Cựu giám đốc điều phối bay NASA chia sẻ về cách để giữ được bình tĩnh khi gặp khủng hoảng
Trong bất kỳ tình huống nào, giữ bình tĩnh luôn là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để vượt qua những khoảnh khắc khó khăn, và bí quyết của NASA ở đây chính là sự tập trung!
Paul Hill là một người đã từng làm lâu năm ở NASA, có nhiệm vụ điều hành và quản lý các chuyến bay cho tàu không gian cũng như các nhiệm vụ trên trạm không gian Quốc tế ISS. Ông đã làm việc với 24 nhiệm vụ khác nhau. Công việc này đòi hỏi con người ta luôn phải tập trung cao độ, đối mặt với rất nhiều hiểm nguy, khi chỉ cần một sai sót nhỏ cũng đủ để làm ảnh hưởng đến tính mạng của không ít người.
Vậy làm sao để Hill có thể giữ được bình tĩnh trong xử lý các tình huống có áp lực cao và nguy hiểm như vậy? Trong một bài phỏng vấn với Business Insider, Paul Hill đã nói về cách giúp ông kiểm soát được mọi chuyện và không bị "cuống", chiến thuật này của ông bao gồm tập trung vào các dữ kiện, cố gắng giảm bớt áp lực và duy trì mức độ sợ hãi sao cho ổn định nhất có thể.
Paul Hill - từng làm giám đốc điều hành bay tại NASA, đã có kinh nghiệm dày dặn trong việc giữ bình tĩnh khi gặp phải những tình huống khó khăn
Trước khi bàn về lời khuyên của ông, đầu tiên, chúng ta hãy cùng nhìn về sự cố vô cùng nguy hiểm vào năm 2001 của NASA. Khi đó Hill đang điều hành một chuyến bay cho tàu Discovery từ phòng điểu khiển, sự cố này cho đến nay vẫn khiến Hill luôn nghĩ rằng: "Thật kinh khủng, chúng tôi đã có thể khiến tất cả mọi người thiệt mạng!".
Cụ thể, trong nhiệm vụ không gian vào tháng 3 năm 2001, khi đó tàu Discovery đang di chuyển đến trạm không gian ISS để neo đậu. Thế nhưng sau khi hạ cánh vào trạm thì một phi công đã phát hiện ra một trong hai vòng làm mát của tàu bị ngừng hoạt động, rất có thể gây ra bởi hệ thống bên trong đã bị đóng băng.
Nếu bộ phận bị đóng băng này vỡ ra thì rất có thể sẽ khiến cho toàn bộ hệ thống làm mát ngừng hoạt động, từ đó phá hủy hoàn toàn hệ thống máy tính của vệ tinh Discovery!
Sự cố với tàu Discovery cho thấy, khi áp lực được đẩy lên cao độ, toàn phòng điều khiển bay của NASA bỗng trở nên im lặng đến lạ thường!
Cả phi hành đoàn và phòng kiểm soát nhiệm vụ lúc đó chỉ có khoảng 30 phút để xử lý tình huống: hoặc là mạo hiểm tính mạng và khởi động quá trình tách rời vệ tinh khẩn cấp, hoặc để Discovery mắc kẹt và chết cứng trên trạm không gian.
Cũng cần biết rằng, NASA luôn có những bài huấn luyện cho các nhân viên của mình các chiến thuật và quy trình để xử lý stress trong những tình huống khủng hoảng thế này. Và theo như Paul Hill, những bài học này đã tỏ ra có ích trong sự cố năm 2001.
"Chúng tôi đã có thể mất cả con tàu!"
Cả trạm không gian và phi hành đoàn tàu Discovery khi đó đã phải cùng nhau giải quyết vấn đề với vòng làm mát. Bộ phận kỹ thuật không thể tìm ra nguyên nhân, vì vậy Hill cùng đội của mình đã phải bắt tay vào dò xét từng dữ liệu một, cả phòng điểu khiển trở nên im lặng đến đáng sợ!
"Tất cả mọi người đều dường như trở nên tập trung và bình tĩnh hơn khi bắt đầu làm việc với các dữ liệu, trao đổi với nhau, chia sẻ thông tin với điều hành bay và bắt đầu đưa ra những quyết định" - Hill nói.
Cuối cùng, cả phi hành đoàn đã sửa được lỗi bằng cách khá đặc biệt, đó là cho chạy cả 2 vòng làm mát nóng hơn bình thường. Tàu Discovery sau đó đã hoàn thành nhiệm vụ và hạ cánh an toàn. Các đánh giá cho thấy, nguyên nhân gây ra sự cố là do các vòng làm mát có độ ẩm quá dư thừa.
Tập trung cao độ chính là cách tốt nhất để giữ bình tĩnh trong những lúc khủng hoảng
Hill chia sẻ thêm :"Nếu chúng tôi không xử lý tình huống đó theo một cách khác, có lẽ chúng tôi đã có thể mất cả con tàu rồi! Tỷ lệ thất bại là khá cao vì giả sử nếu chúng tôi tách rời tàu khỏi trạm hoặc thử làm gì đó ngu ngốc thì có lẽ chúng tôi đã mất cả phi hành đoàn". Sự việc được giải quyết theo một cách rất thông minh và cả đội điều hành bay của Hill đã được khen thưởng.
Giữ bình tĩnh theo cách của NASA: Tập trung cao độ
Sự tập trung chính là yếu tố giúp các nhân viên NASA đối mặt với những tình huống khủng hoàng như trên, thay vì "cuống cuồng", chạy đi chạy lại, vò đầu bứt tai mà chẳng làm nên nổi điều gì. Paul Hill chia sẻ mình và các đồng nghiệp đã tập trung vào một loạt các câu hỏi như sau để đối mặt với khó khăn:
- Chúng ta biết đã những gì và không biết những gì về tình huống khủng hoảng này?
- Dữ liệu đã thực sự cho chúng ta biết những gì rồi?
- Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra nếu thất bại là gì?
- Liệu cả đội đã biết được đầy đủ thông tin hay chưa? Và làm cách nào để họ có thêm thông tin?
- Bước giải quyết ngay lập tức để giúp nhiệm vụ tiến triển hoặc để giữ mọi người được an toàn là gì?
Hill cho rằng, điều quan trọng nhất là đừng để những chiến lược và kết quả trong quá khứ ảnh hưởng đến quyết định về tình huống khủng hoảng của bạn ở hiện tại, cho dù bạn có đang phải bay vào không gian hay khởi động một dự án kinh doanh đi chăng nữa. Ngoài ra, Hill sẽ luôn "thấm nhuần" một chút sợ hãi cho các đồng nghiệp của mình, để họ không để những thành công lần trước ảnh hưởng đến công việc của họ.
Bằng cách tập trung phân tích một cách khoa học và đưa ra những câu hỏi cụ thể, đội điều hành nhiệm vụ của NASA có thể tạo nên một không gian bình tĩnh, có logic để giải quyết mọi khó khăn, dù tình huống có nghiêm trọng đến thế nào.
Cuối cùng, do đã được rèn luyện và quen với môi trường áp lực cao, nên mặc dù Paul Hill trong phòng làm nhiệm vụ có tập tập trung đến thế nào đi chăng nữa, thì khi rời khỏi nơi làm việc và nhìn lên bầu trời, ông vẫn luôn nghĩ rằng: "Lạy Chúa, chúng ta vừa làm được việc đó thật sao?".
Theo Business Insider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming