên thành một loại thiết bị thông minh có hệ điều hành và trợ lý ảo. Google phát hành Android TV không chỉ lên TV Nhật Bản mà còn qua đầu phát bán lẻ, còn Amazon cũng khôn khéo “copy” lại hệ điều hành của Google lên đầu phát Fire TV.

    Cuối cùng, những bộ console chơi game như Xbox One và PS4 cũng đủ sức mạnh để tiếp sức cho TV trở thành bộ não của trải nghiệm IoT gia đình. Trong 3 ông lớn của lĩnh vực này, chỉ Microsoft vẫn còn tương đối hùng mạnh, còn Sony và Nintendo đều đã rơi vào tình cảnh khủng hoảng ở cấp độ tập đoàn. Cuộc chiến tương lai sẽ vì vậy mà thêm phần quyết liệt, và người dùng sẽ là đối tượng hưởng lợi nhiều nhất.

    Tiềm năng của smartphone, tablet và… loa không dây?

    Các thiết bị di động thì sao? Định luật Moore đã rất gần với cái chết. Đến một ngày nào đó, bạn không thể hy vọng những chiếc smartphone và tablet sẽ tăng gấp đôi sức mạnh so với 2 năm trước đó nữa. Và trong khi PC, console, đầu phát và TV đều không bị giới hạn số lượng vi xử lý, không một nhà sản xuất nào có thể tích hợp tới 2 con chip ARM trong smartphone mà không hy sinh thiết kế và thời lượng pin.

    Điều đó cũng có nghĩa rằng nếu smartphone và tablet có thể trở thành thiết bị trung tâm cho IoT, bộ não của chúng sẽ không phải là CPU gắn liền mà là đám mây. Trong kịch bản này, Google, Microsoft và Amazon lại có lợi trong khi Apple sẽ bị Facebook gạt ra rìa, bởi thế mạnh của Steve Jobs và Tim Cook là phần cứng còn Mark Zuckerberg lại sở hữu đám mây riêng cùng một lượng thông tin khổng lồ của hơn 1 tỷ người dùng.

    Nhưng nếu các thiết bị di động có thể trở thành (một phần) bộ não của căn nhà, tất cả các ông lớn đều đang chạy theo sau Amazon. Công ty của Jeff Bezos đã tìm ra một loại thiết bị có thể thay thế hoàn toàn cho smartphone và tablet để kết nối căn nhà và chiếc xe với đám mây: loa di động. Bên trong chiếc loa Echo, Amazon tích hợp trợ lý ảo Alexa có khả năng trò chuyện như con người. Nếu bạn muốn ra lệnh cho "quản gia ảo" tự động đặt lịch mua sắm khi tủ lạnh thông minh đã hết thức ăn, lựa chọn hợp lý nhất cho bạn vào lúc này là Echo/Alexa.

    Không mấy ngạc nhiên, Google đã ra mắt sản phẩm copy Echo và Apple cũng đang rục rịch làm điều tương tự.

    Cùng tồn tại hay tranh đấu?

    Về mức độ tiện dụng, các thiết bị di động hơn hẳn những chiếc PC cồng kềnh. Song, PC và TV cũng có đầy đủ cơ sở hất cẳng smartphone và tablet để làm cánh cổng tới đám mây IoT.

    Với cùng một tầm nhìn cho mục đích sử dụng, tương lai có thể sẽ chỉ thuộc về một loại thiết bị duy nhất. Trong suốt lịch sử công nghệ số, những loại thiết bị có mục đích tương tự nhau đã luôn triệt tiêu nhau. Hãy nhớ rằng cả laptop lẫn tablet đều có thể dùng để xem video, chơi game casual và lướt web, thế nhưng cuối cùng tablet vẫn trỗi dậy đủ mạnh mẽ để trở thành thiết bị màn hình 10-15 inch được người dùng phổ thông ưa thích nhất cho mục đích giải trí. Cuộc cách mạng smarthome, xét ở quy mô nền tảng, chắc chắn cũng sẽ có kẻ thắng người thua.

    Nhưng ngược lại, nếu không tương thích tốt với iTunes trên Mac và PC thì những chiếc iPhone cũng chẳng thể có vị thế như ngày nay. Nếu không có cách mạng di động, Android TV và Apple tvOS cũng sẽ chẳng bao giờ trở thành hiện thực.

    Nói tóm lại, trong tương lai do IoT vẽ ra, các thiết bị điện tử truyền thống và các thiết bị di động có thể "sứt đầu mẻ trán" thêm một lần nữa nhưng cũng có thể sẽ đan xen nhau để cùng tồn tại. Kết quả cuối cùng sẽ đến từ nhu cầu của người dùng, thiết kế của các kỹ sư đám mây và dĩ nhiên là cả tham vọng của các ông lớn. Song, bất kể thắng hay thua, những chiếc TV, PC, tablet và smartphone quen thuộc của chúng ta đều đang đứng trước một ngưỡng cửa đặc biệt quan trọng. Những thiết bị tưởng như đã quá nhàm chán sẽ quay trở lại để trở thành "bộ não" của tương lai.

    Theo bạn, loại thiết bị nào sẽ chinh phục kỷ nguyên IoT?

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ