Đối với Đặng Việt Dũng, cựu CEO Uber Việt Nam, tiền bạc mà anh bỏ ra để trải nghiệm sẽ ở lại với anh lâu hơn tiền để mua một chiếc túi hiệu hay xe đẹp. Cuộc sống sẽ bình tĩnh và ý nghĩa hơn rất nhiều khi chúng ta thật sự kết nối với bố mẹ, những người bạn.
Một ngày đầu đông. Hà Nội lạnh 18 độ C. Dũng bước xuống từ một chiếc Uber car và di chuyển thật nhanh đến điểm hẹn, như thói quen của một người từng có cuộc sống bận rộn. Anh đi giày không-sạch-hoàn-hảo, mặc quần nỉ, áo hoodie màu bã trầu, dáng thụng.
Nếu bạn tìm kiếm ở Đặng Việt Dũng (sinh năm 1985, cựu CEO Uber Việt Nam) nhận dạng của một người từng là CEO, thì hẳn sẽ mất rất nhiều thời gian. Dũng gầy. Xương gò má anh lộ rõ. Vết sẹo dài 5 mũi khâu giữa trán Dũng như thách thức tất cả sự tò mò và những câu hỏi "vì sao" của người đối diện.
8 mũi khâu nhắc nhở đã đến lúc dừng lại
Tháng 7 âm lịch, tức là vài tháng trước khi Dũng từ nhiệm, anh gặp sự cố ở Sài Gòn. Cú ngã trong khách sạn khiến anh choáng váng, bất tỉnh trong vài giây. Máu túa ra từ trán thấm ướt chiếc khăn tắm. Anh nhập viện cấp cứu để khâu 5 mũi trên trán và 3 mũi dưới cằm. Trước đó một tuần, anh dính sốt xuất huyết, sụt mất 5kg. Năm ngoái đến năm nay, tổng cộng Dũng sụt 12kg.
"Đã đến lúc tôi phải dừng lại dành thời gian nhiều hơn cho cuộc sống của mình. Tôicũng tính đầu năm sau sẽ nghỉ vìcó dự định khác. Và đấy là lúc tôi chuẩn bị lập gia đình. Nếu cứ mãi bận rộn như trước thì chẳng việc gì ra hồn cả. Sức khoẻ là một yếu tố nữa. Tôi cũng đang còn trẻ mà, còn trẻ nên phải trải nghiệm nhiều hơn, học nhiều hơn",Dũng chia sẻ.
Trong 2 tháng qua, Dũng không làm việc và cũng chẳng nghĩ nhiều về tương lai. "Quản lý thời gian khi mình rảnh còn khó hơn khi bận rộn. Chả có việc gì mà vèo cái là hết ngày", Dũng tươi cười tiếp lời.
Mỗi tuần, Dũng dành 2-3 buổi đạp xe trên chặng đường 60 km, leo lên mấy cây cầu giữa sân bay Nội Bài và nhà để rèn sức bền. Có một người bạn thân rủ Dũng tham gia cuộc thi Iron Man tiếp sức, anh nhận lời và luyện tập.
"Sức nhanh và sức mạnh thì tôi có nhưng sức bền thì chưa làm được. Cả đời tôi chưa bao giờ chạy liên tục quá 2km, nhưng bây giờ tôi cũng chạy liên tục được 4-5 km. Hồi trước còn đi làm, lúc nào tôi cũng bị email, điện thoại cuốn lấy, đủ thứ phải lo nghĩ. Còn khi đạp xe, 3-4 tiếng mình chả nghĩ gì, chỉ tập trung vào 20-30m phía trước. Khi đạp trên đường dài, con đường là của riêng mình, cảm xúc là của riêng mình...", ánh mắt Dũng hào hứng.
Ngoài đạp xe, Dũng mua nhiều sách ở đủ các lĩnh vực mình yêu thích về đọc. Dành thời gian cho gia đình và bạn bè cũng là mục tiêu của cựu CEO sau khi từ nhiệm. Anh ấp ủ dự định chụp cho bố mẹ bộ ảnh cưới và anh đã làm được. Anh nói chuyện với cháu mình thường xuyên hơn để định hướng cho cu cậu và cũng để hiểu bọn trẻ ngày nay nghĩ gì. Và ăn phở buổi sáng rồi cafe với bạn.
Thế đó, cuộc sống của một cựu CEO trẻ tuổi sau công việc chỉ xoay quanh những điều đơn giản như vậy thôi!
Sức nhanh và sức mạnh thì Dũng có nhưng sức bền thì anh chưa làm được. Và đây là lúc để anh rèn luyện mình.
Khi kết thúc một công việc: Đừng vội buồn!
Cuộc sống yên lặng sau khi rời Uber cho Dũng độ lắng nhất định. Điện thoại luôn để chế độ im lặng, không email, không công tác, cũng chẳng họp hành... Anh có thời gian để nhìn lại và chiêm nghiệm được nhiều thứ. Đôi lúc anh cũng giật mình vì chính mình. 5 năm chuyển 5 trường!
Hai năm đầu cấp 3, Dũng học trường Thăng Long. Năm cuối cấp 3 vì muốn thi HSG quốc gia và "crush" một bạn nữ chuyên Hóa nên anh nhất quyết vào Ams. Anh thi vào ĐH Bách Khoa để trải nghiệm cảm giác giảng đường 1 năm. Sau đó, anh tạm biệt Bách Khoa để sang trường Ithaca College (Mỹ). Mức học bổng tốt nhưng bố mẹ vẫn phải hỗ trợ tài chính nhiều so với khả năng gia đình. Dũng quyết tâm học tốt năm đầu để năm thứ hai chuyển sang Amherst College (Mỹ) với mức hỗ trợ tài chính toàn phần.
Hồi năm nhất ĐH ở Mỹ, Dũng rửa bát thuê trong nhà ăn của trường. "Có lần tôi thái rau củ cắt nhầm dao vào tay chảy máu rất nhiều. Một bác già làm cùng, từ đầu làm không có nhiều thiện cảm với tôi lắm, chạy đến đưa cho tôi cái băng. Tôicảm động quá. Tôi cứ tưởng ông ấy giúp mình. Nhưng hóa ra, ông ấy bảo rằng: Cậu bịt tay vào chứ không máu nó vào đồ ăn nhà trường bị kiện hết bây giờ", Dũng nhớ lại một kỷ niệm.
Dũng chuyển sang làm nhân viên chiếu phim. Trường Amherst có nhiều suất chiếu phim để học sinh nghiên cứu trong các ngành học xã hội. Dũng được trả 7 USD/giờ (khoảng 159.000 đồng) để ngồi trong phòng chiếu phim và phòng máy tính của trường lo về các vấn đề kỹ thuật. So với rửa bát, việc này nhẹ nhàng hơn và được giao tiếp nhiều hơn với các bạn sinh viên Mỹ.
Trước khi sang Mỹ học, Dũng có hùn vốn với bạn để mở trung tâm gia sư nhưng sau đó dự án phải dừng lại vì anh du học.
Tốt nghiệp đi làm hơn 4 năm cùng công ty tư vấn chiến lược hàng đầu - McKinsey & Company, đi nhiều nước tư vấn nhiều lĩnh vực, Dũng lại muốn đi học. Một năm học thạc sỹ ở trường kinh doanh Harvard, việc học lại tạm dừng, và Dũng tham gia Uber tại Việt Nam.
Điều đó, cũng ảnh hưởng ít nhiều đến tính cách con người và những quan niệm của anh trong công việc về sau.
"Đúng là nghĩ lại, tôi cũng hơi hãi hùng khi chuyển môi trường nhiều quá, mỗi lần đều thích nghi lại từ đầu, bây giờ bảo làm lại cũng thấy ngại. Nhưng hồi đó chẳng nghĩ gì nhiều, mình thích thì mình làm thôi", Dũng mỉm cười nói.
"Mỗi công việc đều có tính kế thừa. Và công việc nào cũng có rất nhiều điều bổ ích cho sự nghiệp về lâu dài, chỉ là mình có nhận ra không thôi. Nếu tôi không có kỹ năng của một người giảng dạy (trước làm gia sư) thì rất khó để diễn giải những khái niệm từ phức tạp thành rõ ràng để team đồng thuận và triển khai. Còn hồi đi rửa bát, công việclại rèn cho tôi tính kỷ luật và sự chăm chỉ. Mình phải có mặt đúng giờ, phải làm việc một mình đạt hiệu suất trong môi trường "khô cứng" trong nhiều giờ liền. Làm việc nhỏ sẽ hiểu thành công được xây dựng từ những nỗ lực nhỏ bé ra sao", anh nói thêm.
Trong vai trò tư vấn chiến lược ở công ty McKinsey khi làm việc cùng khách hàng là CEO những tập đoàn lớn, Dũng hiểu cảm giác của một người đứng đầu một tập đoàn hay một công ty. Tất cả những điều Dũng học được lúc làm gia sư ở Bách Khoa, rửa bát ở Mỹ hay tư vấn chiến lược ở McKinsey đều là những bài học cho anh trong từng vị trí anh đảm nhận.
"Đôi khi, trải nghiệm chỉ trở nên trọn vẹn khi ta đã trải qua một thời gian và nhìn lại nó một cách toàn diện. Vì thế khi kết thúc một công việc hay một mối tình, đừng vội buồn khi mình chưa nhìn ra điểm sáng của trải nghiệm đó", và điều đó đúng với Dũng trong thời điểm hiện tại.
Sống bình tĩnh hơn sau 2 lần suýt chết
Dũng ấn tượng với ý niệm của David Brooks, bình luận viên báo New York Times, trong cuốn "The Road to Character" (Con đường hình thành nhân cách) có đề cập đến hai giá trị: giá trị CV và giá trị Eulogy (điếu văn).
Trong xã hội bận rộn và cạnh tranh, có một sự thật là mọi người chú tâm nhiều vào giá trị CV hơn là giá trị nhân cách. Trường học và trường đời dạy chúng ta những kỹ năng và chiến lược cần để thành công trong sự nghiệp hơn là những tư chất ta cần để thắp lên ánh sáng nội sinh của chính mình. Nhưng... đâu cần phải cao sang để sống tốt đâu.
Hai lần suýt chết trong đời đã cho Dũng chiêm nghiệm điều này một cách nghiêm túc nhất.
Anh nói: "Khi đuối nước ở biển Santos (Brazil) hay suýt tông vào đầu xe tải vì say lúy túy ở Hà Tây cho tôi thấy, chuyện tôi làm được gì hay có bao nhiêu tiền chẳng có ý nghĩa gì cả. Quan trọng là bố mẹ đâu, bạn bè đâu, người yêu đâu và mình đã sống với họ như thế nào.
Tiền mà mình bỏ ra để trải nghiệm sẽ ở lại với mình lâu hơn tiền để mua một chiếc túi hiệu hay xe đẹp. Tất nhiên có những sở hữu vật chất làm mình thấy thoải mái trong cuộc sống cũng tốt, câu hỏi là bạn sẽ thích nó được bao lâu?
Còn nếu bạn tìm được nụ cười toả nắng của một em bé dân tộc Lô Lô trên Lũng Cú; tìm một bầu trời đêm trong vắt đầy sao và không khí trong lành hít tràn lồng ngực; bạn rèn luyện bản thân khắc khổ để chạy thi Marathon, ôm lá cờ tổ quốc Việt Nam khi cán đích.
Khi bạn làm say mê với một công việc gian nan nhưng giúp được nhiều mảnh đời kém may mắn hơn. Hay đơn giản, bạn chỉ thực sự kết nối và trò chuyện với bố mẹ như những người bạn. Đó là những chuyện sẽ đi theo bạn cả đời. Mỗi lần chiêm nghiệm lại chuyện đó, bạn sẽ tự mỉm cười với bản thân mình".
Với Dũng, một cuộc sống như thế sẽ ý nghĩa và bình tĩnh hơn rất nhiều. Bình tĩnh sống trong định nghĩa của cựu CEO không nên chỉ đặt trong thế giới quan của ngày hôm nay, mà cần phải đặt trong thế giới quan của ngày hôm qua và cả ngày mai.
"Nếu bạn biết mình không có ngày mai, bạn sẽ sống hết mình ngày hôm nay. Hoặc nếu như không có ngày hôm qua để biết khổ như thế nào thì sao bạn biết quý trong sức lao động của mình ngày hôm nay. Hoặc nếu ngày hôm qua bạn đã không lao động vất vả, thì làm sao tôi biết quý trọng sức lao động của người khác dành cho chính mình ở hiện tại.
Tôi nghĩ, bình tĩnh sống phải đặt trong bối cảnh cụ thể, có một cái khung của riêng nó để biết ngày hôm nay mình cần phải làm gì, nên làm gì. Bình tĩnh sống, tôi nghĩ đó là một thái độ chứ không phải là một phong cách hay tốc độ.
Và điều cuối tôi muốn gửi đến các bạn trẻ, làm gì cũng phải nhớ quý trọng sức khoẻ. Tuổi trẻ có sức mạnh, thiếu sức bền. Già hơn sẽ bền hơn nhưng không khoẻ bằng. Có cả hai thứ mình sẽ ôm trọn được cả cuộc đời vào lòng", cựu CEO 32 tuổi gửi gắm.
Một số hình ảnh của Dũng trong chuyến đi Nepal sau khi dừng công việc ở Uber.
Ảnh: Thaipham.
Đặng Việt Dũng, sinh năm 1985, từng đảm nhiệm vai trò Tổng giám đốc Uber Việt Nam trong 3 năm (2014 - 2017). Anh từng làm việc tại tập đoàn sản xuất bia hàng đầu thế giới ABInbev và tập đoàn tư vấn chiến lược McKinsey & Company.
Anh tốt nghiệp cử nhân ngành Khoa học chính trị và kinh tế tại Đại học Amherst, Mỹ và hoàn thành năm thứ nhất chương trình MBA của Trường Kinh doanh Harvard.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời