Đằng sau cơn chán face của tôi là lý do vì sao Facebook lên đỉnh cao còn Xiaomi, Uber, Tesla vẫn đang khốn khó

    Lê Hoàng,  

    Đằng sau sự chán ngán vì... không thể từ bỏ của tôi cũng là lý do duy nhất khiến cho Facebook trở thành một thế lực công nghệ còn Xiaomi, Uber, Tesla hay bất kỳ một startup hùng mạnh nào khác cho đến giờ vẫn đang đi thăng bằng bên bờ vực.

    Nếu ai đó hỏi cảm nhận của tôi về Facebook thì chắc chắn tôi sẽ khẳng định với họ rằng tôi đã chán ngán mạng xã hội của "anh Mark". Tôi chẳng có lý do gì để hàng ngày phải lướt tay qua những câu chuyện ngoại tình đầy lỗ hổng logic do một cửa hàng mỹ phẩm nào đó nghĩ ra. Tôi bực mình vì điện thoại cứ rung khi ai đó phát trực tiếp cảnh họ "làm trò mèo" (đôi khi là theo đúng nghĩa đen). Tôi cáu mỗi lần một cậu bạn "sành công nghệ" nào đó dính mã độc trên Android rồi gửi cho tôi tin nhắn Messenger mời mua SIM, cắt tóc, vay tiền mua nhà... Tôi phát nản vì những anh chàng suốt ngày rao giảng triết lý đạo đức cao siêu trong khi họ lẽ ra có thể dành thời gian để xem người khác "làm trò mèo" chẳng hạn.

    Cùng lúc, có biết bao ứng dụng và dịch vụ web thú vị hơn Facebook một tỷ lần đã ra đời để tôi giết thời gian. Tại sao người ta lại cứ sử dụng Facebook Messenger trong khi trải nghiệm Snapchat mới là thực sự mới mẻ và thú vị? Up ảnh lên Facebook làm gì nếu như "anh Mark" lúc nào cũng khiến cho bức ảnh của tôi bị vỡ, còn Google thì tuy có nén nhưng vẫn áp đảo Facebook về mặt chất lượng?

    Nhưng cùng lúc, tôi không thể từ bỏ Facebook.

    Bạn đừng vội nghĩ rằng tôi "nghiện" trải nghiệm tiêu cực trên Facebook. Trái lại, nếu như bạn đã đọc những gì tôi viết ở phía trên thì bạn chắc hẳn đã nhận ra rằng nếu không có Facebook, cuộc đời của tôi cũng tích cực hơn rất nhiều.

    Nhưng tôi không thể bỏ mạng xã hội của "anh Mark". Lý do là bởi tất cả bạn bè và gia đình của tôi đang sử dụng Facebook.

    Nếu để ý suy nghĩ về lĩnh vực mạng xã hội/app nhắn tin bạn sẽ nhận ra một đặc điểm cực kỳ quan trọng: càng có nhiều người dùng thì mạng xã hội này càng hữu dụng với mỗi người. Hãy nhớ lại thời điểm Google gây sốt vào năm 2010: trong khi các tính năng xã hội của mạng xã hội này không hẳn là thua kém Facebook, người dùng Google nhanh chóng nhận ra rằng lượng người tiếp nhận thông tin của họ thấp hơn trên Facebook rất nhiều. Kết quả là chẳng mấy chốc Google trở thành bãi hoang và giờ đã bị cha đẻ bỏ mặc ở trạng thái sống thực vật.

    Những ứng dụng nhắn tin cũng vậy. Cho đến tận thời điểm cách đây 3 năm tôi vẫn thường dùng Viber để nhắn tin với bạn bè mà không cần quan tâm xem họ dùng iPhone hay Android. Cũng vào thời điểm đó, thị trường OTT tại Việt Nam khá "loạn" với sự góp mặt của LINE và WeChat. Khi tất cả các tên tuổi này bắt đầu nguội và Zalo trở thành tiêu chuẩn mới, tôi cũng xóa luôn tất cả các ứng dụng nhắn tin trên máy. Hai ngoại lệ duy nhất là Snapchat với trải nghiệm sử dụng quá thú vị và WhatsApp, dịch vụ được dùng rất nhiều tại đất nước tôi đến du lịch.

    Cả Snapchat lẫn WhatsApp đều không phải là những ứng dụng phổ biến tại Việt Nam. Để tiếp tục giữ liên lạc với tất cả những người mình biết mà không cần phải động đến Zalo, tôi buộc phải kích hoạt Facebook Messenger. Như bạn có thể đoán ra, tất cả những người tôi biết đều có Facebook.

    Chính đặc thù này của lĩnh vực xã hội đã giúp cho Facebook giữ vững vị trí là một thế lực thống trị thế giới trong khi các startup khác, dù có thành công đến mấy, lúc nào cũng như ngồi trên đống lửa. Hãy nhìn mà xem: 3 năm sau khi khởi động cuộc đua smartphone cấu hình cao giá rẻ khiến cho Samsung khốn đốn, Xiaomi cũng đã hết hấp dẫn và "bỗng dưng" mất đến... 90% giá trị vốn hóa. Uber gây ồn ào ở tất cả mọi nơi nhưng đến tận bây giờ vẫn đốt hàng tỷ USD mỗi năm và tương lai cũng chẳng có gì chắc chắn.

    Ở cùng một tình cảnh với Uber là Tesla. Dưới sự lãnh đạo của tỷ phú Elon Musk, Tesla đã tiên phong cho cuộc cách mạng xe điện và xe tự lái, không chỉ hoàn thiện giấc mơ xe xanh thành thực tế mà còn có những nỗ lực mang tầm nhìn này đến với người dùng phổ thông với chiếc Model 3. Thế nhưng, đã gần đến sinh nhật thứ 10 mà Tesla vẫn chưa ổn định được chu trình cung ứng của mình và vẫn tiếp tục lỗ. Ảnh hưởng sâu rộng của Elon Musk là không cần phải bàn cãi, nhưng khả năng sống sót của Tesla thì lại là chuyện khác.

    Tất cả những thay đổi được Xiaomi, Uber và Tesla mang đến đều có thể nói là quan trọng không kém gì thay đổi của Facebook (tạo ra phương tiện giao tiếp mới cho con người). Thế nhưng, ngoại trừ lĩnh vực mà Facebook đang làm chủ, tất cả các lĩnh vực khác đều không có được một sợi dây trói buộc người dùng như mạng xã hội. Xiaomi phá giá thì các hãng khác cũng có thể phá giá, Uber mở được tại Mỹ thì Trung Quốc cũng có ngay đối thủ cạnh tranh. Và Tesla, đến khi Mercedes, Audi và Volvo cũng làm chủ được công nghệ xe điện và xe tự lái (điều rất dễ xảy ra) thì Tesla cũng không thực sự còn thế mạnh riêng nào cả.

    Thực tế, câu chuyện của Xiaomi, Uber hay Tesla cũng là câu chuyện quá phổ biến với giới startup lúc nào cũng tiên phong cho những tầm nhìn có thể thay đổi thế giới. Nhưng thay đổi thế giới đòi hỏi rất nhiều vốn, và chẳng có lý do gì các thế lực giàu có hơn không thể dùng tiền để đè bẹp những kẻ nổi loạn bằng chính công thức thành công do họ tiên phong. Điều này đúng với mảng phần cứng như Xiaomi, Tesla, GoPro và càng đặc biệt đúng với mảng phần mềm/dịch vụ mạng như Dropbox, Uber và Evernote.

    Facebook thì khác, càng nhiều người tham gia vào Facebook thì sợi dây trói buộc tất cả mọi người ở lại với "anh Mark" càng lớn, lớn tới mức như Google cũng không thể đánh bại được. Như tôi chẳng hạn, muốn thể hiện với đồng nghiệp rằng ngoài việc code tôi còn biết viết lách thì tôi sẽ phải "share" bài viết này lên đâu, Twitter, Google hay Facebook? Muốn chat ảnh với cô bạn cùng có mặt trong bức ảnh họp lớp ngày hôm qua thì tôi nên hỏi nick Snapchat hay nên click vào profile của cô ấy rồi chạm nhẹ vào biểu tượng Messenger? Sau này lỡ có lúc chuyển sang bán mỹ phẩm, nên spam Facebook hay spam Google đây?

    Tôi nghĩ câu trả lời cho tất cả những câu hỏi trên là rất hiển nhiên. Facebook cũng hiểu rõ điều đó và liên tục mua lại những công ty có thể đe dọa tới vị thế thống trị của mình, từ WhatsApp (nhắn tin), Instagram (mạng xã hội/chụp ảnh) cho tới Oculus (nghĩ mà xem, VR rất dễ thay đổi cách giao tiếp qua mạng của con người). Kết quả là công ty của Mark Zuckerberg, dù mỗi quý chỉ kiếm được vỏn vẹn 5 tỷ USD doanh thu (tức là chỉ ngang với lãi ròng của Google) vẫn luôn được công nhận là một thế lực đối đầu với tất cả các gã khổng lồ công nghệ. Ngay đến cả Google hùng mạnh như vậy cũng phải chấp nhận cho mạng xã hội con cưng của mình chết tức tưởi dưới tay Facebook.

    Đến một ngày Zuckerberg muốn "tẩy não" loài người bằng cách thao túng News Feed, chắc chắn Google, Microsoft hay Apple cũng sẽ chỉ biết đứng nhìn. Biết làm sao được, vì tôi, bạn và hơn 1 tỷ người khác đã bị Facebook "trói" lại mất rồi.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ