Cuộc sống quá căng thẳng, người trẻ Hàn Quốc sẵn sàng chi 90 USD để được... vào tù ở 1 ngày
"Nhà tù này cho tôi cảm giác tự do", Cô Park Hye Ri, một nhân viên văn phòng 28 tuổi sẵn sàng trả 90 USD/ngày để được giam trong những nhà tù.
Đối với nhiều người, nhà tù là nơi giam giữ, cải tạo những con người phạm tội trong xã hội, thậm chí còn bị coi là nơi chứa chấp những thành phần "bất hảo" của đất nước. Tuy nhiên, một xu hướng mới đang ngày càng phát triển tại Hàn Quốc khi ngày càng nhiều người dân nước này muốn vào tù để có thời gian nghỉ ngơi trước những áp lực của cuộc sống thưởng ngày.
Cô Park tại 1 nhà ga Hàn Quốc
Cô Park trước khi vào phòng giam
Cô Park (trái) chụp ảnh selfie cùng bạn bè trước khi vào phòng giam
Cô Park thay đồ và bỏ vật dụng ngoài quy định trước khi sử dụng dịch vụ
Trên thực tế, những người Hàn này không thực sự sống trong nhà tù mà chỉ sử dụng dịch vụ "Prison Inside Me" tại Đông Bắc thành phố Hongcheon. Kể từ năm 2012, dịch vụ này đã đón tiếp hơn 2.000 khách hàng, phần lớn là những nhân viên văn phòng cảm thấy áp lực từ công việc hay những sinh viên muốn được nghỉ ngơi trước những yêu cầu về công việc hay học tập.
"Tôi quá bận. Đáng lẽ tôi không được ở đây vào lúc này mà phải làm việc, nhưng tôi quyết định tạm dừng mọi thứ và tự nhìn nhận lại bản thân để có cuộc sống tốt hơn", cô Park nói.
Trong "nhà tù" này, quy định khá nghiêm ngặt khi những người sử dụng dịch vụ không được trò chuyện với bạn tù, không được sử dụng điện thoại hay thậm chí là đồng hồ. Khách hàng được phát áo tù màu xanh, một tấm thảm tập yoga, một bộ uống trà, một chiếc bút và quyển sổ. Họ sẽ phải ngủ trên sàn trong phòng giam, có một toilet nhỏ trong phòng nhưng không có gương.
Hàng ngày những tù nhân này sẽ được phục vụ bữa ăn gồm khoai tây luộc và sinh tố chuối cho bữa tối, cháo thịt lợn băm sẽ là bữa sáng.
Nhà sáng lập Noh Ji Hyang cho biết mình xây dựng mô hình trại giam giả tạo này nhờ cảm hứng từ người chồng, một công tố viên thường xuyên phải làm việc đến 100 tiếng mỗi tuần.
"Anh ấy thường than vãn rằng thà bị biệt giam 1 tuần để được nghỉ ngơi và hồi sức còn hơn phải cố gắng như hiện nay", cô Noh nói.
Hàn Quốc là một nền kinh tế phát triển công nghệ cao, xuất khẩu tốt nhưng mặt trái là sự cạnh tranh trong cuộc sống, từ trường học cho đến nơi làm việc khiến tỷ lệ stress và tự tử tại đây tăng cao.
Năm 2017, bình quân người Hàn làm việc 2.024 tiếng mỗi năm, cao thứ 3 sau Mexico và Costa Rica trong nhóm thành viên Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).
Chính quyền Seoul đã nâng mức lương tối thiểu và cắt giảm số giờ làm việc tối đa theo quy định từ 68 xuống còn 52 tiếng mỗi tuần nhằm cải thiện cuộc sống và giúp người dân kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên nhiều chuyên gia kinh tế lại lo ngại động thái này có thể gây phản tác dụng khi doanh nghiệp loại bỏ nhiều việc làm hơn là tạo thêm thu nhập cho người lao động.
Nhà sáng lập Noh cho biết nhiều khách hàng lần đầu khá dè dặt chỉ đặt 24-48 tiếng trong phòng giam cho đến khi họ thử và thực sự thích mô hình này.
"Sau khi mọi người thử dịch vụ, họ cho biết đây không phải là nhà tù, phòng giam thực sự của họ lại là cuộc sống thực tế ngoài kia", cô Noh nói.
Những khách hàng sử dụng dịch vụ sẽ có một buổi hướng dẫn về tinh thần trước khi vào phòng giam
Những người thực hành xong sẽ được tặng chứng chỉ
Khách hàng sẽ được cho đi bộ ngoài trời trước khi đưa vào phòng giam
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming