Đa số ký ức ngày bé của bạn chỉ là ký ức giả, do bạn tự tưởng tượng ra mà thôi

    Thanh Long,  

    Các nhà khoa học cho biết trẻ dưới 3 tuổi chưa thể hình thành ký ức tự truyện, thứ mà lớn lên bạn có thể nhớ và kể lại. Nhưng tại sao lại vậy?

    Ký ức sớm nhất trong đời mà bạn nhớ được là vào năm mấy tuổi? Các nhà khoa học cho biết nếu nó xảy ra trước năm bạn 3 tuổi, nhiều khả năng đó chỉ là những ký ức giả, do bạn tự tưởng tượng ra mà thôi.

    Đó là bởi nhiều nghiên cứu và thí nghiệm đã chỉ ra con người không thể hình thành một dạng ký ức gọi là ký ức tự truyện trước năm 3 tuổi. Năm 2018, một nghiên cứu đăng trên tạp chí Khoa học Tâm lý đã khảo sát hơn 6.000 người ở Anh và nhận thấy 40% trong số họ đã kể ra những ký ức giả trong thời sơ sinh của mình.

    Các ký ức này đã xuất hiện khi tình nguyện viên xem lại một bức ảnh chụp họ hồi bé hoặc đơn giản là câu chuyện được người thân, thường là mẹ họ kể lại. Sau khi lớn lên, những mảnh ký ức giả đó dần trở thành niềm tin mà chính họ tin là ký ức thật.

    Nhưng các nhà khoa học vẫn có thể lật tẩy chúng thông qua việc phân tích ngôn ngữ và các chi tiết trong câu chuyện mà các tình nguyện viên kể lại. Vậy tại sao chúng ta không thể nhớ được những câu chuyện thật đã xảy ra trong 3 năm đầu của cuộc đời mình?

    Bài viết dưới đây của Phó giáo sư tâm lý học Vanessa Lobue đến từ Đại học Rutgers, Hoa Kỳ sẽ trả lời cho bạn phần nào câu hỏi đó.

    Đa số ký ức ngày bé của bạn chỉ là ký ức giả, do bạn tự tưởng tượng ra mà thôi - Ảnh 1.

    Bất cứ khi nào tôi dạy về trí nhớ trong lớp học phát triển trí nhớ của trẻ tại Đại học Rutgers, tôi đều mở đầu bằng cách yêu cầu các học sinh của mình nhớ lại những kỷ niệm đầu tiên trong đời mình.

    Kết quả là, một số người sẽ nói về ngày đầu tiên của họ khi tới trường mầm non. Những người khác kể về một kỷ niệm ngày bé, trong đó họ gặp phải một điều gì đó đau đớn và khó chịu. Một số khác thì hay nói về ngày em ruột của mình ra đời.

    Nếu đi vào chi tiết thì tất cả những ký ức này đều có sự khác biệt rất lớn. Nhưng nhìn rộng ra thì chúng cũng có một vài điểm chung đáng chú ý. Thứ nhất, tất cả đều là ký ức tự truyện, kể về những trải nghiệm quan trọng trong cuộc đời. Và thứ hai chúng thường không xảy ra vào thời điểm trước năm 2 hoặc 3 tuổi.

    Trên thực tế, hầu hết mọi người không thể nhớ các sự kiện đã xảy ra trong vài năm đầu đời của mình - một hiện tượng mà các nhà nghiên cứu đã gọi là "chứng hay quên ở trẻ sơ sinh". 

    Nhưng tại sao chúng ta không thể nhớ những điều đã xảy ra với chính mình, khi chúng ta còn là một đứa trẻ? Liệu có phải trí nhớ trong não bộ con người chỉ bắt đầu hoạt động ở một độ tuổi nhất định hay không?

    Dưới đây là những gì các nhà nghiên cứu biết về trẻ sơ sinh và trí nhớ.

    1. Trẻ sơ sinh có thể hình thành ký ức

    Đa số ký ức ngày bé của bạn chỉ là ký ức giả, do bạn tự tưởng tượng ra mà thôi - Ảnh 2.

    Mặc dù thực tế là mọi người không thể nhớ được gì nhiều trước khi họ 2 hoặc 3 tuổi, nhưng nghiên cứu cho thấy trẻ sơ sinh vẫn có thể hình thành ký ức – chỉ là đó không phải là những loại ký ức mà bạn có thể tự kể về bản thân.

    Trong vài ngày đầu tiên của cuộc đời, trẻ sơ sinh đã có thể ghi nhớ khuôn mặt của mẹ mình và phân biệt nó với khuôn mặt của người lạ. Vài tháng sau, những đứa trẻ đã có thể chứng minh rằng chúng nhớ rất nhiều khuôn mặt quen thuộc, bằng cách mỉm cười với những người mà chúng nhìn thấy thường xuyên nhất.

    Trên thực tế, có rất nhiều loại ký ức khác nhau bên cạnh loại ký ức mang tính tự truyện. Có những ký ức ngữ nghĩa, hay còn gọi là ký ức về thực tế, như tên của các loại táo khác nhau, hoặc thủ đô của đất nước bạn đang sinh sống. Ngoài ra còn có những ký ức thủ tục hoặc ký ức về cách thực hiện một hành động nào đó, chẳng hạn như khi bạn biết cách mở cửa trước xe ô tô hoặc khi bạn lái nó.

    Nghiên cứu từ phòng thí nghiệm của nhà tâm lý học nổi tiếng Carolyn Rovee-Collier trong thập niên 1980 và 1990 cho thấy: Trẻ sơ sinh có thể hình thành một số loại ký ức khác ngay từ khi còn nhỏ.

    Tất nhiên, trẻ sơ sinh không thể kể cho bạn biết chính xác những gì chúng đã ghi nhớ. Vì vậy, Rovee-Collier đã phải thiết kế ra những thí nghiệm đặc biệt, trong đó đặt một nhiệm vụ nhạy cảm với cơ thể và khả năng thay đổi nhanh chóng của trẻ sơ sinh, nhằm đánh giá trí nhớ của chúng.

    Đa số ký ức ngày bé của bạn chỉ là ký ức giả, do bạn tự tưởng tượng ra mà thôi - Ảnh 3.

    Trong một thí nghiệm dành cho trẻ sơ sinh từ 2 đến 6 tháng tuổi, các nhà nghiên cứu đặt trẻ sơ sinh vào một chiếc cũi có thanh treo có thể chuyển động phía trên. Họ đo lường mức độ em bé đạp để biết xu hướng di chuyển chân tự nhiên của chúng.

    Tiếp theo, họ buộc một sợi dây từ chân em bé đến đầu thanh treo di động để bất cứ khi nào em bé đạp, thanh treo sẽ chuyển động. 

    Như bạn có thể tưởng tượng, trẻ sơ sinh nhanh chóng biết rằng chúng đang nắm quyền kiểm soát thanh treo ấy - chúng thích nhìn thấy thanh treo này di chuyển và vì vậy chúng đá nhiều hơn trước khi sợi dây được gắn vào chân của chúng. Điều này cho thấy những đứa trẻ đã học được rằng việc đá sẽ làm cho thanh treo di chuyển.

    Một thí nghiệm khác được thực hiện với trẻ sơ sinh từ 6 đến 18 tháng tuổi cũng tương tự. Nhưng thay vì nằm trong cũi - điều mà nhóm tuổi này sẽ không làm được lâu – những đứa trẻ này sẽ được cho ngồi trong lòng cha mẹ và đặt tay lên một cần gạt công tắc, thứ hễ bật lên sẽ làm cho một đoàn tàu di chuyển quanh một đường ray.

    Lúc đầu, cần gạt không hoạt động và những người thử nghiệm đo mức độ thao tác tay tự nhiên của em bé. Sau đó, họ bật chiếc cần gạt. Bây giờ mỗi khi đứa trẻ ấn vào nó, đoàn tàu sẽ di chuyển quanh đường ray của nó. Một lần nữa, những đứa trẻ ở độ tuổi này lại học được trò chơi một cách nhanh chóng. Chúng tiếp tục nhấn vào cần gạt nhiều hơn khi nó làm cho tàu di chuyển.

    Đa số ký ức ngày bé của bạn chỉ là ký ức giả, do bạn tự tưởng tượng ra mà thôi - Ảnh 4.

    Nhưng tất cả những thí nghiệm đó thì liên quan gì đến trí nhớ và ký ức? Phần rõ ràng nhất của nghiên cứu này là sau khi huấn luyện những đứa trẻ sơ sinh làm một trong những nhiệm vụ này, Rovee-Collier đã đợi vài ngày để kiểm tra xem liệu chúng có nhớ được bài học hay không.

    Khi những đứa trẻ sơ sinh trở lại phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu chỉ cần cho chúng xem thanh treo hoặc chiếc xe lửa và đo lường tần suất chúng có đạp và nhấn chiếc cần gạt.

    Sử dụng phương pháp này, Rovee-Collier và các đồng nghiệp phát hiện: Những đứa trẻ 6 tháng tuổi chỉ cần được huấn luyện trong 1 phút là chúng đã có thể nhớ một sự kiện trong khoảng thời gian 1 ngày sau đó.

    Trẻ càng lớn, chúng càng nhớ lâu. Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy họ có thể giúp trẻ sơ sinh nhớ các sự kiện lâu hơn bằng cách huấn luyện chúng trong thời gian dài hơn và bằng cách đưa ra lời nhắc cho chúng - ví dụ: bằng cách cho chúng xem lại sự chuyển động của đoàn tàu trong thời gian ngắn.

    Nhưng tại sao trẻ không nhớ được ký ức tự truyện?

    Nếu trẻ sơ sinh có thể hình thành ký ức trong vài tháng đời, tại sao chúng, và bây giờ là mọi người chúng ta đều không thể nhớ những điều đã xảy ra từ khi đó? Hiện tại tôi cũng không rõ liệu nguyên nhân của điều đó là gì? Liệu có phải là do chứng hay quên ở trẻ sơ sinh hay vì chúng ta không thể hình thành ký ức tự truyện? Hoặc cũng có thể là chúng ta không có cách nào để nhớ lại chúng?

    Nhưng các nhà khoa học khác đã có một vài phỏng đoán.

    Đa số ký ức ngày bé của bạn chỉ là ký ức giả, do bạn tự tưởng tượng ra mà thôi - Ảnh 5.

    Phó giáo sư tâm lý học Vanessa Lobue đến từ Đại học Rutgers, Hoa Kỳ và một đứa trẻ tham gia thí nghiệm.

    Giả thuyết thứ nhất cho rằng muốn hình thành nên ký ức tự truyện, bạn phải có ý thức về bản thân mình đã. Bạn cần phải có khả năng suy nghĩ về hành vi của mình và sự liên quan của hành vi đó đến những người khác.

    Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra khả năng này trong quá khứ bằng một thí nghiệm nhận dạng hình ảnh trong gương được gọi là "Bài kiểm tra rouge". Nó liên quan đến việc đánh dấu mũi của em bé bằng một vết son đỏ - hoặc là "rouge" (chấm đỏ) như họ đã gọi nó vào thập niên 1970 khi bài kiểm tra này lần đầu được thiết kế ra.

    Sau đó, các nhà nghiên cứu đặt đứa trẻ trước gương. Trẻ sơ sinh dưới 18 tháng chỉ mỉm cười với em bé dễ thương trong hình ảnh phản chiếu của chúng, mà không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào cho thấy chúng nhận ra chính mình hoặc vết đỏ trên mặt.

    Nhưng từ 18 đến 24 tháng tuổi, trẻ bắt đầu biết đi tự sờ vào mũi mình, thậm chí có vẻ xấu hổ. Điều này cho thấy chúng đã kết nối chấm đỏ trong gương với khuôn mặt của chính mình – nghĩa là ở độ tuổi này chúng đã có một chút ý thức về bản thân.

    Đa số ký ức ngày bé của bạn chỉ là ký ức giả, do bạn tự tưởng tượng ra mà thôi - Ảnh 6.

    Một lời giải thích khác cho chứng hay quên ở trẻ sơ sinh là vì ở độ tuổi đó trẻ chưa có ngôn ngữ. Vì vậy cho đến trước năm thứ 3 của cuộc đời, chúng không thể hình thành những câu chuyện kể về cuộc sống của chính mình, thứ để sau này chúng có thể nhớ lại.

    Giả thuyết cuối cùng thì đơn giản cho rằng vùng hồi hải mã, là vùng não chịu trách nhiệm chính về trí nhớ và ký ức của chúng ta chưa phát triển đầy đủ trong thời kỳ sơ sinh. Do đó, chức năng ghi nhớ của mọi đứa trẻ trước năm 3 tuổi đều bị hạn chế.

    Trong tương lai, các nhà khoa học sẽ tiếp tục điều tra xem mỗi yếu tố này có thể đóng góp bao nhiêu phần trăm vào việc giải thích tại sao bạn không thể nhớ được những ký ức mà mình có trước năm 2 tuổi. Mà nếu có đi chăng nữa, những ký ức đó cũng rất mờ nhạt và đa phần chỉ là ký ức giả.

    Tổng hợp

    https://genk.vn/da-so-ky-uc-ngay-be-cua-ban-chi-la-ky-uc-gia-do-ban-tu-tuong-tuong-ra-ma-thoi-20220617161056007.chn
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày