Gián đoạn chuỗi cung cấp, hủy bỏ các sự kiện, hoãn ra mắt sản phẩm, đẩy giá sản phẩm lên cao cùng nhiều hệ lụy khác là những gì đang diễn ra trong ngành công nghiệp smartphone khi virus corona tràn đến.
Không đơn giản chỉ là một căn bệnh thông thường, việc bùng phát dịch do virus corona đã gây ra tác động khủng khiếp đến toàn thế giới.
Bên cạnh việc lây nhiễm đến hơn 135.000 người bệnh trên toàn cầu, làm cho hơn 5.000 người tử vong cho đến nay, đại dịch này còn tác động to lớn đến kinh tế toàn cầu, khi hoạt động sản xuất phải dừng lại, ngành dịch vụ du lịch, khách sạn và hàng không toàn thế giới lao đao khi lượng khách sụt giảm trầm trọng, kéo theo những hậu quả trầm trọng khác.
Không nằm ngoài thảm cảnh đó, ngành công nghiệp smartphone toàn cầu cũng bị ảnh hưởng nặng nề không kém từ việc bùng phát đại dịch này. Dưới đây là những hậu quả mà ngành công nghiệp công nghệ cao đang phải gánh chịu từ việc bùng phát virus corona này.
Gián đoạn chuỗi cung ứng, đẩy giá thành sản phẩm tăng cao, hoãn ra mắt các sản phẩm mới, hủy bỏ các sự kiện, cắt giảm các sự kiện tiếp thị và sa thải nhân sự trong ngành là những gì đang được xem như hậu quả của đại dịch lần này.
Gián đoạn chuỗi cung ứng
Phần lớn các tác động ban đầu của đại dịch này xảy ra ở Trung Quốc, nơi sản xuất đại đa số thiết bị điện tử trên toàn thế giới. Tuy vậy, sự gián đoạn tại Trung Quốc cũng làm chuỗi cung cấp tại các quốc gia trở nên hỗn loạn. Đối với smartphone, một ngành công nghiệp phụ thuộc vào mạng lưới các chuỗi cung ứng liên kết một cách sâu rộng với nhau, ảnh hưởng này còn nặng nề hơn bao giờ hết.
Foxconn, nhà lắp ráp smartphone danh tiếng trên thế giới đã phải đóng cửa các nhà máy của mình tại Trung Quốc suốt từ tháng Hai năm 2020 và cho dù hiện tại họ đã bắt đầu sản xuất lại, nhưng không biết sẽ mất bao lâu để trở lại công suất như trước đây. Không lâu sau đó, ảnh hưởng của virus corona đã nhanh chóng lan ra ngoài Trung Quốc.
Các kịch bản có thể xảy ra với thị trường smartphone toàn cầu: lượng xuất xưởng giảm 4,3% trong tình huống tốt nhất, và giảm đến 12,6% trong tình huống xấu nhất.
Một số nhà máy của Samsung, LG Display tại Hàn Quốc đã phải tạm đóng cửa một vài ngày khi phát hiện có công nhân nhiễm virus. Bên cạnh đó, các nhà máy của những công ty này tại Brazil cũng đã phải đóng cửa vì thiếu linh kiện. Kịch bản này đang xẩy ra ở cả nhiều ngành công nghiệp khác nữa.
Hãng Canalys dự đoán rằng, trong kịch bản tốt nhất, lượng smartphone xuất xưởng sẽ giảm khoảng 4,3% xuống tổng cộng 1,3 tỷ thiết bị trong năm 2020. Kịch bản xấu nhất sản lượng sụt giảm sẽ lên đến 12,6% trong năm nay. Hơn nữa, lượng smartphone xuất xưởng sẽ chỉ bắt đầu trở lại bình thường từ quý 3 năm nay.
Chi phí gia tăng và các sản phẩm mới hoãn ra mắt
Theo trang tin India Today, giá của chiếc Xiaomi Redmi Note 8 đã được điều chỉnh tăng lên khi công ty cho biết virus corona đã ảnh hưởng đến chuỗi cung cấp của họ tại Trung Quốc. Trong những ngày tới, điều tương tự có thể xảy đến với nhiều thiết bị khác nữa khi tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp.
Ngoài ra nhiều sự kiện công nghệ đã bị hoãn lại hoặc hủy bỏ. Vào giữa tháng Hai, hội chợ di động MWC đã phải hủy bỏ do lo ngại việc lây lan virus corona. Ngoài ra hàng loạt hội chợ lớn khác trong tháng Ba cũng đã phải hủy bỏ, bao gồm hội nghị Game Developers Conference, triển lãm ô tô Geneva Auto Show. Các hội nghị nhà phát triển như Google I/O, Microsoft Build và cả WWDC của Apple đều phải hủy bỏ và chuyển sang nền tảng trực tuyến.
Đi kèm với điều đó là việc trì hoãn ra mắt các sản phẩm mới. Sau khi hội chợ di động MWC bị hủy bỏ, chiếc flagship Edge tin đồn của Motorola đã không còn được công ty nhắc đến nữa. Chiếc Mi 10 Pro của Xiaomi, vốn dự định ra mắt trong sự kiện MWC năm nay, cũng đã phải hoãn lại đến 27 tháng Ba.
Không chỉ việc ra mắt thiết bị, ngay cả việc cập nhật phần mềm cho các thiết bị di động cũng bị hoãn lại. Xiaomi cho biết, bản cập nhật Android 10 vào giữa tháng Hai cho chiếc Mi A3 của họ sẽ bị hoãn lại do việc bùng phát virus corona. Bên cạnh đó, hãng HMD cũng cho biết, hoãn phát hành bản cập nhật Android 10 cho các thiết bị Nokia cũng sẽ bị chậm lại vì lý do tương tự. Nhiều hãng smartphone khác cũng cho biết việc phát triển phần mềm đang bị chậm lại do nhiều nhân viên phải làm việc tại nhà.
Galaxy S20, dòng flagship hiếm hoi ra mắt vào đầu năm nay trong một sự kiện thực tế, chứ không phải tổ chức online như nhiều đối thủ khác.
Trong dài hạn, khi thế giới bước vào thời kỳ hậu corona, chắc chắn các hãng smartphone sẽ có những thay đổi lớn trong cách tiếp thị và PR sản phẩm của mình. Họ có thể chọn cách tổ chức trực tuyến thay vì các sự kiện báo chí hoành tráng để giảm bớt chi phí. Nhiều hãng như Xiaomi, Huawei, Oppo và Sony đã chọn cách này, vì vậy có lẽ nó sẽ phổ biến hơn trong tương lai.
Ngày càng nhiều công ty chuyển việc sản xuất khỏi Trung Quốc
Sau các tác động từ việc gia tăng chi phí lao động và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, việc bùng phát virus corona đang cho các công ty điện tử thêm nhiều lý do để giảm bớt sự phụ thuộc của họ vào khả năng sản xuất của Trung Quốc.
Báo cáo cho thấy một số công ty đã lên kế hoạch giảm phụ thuộc vào các nhà máy tại Trung Quốc. Ví dụ Google đã tìm đến các nhà máy tại Việt Nam để sản xuất chiếc Pixel 4a sắp ra mắt và sẽ làm điều tương tự đối với dòng Pixel 5 cao cấp. Ngoài ra Google còn tìm đến các nhà máy tại Thái Lan để sản xuất các thiết bị nhà thông minh của mình. LG cũng chuyển hoạt động sản xuất smartphone của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Mặc dù vậy việc chuyển hoàn toàn chuỗi cung cấp ra khỏi Trung Quốc được xem là một điều vô cùng khó khăn. Mỗi linh kiện lại là "một điểm nghẽn đơn lẻ khi chúng lại là thành phần cần thiết cho việc lắp ráp các module và những sản phẩm hoàn chỉnh. Rất khó để dịch chuyển, khi nó cần đến toàn bộ hệ sinh thái." Hãng nghiên cứu thị trường Kearney cho biết.
Ai sẽ là người hưởng lợi từ việc bùng phát virus corona này?
Hiện tại, hàng loạt công ty công nghệ lớn như Facebook, Microsoft, Google, Apple cùng nhiều hãng khác đã yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà. Bên ngoài ngành công nghệ, những ngành khác cũng đang đi theo xu hướng này.
Trong bối cảnh như vậy, dễ thấy là những hãng cung cấp công cụ làm việc trực tuyến sẽ là người được hưởng lợi trước tiên. Nhưng quan trọng hơn cả là cách họ thu hút khách hàng của mình. Microsoft và Google đều đang cung cấp miễn phí các tính năng trả phí cho khách hàng, với hy vọng sau khi cuộc khủng hoảng qua đi, những khách hàng này sẽ tiếp tục sử dụng và trả phí cho họ.
Ngoài ra số người ở nhà gia tăng cũng khiến những hoạt động trực tuyến khác như các dịch vụ mua hàng online hay giao hàng trực tuyến được sử dụng thường xuyên hơn. Thay vì sa thải, hãng Amazon thậm chí còn phải tuyển thêm nhân viên cho các kho hàng của mình để đáp ứng nhu cầu mua hàng và giao hàng của người dùng.
Tương tự như vậy là các dịch vụ giải trí trực tuyến như streaming và truyền hình trực tuyến cũng như dịch vụ mua game trên di động, PC và cả máy console. Thật trớ trêu là đây đúng lại là thời điểm các dịch vụ chơi game đám mây như Google Stadia, Microsoft xCloud và Nivida Geforce Now ra mắt. Sau những nghi ngờ về khả năng thành công, việc bùng phát virus corona đang mang lại cơ hội lớn cho các dịch vụ game mới mẻ này.
Tình huống xấu nhất là gì: suy thoái kinh tế toàn cầu
Ở trên mới chỉ là những tác động trực tiếp của đại dịch virus corona đối với ngành công nghiệp smartphone. Nhưng rõ ràng virus này đang cho thấy sức tàn phá khủng khiếp của nó khi tác động của nó đang lan ra nhiều ngành công nghiệp khác nhau trên toàn cầu.
Ngành du lịch toàn cầu đã trở thành ngành đầu tiên bị tác động từ virus này, khi có đến 20% số chuyến bay phải cắt giảm do các biện pháp ngăn chặn khả năng lây lan virus. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế ước tính ngành hàng không có thể mất đến 113 tỷ USD doanh thu trong năm 2020, tùy thuộc vào khả năng lan rộng của virus. Điều tương tự cũng đến với lĩnh vực khách sạn, lưu trú, giải trí và các dịch vụ khác.
Hiện tại, trong khi Trung Quốc đang cho thấy mình đã kiểm soát được dịch bệnh, châu Âu, Mỹ và nhiều quốc gia khác dường như mới đang chỉ ở giai đoạn bắt đầu. Pháp, Ý, Tây Ban Nha và một số bang ở Mỹ đã phải tiến hành phong tỏa để kiểm soát khả năng lây lan của virus. Điều đó kéo theo các tác động lớn hơn nữa đến kinh tế khu vực và toàn cầu khi hàng loạt các cơ sở kinh doanh, trường học, giải trí phải đóng cửa.
Điều này chắc chắn sẽ kéo tụt nhu cầu smartphone mới và đẩy nhiều thương hiệu smartphone nhỏ hoặc kinh doanh kém hiệu quả phải giải thể hoặc sáp nhập vào các công ty lớn. Tình hình còn có thể tồi tệ hơn nữa khi một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu diễn ra. Dù việc tìm ra vaccine hoặc liệu pháp chữa trị hiệu quả Covid-19 có thể ngăn chặn điều này, nhưng có thể sẽ mất ít nhất hàng năm trời cho điều đó. Cho đến lúc đó, nhiều khả năng nền kinh tế thế giới vẫn sẽ trượt sâu vào suy thoái cùng với cả ngành công nghiệp smartphone hiện nay.
Tham khảo Android Authority
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"