Cyanogen OS - lưỡi dao đe dọa Google trong tay Microsoft có gì khác biệt với Android?
Tại sao một phần mềm với mã nguồn của Android, không có nền tảng phần cứng đi kèm như Amazon hay Xiaomi, lại có thể thu hút người dùng trên thế giới đến như vậy?
Với nhiều người có thể lần đầu tiên họ nghe đến hệ điều hành Cyanogen OS là nhờ thông tin Microsoft sẽ tích hợp sâu các ứng dụng của mình vào hệ điều hành cho di động này. Động thái này được xem như cách để Microsoft tận dụng được miếng bánh Android béo bở cho các ứng dụng văn phòng trên di động của mình.
Với số lượng người dùng đến hơn 50 triệu người trên toàn cầu, nhiều hơn cả BlackBerry và Windows Phone cộng lại, đây rõ ràng là cơ hội không thể tốt hơn để Microsoft duy trì được mảng phần mềm cho di động của mình mà không cần đến Windows Phone. Nhưng câu hỏi đặt ra là Cyanogen OS, một hệ điều hành sử dụng các mã nguồn của Android, với trải nghiệm người dùng tương tự Android, có gì khác biệt để được ưa chuộng đến thế?
Vậy chính xác thì Cyanogen OS là gì?
Đầu tiên, hãy làm rõ một điều: Cyanogen OS không thực sự là một hệ điều hành. Trên thực tế, Cyanogen OS là một phiên bản của Android được chỉnh sửa để bổ sung thêm các tính năng. Bản thân Android là một hệ điều hành mở để bất cứ ai cũng có thể xây dựng thêm trên nó. Hầu hết các điện thoại phổ biến nhất ngày nay đều chạy một số phiên bản Android được chỉnh sửa hoặc khoác lên mình chiếc áo mới. Từ TouchWiz trên dòng Galaxy của Samsung cho đến OxygenOS trên những chiếc OnePlus 3 và hàng loạt những cái tên khác.
Bên dưới vẻ ngoài này, phần lớn mã nguồn của Cyanogen OS vẫn chỉ là hệ điều hành Android quen thuộc. Với đa số các phần khác, trải nghiệm người dùng nói chung là như nhau. Nhưng điều làm nên sự khác biệt là các tính năng độc đáo mà Cyanogen OS mang đến cho Android, những điều đó có thể chia làm bốn danh mục chính: khả năng tùy chỉnh, hiệu năng, tính bảo mật và thời gian duy trì lâu dài.
Khả năng tùy chỉnh của Cyanogen OS
Một trong những hút khách lớn nhất của Android chính là sự tùy chỉnh. Trước đây, người dùng tiềm năng của Android thường tự hào về khả năng cá nhân hóa của hệ điều hành này khi so sánh với iOS (iOS chỉ có thể làm như vậy nếu được jailbreak). Nhưng trên thực tế, những tùy chỉnh mà Android mang lại cũng rất giới hạn.
Bạn có thể thay đổi hình nền trên màn hình chính, download và tự tạo nhạc chuông, hay thay đổi kích cỡ phông chữ trong toàn hệ điều hành. Nhưng nếu không root thiết bị của mình, bất kỳ tùy chọn cá nhân hóa bổ sung nào khác như: các logo biểu tượng, phông chữ hệ thống,… đều sẽ cần một bên thứ ba viết cho Android.
Các lựa chọn tùy chỉnh mà người dùng có trên Cyanogen OS đã làm nó trở nên khác biệt so với phần lớn phiên bản Android gốc. Nhiều thiết lập tùy chỉnh cụ thể có sẵn trong Cyanogen OS đến từ Theme Engine, có chức năng đúng như tên gọi của nó. Nó là một ứng dụng đầy sức mạnh được tích hợp bên trong Cyanogen OS để giúp bạn tải xuống các theme miễn phí, và chúng có thể thay đổi hoàn toàn vẻ ngoài cho hệ điều hành trên thiết bị của bạn. Hiện tại, đã có hơn 100 theme có sẵn trong Theme Engine và nó vẫn đang được bổ sung thường xuyên.
Với Theme Engine, bạn có thể thay đổi màu sắc và phông chữ của hệ thống, loại hình ảnh động sử dụng trong hệ điều hành, hình động khi khởi động, các thiết lập nhanh và nhiều điều khác nữa. Bằng cách kết hợp và làm phù hợp những bộ phận riêng lẻ với các chủ đề, bạn có thể thực sự sẽ phải chọn từ hàng nhiều ngàn cách kết hợp khác nhau. Ngoài ra, Theme Engine có thể cung cấp các quyền điều khiển tùy chọn trên mỗi ứng dụng cơ bản, vì vậy bạn có thể chọn riêng chủ đề cho các ứng dụng này hoặc để chúng ở trạng thái mặc định.
Nếu bạn là người thích các tùy chọn cá nhân hóa trong Android, thì Cyanogen OS sẽ rất phù hợp với sở thích của bạn. Trong khi còn có nhiều cách hơn nữa để cá nhân hóa thiết bị của mình với Cyanogen OS, hầu hết trải nghiệm của người dùng vẫn như Android. Thay vì cảm thấy như một hệ điều hành riêng biệt, Cyanogen OS dường như mang lại cảm giác nó đang mở khóa cho các tính năng ẩn của Android.
Hiệu năng của Cyanogen OS
Trước đây, Cyanogen OS chính là CyanogenMod, một phần mềm mã nguồn mở cho đến nay vẫn là một trong những hệ điều hành của bên thứ ba nổi tiếng nhất. CyanogenMod được tạo ra như một nỗ lực kết hợp giữa cộng đồng đa dạng các nhà phát triển và những người yêu thích công nghệ, kết hợp các tính năng mà họ muốn bổ sung vào phiên bản Android gốc. Bên cạnh việc thêm vào các lựa chọn tùy chỉnh, CyanogenMod còn bổ sung thêm các điều khiển về hiệu năng như cho phép người dùng ép xung CPU và GPU của họ.
Khi trở thành một phiên bản bóng bẩy hơn, có thể thương mại hóa và thân thiện hơn với các nhà OEM của CyanogenMod, Cyanogen OS không còn toàn bộ quyền điều khiển bộ xử lý ở cấp độ tương đương như vậy. Tuy nhiên, Cyanogen Inc, công ty đằng sau hệ điều hành này – vẫn đặt hiệu năng là ưu tiên hàng đầu khi tạo Cyanogen OS. Đặc biệt hơn khi phần mềm này sử dụng một kernel hoàn toàn khác so với Android gốc, và nó đã được tối ưu cho tốc độ, sự mượt mà, làm cho nó thú vị hơn khi sử dụng cho các tác vụ hàng ngày.
Trong khi các tối ưu này luôn được đánh giá cao, người dùng thông thường lại lo ngại hơn về việc các thay đổi này có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng hàng ngày. May mắn thay, vẫn còn những nâng cấp khác được Cyanogen Inc đưa vào Cyanogen OS, bao gồm các thao tác điều khiển bằng cử chỉ đã làm CyanogenMod trở nên nổi tiếng. Ví dụ, bạn có thể vẽ chữ V trên màn hình khi máy đang ngủ để bật đèn flash dùng làm đèn pin. Hay thao tác chạm hai lần – double tap – để mở máy khi máy đang ở trạng thái ngủ.
Ngoài ra, còn hơn cả hiệu năng thiết bị là khả năng cải thiện âm thanh được tích hợp trong Cyanogen OS. Với một số người dùng, mục đích duy nhất khi root những chiếc Android của họ là để cài đặt phần mềm của bên thứ ba để cải thiện chất lượng âm thanh đầu ra cho thiết bị. Với các thiết bị đang chạy Cyanogen OS, âm thanh chất lượng cao và lossless đã có sẵn với AudioFX, một trung tâm điều khiển âm thanh với rất nhiều lựa chọn tùy chỉnh.
Bên cạnh đó, phần mềm còn mang đến khả năng hiển thị được gọi là LiveDisplay, trong đó nó sử dụng các cảm biến môi trường xung quanh để điều chỉnh các thiết lập về độ sáng, cũng như mầu sắc và độ tương phản. Mục đích của việc này nhằm đảm bảo việc tái tạo màu sắc trên màn hình thiết bị của bạn sẽ phù hợp với bất kỳ điều kiện nào.
Kết quả tổng hợp của việc tối ưu hiệu năng và các tính năng điều khiển bằng cử chỉ sẽ làm cho các thiết bị chạy Cyanogen OS trở nên sáng sủa và nhạy hơn. Với hiệu năng mạnh mẽ, OS này không mang đến ấn tượng về một phiên bản Android với vỏ ngoài khác biệt, mà như một phiên bản Android ở trạng thái được nâng cao.
Gia tăng bảo mật với Cyanogen OS
Không còn nghi ngờ gì về việc Google đã luôn ủng hộ các biện pháp an ninh trong hệ điều hành mã nguồn mở Android. Tuy nhiên, là một mã nguồn mở nghĩa là sẽ có những lỗ hổng nhất định. Google đã ngăn chặn trước nhiều lỗ hổng đó bằng các cập nhật thường xuyên và bản vá an ninh hàng tháng. Tuy nhiên, chỉ có một số lượng tương đối nhỏ các thiết bị của Android được tiếp cận các bản cập nhật này.
Nếu bạn thấy điều này thật khó tin, hãy xem một báo cáo vào đầu tháng này. Báo cáo cho thấy chỉ có 13.3% số thiết bị Android đang chạy Marshmallow. Hay nói cách khác, phần lớn thiết bị Android đang chạy các phiên bản Android cũ hơn, vì vậy nhiều lỗ hổng hơn. Điều này là khá quan trọng khi nó làm nên hai sự khác biệt chủ yếu giữa Android gốc và Cyanogen OS.
Trước Android 6.0 Marshmallow, gần như không thể kiểm soát một ứng dụng có thể chạm vào những chức năng nào trên thiết bị Android. Cho dù khả năng kiểm soát này đã được bổ sung vào Marshmallow, vẫn còn nhiều người đang phải chờ bản cập nhật cho thiết bị của họ.
Tuy nhiên, Cyanogen OS đã cấp quyền truy cập ứng dụng trên các thiết bị chạy Lollipop và các phiên bản Android cũ hơn. Hay nói cách khác, với Cyanogen OS, bạn có thể chọn để cấp phép cho một ứng dụng làm gì và từ chối làm gì. Điều này mang lại sự cải thiện về tính riêng tư và an ninh theo nhiều cách. Ví dụ bạn có thể ngăn không cho các ứng dụng lạ bật camera của bạn hay ghi lại dữ liệu vị trí của bạn thông qua GPS trên thiết bị.
Nhiều thiết bị gần đây của Android đã có cảm biến quét vân tay trong những thiết bị tương lai còn có cả máy quét võng mạc như chiếc Samsung Galaxy Note 7 vừa ra mắt. Nhưng có một dạng bảo mật mà mọi thiết bị đều có đó là mật khẩu và mã PIN. Một điều làm cho Cyanogen OS tự tin về khả năng bảo mật mã PIN của mình là nó có một tính năng được gọi là PIN Scramble.
Thay vì phải sử dụng bàn phím số tiêu chuẩn, Cyanogen OS sắp xếp ngẫu nhiên các chữ số mỗi lần bàn mở khóa điện thoại. Điều này sẽ ngăn chặn những kẻ khác có thể đoán được mật khẩu của bạn dựa trên vị trí ngón tay chạm vào màn hình, hoặc nhìn vào dấu vân tay trên màn hình sau khi mở khóa điện thoại.
Một tính năng bảo mật khác của Cyanogen OS được nhiều người dùng ưa chuộng là đặt bất kỳ ứng dụng nào chứa các thông tin nhạy cảm vào một thư mục có thể khóa. Đây như một lớp bảo mật bổ sung khi bạn có thể đặt các ứng dụng về hình ảnh, trình duyệt, ứng dụng mạng xã hội, tin nhắn, lưu trữ đám mây và bất cứ điều gì vào trong một thư mục, để bạn có thể khóa nó lại bằng mật khẩu, mã PIN hay dấu vân tay.
Kéo dài thời gian hỗ trợ
Các tính năng bảo mật trên sẽ mang lại một cuộc sống mới cho các smartphone Android của bạn. Nhưng Cyanogen OS còn có thể kéo dài tuổi thọ thiết bị của bạn theo một cách hoàn toàn khác.
Ngoài những ngoại lệ cho dòng Nexus và Android One, phần lớn các thiết bị chạy Android phiên bản gốc hoặc đã qua chỉnh sửa về vẻ ngoài, thường chỉ có tuổi thọ trong khoảng hai năm. Điều đó có nghĩa là các thiết bị này sẽ chỉ nhận được các phiên bản Android mới ra mắt trong vong 24 tháng sau khi ra mắt. Ngoại trừ hai dòng thiết bị trên do nhận trực tiếp các bản cập nhật từ Google, còn lại các hãng khác đều chỉ hỗ trợ thiết bị trong thời gian giới hạn đó. Đây được xem như một cách để khích lệ người dùng mua thiết bị mới.
May mắn thay, bạn có thể không phải lo lắng về vấn đề này nếu thiết bị của bạn đang chạy Cyanogen OS. Về cơ bản, các phần mềm bên thứ ba như Cyanogen OS kéo dài thời gian hỗ trợ thiết bị hơn phần lớn các nhà sản xuất thiết bị OEM. Cho dù Cyanogen OS không đủ sức hỗ trợ cho số lượng lớn các thiết bị đã quá cũ trước đây, nhưng có thể các thiết bị đang chạy OS này sẽ tiếp tục nhận được các bản cập nhật vô thời hạn.
Tổng kết
Những tính năng Cyanogen OS mang đến cho Android có thể làm ta nghĩ rằng nó là một hệ điều hành hoàn toàn tách biệt với Android. Tuy nhiên, nó không phải là một hệ điều hành di động riêng biệt. Thay vào đó, nó là một phiên bản Android mang đến thêm các lựa chọn về tùy chỉnh, cải thiện hiệu năng, nâng cao bảo mật và kéo dài thời gian hỗ trợ cho thiết bị di động của bạn. Thiết bị chạy OS này vẫn là một thiết bị Android, nhưng với các tính năng bổ sung tích hợp trên mã nguồn mở của hệ điều hành này.
Tham khảo Android Authority
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI