Cuộc sống khổ cực của những người tạo ra pin cho iPhone

    Nguyễn Hải, http://www.businessinsider.com/people-are-risking-their-lives-for-your-smartphone-batteries-2016-9 

    Những viên pin đó đang hiện diện ở khắp mọi nơi, từ điện thoại cho đến ô tô điện, nhưng hầu như chẳng ai trong số những người làm ra chúng đủ sức sở hữu chúng.

    Những người khổng lồ công nghệ như Intel và Apple đang có những bước tiến thực sự nghiêm túc để chấm dứt sự phụ thuộc của họ vào “các khoáng chất xung đột” (tungsten, thiếc, tantalum và vàng), vốn được khai thác từ các khu mỏ thuộc quyền kiểm soát của các thủ lĩnh quân sự tại Congo, nơi các công nhân khai thác thường chính là tù nhân.

    Thật không may khi ở khu vực này, những khu mỏ đang sản xuất ra một loại khoáng chất quan trọng khác, Cobalt, cũng đang ở trong tình trạng tương tự. Cobalt là một khoáng chất được sử dụng trong các viên pin Lithium, vốn đang cung cấp năng lượng cho rất nhiều thiết bị, từ smartphone cho đến các ô tô điện.

    Một báo cáo điều tra quan trọng được thực hiện bởi các phóng viên Todd Frankel và Michael Robinson của tờ Washington Post, đã tiết lộ các điều kiện lao động khốn khổ của các công nhân trong những khu mỏ này.

    Điều này đặc biệt đúng với những người được gọi là “những thợ mỏ thủ công,” những người không phải là nhân viên trực tiếp của bất kỳ công ty nào, nhưng họ vẫn phải kiếm sống bằng cách nhảy xuống những hố đất, bằng các đôi chân trần không có thiết bị bảo hộ, và dùng sức lực của mình để đào bới cobalt. Đôi khi những công nhân trong các khu mỏ đó lại là trẻ con. Chấn thương và tử vong là điều vẫn thường xảy ra.

    Khi các mẩu quặng Cobalt được đưa lên, nó sẽ được rửa bằng nước ở sông. Quá trình này có thể làm ô nhiễm nguồn nước và gây ra các dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ cũng như các vấn đề sức khỏe khác.

    Báo cáo trên tờ Washington Post cũng cho biết, một ngày khai thác tốt sẽ giúp các công nhân kiếm được tương đương từ 2 USD đến 3 USD.

    Liệu các công ty như Apple có giải cứu được cho họ?

    Trong khi khó có thể xếp những người này vào nhóm các lao động nô lệ, nhưng việc họ bị mắc kẹt trong tình trạng nghèo đói triền miên làm cho những người này không còn lối thoát nào khác. Cho dù Congo là đất nước giàu có với những khu mỏ quan trọng nhất của ngành công nghệ cao, những người dân ở khu vực này lại không phải là những người hưởng lợi chính từ các tài nguyên trời cho này.

    Nhiều công ty công nghệ đã biết về điều kiện khai thác Cobalt ở Congo, nhưng mức độ quan tâm của họ đến việc kiểm tra và cải thiện điều kiện lao động từ các công ty công nghệ này rất khác nhau.

    Paula Pyers, giám đốc cấp cao tại Apple, người chịu trách nhiệm xã hội cho chuỗi cung ứng, nói với tờ Washington Post rằng, Apple cam kết làm việc với nhà cung cấp chính của họ, Huayou Cobalt, để mang lại các điều kiện lao động trở nên sạch hơn, cũng như làm việc về các vấn đề nền tảng gây ra sự nghèo nàn của người lao động.

    Các công ty khác cũng xuất hiện nhưng với ít sự nhiệt tình hơn. Một nhà tư vấn làm việc về vấn đề này, Lara Smith của hãng tư vấn Core Consultants tại Johannesburg nói với tờ Post rằng, việc khai thác Cobalt là điều mà nhiều công ty công nghệ không muốn nghe, cũng như không muốn thấy.

    Các công ty không thể cho rằng mình không biết đến vấn đề này.” Smith cho biết. “Bởi vì nếu họ muốn biết, họ có thể biết được.”

    Nhiều công nghệ khác có thể giúp đỡ

    Cobalt không phải loại vật liệu duy nhất nằm trong hoàn cảnh này. Những điều kiện làm việc khủng khiếp vẫn tồn tại trong việc khai thác, nuôi trồng và thu hoạch những nguyên liệu cơ bản khác. Nhưng tất cả những vấn đề này không phải là điều mới.

    Hiện giờ, nhiều bộ phận của ngành công nghiệp công nghệ đang tạo ra các công nghệ để giúp giải quyết triệt để ấn đề lao động cưỡng bức đang diễn ra ở khắp mọi nơi.

    Có ít nhất 34 hạng mục khác nhau mà Tổ chức Ân xá Quốc tế xác định rằng đang chịu nguy cơ của việc lao động cưỡng ép.” Ông Alexander Atzberger, CEO của SAP Ariba nói với trang Business Insider. Ariba là công ty cung cấp các giải pháp hợp tác thương mại trên nền tảng đám mây, với nhiều khách hàng là các công ty lớn.

    Công ty đã nỗ lực tác động đến các vấn đề về lao động cưỡng bức bằng một startup có tên gọi “Made in a Free World”. Startup này sẽ tạo ra một cơ sở dữ liệu với các thông tin về vấn đề này. Các nỗ lực này nhằm giúp người mua hàng hiểu rằng sản phẩm mà họ đang mua – từ các viên pin cho đến nội thất trong phòng họp – có chứa các vật liệu có nguồn gốc từ lao động cưỡng ép hay không.

    Ông Atzberger cho biết, nếu người mua nghi ngờ một sản phẩm nào đó có nguồn gốc như vậy, Ariba hy vọng rằng, giải pháp của mình sẽ “trao quyền cho mọi người” để gây sức ép lên các nhà cung cấp, nhằm buộc họ đảm bảo các điều kiện lao động trên cả chuỗi cung cấp của mình, ngay đến những người thợ mỏ.

    Hy vọng rằng tất cả các công ty ở khắp mọi nơi có thể là một phần của giải pháp, chứ không chỉ là một phần của vấn đề.

    Tham khảo BI

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ