Cựu nhân viên chỉ ra câu nói nổi tiếng của Bill Gates 'Tôi trượt một số môn, bạn tôi thì qua cả và giờ anh ấy làm kỹ sư của Microsoft còn tôi sở hữu Microsoft' chỉ là giả mạo
"Tôi trượt một số môn, bạn tôi thì qua cả và giờ anh ấy làm kỹ sư của Microsoft còn tôi sở hữu Microsoft" là một trong những câu nói nổi tiếng của nhà đồng sáng lập Microsft. Thế nhưng, cách đây không lâu, một cựu nhân viên Microsoft đã vạch trần sự thật về câu nói này.
Bill Gates là một trong những tỷ phú giàu bậc nhất thế giới trong nhiều năm qua. Câu chuyện bỏ học Harvard để thành lập Microsoft của ông đã trở thành nguồn cảm hứng và động lực cho các bạn trẻ ấp ủ ước mơ lập nghiệp từ khi còn đi học.
Tỷ phú Bill Gates.
Nhiều câu nói và lời khuyên của ông đã được cộng đồng mạng chia sẻ rộng rãi, trong đó có câu: "I failed in some subjects in exam but my friend passed in all, now he's an engineer in Microsoft and I own Microsoft" (Tạm dịch: Tôi trượt một số môn, bạn tôi thì qua cả và giờ anh ấy làm kỹ sư của Microsoft còn tôi sở hữu Microsoft).
Đây là một trong những câu nói nổi tiếng của nhà đồng sáng lập Microsft. Thế nhưng, cách đây không lâu, một cựu nhân viên Microsoft đã vạch trần sự thật về câu nói này.
David Lean làm việc tại Microsoft từ năm 1990 đến năm 2009. Anh cho biết dù không phải lúc nào cũng tiếp xúc với Bill Gates nhưng sau hàng chục năm làm việc tại đây, anh hiểu được phần nào con người của sếp mình.
Dưới đây là quan điểm của David:
"Tất nhiên, Bill Gates đã chia sẻ rất nhiều điều với thế giới nhưng tôi dám chắc là ông ấy sẽ không nói điều gì tương tự như câu nói trên.
Đầu tiên, tôi chỉ được nghe Bill Gates so sánh bản thân với một người duy nhất là vợ của mình, bà Melinda Gates, người mà ông nói rằng ‘hơn hẳn tôi theo nhiều cách khác nhau’ (lòng nhân ái, sự hòa đồng…).
Vợ chồng Bill - Melinda Gates.
Ông ấy thực sự quan tâm đến việc chia sẻ lợi nhuận với những người xung quanh. Bằng chứng là việc hào phóng tặng cổ phiếu cho nhân viên khi công ty IPO thành công. Nhiều nhà sáng lập chỉ giữ riêng cho mình còn Bill thì khác.
Theo quan điểm cá nhân, tôi thấy Bill là một người hết sức giản dị và khiêm tốn. Ông ấy chưa bao giờ cho rằng mình làm việc để trở thành người giàu nhất thế giới và thực sự không thích việc bàn luận về vấn đề đó. Vậy nên, khó có khả năng ông lại đi so đo với bạn bè trong một cuộc thi ở trường và tỏ ra hả hê khi người đó trở thành nhân viên của mình.
Hơn nữa, Bill đâu có dốt tiếng Anh đến vậy? Khi nói về vị trí làm việc ở một nơi nào đó, người ta chủ yếu dùng giới từ AT chứ đâu phải là IN? Ông ấy có thể không biết ngoại ngữ nhưng chắc chắn sẽ không bao giờ mắc phải một lỗi cơ bản như vậy!".
Thứ hai, ông ấy rất tôn trọng vấn đề liên quan đến giáo dục và học thuật. Câu nói trên mang ngụ ý không coi trọng việc học của người khác. Bill là một người ham học hỏi và luôn tìm mọi cách để mở mang kiến thức trong nhiều lĩnh vực. Năm nào cùng vậy, ông sẽ nghỉ phép 2 lần, mỗi lần 1 tuần để tới một nơi trú ẩn yên tĩnh và xem xét các vấn đề.
Ông từng chia sẻ "tội lỗi" lớn nhất của mình là làm cho nhiều người nghĩ rằng bỏ học là sẽ thành công và trở thành tỷ phú. 30 năm kể từ ngày bỏ học, khi đã là người giàu bậc nhất thế giới, Bill được Harvard trao bằng tốt nghiệp danh dự. Khi đó, ông nói: "May là các bạn mời tôi phát biểu tại lễ tốt nghiệp, nếu tôi mà phát biểu tại lễ hướng nghiệp thì chắc là lễ tốt nghiệp sẽ chẳng có ai đến dự đâu". Điều đó chứng tỏ ông không khuyến khích tất cả mọi người bỏ học vì suy cho cùng, không ít thì nhiều, việc có một tấm bằng sẽ giúp bạn có lợi thế nhất định so với những người không có.
Bill Gates hồi trẻ.
Thứ ba, Bill đạt điểm số rất tốt ở Harvard. Ông bỏ dở việc học vì nhìn thấy cơ hội phát triển của Microsoft và nó sẽ không tồn tại đến lúc ông tốt nghiệp chứ không phải vì không thể theo kịp chương trình.
Khi còn ở Harvard, một giáo sư toán học đã gọi Bill là sinh viên thông minh nhất mình từng gặp. Ngôi trường danh giá này là ước mơ của rất nhiều người trên thế giới và để được bước chân vào đây là một điều không hề dễ dàng.
Bill từng nộp đơn vào Đại học Harvard, Yale, Princeton và được nhận vào cả 3 trường với nhiều chuyên ngành khác nhau. Đối với Yale, ông muốn học ngành chính trị, Princeton là kỹ sư máy tính và Harvard là toán học. Bên cạnh đó, ông còn đạt điểm gần như tuyệt đối 1590/1600 trong kỳ thi SAT (đánh giá năng lực chuẩn hóa được sử dụng rộng rãi cho xét tuyển đại học ở Mỹ).
Bill chắc chắn không phải một sinh viên thất bại tại Harvard mà ông nghỉ học vì muốn như vậy và để tập trung cho Microsoft. Trong năm thứ 2, ông còn phát triển một thuật toán có thể giải quyết hàng loạt vấn đề.
Một câu chuyện kể lại rằng trong môn học tự chọn, ông gần như không học hành gì nhiều, chỉ thức vài đêm trước kỳ thi, thậm chí ngủ trong giờ thi mà vẫn qua môn với điểm số khá cao.
Sau khi làm việc tại Honeywell mùa hè năm 1974, Bill nhận thấy cơ hội tốt để thành lập một công ty phần mềm máy tính với người bạn lâu năm Paul Allen. Ông nói quyết định nghỉ học với bố mẹ và để nó nghe có vẻ dễ được chấp nhận hơn, ông khẳng định sẽ quay lại Harvard nếu Microsoft không thành công. Và rồi ông đã không có cơ hội trở lại đó sau hàng chục năm và chỉ quay lại nhận bằng danh dự khi đã trở thành người giàu nhất thế giới".
Vikas Verma, cựu kỹ sư làm việc tại Microsoft từ năm 2006 đến 2011 cũng đồng tình với David. Anh này cho biết:
"Bill Gates khiêm tốn và không bao giờ khoe khoang về số tiền kiếm được. Một sự thật về văn hóa của Microsoft, khi ông ấy còn trực tiếp điều hành, là họ có xét đến trình độ học vấn nhưng đó không phải tất cả. Một yếu tố quan trọng khác được đánh giá là tiềm năng của ứng viên. Bill rất coi trọng nhân viên của mình, bởi vậy sẽ không có chuyện ông ấy nói ra một câu ‘cà khịa’ như thế".
Bill Gates là một người khiêm tốn và ham học hỏi.
Phân tích của hai cựu nhân viên Microsoft trên nghe khá hợp lý. Dẫu sao, dù vị tỷ phú có thực sự nói điều đó hay không thì nó cũng đã trở thành một câu nói nổi tiếng cộp mác Bill Gates và có ảnh hưởng nhất định đến không ít người trên thế giới.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời