Đánh giá bo mạch chủ ASUS Prime X299-Deluxe: độc đáo với màn hình OLED ngộ nghĩnh

    Master Dùi,  

    Không chỉ có hiệu năng hàng đầu, chiếc bo mạch chủ này còn mang đến chút giải trí cho game thủ.

    Thị trường linh kiện máy tính đang dần trở nên bão hoà khi mọi thứ đều được RGB hoá. Thế nhưng, các nhà sản xuất vẫn có những cách để tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm của mình. Mang danh nhà sản xuất linh kiện gaming hàng đầu thế giới, ASUS đã có một sự bổ sung khá độc đáo cho chiếc bo mạch ASUS Prime X299-Deluxe mới nhất dành cho dòng CPU Intel Core-X. Khi RGB đã trở nên nhàm chán, tại sao không thử bổ sung hẳn một chiếc màn hình hiển thị nhỏ lên bo mạch.

    Mở hộp

    Vỏ hộp của Prime X299-Deluxe có kích thuớc dài rộng bình thường nhưng khá dày. Trọng lượng của toàn bộ hộp và sản phẩm bên trong cũng có phần trội hơn bởi số lượng phụ kiện cực kì đa dạng bên trong. Không có gì lạ khi ASUS thậm chí còn trang bị một tay xách cho vỏ sản phẩm để tiện vận chuyển. Mặt sau hộp là hàng loạt các công nghệ nổi bật mà ASUS cũng như Intel tích hợp trên bo mạch chủ này như Intel Optane, Intel VROC,...

    Thuộc dòng cao cấp trong các bo mạch chủ cao cấp, chiếc Prime X299-Deluxe này còn có hẳn một nắp mở để chiêm ngưỡng chiếc bo mạch chủ bên trong. Số lượng phụ kiện của chiếc bo mạch chủ này có thể khẳng định là nhiều nhất trong những chiếc bo mạch chủ tôi từng có dịp thử nghiệm từ trước đến giờ. Ngoài sách và đĩa phần mềm hướng dẫn, trong hộp còn có tới 6 dây SATA III, 2 cầu SLI gồm 1 chiếc x2 và 1 chiếc x3, card mở rộng cho quạt case, card mở rộng ThunderboltEX 3, ăng-ten WiFi, 3 cảm biến nhiệt cũng như giá đỡ cho NVMe.

    Chi tiết sản phẩm

    Lấy tông trắng/đen/xám làm chủ dạo, thiết kế của chiếc bo mạch chủ ATX này chắc hẳn sẽ gặp khó khăn trong việc gây ấn tượng với người dùng. Tuy nhiên, từ đó chúng ta có thể thấy được chiếc bo mạch chủ này được ưu tiên phát triển về hiệu năng hơn là thiết kế.

    Thiết kế nguồn 8 pha cùng nguồn điện vào 8 4pin, các CPU Core-X mới nhất của Intel có thể tự tin toả sáng ở mức xung cao nhờ dòng điện dồi dào. Cũng theo đánh giá của một số dân chơi ép xung có tiếng trên thế giới, thiết kế 8 4 pin mới là đủ cho những chiếc CPU Intel Core i9 Skylake-X bởi điện năng tiêu thụ của chúng khá cao, khoảng 140W trở lên chưa kể ép xung. Việc chia tải cho nguồn thành 8 4pin sẽ đảm bảo dây nguồn không bị quá tải mà dẫn đến cháy nổ hay giảm hiệu năng.

    Socket LGA2066 tuy mới hoàn toàn nhưng backplate và vị trí bắt vít vẫn y hệt LGA2011-3, giúp người dùng có thể yên tâm đầu tư những giải pháp tản nhiệt xịn nhất mà không phải lo về vấn đề tương thích. Đây là một lợi thế vô cùng lớn của Intel Core-X trong cuộc đua HEDT với AMD Ryzen Threadripper.

    Nửa dưới của Prime X299-Deluxe cũng cho thấy sự "deluxe" - hạng sang của mình. 3 khe PCIe 3.0 x16 của chiếc bo mạch chủ này đều được gia cố bằng thép để có thể đỡ những chiếc card đồ hoạ nặng nề nhất. Việc bọc thép cả 3 khe cùng cầu SLI x3 cho thấy chiếc bo mạch chủ này sẽ hướng tới những dàn máy có cấu hình lên tới 3 card đồ hoạ.

    Điểm đặc sắc nhất của chiếc bo mạch chủ này chính là màn hình OLED LiveDash ở phía dưới socket. Tôi sẽ đi sâu vào chiếc màn hình này ở phần sau bài viết. Cụm tản nhiệt chipset của X299-Deluxe cũng đảm nhiệm luôn nhiệm vụ tản nhiệt cho ổ cứng NVMe được cắm ở khe M.2 ngay phía dưới. Theo quảng cáo của ASUS, miếng nhôm này có thể giảm tới 15 độ C nhiệt độ khi hoạt động của NVMe.

    Cạnh dưới của chiếc bo mạch chủ này là nút Power, Reset, đèn Debug và nút clear CMOS cũng như MemOK. Ngoài ra là hàng loạt các chân cắm cho quạt hay đèn LED để đồng bộ các dải LED RGB gắn trên case với LED trên bo mạch.

    Số lượng cổng kết nối của Prime X299-Deluxe cũng thuộc hàng khủng với 4 cổng USB 3.0, 4 cổng USB 2.0 và 3 cổng USB 3.1 Type-A và 1 Type-C. Không những được trang bị khả năng gắn tới 2 ăng-ten WiFI MIMO để tăng tầm bắt sóng, chiếc bo mạch chủ này còn được trang bị tới 2 cổng Ethernet với khả năng TeamUp - gộp băng thông của 2 đường truyền. Tiếc là tính năng này chỉ hoạt động trên Windows 7.

    Phụ kiện

    Sẽ thật là thiếu sót khi không nhắc đến các phụ kiện đặc trưng của chiếc X299-Deluxe này. Đầu tiên có thể kể đến chiếc card mở rộng ThunderboltEX 3 vốn có giá bán lẻ lên tới 80 USD. Chiếc card này sẽ sử dụng băng thông PCIe 3.0 x4 để đủ sức truyền tải lượng thông tin khổng lồ mà một cổng Thunderbolt 3 Type-C sẽ cần đến. Thậm chí nếu cần, người dùng có thể lấy hình ảnh được xuất từ card thông qua kết nối Mini DisplayPort 1.2 IN để ghép và xuất ra cổng Thunderbolt 3.0 Type-C. Với cách làm này, bạn sẽ hạn chế bớt được dây dợ lằng nhằng từ case tới màn hình. Tất cả bạn cần chỉ là một dây Thunderbolt 3 và một chiếc màn hình hỗ trợ chuẩn kết nối này.

    Một phụ kiện có phần kém đắt giá hơn chút là chiếc card mở rộng cho quạt. Với chiếc card này, người dùng có thể trang bị thêm tới 4 cổng cắm quạt PWM, nâng tổng số quạt có thể cắm trên bo mạch chủ lên tới 9. Với số lượng chân quạt này, bạn có thể hoàn toàn thiết lập hệ thống tản nhiệt nước lên tới 2 loop nếu cần.

    ASUS Prime X299-Deluxe LiveDash

    Thứ gây ấn tượng với tôi hơn cả trên chiếc bo mạch chủ này có lẽ là màn hình OLED. Chiếc màn hình này có thể được thiết lập bằng công cụ LiveDash của ASUS để hiển thị các thông số như tốc độ quạt, nhiệt độ CPU, điện áp của CPU. Không những thế, bạn còn có thể chọn một trong vài ảnh động ngộ nghĩnh của ASUS để thêm chút vui tươi cho dàn máy có phần khô khan của mình.

    Cấu hình thử nghiệm:

    -CPU: Intel Core i7-7800X

    -Bo mạch chủ: ASUS Prime X299-Deluxe

    -RAM: G.Skill TridentZ RGB 2x8GB @ 3200MHz

    -Card đồ hoạ: GeForce GTX 1080 Ti

    -NVMe: Samsung SM961 256GB

    -SSD: SanDisk Ultra II 500GB

    -PSU: CoolerMaster Silent Pro 1000W

    -Case: Phanteks P400 Tempered Glass

    Thử nghiệm hiệu năng:

    Ở bài thử nghiệm đa nhiệm và đơn luồng với CineBench R15, chiếc X299-Deluxe đã cho số điểm nhỉnh hơn một chút so với đối thủ tới từ một nhà sản xuất khác.

    Với AID64, chiếc bo mạch chủ này cũng cho thấy khả năng kết nối và đưa hiệu năng của các linh kiện trong hệ thống lên mức tối ưu nhất có thể. Kể ra nếu có sẵn kit 4 thanh RAM để chạy kênh tứ, băng thông bộ nhớ của hệ thống sẽ còn ấn tượng hơn rất nhiều.

    Mức điểm 9283 ở bài thử Time Spy cũng cho thấy hệ thống đang nằm ở mức hàng top 3-4% trên thế giới.

    PassMark cũng là một bộ công cụ toàn diện để đánh giá hiệu năng củ toàn hệ thống. Có thể thấy, chiếc Prime X299-Deluxe đang được trang bị những linh kiện xứng tầm nhất với đẳng cấp của mình, giúp toàn hệ thống lọt vào top 1% trên cơ sở dữ liệu của PassMark.

    5859 trên Superposition cũng là một số điểm có phần nhỉnh hơn vài chục điểm so với các hệ thống X299 khác mà tôi đã thử nghiệm. Để phân tích sâu nguyên nhân thì chúng ta sẽ có nhiều yếu tố để suy xét tới nhưng có một điều có thể tạm hợp lý là "tiền nào của ấy".

    Nhiệt độ:

    Ở bài thử với AIDA64, khi stress test, CPU với nguồn điện ổn định dù bị hành xác suốt 30 phút vẫn có nhiệt độ chỉ cao nhất ở mức 63 độ C. Chưa kể, giải pháp tản nhiệt DeepCool Gammaxx 400 của tôi còn thuộc hàng giá rẻ. Nếu được trang bị một chiếc tản AIO đắt tiền, nhiệt độ sẽ còn ấn tượng hơn rất nhiều cũng như khá nhiều khoảng trống để ép xung cường độ lớn.

    Trong khi đó, khi chạy Prime95 trong khoảng 15', nhiệt độ của CPU cao nhất cũng chỉ lên tới 80 độ C với xung nhịp được đẩy lên gần 4,1GHz trên toàn bộ 6 nhân. Nếu được trang bị một giải pháp tản nhiệt nước loại tốt, chắc chắn hệ thống có thể đạt được đến ngưỡng 4.2-4.3GHz mà không gặp trở ngại gì.

    Kết luận:

    "Đắt xắt ra miếng" có lẽ là câu tục ngữ phù hợp nhất để miêu tả ASUS Prime X299-Deluxe. Đúng như cái tên của mình, chiếc bo mạch chủ này đã chứng tỏ đẳng cấp "hạng sang" của mình. Không những thế, chiếc bo mạch chủ này còn gây ấn tượng bằng chiếc màn hình OLED có thể được tuỳ biến theo ý thích giúp tăng khả năng cá nhân hoá của sản phẩm. Với hiệu năng đã được khẳng định, ASUS Prime X299-Deluxe sẽ là một lựa chọn rất đáng giá nếu bạn đang hướng tới xây dựng một cấu hình X299 cao cấp.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ