Bạn có tin nhân viên Facebook từng nảy sinh ý định thao túng bầu cử Tổng thống Mỹ không?

    Lê Hoàng,  

    May mắn là Mark Zuckerberg không đồng ý cho nhân viên của mình làm như vậy. Ít nhất là vào thời điểm hiện tại.

    Với những phát ngôn ngớ ngẩn như yêu cầu Apple phải đưa mảng sản xuất về nước Mỹ hay "Tôi không sử dụng thứ email đó đó" và thậm chí là đề xuất… xóa bỏ Internet, sẽ là chẳng có gì ngạc nhiên nếu như các công ty công nghệ cao tại Thung lũng Silicon không ưa ứng viên Đảng Cộng Hòa Donald Trump. Thậm chí, các nhân viên thuộc mạng xã hội số 1 hành tinh Facebook còn từng đưa ra ý tưởng dùng các nguồn lực của Facebook để ngăn chặn kịch bản ông Trump trúng cử Tổng thống Mỹ.

    May mắn là khi những nhân viên này hỏi ý kiến của CEO Mark Zuckerberg, tỷ phú trẻ tuổi này đã thay mặt cả công ty nói "không".

    Yêu cầu nói trên được các nhân viên Facebook đưa ra trong một cuộc khảo sát phạm vi toàn công ty được tổ chức hàng tuần diễn ra vào tháng trước, ngày 4/3. Câu hỏi "Facebook có trách nhiệm gì để ngăn Donald Trump lên làm Tổng thống vào năm 2017" là câu hỏi đứng thứ 5 về mức độ phổ biến trong cuộc khảo sát này.

    Đây không phải là một câu hỏi quá bất ngờ, nhất là khi bạn suy nghĩ tới tầm nhìn "Thay đổi thế giới" rất phổ biến tại các công ty hi-tech. Thế nhưng, câu hỏi này và mức độ được ưa thích của nó với các nhân viên Facebook lại có thể mang tới những hệ lụy rất đáng lo ngại. Với hơn 1 tỷ người dùng thường xuyên và 1,5 tỷ người dùng có tài khoản trên toàn cầu, Facebook rõ ràng đang là một trong những thực thể kinh tế/chính trị hùng mạnh nhất thế giới. Đây không chỉ là nơi chúng ta khoe những chi tiết nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày mà còn là một kênh giao tiếp xã hội khổng lồ. Từ các công ty quảng cáo, các tập đoàn truyền thông cho tới các nhãn hiệu mỹ phẩm, ai ai cũng hiểu sức mạnh của kết nối – và giờ Facebook đang thao túng khái niệm đó.

    Nhưng trong tuyên bố của mình, Facebook đã dập tan những lo ngại về khả năng thao túng chính trường, ít nhất là ở thời điểm hiện tại: "Với tư cách là một công ty, chúng ta trung lập. Chúng ta chưa bao giờ và sẽ không bao giờ sử dụng sản phẩm của mình để gây ảnh hưởng lên lá phiếu của mọi người".

    Trong khi về mặt pháp lý, Facebook có quyền gây ảnh hưởng tiêu cực tới chiến dịch tranh cử của ông Trump, điều này không có nghĩa rằng mạng xã hội của Zuckerberg sẽ làm như vậy. Giáo sư luật Eugene Volokh khẳng định với Gizmodo rằng "Facebook có các quyền Tu Chính Thứ Nhất giống như tờ New York Times. Họ có quyền chặn ông Trump nếu họ muốn. Họ có thể ngăn chặn ông ta hoặc cổ vũ cho ông ta".

    May mắn là Facebook không làm như vậy.

    Thực tế, Facebook đã luôn là một thế lực đáng nể trong các cuộc bầu cử. Mạng xã hội này được đánh giá là một trong những công cụ dự đoán chính xác nhất về kết quả bầu cử và cũng là công cụ kích thích người dùng đi bỏ phiếu hiệu quả nhất. Năm 2010, Facebook đã đặt nút "I Voted" ("Tôi đã bỏ phiếu") lên 98% trang thông tin cá nhân của người dùng. Năm 2012, Facebook lại thay đổi bảng tin của người dùng trong nỗ lực kích thích họ tham gia bỏ phiếu. Dĩ nhiên là những nỗ lực này của Facebook đã đem lại tác dụng tích cực.

    Nhưng trong khi Mark Zuckerberg muốn người dùng của mình tham gia vào các vấn đề chính trị, tỷ phú trẻ tuổi này có vẻ vẫn chưa quan tâm tới việc lựa chọn bên chiến thắng. "Bỏ phiếu là một trong những giá trị cốt lõi của chế độ dân chủ và chúng tôi tin rằng hỗ trợ sự tham gia từ người dân cũng là một sự đóng góp mà chúng tôi có thể thực hiện cho cộng đồng. Chúng tôi khuyến khích tất cả các ứng viên, các nhóm và người dùng sử dụng nền tảng của chúng tôi để chia sẻ tầm nhìn của mình với cuộc bầu cử và tranh luận về các vấn đề này".

    Tuy vậy, giáo sư Volokh vẫn khẳng định lại rằng nếu Facebook muốn chống lại Trump thì điều đó cũng là hợp lý. "Họ có thể nói rằng 'Chúng tôi không muốn chứa chấp các tài liệu về Donald Trump trên trang của chúng tôi', và họ có đầy đủ quyền làm điều đó. Tu Chính Thứ Nhất bảo vệ quyền này".

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ